Bảo Minh đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành xin chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Kính mời tất cả mọi người đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Thưa Phật! Chúng con hôm nay thành tâm ngưỡng cầu lên ba ngôi Tam Bảo, nguyện hồi hướng cho đệ tử Bảo Duy có đầy đủ phước báu được lành bệnh, khoẻ mạnh, an vui, mau lớn. Chúng con cũng nguyện cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ.
Nguyện cho mỗi người đệ tử chúng con luôn tinh tấn tu học Mật thiền chánh pháp, Chánh niệm hơi thở, lan toả yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành thiện tích đức, quán chiếu các pháp đều Vô thường, Khổ, và Vô ngã. Chúng con cũng nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc.
Các bạn ơi, giữa dòng đời bận rộn lắm, chúng ta hãy cùng với nhau hướng về Phật và ngồi xuống thong dong tự tại, buông thư. Chúng mình cùng trở về với hơi thở của Chánh niệm, an trú tâm trong hơi thở này. Khi hít vào bằng mũi, chúng ta biết và ghi nhận thật rõ hơi thở đi vào, xuống thật sâu ở dưới bụng. Khi thở ra một cách chậm rãi, ta cũng phải biết và ghi nhận thật rõ hơi thở ra hóp bụng vào. Đồng thời tổng trì mật ngôn, quán chiếu tâm Từ bi, tâm Trí tuệ, tâm Tỉnh giác, và tâm tánh Thiện lành. Từng giây phút quán chiếu như vậy, ta sẽ đón nhận được năng lượng từ chư Phật để lan toả hồi hướng cho tất cả mọi người. Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái.
Hãy bắt đầu hít bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U. (07 lần)
Các bạn đồng tu thân mến, đã là con người và cuộc sống hiện tại (không nói về quá khứ), ngay bây giờ lúc này, xã hội sẽ thay đổi khác trong từng giây. Chỉ một chút xíu thôi, là chuyện gì cũng thay đổi. Thay đổi nhanh quá, gây chóng mặt. Cuống cuồng trong dòng trôi của cuộc đời này, tất bật trong những suy toan, tính toán, va chạm xảy ra là chuyện thường. Vốn trong tâm của ta có cái chất liệu của sự bùng cháy là tâm sân. Vốn trong tâm của chúng ta có cái chất liệu vơ vét là tâm tham. Và vốn trong tâm của chúng ta thiếu ngọn đèn trí tuệ nên u tối bởi si mê. Tham – Sân – Si là ba chất liệu tồn tại từ xưa đến giờ trong chúng ta. Thì các bạn hỏi thử coi, làm sao mà chúng ta không tạo ra tội lỗi? Làm sao mà chúng ta không sa ngã vào những con đường lầm lỗi của tham, sân, si? Làm sao mà chúng ta không có tạo ra những cái bất thiện nghiệp? Làm sao mà không có nghiệp chướng lui tới, vùi dập? Chúng ta là con người, là phàm phu, tội lỗi nhiều, phạm lỗi nhiều. Sự phạm lỗi và tội lỗi này là lẽ thường, nhưng nếu chúng ta biết sám hối để nhìn ra những tội lỗi của mình, biết xấu hổ và biết dừng ngay những cái tội lỗi, mình nhận ra, sửa, làm điều thiện. Cái sự bình thường đó nó trở thành phi thường, bởi ta là người đã nhận ra lầm lỗi, sửa, ngừng và tiến lên – phi thường. Từ bình thường, chuyện của con người mà, phạm lỗi mà, ta trở thành phi thường. Còn nếu như từ cái chuyện “bình thường” đó mà ta coi thường, không chịu nhìn nhận ra những cái lỗi lầm của mình để cảm thấy xấu hổ, từ bỏ, ngưng ngay, mà cứ cúi đầu làm bừa làm bậy, cái chỗ bình thường đó trở thành dị thường. Và những chuyện gì mà gọi là dị thường đều sẽ đem lại hậu quả xấu. Dị thường nhất là cái kiểu không nhìn ra cái lỗi lầm, không còn bình thường nữa đâu, chuyện đó đáng khinh thường.
Mùa Vu Lan đang hiện hữu trong tháng này. Nhớ lời của Đức Phật để đền ơn đáp nghĩa các đấng bậc sinh thành, ai trong chúng ta cũng đều thường sám hối ở chùa, ở nhà, ở tịnh thất, ở cái không gian nơi bàn thờ Phật, tổ tiên, ông bà, tĩnh lặng sám hối. Để niệm Phật, để tụng kinh hoặc tu theo những pháp môn phù hợp để tích phước, hồi hướng cho ông bà (nếu như đã mất), như một phần ân nghĩa trả hiếu – hiếu ân đó. Còn nếu như cha mẹ ông bà còn sống với chúng ta, chúng ta sám hối để không tạo ra những sự sai trái, lầm lỗi với các ngài, tác khởi tâm ý tốt đẹp hơn để đối xử với các ngài bằng cái lòng thật kính trọng, tri ân. Đạo nghĩa làm người tốt đẹp từ đây do chính sám hối.
Sám hối có nhiều cách, nhưng tựu chung có hai cách. Một là sám hối sẽ làm nhẹ tâm, bớt nghiệp chướng. Hai là, sám hối sẽ làm sạch nghiệp, không tạo nữa và chuyển hóa được nghiệp. Sám hối như thế nào sẽ tạo được điều đó. Còn ngược lại, sám hối không đúng, nghiệp càng nặng mà chỉ là trò hề cho thế nhân.
Đức Phật dạy về cái kinh Tàm Quý, đó là một mặt về sám hối. Phải biết sám hối, nhìn thấy, nhận ra tội lỗi, xấu hổ để sửa, trong kinh Tàm Quý Phật dạy như vậy. Và rõ hơn nữa trong kinh về ba hạng người, Đức Phật dạy thật rõ về ba hạng người trong cách sám hối. Hạng thứ nhất là đi từ sáng vào sáng. Hạng người này thường là những bậc A-la-hán, những bậc Bồ Tát, những bậc đã tu nhiều đời, đã có trí tuệ sáng rồi. Các Ngài không còn tạo ra tội lỗi nữa, tâm trí đã sáng, tuệ khí đã bừng tỉnh rồi. Ngài đi từ chỗ sáng đó vào con đường đạo sáng hơn. Hạng thứ nhất này không có phần của chúng ta. Hai hạng sau có phần của phàm phu. Hạng thứ hai là đi từ tối vào sáng, tức là như Bảo Thành và các bạn, và nhiều nhiều vị tội lỗi nhiều, phạm lỗi nhiều đó là tối. Rồi sám hối, cảm thấy xấu hổ, nhìn ra tội lỗi của mình, ngừng, không tạo nghiệp nữa. Phát tâm hành thiện tích đức, tu tâm, giữ năm giới, hành thập thiện, quán chiếu, phát triển tâm trong Chánh niệm hơi thở. Hạng thứ hai này rất tốt bởi đi từ tối vào sáng. Hạng này là hạng biết sám hối, hạng tốt đây. Như các bạn và Bảo Thành mỗi ngày không phải ngồi đó sám hối, nhưng chính vì cái tâm của mình thanh tịnh, an trú trong Chánh niệm hơi thở, mang cái tâm Từ Bi rải xuống muôn loài, đón nhận năng lượng từ ái của Chư Phật, thắp sáng tuệ giác của mình, nhìn cho rõ, rồi sống tỉnh thức hơn, hành việc thiện. Đó là ngừng ác rồi, hành thiện cũng là một cái sáng vi diệu. Sám hối vi diệu lắm các bạn. Hạng người thứ ba là đi từ tối vào tối, nghĩa là chẳng tin vào nhân quả, chẳng tin vào Phật pháp, chẳng tin vào chân lý, tội lỗi, sai đúng. Họ không nhận ra được cái nào đúng, cái nào sai. Họ sai, họ càng làm sai. Họ tội lỗi, họ phạm lỗi, họ càng phạm lỗi và tội lỗi. Họ sống bất cần, chẳng tin nhân quả, chẳng tin trời Phật, chẳng tin tôn giáo nào hết. Đây là tối đi vào tối, đọa đày muôn thuở.
Nói cho nhẹ nhàng hơn, sám hối có hết tội không? Thưa các bạn, nếu đúng sẽ hết tội. Các Chư Tổ nương vào kinh Tàm Quý và kinh ba hạng người Đức Phật dạy, vì thương xót chúng sanh, hàng đệ tử đời sau thiếu thời gian tu tập, bận rộn quá và đầu óc cũng lù mù, u tối, nên mang kinh của Phật chiết xuất ra, lập thành những cái bài sám chi li, để cho hàng đệ tử chúng ta đọc các bài sám, như Thủy sám, sám Di Đà, sám Lục căn, … Nhiều lắm! Để làm gì, để căn cứ theo những điều Tổ chiết xuất ra chi li mà ta đọc, ta tụng, ta nhận ra rằng ta đã có lỗi, ta đã phạm lỗi, ta có tội. Rồi từ đó mà ngừng hẳn không tạo những việc đó nữa. Cảm thấy xấu hổ, ngừng không tạo nữa. Khi ngừng tạo nghiệp, đây là sám hối hết tội – tốt! Cũng như ta không biết ta bị bệnh gì, tới bác sĩ, bác sĩ khám bệnh chỉ ra nguyên nhân rồi dạy cho ta đừng ăn uống tầm bậy hoặc ngăn ngừa, thì những bài sám là những bài thuốc kê toa của Phật. Chúng ta tụng đọc là đọc các cái toa mà tổ liệt kê ra để ta biết rằng ta đừng làm nhiều chuyện như vậy, tạo ra tội, có lỗi. Hoặc ta nhìn thấy cái toa kê ra, hóa ra ta tội lỗi bởi cái chỗ này. Từ đó mà ngừng, và tạo việc thiện. Cho nên sám hối cái kiểu, nhìn ra tội lỗi, ngừng hẳn không tạo nữa và tiếp tục hành các pháp thiện, giữ trọn năm giới thì bảo đảm mọi nghiệp của các bạn đều nhẹ, đều hết.
Nhưng cái quả của nghiệp xấu vẫn trổ các bạn à! Cái gương thật rõ là trong đời của Đức Phật, có một ông tội đồ rất là nặng, ông đó là ông Vô Não, nghe theo những bậc thầy tà, muốn tu luyện thần thông cái thế. Cũng như chúng ta thường nghe về dư luận ở đời nói về Thiên Linh Cái, giết người hoặc là nuôi ma con. Giết người, tập tu các cái pháp tà để có thần thông. Thì ông Vô Não, ông ấy cũng nghe theo các bậc thầy tà đi giết người, rồi lấy các cái lóng tay đeo lên trên cổ để có thần thông. Mà phải giết được đúng một ngàn người, có một ngàn cái lóng tay đeo vào cổ để có thần thông, đó là pháp tà. Chỉ còn một vài lóng tay nữa là ông ta đủ, không tìm ra người để giết, ông ta quay trở về tìm mẹ để giết mẹ của mình, để cho đủ. Nhưng Đức Phật đã tới độ ông ấy, nói ông ta hãy ngừng ngay và từ bỏ cái con dao ác từ tâm Tham – Sân – Si, luyện pháp tà có thần thông. Nhờ có tình thương của bậc giác ngộ, nhờ sự khai thị của Đức Bổn Tôn Như Lai mà ông Vô Não đã nhận ra từ bỏ. Và ông ta chấm dứt tạo nghiệp, tu các pháp thiện của Phật dạy và trở thành một bậc A-la-hán. Tuy nhiên, các cái nghiệp cũ hồi xưa ông ta tạo vẫn trổ quả. Vì vậy là một vị A-la-hán rồi, trên con đường hành đạo, ông ta vẫn bị người ta tìm, đánh đập, ném đá. Và cuối cùng là cái quả của những nghiệp ác ông ta tạo ra đã trổ để ông ta bị chết bởi người ta đánh đập. Nhìn vào cái gương thật rõ này chúng ta thấy, sám hối phải hiểu cho thật rõ. Các bạn đừng nghĩ chúng ta sám hối đúng là mọi nghiệp đều tiêu tan. Bạn đánh một người gãy răng, gãy xương, rồi tới xin lỗi là hết. Đâu có! Người ta có thể tha lỗi cho bạn, nhưng cái vạ là gãy tay, gãy răng của người ta bạn phải đền, gọi là đền tội. Bạn phải mang họ đi bác sỹ, chứ không phải xin lỗi không. Bạn mang họ đi bác sỹ răng để trồng răng cho họ, bác sỹ bó xương lại cho hết bệnh. Rồi bạn lại còn phải đền tiền trong những ngày tháng họ không làm được để nuôi họ, nuôi gia đình họ, đó gọi là đền tội. Chính các sự đền tội đó bằng cách bạn đã làm việc thiện đối với người bạn tạo ra ác đó, nó đền bù tội lỗi cho bạn. Còn nếu bạn không làm việc đó, thì không hết tội. Ngược lại nhiều quả nhiều đời, nghiệp ác tạo ra sẽ trở lại trổ quả, bạn phải chịu như ông Vô Lão.
Các bạn hãy nhớ, sám hối là nhìn, ngồi quán chiếu, nương vào các bài sám, nhận diện được những điều sai ta đã tạo ra, ngừng! Thì khi ta ngừng, không lặp lại chuyện đó nữa, ta đã không còn tạo nghiệp ác nữa. Mà người không còn tạo nghiệp ác như kẻ gánh nặng trên vai mà không chất chồng đá lên thì sẽ được nhẹ thôi. Cho nên sám hối được nhẹ tội chính là ở ý nghĩa này. Có nghĩa sám hối, ngừng tạo nghiệp bởi hiểu rõ: không tạo nghiệp thì không còn chất chồng nghiệp lên trên vai, nhẹ thôi. Nhưng những cái tảng đá ở trên vai ta còn ôm, tảng đá của Tham – Sân – Si ta còn ôm, thanh kiếm của Tham – Sân – Si ta còn đâm, còn đâm chém ngang chém dọc thì làm sao? Ta còn tội còn nghiệp, bây giờ phải bỏ đá xuống, buông bỏ như Phật dạy ông Vô Lão: “Buông bỏ cái thanh kiếm Tham – Sân – Si đi con” và ông ta ngộ ra, ông ta đã buông, nên nhẹ tội, nhẹ nghiệp.
Các bạn, những bài kinh sám hối trong những ngày ta tu tập với nhau tại Chùa, Tịnh thất hoặc tại nhà đều làm ta nhẹ tội hết. Bởi mỗi một lần như vậy, kẻ ngu si như Bảo Thành và các bạn lại được sáng tâm nhìn rõ lỗi lầm của mình, do những bài sám Chư Tổ thiết kế như một toa thuốc để nhìn rõ, ngăn ngừa không tạo ra cái bệnh nghiệp của những lầm lỗi. Đó là phương pháp sám hối tuyệt vời. Có thật nhiều các bài sám, sám Di Đà, Thủy sám, sám Lục căn, nhiều sám lắm. Như Ngài Phổ Hiền: tứ giả sám hối nghiệp chướng, tức là điều thứ tư quan trọng là chúng ta phải biết sám hối nghiệp chướng của mình. Các bậc A-la-hán, các vị Bồ Tát, Chư Phật, Chư Tổ, tìm đủ mọi phương kế, diệu dụng mọi phương tiện để hướng dẫn chúng ta sám hối mà nhẹ tội, rồi hành thập thiện giữ giới để sạch tội. Hành thập thiện sẽ sạch tội các bạn. Vì sao? Bạn tăng trưởng được phước báu và công đức. Chính phước báu, công đức đó là những nhiên liệu để đền bù những tội lỗi bạn đã tạo ra từ kiếp trước, từ lúc trước. Cho nên nếu bạn sám hối có nghĩa nhận ra lỗi lầm, không còn tạo nghiệp nữa, mà bạn không hành thiện thì bạn không thể trả nghiệp ác bạn đã tạo ra. Cho nên hành thập thiện là điều tối quan trọng trong hàng phàm phu Phật tử như Bảo Thành và quý vị để đền bù tội lỗi của mình, để chuyển hóa nghiệp chướng của mình. Hành thập thiện đơn giản. Trong ngũ giới mình nói sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống nghiện các chất say. Nếu không phạm vào năm giới đó, ngược lại ta phóng sanh, ái ngữ thiện lành, trân trọng mọi người, đối xử công bằng, không nói dối, không nói thêm, không nói bớt, không vọng ngữ, không đâm thọc, biết an ủi, chia sẻ, giúp đỡ mọi người, gọi là từ thiện, bố thí, phóng sanh, cúng dường, hiếu đạo, đơn giản, tóm gọn. Biết làm được những việc đó và ngừng tạo các lỗi lầm thì bạn thật sự sẽ chuyển được nghiệp quá khứ. Như một ly muối thật mặn, đó là nghiệp của mình, nhưng bạn đổ thật nhiều nước vô, nó loãng dần. Khối nghiệp nặng nhiều kiếp ta tạo ra, nay ta đổ nước Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, Thiện Lành qua các pháp thiện ta tu, thì nghiệp đó sẽ loãng ra, sẽ được bào mòn, sẽ dần dần tan biến. Còn nếu các bạn sám hối mà không hành thiện, không Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, Thiện Lành thì sám hối đó chỉ là ngừng tạo nghiệp mà thôi, chứ không thể chuyển nghiệp, không thể hết nghiệp được.
Hôm nay chia sẻ như vậy, để trong mùa Vu Lan này, mọi người cố gắng sám hối kèm theo mười pháp thiện lành, nói gọn hơn là hành thiện bỏ ác. Từ thiện, bố thí, cúng dường, hiếu đạo, những chuyện đó các bạn đồng tu ta vẫn làm, hãy siêng năng. Và trong Mật thiền chánh pháp, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, Thiện Lành là chúng ta đã ngừng tạo nghiệp được rồi. Nay chỉ cần làm việc thiện nữa thôi, là chúng ta sẽ chuyển nghiệp từ từ. Như đổ nước vào tô muối mặn, nó sẽ loãng dần. Như mang phước đức, phước báu bào mòn đi khối nghiệp chướng nhiều đời ta đã tạo, ta sẽ nhẹ nhàng, và nghiệp dần dần sẽ mòn nha các bạn.
Các bạn ơi, chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Trong kinh Tàm Quý và kinh Ba hạng người cùng tất cả các bài sám Chư Tổ lập ra như một toa thuốc để kẻ phàm phu, tội lỗi, u mê, khờ khạo như chúng con căn cứ vào đó, ngăn ngừa tội lỗi và tạo ra phước báu, công đức, đền bù những nghiệp chướng nhiều đời chúng con đã tạo. Xin gia trì cho chúng con hiểu thấu hành được để được nhẹ nhàng tâm thức mỗi ngày.
Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U. (07 lần)