Bảo Thiện đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.
Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật tu tập hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho tất cả mọi người luôn tinh tấn tu học, phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ, hành trì giáo pháp của Phật và tin tưởng vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy cùng nhau trở về với hơi thở chánh niệm, toàn thân buông thư, hít vào thở ra chậm rãi nhẹ nhàng. Quán chiếu tâm Từ Bi yêu thương qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ thấu rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, tâm tánh Thiện Lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán trong hơi thở qua các mật ngôn, chúng ta, mọi người đều tiếp hiện được tha lực của chư Phật vào thân tâm này, chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tới muôn nơi.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Các bạn, có ai trong chúng ta mà không có những nỗi bất hòa với người trong gia đình, với bạn bè. Các bạn, sự bất hòa thường xảy ra trong cộng đồng xã hội chúng ta chung sống, một lời nói không phù hợp sự bất hòa có thể kéo dài. Hai người là bạn có thể trở thành thù địch, hai quốc gia có sự bất hòa có thể gây ra chiến tranh, hai người không khác. Ông bà đôi khi bất hòa với con cái hoặc con cháu, giận dữ chẳng muốn nhìn mặt, kiềng mặt nhau ra. Con cái bất hòa với cha mẹ không muốn gặp cha mẹ nữa, muốn bỏ đi. Ngày nay chuyện bỏ đi dễ lắm, nhà trọ ngoài kia thiếu gì, họ ra họ mướn bỏ luôn cha luôn mẹ chỉ vì sự bất hòa. Vợ chồng bất hòa cũng sẵn sàng bỏ nhau. Cuộc đời này có biết bao nhiêu sự bất hòa tới từ những sự không khéo léo trong tương tác, ăn nói không đúng thời, đúng lúc, ăn nói không đúng chủ đề, thường càm ràm thổi phồng, ăn nói không có nhu hòa, cứng nhắc, thô bạo, ăn nói không bằng tâm từ bi yêu thương. Có thật nhiều sự việc xảy ra luôn luôn như vậy.
Không phải ngày hôm nay và bao nhiêu ngàn năm qua, sự bất hòa giữa người với người thường xảy ra. Các bạn có sự trải nghiệm bất hòa đối với nhau chưa? Khó chịu lắm, mỗi một mối bất hòa thường tăng trưởng tâm sân giận, ai là người khôn biết tìm cách giải hòa đó là người sống hạnh phúc và thành tựu được phước báu, cũng có thể gọi đó là người biết tu. Người tu mà không biết giải hòa đối với nhau thì chúng ta tu sai, ngày đọc kinh, đêm tụng kinh, mỏ chuông đủ hết, gọi là giữ các giới nhưng không biết giải giới hận thù, thì sự tu kia, giới kia chỉ là sự màu mè khoe khoang, chẳng có lợi ích. Các bạn có thấy chúng ta tu mà có những người ta không bao giờ dám gặp.
Hôm bữa Bảo Thành gặp một người, hôm đó đi chơi cùng với nhau, người đó cũng đi chơi, hẹn rồi ra khỏi ngõ nghe tin có một người khác đi liền bỏ về không đi nữa. Sự việc chẳng qua là cô ấy và cô kia có sự bất hòa và gặp nhau dù là một chuyến đi chơi đông, tập thể nhiều người đấy nhưng khi ra gặp người kia đối tượng bất hòa cũng có mặt, trong lòng sân giận, bực bội, khó chịu, bỏ về, từ bỏ cuộc chơi mang lại niềm vui cho chính mình vì một mối bất hòa, đó là sự khờ dại. Điểm sơ qua Bảo Thành và các bạn, chúng ta có một tật cố không biết giải hòa trong các mối bất hòa.
Thời Đức Phật không phải như gia đình chỉ có một, hai, ba người hoặc dòng tộc có mấy chục người, mà tăng đoàn của Ngài đông, đủ mọi hạng người từ thành phố, thôn quê, người có trí tuệ đến cả những bậc không biết chữ, sống chung trong một tăng đoàn để tu tập, có cả Ni giới nữa. Những mối bất hòa xảy ra cho nhau là thường xuyên lắm và Ngài luôn dạy mọi người phải khéo ăn, khéo nói, ứng xử phù hợp. Còn ai không biết khéo như vậy thường tăng trưởng tâm sân, sống một đời sống bực bội, khó chịu, đi tới đâu cũng dễ bị nhồi máu cơ tim, từ ngữ ngày nay gọi là như vậy, đột quỵ bất thường, chết một cách bất tử, trong lòng ấm ức, sức khỏe chẳng có, thần sắc tái tê và cái chữ mà Bảo Thành mới nghe được gọi là khó chịu xám hồn, đen thui. Hình như chúng ta có kiểu đó, sống như vậy không có sức khỏe về thể chất, tinh thần và tâm linh.
Chúng ta phải biết giải hòa đối với nhau, ông bà phải biết giải hòa với con cái, con cái phải biết giải hòa với cha mẹ, các cháu cũng như thế, vợ chồng phải biết giải hòa. Nếu chúng ta giữ giới mà không giải được giới hận thù để giải hòa với nhau, năm giới kia chẳng có lợi ích, ăn chay cho nhiều cũng không có lợi ích, đi chùa đọc kinh cũng không có lợi ích nếu không biết giải hòa. Ví dụ như chúng ta sát sanh mà không biết hòa giải với chúng sanh vì chúng ta giết qua sự phóng sanh, thì điều đó chúng ta chỉ giữ giới là không tạo nghiệp nữa, nhưng nghiệp đã tạo ra việc phát sinh kia vẫn còn cái lực để dẫn dắt chúng ta, đày đọa chúng ta vào tam đồ khổ – địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, khổ lắm. Nếu chúng ta trộm cắp của người, người đó hiện thời bây giờ, không nói đến người kiếp trước ta không hay, mà ta biết rõ rằng ta đã lấy của người không cho, chắc chắn là có. Bảo Thành hồi nhỏ cũng thường xảy ra, đi ngang hàng xóm thấy ổi, thấy cóc ngon, chùm ruột ngon, không xin cũng tự lấy ăn. Nhưng lớn lên biết, đôi khi chúng ta không còn ở thôn đó, xóm đó, người đó nữa, thì thực hiện điều biết bố thí. Nhưng nếu chúng ta vẫn còn cơ hội, có một lần Bảo Thành tới gặp ông cụ nói “Hồi xưa con còn nhỏ thường hay hái trộm cóc của ông, ổi, mà hồi đó nhỏ ông bỏ qua nha ông”
Ông cười “Trời chuyện nhỏ có nhớ đâu”
Nhưng các bạn có biết không một chuyện đơn giản như vậy thôi, mình gặp được người, trực diện đối với người mà mình phạm lỗi với họ để giải hòa, đó là phước báu vô cùng. Bởi một lời nói đơn sơ mộc mạc của một thời mà ta là trẻ con hay còn gọi là trẻ trâu, làm chuyện ngu khờ, dại dột, nay ý thức được xin lỗi đó cũng là một cái pháp giải hòa, trong lòng hạnh phúc sung sướng. Các bạn chắc chắn giúp Bảo Thành chúng ta có những lỗi lầm của tuổi thơ, có những lầm lỗi của sự không khéo léo, cả những sự bất hòa đối với nhiều người dưới mọi phương diện. Can đảm một chút, tới giải hòa xin lỗi, lòng nhẹ tênh như mây trời bay mãi, không có gì mà có thể níu kéo dìm xuống nữa, thong dong tự tại như mây trời, đẹp.
Ngài Xá Lợi Phất là một trong những đệ tử lớn của Đức Phật, đại diện cho Đức Phật để lặp lại những lời Đức Phật dạy cho các đệ tử của Ngài. Ngài tóm lại những cách là chúng ta phải biết giải hòa đối với nhau một cách trực tiếp. Xin lỗi giải hòa để giải tỏa những hận thù, những bực bội và tái tạo lại một đời sống khéo léo như lời Đức Phật dạy. Để chúng ta luôn luôn sống yêu thương, không tạo ra sự bất hòa trong cuộc đời. Có nhiều cách để sống trong sự khéo léo, nhưng tụ chung Đức Phật dạy rằng chúng ta phải biết ăn nói đúng thời. Đi tiệc người ta chưa ăn mà mình nhào vô bàn mình xơi luôn kỳ lắm và đôi khi còn bị chửi, lần sau chẳng được mời. Ăn phải cho đúng chỗ, đúng nơi, nói phải cho đúng thời. Một lời nói không đúng thời dễ tạo hận thù, mà ta cứ lạm dụng chữ “Trung ngôn nghịch nhĩ”, nói ngay chẳng cần đúng thời, thấy là đốt thôi, mình đốt người ta chưa xong, người ta đã bụp vào đầu sưng rồi.
Đức Phật là một bậc giác ngộ điều gì Ngài cũng biết, nhưng đối với Ngài không phải điều gì Ngài biết Ngài đều lúc nào cũng nói, Ngài nói đúng thời. Có một bà cụ, người mẹ đó, cũng chưa có cụ lắm đâu chỉ là người mẹ, bà mẹ đó tên là Gatami. Có một người con của bà, người con duy nhất bị chết, bà đi tất cả các thầy, các bác sĩ thời đó, các đạo sư thời đó để nói “Hãy chữa cho con tôi được sống lại”
Mọi người nói thẳng “Con bà chết rồi, chữa gì nữa, mang về chôn đi”
Bà đau khổ vô cùng, bà nghe nói Đức Phật là một bậc đạo sư liền ôm con tới với Phật để nhờ Ngài chữa trị. Đức Phật bậc giác ngộ biết rằng đã là con người khi đã chết và sự chết là hiển nhiên xảy ra đối với mọi người, nhưng không phải khi người mẹ đau khổ và người con duy nhất kia đang cầu để sống, nói chết rồi về chôn đi, câu nói đó ai cũng nói được bởi đó là sự thật, nhưng phải nói đúng thời.
Vì tình thương mà Ngài nói đúng thời để xoa dịu và đánh thức sự ý thức hiểu rõ. Ngài nói với bà ta “Hãy đi xin dầu cải về đây, mà xin dầu cải nơi gia đình nào chưa có người chết”
Để thắp ngọn đèn lên thì Đức Phật sẽ chữa cho con bà thức dậy. Các bạn, nhà ai mà không từng có người chết, Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, ai ai trong chúng ta cũng có. Bà ta cũng tin Đức Phật đi, nhưng cuối cùng chẳng tìm được, nhưng lúc ấy chứng ngộ rằng mọi người trong cuộc đời này ai cũng có người đã mất, đã chết và sự chết là sự thật. Vì vậy khi trở về đã đúng thời, Đức Phật khai thị bà hiểu thấu và buông bỏ xã đi.
Nói chuyện đúng thời rất hay, trong mọi mối quan hệ không phải chuyện gì tới miệng đều tuôn ra như rác rưởi, mà chúng ta cần phải trân quý thời gian có phù hợp hay không, để ăn nói đúng thời, đúng lúc, đó là cách thứ nhất chúng ta cần phải nhớ. Nói đúng chủ đề là cách thứ hai cần phải thực tập, sau khi đã giải hòa trực tiếp, thì những cách sống như vậy không những là một sự khéo léo để tạo ra tình cảm, riềng mối quan hệ tốt đẹp mà còn là phương thức giải hòa rất hay. Gặp chuyện mình bất hòa mà đúng thời đúng lúc nói một câu xin lỗi, lòng của cả hai người như là hoa mới nở vào mùa xuân. Nếu như chúng ta nói đúng chủ đề, nói đúng vào chủ đề cần phải nói, không lục bới vào quá khứ, thổi phồng cảm xúc của mình để cho tâm sân giận tuôn ra. Thì nhất định chúng ta sẽ thành công giải hòa và mang lại sự yêu thương gắn bó.
Có một ông thầy có hai người đệ tử, chẳng biết kiếp trước họ làm cái gì, xung khắc thì chẳng xung khắc nhưng khó hợp, bởi hai nhân cách của hai người đệ tử đều khác nhau. Ý thức về công việc, ý thức về sự tu và cách sinh hoạt hàng ngày ở trong hai thái cực hoàn toàn khó có thể đặt cùng một chỗ. Cho nên họ cứ lục đục hoài, sống không có hòa thuận. Ai ai cũng lưu giữ thật rõ trong tâm mình là đúng, người là sai và khi sự việc xảy ra nó nhỏ nhỏ như con kiến, bé tí ti thổi phồng lên, phóng đại lên to như mặt trời che cả thế gian, thiêu cháy tâm cảm của tất cả mọi người. Sân, chỉ vì sân và lòng ghen tuông mà người ta đã không khéo chọn đúng lúc để nói và chẳng nói đúng mục đích, chủ đề. Rất quan trọng trong sự khéo ăn khéo nói để giải hòa đối với nhau và sống hạnh phúc. Các bạn có bị dính vào những chuyện như vậy hay không? Chắc chắn là chúng ta có và sự bất hòa thường xuyên xảy ra trong mối quan hệ từ gia đình đến cộng đồng, xã hội, giữa vợ chồng, con cái và ông bà, người thân, bạn bè. Cần phải được giải hòa và cần phải thật là khéo, dũng cảm để giải hòa, khéo léo để sống và giải hòa tạo sự vui vẻ với nhau.
Cái thứ ba mà Đức Phật dạy là chúng ta phải biết ăn nói nhu hòa, ôn nhu, giọng cứ sẵn lên. Hai người đệ tử kia học cùng một Sư phụ, rồi một hôm chẳng biết người em làm chuyện gì hay không làm chuyện gì, người sư tỷ nói với ông sư phụ rằng “Thầy ơi, người sư muội kia có phải là đệ tử của thầy không? Nếu là đệ tử của thầy tại sao không như vầy, không như kia”
Đưa ra cả một kế hoạch, một yêu sách người em kia phải làm. Chúng ta thường đặt ra yêu sách, ăn nói không nhu hòa, ôn nhu, giọng nói cứng như là sét đánh bổ ngang tai, gai góc như giáo mác, sắc lẹm như gươm, như đao, không có ôn nhu.
Ông Sư phụ nói với người sư tỷ rằng “Con có phải là đệ tử của thầy không? Nếu con là đệ tử của thầy sao lại ăn nói như thế”
Chúng ta thường trách cứ người khác, nhưng chẳng bao giờ phản tỉnh nhìn lại mình, ăn nói thì cứng nhắc, sắc bén, sắc lẹm, không có ôn nhu.
Nói đúng thời, nói đúng mục đích chủ đề, nói ôn nhu đó là ba phương pháp đó các bạn. Các bạn mà sử dụng cho đúng thì giải tỏa được tất cả mọi sự bất hòa, đưa đến sự hòa bình trên thế giới này. Cách thứ tư là nói bằng tâm Từ bi yêu thương. Đức Phật đã bao nhiêu lần gặp nhiều sự khó khăn của người này người kia, sự hung ác bạo tàn của người kia người này. Bằng tâm Từ bi Ngài nói đúng thời, đúng chủ đề bằng ngôn ngữ ôn nhu. Những người được nghe thức tỉnh ngay tại chỗ. Các bạn có nói chuyện với nhau bằng tâm từ bi hay không, bằng tình thương chân thật hay không? Hay chúng ta chỉ nói bằng tâm sân giận để thỏa mãn cảm xúc và đề cao chính mình, đó là bốn cách. Cách thứ năm là chỉ nói về những mặt tích cực của nhau mà thôi. Năm cách nói này Ngài Xá Lợi Phất thay lời của Phật thường dạy đi dạy lại trong tăng thân phải sống như thế.
Chúng ta hình như trong cách thứ năm ít có khi nào nhìn thẳng vào mặt tích cực của người ta, mà đào bới như con mọt, con mối, làm sụp cả cái nhà chân tâm bình an của người khác bằng cách mang những điều tiêu cực, sai lầm của người ta phô bày ở ngoài phố, ở ngoài đường cho thiên hạ biết. Rồi vỗ ngực xưng tên như là một người giải cứu thế giới, nhưng mà thật ra đang tiêm nhiễm khí độc, làm chết đi tình cảm của nhau. Nói đúng thời, đúng lúc, nói đúng chủ đề, các bạn nhìn rõ mình có làm được hay không? Nói ôn nhu, nói những điều tích cực. Chỉ biết ăn, biết nói thật khéo, mang lại sự hòa bình, giải được mọi sự bất hòa trong cuộc sống.
Chúng ta hãy học những cách nói như thế và thêm nữa là không bao giờ đụng tới những chuyện nhạy cảm trong cuộc sống. Những chuyện quá nhạy cảm chúng ta đừng đào bới, mang ra gây ra sự bất hòa. Hơn nữa các bạn nhớ phải biết chấp nhận trên đời này có những con người không bao giờ thay đổi được lập trường, cách sống của họ. Nên chúng ta học đón tiếp, tiếp nhận họ, đón mời họ, đối với phong cách của họ và đời sống của chúng ta. Còn phải tạo điều kiện, cơ hội để người ấy sống cho đúng. Nếu như sau khi đã làm tất cả những chuyện thật khéo như vậy rồi, mà có những người không thể thay đổi được, thì chúng ta phải thực tập cách chia tay trong sự ôn hòa. Trong tình bạn đôi khi chúng ta cũng phải chia tay, trong tình người của vợ chồng đôi khi cũng phải chia tay. Vì có những người không thể thay đổi được, làm khổ cho nhau, thì học theo lời Phật phải biết học cách chia tay trong sự ôn hòa.
Các bạn thân mến, đời sống này mỗi người của chúng ta nếu biết làm chủ cách sống bằng sự khéo léo, như vừa kể về Ngài Xá Lợi Phất thay mặt Phật thường nhắc nhở trong tăng thân những cách sống như trên, mạnh dạn trực tiếp nếu ai đó mình có lỗi hoặc gây ra sự bất hòa tới giải hòa ngay. Đừng để đến chết rồi làm lễ cúng kiếng giải oan gia trái chủ, chuyện mà giải oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp ta không biết, thì chúng ta tu có những khóa sám hối mình giải hòa điều đó đúng. Nhưng đối với người còn sống như ông bà kìa, như cha mẹ kìa, như vợ chồng đang sống với nhau đó, con cái đó, bạn bè đó, mà không tới giải hòa ngay, rồi đi vô chùa kêu các thầy, các sư cô làm lễ giải oan, oan cái gì? Người ta còn đang sống tới bắt tay xin lỗi giải hòa đi chứ, còn mấy vị thầy chùa, sư cô hoặc các bậc cao tăng thạng đức không thể giải hòa cho các bạn bằng các nghi thức tế tụng, mà bạn không trực tiếp khi người đó còn sống để giải. Nếu họ chết đi oan gia trái chủ nhiều đời là chuyện hiển nhiên. Sức mạnh của sự giải hòa khi còn sống trong các mối bất hòa của cuộc đời này rất hữu ích, lợi lạc vô cùng, mang lại sự an nhiên tự tại, tâm thái thong dong, sức khỏe và tinh thần tốt lắm.
Như Bảo Thành kẻ hồi nhỏ mình ăn trộm cắp chùm ruột của người ta, hồi còn nhỏ mà, nhưng khi gặp những người đó, người đó cũng không biết tại vì ăn trộm sao biết. Nhưng nói chuyện xin lỗi, người ta không những vui vẻ mà mình thấy nhẹ lòng như cánh chim bay trên trời, chẳng một chút phong ba bão tố. Các bạn, cuộc sống này tu theo lời Phật dạy cần phải khéo như được nhắc ở trên, với cách sống như thế sự giải hòa trực tiếp trong cuộc đời cần phải có một lòng dũng cảm, vì hiểu thấu được nghiệp sẽ tạo ra trong những mối bất hòa, gây ra hận thù, oan gia trái chủ nhiều đời có hết, nên giải hòa được ngay bây giờ đối với những người đó rất tốt. Nếu như người đệ tử của ông sư phụ kia sau khi được nhắc nhở bởi sư phụ rồi, hiểu rõ nếu mình trách cứ người em của mình có phải là đệ tử của ông thầy không mà ăn nói như vậy, làm việc như vậy, ứng xử như vậy. Thay vì hỏi ông sư phụ người đó phải đệ tử của sư phụ không, thì mình phải sống noi gương thân giáo hãnh diện ta là đệ tử của sư phụ, thì phải sống đúng tinh thần thân giáo, làm gương, đừng hẹp hòi sân giận, để rồi ức chế, ăn nói buông tuồng, tạo khẩu nghiệp không hay. Tới thẳng với người em “Xin lỗi, chị giận quá, chị hay bực bội, thôi từ nay chị em mình cố gắng hiểu rõ được lời của sư phụ dạy, lời Phật dạy và làm cho đúng, nâng đỡ nhau trên con đường tu”
Một lời thật khéo đúng thời, đúng lúc, nhìn vào mặt tích cực, đừng đào bới sự tiêu cực, tạo cơ hội để thực tập trở lại bằng tâm từ bi yêu thương, tuyệt vời. Chứ đâu như điều nhạy cảm, sai trái của người khác phô bày cho cả phố, cả làng, cả thế giới biết, làm sao mà có thể cảm hóa người ta được. Các bạn hãy dũng cảm lên, nếu như trong các mối quan hệ từ gia đình là vợ chồng, là con cái, là cha mẹ có những sự việc xảy ra chúng ta cần phải học tiếp nhận. Bởi trên đời này Đức Phật nói ai cũng khác ai, có những người không thể thay đổi, nhưng họ là ai? Là cha, là mẹ, là con cái, là vợ, là chồng, là sư phụ, là anh chị em đồng tu, là sư chị, sư em… Các bạn, chúng ta người học Phật phải dũng cảm giải hòa ngay và thực hiện những bước khéo ăn, khéo nói như Phật dạy, qua sự nhắc đi nhắc lại của ngài Xá Lợi Phất đối với đệ tử. Thì nhất định mỗi người chúng ta sẽ có một đời sống hạnh phúc từ ngay trong gia đình của mình và muôn sự bất hòa ở đời này đối với người còn sống, hay đối với người đã khuất nhiều đời đều được giải, đây là sự chắc chắn. Chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Trong cuộc đời này chúng con đã tạo ra biết bao nhiêu những mối bất hòa, nhưng chẳng thể giải bởi cái tôi của mình quá lớn. Xin Ngài gia trì cho chúng con có lòng dũng cảm, mạnh dạn tới xin lỗi, giải hòa khi còn sống và thực hiện sự khéo léo trong cách ăn, cách nói, cư xử hàng ngày. Để tạo tình yêu thương rộng lớn hơn bằng tâm Từ bi, bằng Trí tuệ, bằng sự Tỉnh giác và tâm tánh Thiện lành yêu thương.
Hít vào bằng mũi mang xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tình thương.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)