Search

4090. Để Không Hoảng Loạn Khi Mắc Bệnh Hiểm Nghèo

Trần Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta trong giờ phút này hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tin sâu nhân quả, lan tỏa yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu để nhận ra các pháp đều là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Đặc biệt cầu cho thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, các bạn hãy cùng với Bảo Thành hãy ngồi xuống, ngồi xuống buông thư nhẹ nhàng đưa tâm trở về với hơi thở của chánh niệm. Hít vào phình bụng, ta biết, biết thật rõ, ghi nhận thật rõ mọi cảm xúc, mọi tư tưởng, suy nghĩ, thở ra ta hóp bụng, biết thật rõ và ghi nhận rõ mọi cảm xúc và suy nghĩ. Đồng thời đưa tâm quán chiếu với tánh biết nhận rõ năng lượng yêu thương vốn có trong ta, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, nhìn ở trên màn hình của zoom, Bảo Thành rất hạnh phúc khi thấy các bạn đông đủ, miên mật tinh tấn tu hành mật thiền chánh pháp và các mẹ trẻ luôn luôn trong giờ phút này vẫn ôm con kiên nhẫn trên màn hình, như Bảo Thành thấy được bé Duy con cô giáo Hương hoặc cháu con của Bảo Ngân. Nhìn thấy các cháu ngồi gọn trong lòng của hai mẹ trong lòng tươi vui, vui, chẳng biết sợ gì. Quả thật đời sống này có biết bao nhiêu sự sợ hãi luôn xảy ra đối với mỗi người, trong lẽ vô thường tới lui chẳng ai có thể nắm chặt được những điều mình mong muốn, biết được tương lai, hiểu thấu chuyện gì xảy ra, vô thường mà. Do đó sự sợ hãi luôn có, rất may như bé Duy và cháu của Bảo Ngân luôn có mẹ ôm ấp trong vòng tay che chở, các cháu hồn nhiên chẳng biết sợ gì.

Có bao nhiêu sự sợ hãi đã tới rồi, nhưng hầu hết mọi sự sợ hãi vẫn là sợ hãi rất bình thường, chỉ khi nào chúng ta bị những chứng bệnh hiểm nghèo mấy ai có thể nói bình tâm được. Nói đừng sợ là một chuyện, nhưng nếu bạn không tu luyện ai mà không sợ? Bị bệnh hiểm nghèo trong cuộc đời khi phát hiện bởi bác sĩ ai cũng sợ lắm, con người mà ai không tham sống sợ chết, lẽ đời thường chẳng tránh khỏi. Bảo Thành và một số các bạn có nhân duyên đã gặp gỡ các bạn đồng tu, hay một số quý ông bà, cha mẹ, người thân hoặc là những người dưng bị bệnh hiểm nghèo trong các chuyến đi thăm, thấy những người bệnh hiểm nghèo sợ hãi và đau khổ lắm. Khi mắc phải những chứng bệnh hiểm nghèo người ta từng nghĩ rằng không bao giờ bị đó, nay bác sĩ nói bị bệnh rồi, như ung thư, như chỉ còn một thời gian nữa thôi. Ông cụ của Bảo Thành hồi xưa đang khỏe đi khám bác sĩ phát hiện ung thư, bác sĩ phán lâu là 6 tháng, nhanh chỉ trong chốc lát chẳng biết chừng.

Khi bị bệnh hiểm nghèo ta thường chối bỏ lời bác sĩ chẩn đoán, không bao giờ chấp nhận. Từ sự chối bỏ không chấp nhận đó ta chẳng muốn cận kề bác sĩ chăm sóc, lắng nghe những vị am hiểu về y học khuyên bảo, trị liệu. Thái độ chối bỏ này không tốt đâu, khi như vậy bệnh hiểm nghèo nghe được, tâm lý chối bỏ là thường. Lúc ấy người bị bệnh rất cần sự nâng đỡ, dìu dắt của các bậc thiện tri thức, của những người thân trong gia đình, của bạn bè an ủi, họ không chấp nhận. Do đó cần sự giúp đỡ và tốt hơn là chúng ta cần phải học chấp nhận những lẽ vô thường mà Đức Phật dạy trong Tứ Thánh Đế sinh – lão – bệnh – tử bệnh tật là lẽ thường, đương nhiên ai cũng phải bị. Nếu không quán chiếu để nhận rõ sự vô thường bệnh tử thường xảy ra, luôn xảy ra không trốn tránh được, thì khi gặp ta hay chối bỏ không chấp nhận, rất nguy hại cho đời sống tinh thần và làm trễ đi sự chẩn trị, can thiệp của y học.

Trong mật thiền ta thực tập chánh niệm hơi thở để theo dõi mọi cảm xúc, mọi cảm giác và suy nghĩ, đón nhận những cảm xúc, cảm giác, suy nghĩ đó bằng tánh biết, bằng sự chân thành, bằng tâm chân thật, chân thật với cảm xúc của mình. Do đó ai nếu bị bệnh hiểm nghèo đừng chối bỏ, mà hãy quán chiếu cảm xúc của mình và nhìn nhận một cách chân thật, nhìn nhận một cách chân thật. Quán chiếu cảm xúc trong chánh niệm hơi thở, nhìn nhận một cách chân thật sẽ tạo ra một sức mạnh tinh thần thật cao. Để ta có được sự bình tĩnh không lo sợ, vì sao khi mắc bệnh hiểm nghèo ta thường chối bỏ? Từ chối bỏ không được thì đâm ra sợ hãi, rồi sợ hãi quá đâm ra bực, giận, sân si. Đây là ba trạng thái cảm xúc của người bị bệnh thật khó nuông chiều, khó nuôi bệnh. Bệnh hiểm nghèo thường chối bỏ căn bệnh của mình, thường lo sợ và sân giận. Ngoài sự giúp đỡ của bác sĩ, của y tá, của người thân, mấu chốt vẫn là người bệnh cần phải thực tập. Nếu chưa từng thực tập trước khi mắc bệnh, thì khi mắc bệnh cần phải gặp được những nhà tâm lý trị liệu, tâm linh trị liệu, bậc thiện tri thức khai thị, hướng dẫn. Để người đó đi trở về với hơi thở của chánh niệm, quán chiếu và nhìn cho rõ cảm xúc của mình, để không còn chối bỏ, lo sợ và sân giận.

Ai cũng tham sống sợ chết mà, Bảo Thành từng gặp một số quý vị khi bị bệnh ung thư, giây phút cuối an ủi, giúp đỡ, trấn tĩnh lại thân tâm, họ rất vui trong những giờ phút cuối cùng. Bằng chứng do ông cụ của thầy khi bị bệnh, biết còn 6 tháng nhưng trong lòng nghĩ rằng chỉ còn thời gian ngắn, mà đúng vậy, vỏn vẹn trong một tháng cụ đã mất. Nhưng trong suốt tháng nằm trên bệnh ông cụ vẫn tỉnh táo, vẫn vui, chẳng một chút sợ hãi cái chết đang tới dần. Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy mọi sự sợ hãi, khổ ưu đều đến từ sự tham ái. Kinh Pháp Cú nói:

Tham ái sinh sợ hãi

Tham ái sinh khổ ưu

Ai thoát khỏi tham ái

Không sợ hãi khổ ưu.

Đúng vậy, là con người ai không tham sống và sợ chết, dĩ nhiên sự tham sống sợ chết đó sẽ tạo ra sợ hãi và phiền ưu, bệnh hiểm nghèo là kẻ thù số 1 giết chết mọi người trên thế giới này thật nhanh trong từng giây, từng phút.

Chúng ta hôm nay quá may mắn được tiếp cận với lời Phật dạy, để ngay lúc này đây ta còn được khỏe, còn được vui, còn được niềm tin vào chánh pháp. Có thể người thân của chúng ta như con cái mắc bệnh hiểm nghèo, như ai đó mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng riêng ta vẫn khỏe mạnh. Thì chúng ta cần phải tinh tấn hơn tu luyện mật thiền chánh pháp Phật, lấy hơi thở chánh niệm làm gốc đưa tánh biết trở về quán chiếu mọi cảm xúc. Như Đức Phật dạy sinh – lão – bệnh – tử, có sinh, có già, có bệnh và có chết, quán chiếu dòng sanh diệt của mọi cảm xúc sinh ra, khởi lên. Rồi mọi cảm xúc đó ảnh hưởng tới tâm ta như thế nào ta không sao hết, cứ quán chiếu đón nhận, nhìn, biết, ghi rõ, cộng hưởng với hơi thở vào ra. Nhận ra trong ta năng lượng tình thương vốn có rất mạnh, lấy năng lượng của tâm Từ bi Mu A Mu Sa tưới tẩm lên những vùng tăm tối cảm xúc, sợ hãi, lo âu kia của mình và của những người thân. Năng lượng đó rất mạnh sẽ chuyển hóa được sự sợ hãi, đau khổ và làm cho người bệnh có được sự bình tĩnh, an vui. Thái độ bình tĩnh an vui trong cảm xúc đang nhận diện thật rõ qua chánh niệm hơi thở của người bệnh, cũng như người thăm bệnh hoặc người thân sẽ giúp cho môi trường sống tốt đẹp hơn về tâm linh, về tinh thần và về sức khỏe.

Các bạn, Đức Phật dạy cho chúng ta phải biết đón nhận những hiện tượng rất thật, rất chân trong đời người đó là già, bệnh rồi chết. Ai trong chúng ta cũng không thể chống được đâu. Phong tục Việt Nam và phong tục người Á Đông rất sợ trực diện với bệnh, cái già và cái chết, vì khi nói tới già, bệnh rồi chết là xui xẻo nên trốn tránh. Phật, đấng giác ngộ là bậc thầy dạy cho chúng ta phải nhìn nhận, đó là sự thật của lẽ vô thường không trốn được. Nên ngay khi còn khỏe tập quán chiếu, nhìn nhận, biết rõ, thấu rõ, hiểu rõ. Biết rõ, thấu rõ, hiểu rõ về cái bệnh, cái già, cái chết trong vòng sanh diệt của ta, của mọi loài mọi vật, ta sẽ an yên, ta sẽ thoát khỏi tham ái. Sự tham sống sợ chết không còn, bởi đó là lẽ thường tình nên ta an hưởng trong từng giây phút với từng nhịp thở của chánh niệm vào ra. Ta cần phải tu tập thật sự mới có công năng đó để trị liệu cho sự sợ hãi của chúng ta, còn không khi bị bệnh hiểm nghèo ai cũng hoảng sợ, sân giận, khó chịu, lo âu quá đáng, rồi không chấp nhận bệnh đó, chẳng chịu trị liệu.

Ngày nay những người bị bệnh cần phải học cách gần gũi với các nhà y học đông tây, nghiên cứu thật rõ căn bệnh của mình, làm quen và chân thật thú nhận bệnh của mình, chấp nhận bệnh của mình, tâm sự với bác sĩ y tá, tâm sự với những người thân trong gia đình để được chia sẻ nhẹ sự lo âu sợ hãi trong tâm hồn. Hãy học cách chân thật với cảm xúc của mình trong mật thiền, dù bạn bị bệnh ngặt nghèo hay gặp những trường hợp ngặt nghèo, mật thiền chánh niệm hơi thở vẫn luôn là chìa khóa để ta trải lòng ra với mọi người, sống chân thật với cảm xúc của chính mình. Những người còn khỏe như chúng ta hãy nhớ khi ai đó ta quen biết hoặc không quen biết, nếu có duyên gặp gỡ họ khi họ mắc bệnh hiểm nghèo, hãy mang tình thương thật lớn vốn có trong ta để san sẻ, để thăm hỏi. Bởi phúc cho những ai biết thăm viếng người bệnh hiểm nghèo, vì tâm chân thật của họ được hiển lộ và Phật tánh được khai mở để họ diện kiến Như Lai trong lòng của mình, phúc báu vô cùng. Chúng ta mang phúc báu khi còn khỏe san sẻ với người khác, ta và người đều tận hưởng được phước báu thật lớn.

Các bạn thân mến, không thể chờ đến khi các bạn nhận ra cái tin hoặc nghe được tin của bác sĩ cho chúng ta biết bệnh hiểm nghèo, mới đương đầu với cảm xúc sợ hãi đó của căn bệnh. Mà ngay bây giờ theo lời Phật từng hơi thở mang tâm Từ bi, tánh biết quán chiếu sự sanh diệt từng giây, từng phút nơi thân người này, nơi suy nghĩ của chúng ta, nơi cảm xúc của chúng ta. Đừng sợ các bạn, đừng sợ nghĩ về sự chết, đừng sợ nghĩ về cái bệnh, cái già. Khi bạn biết quán chiếu bằng tâm Từ bi, tức là nhìn vào cái già, nhìn vào sự chết, nhìn vào cái bệnh nơi thân xác này đây bạn sẽ không còn tham ái với thân xác làm người mãi mãi. Mà bạn sẽ khai mở cái nhìn rộng lớn hơn rằng thân này chỉ là phương tiện và thế tâm ta được làm chủ trong chánh niệm tỉnh giác, nhìn sâu sắc hơn về chính mình. Quán chiếu sự chết, quán chiếu những căn bệnh hiểm nghèo, quán chiếu sự già nua mỗi ngày trong chánh niệm hơi thở, là ta được khỏe ra, ta được tươi ra, ta được trường thọ. Vì trong chánh niệm tỉnh giác như Phật dạy chỉ một sát na trong cuộc đời hiểu thấu được nhân quả vô thường, thể nhập vào chánh niệm hơi thở, giây phút sát na đó là sự trường thọ vĩnh cửu. Còn sống cả trăm năm mà sợ hãi bệnh tật, sợ hãi già nua, sợ hãi sự chết nó vẫn tới thôi. Nhưng ta sống như thế sẽ khổ vô cùng và rồi sẽ bị đày đọa trong đau khổ.

Mật thiền không chối bỏ sự thật của vô thường, mật thiền là nhìn vào trong sự vô thường đang tồn tại, đang phát khởi nơi đây bằng chánh niệm hơi thở. Mật thiền dẫn đưa chúng ta qua hơi thở chánh niệm, sống chân thật với cảm xúc của mình. Cảm xúc có vui, cảm xúc có buồn, cảm xúc có sân giận, có yêu thương, cảm xúc có lo sợ, đủ mọi thể loại cảm xúc luôn luôn có nơi ta. Nếu chân thật với cảm xúc của mình trong chánh niệm hơi thở tỉnh giác, thì mọi cảm xúc đó chỉ là những cơn gió thoảng qua rồi đi. Còn nếu ta không chân thật quán chiếu, nhìn nhận, ghi biết, hiểu thấu cảm xúc, thì mọi cảm xúc kia như sợi tơ mà con nhện giăng ra, rồi giăng tơ, giăng tơ, rồi cột mình vào tơ, tơ khổ ưu, phiền não và sợ hãi. Mỗi một cảm xúc là một sợi tơ, nếu không quán chiếu nhìn rõ thì nó biến thành sợi xích cột chặt chúng ta. Còn quán chiếu thật rõ nó chỉ là một cơn gió thoảng qua, chẳng có gì để sợ, gió hè thoáng qua tươi mát cuộc đời, mọi cảm xúc cũng chỉ là thế.

Nói cho cùng để có được trạng thái an yên như Kinh Pháp Cú nói tham ái sinh khổ đau, khổ ưu và sợ hãi, ai mà thoát khỏi tham ái, thì không khổ đau, khổ ưu và sợ hãi, lo lắng. Để thoát khỏi sự tham ái ta cần phải chánh niệm tỉnh giác, quán chiếu một cách chân thật những cảm xúc của chúng ta. Bạn hãy nhớ nếu mình nhìn rõ trong chánh niệm tỉnh giác, cảm xúc của chính mình là bạn đang tưới tẩm sự sống của bạn cho tươi ra mỗi ngày. Chẳng lựa chọn cảm xúc tốt để ôm ấp, níu kéo, chẳng gạt bỏ đẩy lùi những cảm xúc xấu. Cảm xúc dù xấu tồi tệ hay tốt cũng chỉ là cảm xúc, hãy nhìn, ghi nhận cho rõ và trở về với chánh niệm của hơi thở bạn sẽ tỉnh giác, có năng lượng ngay đó phát sinh để chuyển hóa mọi khổ đau, làm cho bạn an vui và tự tại.

Sự tập luyện rất cần trong đời sống cho mỗi người và sự tu luyện của chúng ta cũng mang lại lợi lạc vô cùng cho những người thân, những người trong gia đình hoặc ai đó ta có duyên gặp được họ. Bạn đã từng thấy những người mắc bệnh hiểm nghèo rồi, hỏi thử coi bạn có thể làm được gì để giúp đỡ họ? Bạn đã thăm viếng, bạn đã chăm sóc, bạn đã nâng đỡ về vật chất, bạn đã ở đó, ngay đó là chỗ dựa tinh thần cho họ. Nhưng nếu bạn không tu luyện trong chánh niệm của hơi thở, bạn sẽ bị ô nhiễm sự sợ hãi của người bệnh. Nhưng chánh niệm hơi thở tỉnh giác luôn thừa miên mật tu luyện bởi bạn, thì bạn chính là chỗ dựa vững chãi cho những ai bị bệnh.

Các bạn thân mến, Đức Phật dạy quán chiếu trong chánh niệm hơi thở, nhìn rõ và chân thật với cảm xúc, thường xuyên phải quán chiếu sự sanh diệt, sự chết đang xảy ra nơi thân của ta. Phải nhìn nhận một cách chân thật mọi cảm xúc khởi lên trong tâm của mình, trong thân của mình, đừng sợ hãi. Học Phật phải nghe lời Phật dạy và thực tập những lời Phật hướng dẫn, chúng ta sẽ trở thành những chiến sĩ, những dũng sĩ thật mạnh để đương đầu với sự sợ hãi của những căn bệnh hiểm nghèo nơi chính mình nếu mắc phải, hoặc ít nhất trở thành chỗ dựa vững chãi cho những ai đang bị bệnh. Chúng ta có khả năng làm được việc đó, quán chiếu xác thân này, thân xác này là phương tiện phải luôn luôn chi phối bởi thành trụ hoại diệt, có đó, già đi, bệnh đó rồi chết. Thấu rõ quy trình đó để làm chủ tâm và cân bằng cảm xúc, sống đời an vui, đừng đợi đến phút cuối.

Nói tóm lại để không sợ hãi khi mắc bệnh hiểm nghèo, ta hiểu được ba yếu tố của người mắc bệnh hiểm nghèo là thường chối bỏ, lo sợ và sân giận. Để đẩy lùi đi sự chối bỏ ta cần phải thực tập chân thật với cảm xúc của mình. Để đẩy lùi đi sự lo sợ ta phải thực tập quán chiếu tâm từ bi. Như bé Duy và cháu của Bảo Ngân ngồi trong lòng mẹ biết sợ gì nữa. Ta ngồi vào trong lòng của hơi thở chánh niệm, vững chãi như Thái Sơn, thong dong như mây trời, chẳng còn chút sợ hãi. Để chuyển hóa sự sân giận, cũng từ bi đó, sẽ làm thuyên giảm sự sân giận, sự lo sợ. Các bạn, chỉ có một con đường duy nhất thực tập chánh niệm hơi thở, để ta đón nhận căn bệnh hiểm nghèo, tiếp cận gần gũi với các nhà y học, gây mối quan hệ thân thiết, nghiên cứu, sẵn sàng chấp nhận sự điều trị của các bác sĩ và tự điều trị bằng chánh niệm của mật thiền. Cả hai cái về y học và tâm linh học đều hỗ trợ cho nhau để chúng ta không còn lo sợ khi mắc bệnh hiểm nghèo. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Lẽ vô thường thành trụ hoại diệt, sinh lão bệnh tử Phật đã dạy, nhưng chúng con chẳng bao giờ quán chiếu cho sâu sắc, sống hời hợt. Để khi nghe hoặc bệnh như căn bệnh hiểm nghèo tâm hồn hoảng sợ, sân giận, chối bỏ, tự làm khổ mình, khổ người thân. Xin Ngài gia trì cho chúng con trong khi còn khỏe đây biết chánh niệm tỉnh giác, quán chiếu và chân thật với cảm xúc của chính mình.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn