Search

4062. Xử Lý Phiền Muộn Bằng Năng Lực Thức Tỉnh

Bảo Đăng đánh máy

Dạ Mô Phật! Con kính bạch thầy ạ!

Dạ Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý ông bà, anh chị em và các bạn đang hiện diện trong phòng zoom của Phạm Gia Nutrition, một phòng zoom đặc biệt. Chia sẻ giá trị của cuộc sống về mọi mặt kiến thức cho sức khỏe của thân, của tinh thần và tâm linh. Cũng xin chào cô MC khả ái, lâu rồi hôm nay mới gặp lại cô, hiện tại Bảo Thành rất mừng bởi mới sáng sớm được anh Phạm Gia gọi nhắc nhở “Thầy ơi vô phòng zoom”

Nhắc nhở là những câu rất bình thường nhưng mang ý nghĩa cao của sự quan tâm tới với nhau. Cuộc đời này nếu không có sự nhắc nhở lẫn nhau trong tình thương, có lẽ chúng ta dễ quên.

Dạ thưa Bảo Thành hiện tại đang ở tiểu bang Minnesota nước Mỹ, một tiểu bang lạnh nhất của nước Mỹ này. Khi sống ở một tiểu bang rất lạnh như vậy, chính phủ luôn nhắc nhở mọi người dân cần phải chuẩn bị đầy đủ đặc biệt là vào mùa đông, quần áo ấm, điện, gas, nước, thức ăn dự trữ, để lỡ tuyết phủ đầy không thể ra ngoài hoặc đi chợ mua đồ ăn xăng vẫn đầy bình, gas vẫn đầy đủ và đồ ăn vẫn có dự trữ trong nhà. Tại tiểu bang này mùa đông kéo rất dài khoảng chừng tháng 10 đã có tuyết rồi, bão tuyết thật là nhiều, có thể kéo dài hàng tuần, tuyết có thể phủ kín đầu người, xe cộ rất khó đi. Nhưng vì sống ở đây lâu và nhờ có sự nhắc nhở của chính phủ thường xuyên, người dân đã quen cách sống và luôn luôn dự trữ, chuẩn bị thật là kỹ để xử lý khi mùa đông tới tuyết phủ đầy ngoài sân, xe ủi tuyết chưa tới không thể ra ngoài vẫn có đồ ăn.

Có lẽ sống lâu quen và nhờ sự nhắc nhở, mà mỗi một người dân sống trong tiểu bang này có trách nhiệm cao, chuẩn bị thật kỹ để xử lý cái lạnh băng giá tuyết phủ vào mùa đông. Hai câu xử lý rất bình thường, nhưng mà hầu hết chúng ta rất quen trong cuộc sống từ nhỏ cho tới lớn về mọi mặt phương diện, sự chuẩn bị thật kỹ trong bất cứ một cuộc hành trình nào trong cuộc sống hoặc đi làm, hoặc chỉ bước ra ngoài đường, hoặc đi chơi, đi camping, hoặc đi phượt, hội họp, tiệc cưới, hoặc đi dự các đám tiệc, chúng ta luôn luôn phải có một sự chuẩn bị để xử lý những trường hợp không như ý xảy ra.

Anh Phạm Gia sáng gọi vào zoom “Thầy ơi” đó là một sự nhắc nhở. Cuộc sống của chúng ta trong phòng zoom này được thăng hoa, bởi anh Phạm Hổ và anh Phạm Sơn, Phạm Gia Nutrition và tất cả chúng ta đã cùng đồng ý với nhau trên kênh zoom này để nhắc nhở nhau tăng trưởng kiến thức, chuẩn bị thật kỹ để xử lý những tình huống có thể xảy ra trong cuộc đời. Về sức khỏe của thân Phạm Gia nutrison luôn nâng cao kiến thức cho tất cả những khán giả nghe, để chúng ta chuẩn bị ngay cả những thứ đồ ăn, sự tập luyện thể dục thể thao hoặc những sự tư duy thiền định về tinh thần, tâm linh, để xử lý mọi tình huống không như ý xảy ra. Như cô MC là một huấn luyện viên, luôn luôn phải tự nhắc nhở bản thân của mình một huấn luyện viên về sức khỏe, giữ cho mình được khỏe, tập thể dục và luôn luôn sống tươi vui.

Tự nhắc nhở bản thân rất khó bởi chúng ta thường quen sự nhắc nhở người khác xử lý vấn đề, mà ít có khi nào tự nhắc nhở bản thân phải chuẩn bị để xử lý những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Mọi vấn đề trong cuộc sống có những sự việc xảy ra hầu hết ta có thể nhìn thấy, chạm thấy, biết được. Như mùa đông tuyết xuống, chúng ta biết cảm nhận được, cho nên vào khoảng tháng 10 tại tiểu bang này đã có sự chuẩn bị về thực phẩm và nước uống, dự trữ xăng, dầu, gas, để phòng hờ điện bị cắt khi tuyết phủ quá nhiều. Nhưng cũng có những trường hợp như chúng ta muốn chia sẻ ngày hôm nay, để có một sự xử lý toàn diện hơn khi nó xảy ra, đó là phiền muộn. Phiền muộn không như tuyết phủ để ta cảm nhận được, nó thấm như mưa dầm nhẹ nhàng thôi. Nhưng khi đủ độ rồi sự phiền muộn có thể chiếm cứ tinh thần của chúng ta, làm cho chúng ta đau khổ, phiền não, kiệt sức, mất ý chí và không còn lý trí sống trong cuộc đời này nữa.

Chuyện đó ngày nay ảnh hưởng thật nhiều vì cuộc sống vội, áp lực của cuộc đời và sự biến động quá nhanh ngoài xã hội cũng như cuộc sống của gia đình. Xã hội càng phát triển sự thay đổi càng nhanh. Sự thay đổi quá nhanh chúng ta càng bị áp lực thật nhiều. Do đó sự phiền muộn là căn bệnh của thời đại, dẫn đến sự trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến hạnh phúc của cá nhân, gia đình và ảnh hưởng đến xã hội toàn cầu. Xử lý phiền muộn không dễ như chúng ta cứ nói, nhưng ngày nay sự xử lý công việc, xử lý sinh hoạt trong gia đình, xử lý xã hội, tương tác hàng ngày được đặt ở hàng đầu quan tâm của xã hội, của gia đình, của mỗi cá nhân. Chúng ta đã thấy có những hiện tượng xảy ra quá nhanh, quá nguy hiểm mà xử lý không kịp, ảnh hưởng đến mạng người.

Mỗi một lần khi Bảo Thành về Việt Nam đi theo các bạn đồng tu hoặc quý thầy cô, hoặc thăm viếng các bạn, phải đi lên những trục lộ mà xe cộ đông như kiến, như nước chảy, rất hoang mang và sợ hãi. Mình không có lái xe nhưng ngồi bên cạnh rất sợ, bởi thấy xe cứ nhào nhào vô nhau, vì ở bên nước ngoài chạy theo thứ tự tốc độ có nhanh tuân thủ luật giao thông. Việt Nam mình tuân thủ thời gian, tốc độ giao thông lại nhanh, áp lực càng mạnh và đôi khi chúng ta quên trách nhiệm xử lý giao thông đúng luật, nhưng lâu dần cũng quen, ở đó quen. Một hôm Bảo Thành mới nhớ hồi xưa mình biết lái xe Honda nên mượn xe của một Phật tử lái thử, lần đầu lái rất là run bởi có những chuyện rất bình thường là đèn đỏ dừng lại mà người run, rồi những lúc mà quẹo trái xe bên nào cũng đâm ra rất là run. Có những trường hợp bên kia họ cũng quẹo mình cũng quẹo, ở trên cũng đổ xuống kẹt cứng ở ngã tư đó, run lắm, xử lý không kịp rất nguy hiểm. Lúc ấy mình chạy thật là chậm và mình nhường cho tất cả những ai muốn vượt qua, để rồi khi không còn hoặc là bớt đi, thưa đi mình mới quẹo theo ý muốn của mình.

Bảo Thành mang câu chuyện đó để thấy rằng có những chuyện thật mới, mà chúng ta không học xử lý dù đã biết từ lâu. Như chuyện lái xe Bảo Thành đã biết xe Honda, nhưng mới là vì trở về với môi trường sinh hoạt lượng giao thông quá đông và ai cũng vội vã. Nếu ta không có gan một chút thực nghiệm thì tay lái của chúng ta nhất định sẽ run rẩy, gặp trường hợp bất trắc xảy ra xử lý sẽ không kịp. Đúng như vậy, để xử lý kịp ta cần phải có một sự trải nghiệm, ta cần phải biết, phải hiểu, trải nghiệm và thực tập. Đó là lái xe còn những chuyện xử lý trong cuộc đời này ở những cấp độ quá cao, quá nhanh, quá nguy hiểm, nếu không có sự chuẩn bị tác hại vô cùng. Cho nên trong cuộc sống của các bạn và Bảo Thành đã nhiều lúc chúng ta than rằng giá mà hồi đó xử lý cho đúng, sự việc sẽ không xảy ra như chúng ta phải đương đầu như ngày hôm nay.

Câu này đúng lắm bởi nhiều lần các bạn và Bảo Thành đã hối hận rồi, cứ nói giá ngày đó mình xử lý cho đúng. Chúng ta cứ than thở, nhìn vào những sự việc quá khứ xảy ra, đặt mình ở trong trường hợp đó trở lại và đặt câu hỏi giá mà xử lý cho đúng. Nhưng không bao giờ chuẩn bị cho những trường hợp nếu có thể xảy ra tiếp trong tương lai. Chuẩn bị cái gì? Chuẩn bị sự trải nghiệm, kiến thức, thực tập, bình tĩnh. Các bạn, ở bất cứ một mức độ xử lý nào con người cũng cần phải có một sự bình tĩnh. Các bạn lái xe thấy chưa, có nhiều người đâu phải rằng họ chạy theo luật giao thông đâu hoặc theo ý muốn của mình, họ muốn quẹo trái quẹo phải, họ muốn quẹo hướng nào thì quẹo, bất chợt như vậy người lái xe như chúng ta cần phải xử lý một cách nhanh, thần tốc để tránh khỏi tai nạn, còn không chúng ta sẽ gặp nguy hiểm.

Xử lý cần rất bình tĩnh, muốn có bình tĩnh cần phải tu luyện học hỏi, cần phải thực tập. Muốn có thực tập, tu luyện, học hỏi cho đúng để đạt được sự bình tĩnh, ta phải có kiến thức đúng mức, học hỏi đúng mức. Còn không kiến thức không đúng, học hỏi không đúng, chẳng thể có sự bình tĩnh để xử lý mọi vấn đề. Trên thế giới này những đất nước tiến bộ, họ ứng dụng đúng như câu ông cha ta thường dạy phòng cháy hơn chữa cháy. Nên bất cứ một việc gì họ cũng có sự dự phòng thật chu đáo, kỹ lưỡng, để khi sự cố xảy ra bất trắc họ có thể xử lý một cách nhanh nhất, gọn nhất, tốt nhất để tình huống xấu xa xảy ra giảm tối thiểu. Có những năm ở nước Mỹ này nhiều người không quen xử lý những vấn đề đặc biệt về tiền bạc, tài chính, kinh tế. Thì khi kinh tế Mỹ xuống nhiều người đã mất nhà mất cửa, trở thành những người ăn mày ở ngoài đường. Trường hợp đó luôn có, dù nước Mỹ là một trong những nước tiến bộ bậc nhất trên thế giới, nhưng vẫn có những trường hợp nhiều người không chuẩn bị, vấn đề xảy ra xử lý không kịp và rồi đau khổ suốt cả cuộc đời.

Các bạn có khi nào phiền muộn không? Có! Chúng ta phiền là bởi vì mới sáng sớm thức dậy có thể chồng đã nói quá to “Cà phê đâu? Giờ này mà chưa có cà phê, tui chuẩn bị đi làm rồi” hoặc “Đồ ăn sáng đâu? Giờ này mà không chuẩn bị đồ ăn sáng hay sao?”

Thế là người vợ buồn lắm, phiền muộn, chồng đã đi làm rồi mà trong lòng vẫn phiền. Cái phiền đó nó tích lũy từ từ, để rồi giữa vợ và chồng trở thành một bức tường gọi là Vạn Lý Trường Thành, vạn kiếp lưu đầy trong sự lạnh lùng đối với nhau, chẳng thể tới với nhau. Phiền muộn tới từ nhiều góc độ, có thể là sự xử thế không khéo léo từ những ngôn từ khi tương tác, những hành động hoặc ngay cả những suy nghĩ vụn vặt nó khơi dậy trong đầu của một chiều suy nghĩ nơi chúng ta khi nhìn thấy những điều không ưng ý, xây dựng những câu chuyện giả tưởng để tạo ra sự phiền muộn, hay còn gọi là phiền não cho chính mình.

Phiền muộn là một trong những chứng thuộc về phiền não, nó là dấu hiệu của độc dược tâm thức và tinh thần đang thấm dần vào cơ thể, làm tổn hại đến sức khỏe, rất nguy hại. Nếu chúng ta không có một sự nhận thức đúng đắn về phiền não hay phiền muộn, ngăn ngừa và thực tập để có sự tỉnh táo, để có sự bình tĩnh xử lý những sự việc bất chợt xảy ra do người hoặc do mình. Thì nhất định cuộc đời của chúng ta luôn luôn bồn chồn sợ hãi, run rẩy, sống thiếu bình tĩnh và hầu như sẽ khó thành công chuyện nhỏ cũng như chuyện lớn.

Có một câu chuyện thật rõ ở trong kinh của thời Đức Phật nói về một sự gọi là không có bình tĩnh, chữ bình tĩnh cũng tạm được dịch là thức tỉnh, là sự tỉnh thức đó các bạn, hay cao hơn gọi là tỉnh giác, ta gọi là sự thức tỉnh nha các bạn. Thời đó Đức Phật 80 tuổi Ngài sắp sửa chết, ông A Nan là đệ tử nổi tiếng của Đức Phật, bởi ông ấy là người có trí tuệ, ghi nhớ toàn bộ kinh điển cũng như những gì Đức Phật nói ra ông A Nan nhớ hết. Khi Đức Phật sắp chết ông ta quá bối rối không có tỉnh thức, không có thức tỉnh, quá bối rối, chẳng biết phải nói gì với thầy của mình là Đức Phật, chỉ có ngồi khóc bù lu bù loa. Đến khi Đức Phật hỏi là ông “Có cần hỏi gì nữa không, có muốn ta làm điều gì nữa không?”

Ông ta chỉ khóc, biết Phật sắp mất rồi không biết gì nữa, mất đi sự bình tĩnh và thế là Đức Phật ra đi. Rồi các đệ tử tức là huynh đệ khác về trách ông A Nan tại sao không hỏi Phật những điều cần thiết hoặc tại sao không trình bày với Phật những ước nguyện của tăng thân.

Các bạn, nhất định chúng ta đã đương đầu với nhiều trường hợp quá bối rối, không có bình tĩnh, thiếu sự tỉnh thức để rồi hối hận. Như Bảo Thành khi cha của mình mất, mới chợt nhớ cả cuộc đời chưa bao giờ chụp một cái hình rất đàng hoàng với cha mình, khi mất rồi tìm lại hình ảnh chẳng có hình ảnh với cha, rất buồn, rất buồn. Chúng ta cũng nhìn lại đời sống của mỗi người, thường khi xảy ra rồi nhìn lại ta mới thấy thiếu và những lúc như vậy thiếu thốn đó bởi vì ta bị sự dẫn dắt ở bên ngoài thiếu đi sự bình tĩnh, tỉnh thức, để nhìn rõ xử lý trong sự chuẩn bị tốt đẹp cho mai sau.

Nhớ ông A Nan là người học trò giỏi của Phật, thuộc, biết nhưng không bao giờ ứng dụng thông thạo những gì Phật dạy. Cho nên ông ta ôm cả tàng kinh các có nghĩa là kiến thức của Phật dạy nhưng không chứng đắc, nên thiếu đi sự bình tĩnh, tỉnh giác, sự tỉnh thức. Còn các đệ tử khác của Phật không nhớ hết lời của Phật dạy đâu, nhớ một phần thôi, nhưng hiểu rõ, biết rõ, thực tập, nên đi đến sự chứng ngộ là bậc A La Hán tức là bậc tỉnh giác. Bảo Thành một câu chuyện đó để nói về giá trị của sự tỉnh thức rất quan trọng.

Bạn muốn xử lý bất cứ một việc gì liên quan tới sự bất ổn của tiền tài, bất ổn của quyền lực, của chức vị, bất ổn của những sự cố xảy ra cho cuộc đời hoặc sự bất ổn về những ước mong, ước muốn, những kỳ vọng trong cuộc đời. Nó tới là bởi vì nó luôn luôn tới, cuộc đời luôn luôn phải có thử thách để ta trưởng thành. Ta sẽ vượt qua thử thách và thành công được nếu có sự chuẩn bị để xử lý những sự việc đó xảy ra, những sự cố đó xảy ra, nếu không rất khó, không đưa đến sự thành công.

Đặc biệt hơn như trong phòng zoom của Phạm Gia Nutrition, quan tâm đến sự chia sẻ, san sẻ kiến thức sống về mọi mặt để tăng trưởng sức khỏe về thể chất, tinh thần và tâm linh. Các anh đứng đầu như anh Phạm Hổ, anh Phạm Sơn, gia đình Phạm Gia đó, chị MC và tất cả các bạn, ai trong chúng ta cũng có sự tỉnh thức, tức là sự thức tỉnh thật rõ, nhận định, xác minh thật rõ về ý nghĩa của phòng zoom này. Dấn thân làm những sự việc có thể vừa sức của mình để giữ sự sinh hoạt mật thiết, trao truyền kiến thức, san sẻ kiến thức cho nhau.

Vậy thì các bạn có khi nào đã chuẩn bị cho mình đủ sự thức tỉnh để xử lý phiền muộn của mình chưa? Hôm nay nói tới chắc có lẽ có một số ông bà, anh chị em, các bạn đã thực tập, cũng như thật nhiều các phương pháp sống đời tỉnh giác, sống đời tỉnh thức, thực tập thiền định, yoga, thể dục thể thao, nghe những bài hoặc thực tập những phương thức dẫn tâm, dẫn ý để ta có sự cảnh tỉnh thật cao, có năng lực tỉnh thức thật lớn để xử lý những tình huống bất chợt xảy ra. Các bạn, biết, hiểu, mình thực tập thì không thể có năng lực xử lý mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời. Cái khó nhất xử lý đó chính là sự phiền muộn như những tên trộm rình rập ta, để tẩm độc ta mỗi một ngày mà không hay, khi phát hiện nhất định lúc đó ta đã bị tàn lụi.

Đức Phật nói phiền muộn hay còn gọi là phiền não là chất độc cực mạnh, mà có ba tên trộm, kẻ cướp, cướp sinh mạng của chúng ta, rình rập ngày đêm mang chất độc cực mạnh của phiền muộn, phiền não gieo rắc tẩm vào chúng ta, đó là ba tên tham – sân – si. Thật khó các bạn ơi, mấy tên trộm tham sân si này, ba tên này phối hợp nhịp nhàng, họ có kế sách, họ có đủ kiến thức để cưa đổ ta, làm sập nguồn năng lượng của ta bất cứ lúc nào. Nếu chúng ta không có sự tập luyện mạnh mẽ như một võ sĩ, như một dũng sĩ trên sa trường để đương đầu với ba tên trộm tham sân si này, thì phiền não nhất định khó đoạn diệt, phiền muộn nhất định thật khó xử lý và đời của mỗi người sẽ luôn luôn bị dìm xuống trong than khóc và đau khổ.

Làm sao chúng ta xử lý được phiền muộn? Bằng năng lực của tỉnh thức, điều này đã nói rõ chúng ta phải có năng lực tỉnh thức, muốn có phải tu luyện, tu luyện cái gì để có năng lực tỉnh thức? Đức Phật đã tu luyện để có được năng lực tỉnh thức. Rồi biết bao nhiêu những chuyện xảy ra như sự tàn ác của vua A Xà Thế, của vua Tần Bà Sa La hoặc vua Ba Tư Nặc, của tất cả những vị quan quyền. Của những người ám hại Phật, của những người chuốc độc hại Phật, giết người hại Phật hoặc những tình huống gặp voi chuốc rượu say phóng thẳng tới đằng trước đạp chết mình. Đương đầu với những kẻ sát nhân như ông Vô Não hoặc đương đầu với những người khác ý kiến, khác chánh kiến, những luồng tư tưởng khác nhau, triết học khác nhau, tôn giáo khác nhau ám hại Phật, Phật luôn luôn xử lý một cách thật khéo, bởi Ngài có năng lực của tỉnh thức. Ngay cả diện kiến thần chết giây phút cuối Ngài xử lý thật khéo khi cái chết tới trong hơi thở cuối cùng, để trao truyền lại những bài học vô giá cho nhân loại ngày nay vẫn còn nhắc tới, để có được năng lực tỉnh thức xử lý phiền não, phiền muộn.

Nói riêng và nói chung tất cả mọi tình huống năng lực tỉnh thức đều có được sức mạnh để xử lý, chẳng phải chỉ có phiền não, phiền muộn đâu. Về tài chính, về kinh tế, về những sự sinh hoạt tương tác từ trong gia đình đến xã hội, nếu có năng lực tỉnh thức chúng ta đều có khả năng xử lý mọi tình huống xảy ra, để mang lại sự bình an hạnh phúc cho chính mình. Luôn luôn có đủ sự bình tĩnh an vui, mỉm cười trước thế sự của muôn việc đang xảy ra khó đoán bất ngờ. Có được năng lực tỉnh thức chúng ta phải tạp cái gì? Tập thiền, thiền là gì? Là giữ mình sống chánh niệm, chánh niệm là gì? Là biết, là sống với tánh biết trong từng giây phút, mang vốn tự có nơi chúng ta, vốn tự có nha các bạn, là tình thương, trí tuệ và tỉnh giác.

Sự tỉnh thức thực sự vốn có trong chúng ta, tình thương vốn có trong chúng ta, trí tuệ vốn có trong chúng ta. Đây là ba nguồn vốn gọi là vốn tự có không cần phải tìm. Trong hơi thở mà Đức Phật thực tập để đạt được đến sự giác ngộ, nhận diện ra vốn tự có nơi mỗi một chúng sanh, để xử lý toàn diện phiền não, phiền muộn của mình, có được sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống qua chánh niệm hơi thở. Nó dễ, nó đơn giản mà khi mỗi người chúng ta nghe hình như đều phủi tai chẳng nhớ, chẳng cần bởi thấy quá dễ. Vì những điều gì càng cầu kỳ càng khó, những điều gì trả tiền càng nhiều thì nó càng quý.

Phương pháp thực tập của Đức Phật quá dễ không mất tiền, chúng ta coi thường. Nhưng chính vì cái rất bình thường này nó sẽ trở thành phi thường, khi các bạn tin tưởng vào sự hướng dẫn của Phật, mang sự thực tập chánh niệm hơi thở để rèn luyện tánh biết hiện diện trong từng giây phút của cuộc sống, bạn sẽ nhận ra muôn sự ở đời vô thường sanh diệt, biến đổi liên tục. Chỉ như vậy thôi tâm của bạn sẽ có một năng lực vi diệu, để từ đó tiếp hiện được tình thương, trí tuệ, tỉnh giác và tâm thiện vốn có nơi các bạn làm vốn đầu tư tăng trưởng mỗi ngày, để xử lý mọi tình huống xảy ra trong cuộc đời, nhất là phiền muộn.

Đây là cách ngắn gọn nhất Bảo Thành muốn chia sẻ, để đưa tới một ý thức cho sự gợi ý mọi người hãy tìm hiểu sâu sắc hơn về phương pháp thiền chánh niệm hơi thở, lan tỏa tình thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác và thực hiện những bác ái yêu thương. Sẽ có đủ năng lực xử lý phiền muộn, phiền não của chúng ta, vừa đủ năng lực để xử lý mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời và giữ được sự an lạc hạnh phúc. Sự gợi ý này không phân biệt tôn giáo, bởi đây là sự thực tập để mang lại sự lợi lạc cho đời sống của chúng ta, để xử lý sự phiền muộn, sự phiền não, để xử lý những sự cố trong đời xảy ra, để không hối hận và than rằng giá ngày đó ta bình tĩnh hơn.

Thưa các bạn nếu bạn thực tập được điều này bạn luôn bình tĩnh trước mọi sự việc, sự cố xảy ra, để mang kiến thức vốn có của bạn là tình thương, là trí tuệ, là sự tỉnh thức, là lòng bác ái xử lý nhanh gọn lẹ trong sự điềm nhiên, an yên. Bằng chứng Đức Phật đã thành tựu được điều đó. Bằng chứng các bậc thánh tăng đã thành tựu được điều đó. Bằng chứng thật nhiều người trong quý ông bà, anh chị em, các bạn đã thành tựu được một phần trên lĩnh vực đó. Bằng chứng hơn nữa là nhóm trong phòng Phạm Gia Nutrition zoom của chúng ta, những ngày tháng qua truyền trao kiến thức về muôn mặt chúng ta đã chăm chú nghe và có nhiều ông bà, anh chị em đã xử lý kịp thời những tình huống xảy ra như bệnh hoạn của thân, tạo ra sự yếu đuối giảm đi sức khỏe, ăn đúng, uống đúng, thực tập đúng, gọi là Nutrition mà. Cho nên các bạn, quý ông bà, anh chị em đã khỏe và xử lý được sức khỏe rồi. Rồi còn nghe những bài hướng dẫn về tinh thần và xử lý được sự khủng hoảng về tâm linh nữa.

Hôm nay Bảo Thành là một phần đóng góp thật nhỏ, gợi ý cho quý ông bà, anh chị em và các bạn thấy giá trị tuyệt vời của hơi thở chánh niệm, để tìm về vốn tự có luôn có trong chúng ta đó là tình yêu thương, sự sáng suốt, sự tỉnh thức và lòng bác ái. Bốn kho tàng vĩ đại luôn hiện hữu trong cuộc đời, ta sẽ tìm lại được chỉ qua hơi thở chánh niệm vào ra, dùng tánh biết nhận hơi thở vào, biết hơi thở ra, thế là ta có đủ năng lực trong sự sáng suốt, để xử lý mọi phiền muộn trong thế giới vô thường sanh diệt tới lui không thể ngờ này. Để luôn luôn điềm tĩnh, luôn luôn bình tĩnh, luôn luôn an lạc, luôn luôn an yên, luôn luôn giữ được sức khỏe của tâm, làm cho tinh thần trong sáng, làm cho thân khỏe mạnh.

Sự nhắc nhở này cũng là một sự nhắc nhở cho chính bản thân của Bảo Thành, phải luôn luôn nhớ rằng một người võ sĩ, một người dũng sĩ cần phải rèn luyện ngày đêm, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Sự tu tập của chúng ta sẽ có đủ năng lực để chuyển hóa mọi phiền muộn một cách tự nhiên, khi phiền muộn, khi phiền não của những sự việc xảy ra được khơi dậy, thì vốn ở trong ta năng lực của sự tỉnh thức, niềm lan tỏa bao trùm, chuyển hóa để làm giảm tối thiểu sự công phá của phiền muộn, phiền não. Bảo Thành đã trải nghiệm qua trong suốt cuộc sống tu tập thường đi đây đó, mỗi một lần đi là đương đầu với biết bao nhiêu những biến cố, những sự việc xảy ra không thể ngờ. Nhưng nhờ công phu tập luyện của Thầy Tổ truyền trao và nhờ sức của mình luôn luôn tin tưởng thực tập mỗi ngày, nên khi sự cố xảy ra rất bình tĩnh và xử lý được. Để phiền não và phiền muộn không ăn sâu, xâm chiếm làm cho tâm hồn bị đau đớn.

Đây là sự chia sẻ của ngày hôm nay, mong quý ông bà, anh chị em và các bạn hãy nhớ để xử lý phiền muộn trong cuộc sống Bảo thành gợi ý, hãy thực tập thiền chánh niệm hơi thở Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác và Thiện lành mỗi một ngày ít nhất 5 phút. Để có được năng lực tỉnh thức trong cuộc sống, xử lý tất cả mọi vấn đề không hẳn chỉ có phiền muộn, phiền não. Ngõ hầu quý ông bà, anh chị em và Bảo Thành, chúng ta luôn sống trong sự an vui và hạnh phúc với cuộc đời mong manh dễ vỡ ngắn ngủi này. Cám ơn sự lắng nghe của tất cả và chúng ta có thể chia sẻ với nhau thêm. Dạ cám ơn cô MC.

Dạ! Nam Mô A Di Đà Phật!

Rất là tuyệt vời ạ! Cả nhà có thấy bài pháp của thầy vô cùng là giá trị không ạ? Cả nhà hãy cùng Hà thả thật nhiều trái tim trên màn hình để gửi lời cảm ơn đến thầy. Hẳn là ngày hôm nay chúng ta đã biết được là lý do làm sao trong bản thân chúng ta vẫn có những phiền muộn. Khi mà ta phiền muộn rồi thì nó sẽ ăn mòn tâm trí của chúng ta và để xử lý được phiền muộn đó bằng cách là chúng ta phải có những năng lực thức tỉnh, tỉnh thức để giúp chúng ta có khả năng xử lý mọi tình huống trong cuộc sống xảy ra. Gốc rễ của vấn đề là chúng ta muốn xử lý được những tình huống này, thì như thầy đã chia sẻ đó là chúng ta học chánh niệm hơi thở tức là thiền định đúng không thầy? Thiền định thì hơi thở chúng ta sẽ lan tỏa được tình yêu thương, lòng bác ái và chắc chắn trong cuộc sống chúng ta sẽ có những sự an lạc và bình an.

Như thầy cũng đã chia sẻ rất đơn giản, một ngày chúng ta chỉ cần 5 phút không cần nhiều, cứ thiền định ngày này sang ngày kia, ngày này sang ngày kia, thì chắc chắn giống như là nước chảy đá cũng phải mòn. Nếu chúng ta có sự tập luyện thì chắc chắn bản thân cũng sẽ nhận được rất là nhiều giá trị. Một lần nữa con rất là cảm ơn, biết ơn đến thầy, bây giờ là thời lượng để chúng ta cùng nhau tương tác với thầy. Thì trên màn hình thấy có điểm cầu Lê Phú Nam đã giơ tay để chúng ta cùng nhau tương tác với thầy. Cô bác anh chị có những câu hỏi nào liên quan đến sự phiền muộn trong cuộc sống mà đang có những rào cản chưa thoát ra được, thì ngày hôm nay cũng có thể giơ cánh tay vàng của mình lên và cùng nhau tương tác đến thầy để thầy có thể chia sẻ với chúng ta những bài pháp, những phương pháp để chúng ta cải thiện được không ạ! Dạ vâng ạ! Ban tổ chức hỗ trợ cho anh điểm cầu Lê Phú Nam ạ, Xin mời anh!

Điểm cầu Lê Phú Nam có thể mình bật màn hình lên để chúng ta cùng nhau tương tác với thầy được không ạ! Trong thời gian đợi anh thì cũng có rất là nhiều cô bác anh chị đã gửi lời

“Biết ơn đến thầy đã dành thời gian và tâm sức chia sẻ giảng pháp cho đại chúng ạ!”

“Con rất là cảm ơn thầy”

Rất là nhiều lời cảm ơn, rất là nhiều trái tim gửi lên đến thầy ạ!

Anh Nam ơi! Anh có những câu hỏi gì anh có thể chia sẻ với thầy ạ?

Dạ thầy đã nói những triết lý về cuộc sống, thì theo mình thì mình đã suy nghĩ để mình trải nghiệm được cuộc sống này chắc cũng từ từ, trải nghiệm từ từ rồi sẽ đâu vào đấy thôi!

Anh đã chia sẻ những cảm nhận của mình ngày hôm nay đúng không anh? Tức là ngày hôm nay qua bài pháp của thầy, anh cũng đã nhận được rất là nhiều giá trị, nên anh cũng có chia sẻ là anh sẽ thực hành những lời như thầy đã giảng, thầy đã dạy, để dần dần bản thân mình được tốt hơn. Dạ vâng, rất là cảm ơn anh, anh còn câu hỏi gì với thầy không ạ, hay là anh chỉ chia sẻ những cảm nhận ngày hôm nay thôi ạ?

Mình cũng chúc Thầy giữ gìn sức khỏe để có những bài triết lý thật hay.

Dạ cảm ơn anh, thưa anh, chúng ta là những người bạn do nhân duyên gặp gỡ nhau trên phòng zoom Phạm Gia Nutrition, chia sẻ với nhau đúng như cái triết lý anh nói chuyện gì từ từ rồi cũng sẽ qua. Nếu như trong từ từ sẽ qua đó anh và Bảo Thành và tất cả ông bà, anh chị em nơi đây có thêm một sự chuẩn bị nữa, thì khi sự việc xảy ra ta sẽ qua nhẹ nhàng hơn, như người qua sông có được con thuyền đỡ phải bơi lội. Dạ đúng như lời anh nói chuyện gì rồi cũng sẽ qua và từ từ cũng sẽ qua. Hôm nay chúng ta cũng sẽ qua hết mọi chuyện thôi, nhưng nâng tầm chuẩn bị để qua nhẹ nhàng hơn anh ha. Cám ơn anh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn