Search

4019. Có nên can thiệp vào những điều ta tiếp xúc?

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Giờ tu tới rồi, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật, hành mật pháp trong chánh niệm hơi thở, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, thể nhập vào tâm tánh thiện lành chân như. Quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con nguyện chư Phật tiếp dẫn hương linh của Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng nhiều đời. Cũng đồng nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho lòng Từ Bi, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra trong chánh niệm chúng ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ thấy biết qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, tâm Phật chân như Thiện Lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán đưa chúng ta trở về với chính mình để thấu rõ, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến. Hôm nay các bạn và Bảo Thành cùng chia sẻ về chủ đề “Chúng ta có nên can thiệp vào những điều mình tiếp xúc?”

Cuộc sống này tiếp xúc với xã hội, với con người, với môi trường nhiều lắm. Hai chữ can thiệp nghe văn chương nhẹ nhàng, hình như hai chữ can thiệp quá tử tế. Nhưng can thiệp như thế nào với những chuyện ta tiếp xúc để cuộc sống này hạnh phúc, bình an, tốt đẹp hơn, cần phải suy nghĩ. Nếu như can thiệp như kiểu mà xen vào chuyện của người khác, rối. Đức Phật nói Phật không xen vào nghiệp của chúng sanh. Nhưng chúng ta, Bảo Thành và các bạn lại thường xuyên, thường xuyên các bạn ơi, xen vào chuyện của người khác. Không phải can thiệp mà là xen vào chuyện của người khác, nhưng dùng mỹ từ là can thiệp cho nhẹ nhàng. Phật không xen vào nghiệp chúng sanh, sao chúng ta lại xen vào chuyện của người khác.

Nếu nói có nên can thiệp vào những chuyện ta tiếp xúc hay không? Thì về thuở xa xưa khi con người chưa có trí tuệ nhiều, kiến thức nhiều, những sự việc xảy ra loài người không kịp can thiệp. Nhiều chuyện xảy ra gây tai hại vô cùng từ thiên nhiên như bão tố, lũ lụt, mất mùa, hạn hán. Ngày nay con người phát triển nhiều rồi, can thiệp vào thiên nhiên nhiều lắm, để giữ được sự an toàn cho loài người. Có cả một hệ thống dự báo thời tiết, cái gì can thiệp vào được thì can thiệp, không thì báo trước để phòng ngừa. Về y học các bác sĩ dùng kiến thức nội soi, khám bệnh sớm để phát hiện những chuyện không hay để can thiệp, chuyện đó là hiển nhiên, tốt đẹp. Nhiều và rất nhiều chuyện trong cuộc sống này khi tiến bộ với tầm kiến thức hiểu thấu được, can thiệp càng sớm sẽ giúp được mọi hiện tượng xảy ra bớt đi tai hại.

Ngày xưa không rõ, không thấu, chẳng thể can thiệp, nhưng thích xen vào. Trí tuệ không, hiểu biết không, kiến thức không, nên gây ra tai họa. Còn nếu không vì không hiểu, không thấu thì lại biến những chuyện ta tiếp xúc vượt ngoài tầm hiểu biết, không thể can thiệp đó thành thần linh, một đối tượng quỳ lạy để sợ hãi, van xin. Nên ta mới nghe có câu thần sấm, thần sét, thần mưa, thần này, thần kia, thần lũ lụt, đủ mọi loại thần vì con người chưa hiểu được thiên nhiên. Mà khi xảy ra sự yếu đuối của con người và tâm chưa hiểu biết bị khuất phục, đã biến những hiện tượng đó thành thần linh, thấu rõ rồi trong thế hệ mới của kỷ nguyên có kiến thức rộng.

Các bạn có tự hỏi chúng ta có thường can thiệp vào những chuyện ta tiếp xúc, như tiếp xúc với con cái, cha mẹ, người thân, công việc không? Dĩ nhiên là có can thiệp vào, nhưng sự can thiệp và xen vào chuyện người khác ranh giới rất mỏng manh, đôi khi ta không nhận ra. Nếu được đặt định nghĩa cho rõ thì chữ can thiệp có nghĩa là ta tiếp xúc bằng trí tuệ, kiến thức, hiểu biết và yêu thương. Phật pháp gọi là tùy tháp, tùy duyên, thuận pháp tùy duyên, chữ thuận pháp tùy duyên phải có tâm Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác. Cho nên ta tiếp xúc với bất cứ một điều gì ta đều can thiệp bằng năng lượng của từ bi, bằng cái nhìn rõ của trí tuệ, bằng tâm tính thiện lành trong sự tỉnh thức, thật rõ. Còn lệch một chút xíu thôi là xen vào chuyện của người khác rồi.

Cha mẹ đã thông phần, nói cho rõ hơn là thông phần vào để tiếp sức, hướng dẫn cho con cái ngay từ thuở nhỏ. Cũng có thể gọi nhẹ nhàng là can thiệp vào đời sống của tinh thần, tâm linh và kiến thức của trẻ khi mới sinh ra cho tới lớn. Khi nào độ tuổi trẻ đã trưởng thành, tự quyết được thì cha mẹ có thể lùi lại một chút. Truyền thống đó là cái nếp văn hóa đẹp để truyền trao những kiến thức và can thiệp thật sớm, để con cái không đi lệch đường theo như những định mức tùy ý thức hệ, tùy thời gian. Hầu hết chúng ta làm việc đó nhưng có nhiều lúc mỗi một người chúng ta đã can thiệp quá sâu và sự can thiệp để chia sẻ, nâng đỡ kia biến thành sự xen vào chuyện của chúng sanh, xen vào chuyện của người khác. Chúng ta hãy nhớ can thiệp bằng tâm Từ bi yêu thương, Trí tuệ, Tỉnh giác và bằng tâm tánh Thiện lành nên được khuyến khích và sách tấn. Nhưng nếu can thiệp được lật kèo qua chữ xen vào chuyện người khác cần phải chấm dứt, còn không tạo ra nghiệp và phiền não cho mọi người.

Đức Phật dạy cho chúng ta phải can thiệp vào những chuyện ta tiếp xúc, nhưng tránh những sự can thiệp của người khác nếu như chưa đủ lực. Can thiệp vào những hiện tượng nếu như chưa đủ trí tuệ. Can thiệp vào những sự việc nếu như chưa có tỉnh thức. Can thiệp vào cuộc sống này nếu như thiếu vắng tâm từ bi và yêu thương, không nên đối với người. Nhưng đối với chính mình, đối với chính cuộc đời của chúng ta, chúng ta rất cần sự quan tâm nhìn cho rõ để can thiệp thật sớm. Nếu can thiệp vào chính mình thì chẳng phải là xen vào chuyện của mình, mà được gọi một từ khác hay hơn can thiệp sớm vào chính mình, can thiệp vào tư tưởng, lời nói, hành vi, trong mọi hiện tượng của cuộc đời khi tương tác, thật sớm đó gọi là người biết chăm sóc cho bản thân.

Vậy nên Đức Phật đã dạy cho chúng ta phải quán chiếu mỗi một ngày để nhận biết sự suy nghĩ của mình đang khởi lên, để chăm sóc cho suy nghĩ đó bằng sự can thiệp thật sớm. Như câu kinh Đức Phật dạy tâm phải được làm chủ, tâm làm chủ có nghĩa là có một sự can thiệp và trí tuệ hiểu thấu được tâm mình đang nghiêng về điều ác hay điều thiện để điều chỉnh, can thiệp, chăm sóc. Để vận hành và làm chủ tâm không có nghiêng, không có ngã, không có siêu vẹo, nhưng thẳng thóm rõ ràng. Đây là một sự can thiệp thật sớm để không gây ra những hậu quả rằng tư tưởng ta xiên xẹo, vòng vo, tạo nghiệp không hay.

Các bạn, nhìn như vậy sẽ thấy nhẹ lòng, hiểu như thế sẽ thông kinh Phật. Dĩ nhiên sự chăm sóc thật sớm trong sự can thiệp vào những gì ta tiếp xúc rất quan trọng. Tất cả mọi giác quan của chúng ta tiếp xúc với môi trường ở bên ngoài, sáu căn đó là sáu giác quan hoặc gọi cho nó trình tự quy mô theo ngôn ngữ được định mặc, ngũ uẩn – sắc, thọ, tưởng hành, thức. Mình bỏ qua những câu từ như vậy và chỉ hiểu đơn giản Đức Phật dạy sáu căn của chúng ta. Khi tiếp xúc với sáu trần hay gọi là sáu căn, tiếp xúc với bên ngoài qua cái dục của mỗi một cái căn của chúng ta, mỗi một giác quan của chúng ta như thấy, như nghe, như ngửi, như nếm, như xúc chạm, các bạn can thiệp thật sớm để chăm sóc. Y như người biết nhận ra dáng của cây bonsai, uốn nắn khi còn nhỏ tạo dáng thật đẹp. Chúng ta phải là một người chăm sóc cây bonsai của tâm, tạo dáng cho tâm nghiêng về điều thiện. Bởi chúng ta là con người sinh ra hầu hết là do nghiệp lực bất thiện tồn đọng nhiều đời, nó dẫn chúng ta dễ sa ngã vào những đường ác. Đức phật nhìn thấu như vậy khi giác ngộ, nên khuyên bảo chúng ta hãy can thiệp thật sớm, như một sự chăm sóc đặc biệt cho tâm của chúng ta ngay từ những thuở đầu.

Vào mỗi một đầu hôm buổi sớm mai thức dậy, Bảo Thành và các bạn đều chăm sóc và can thiệp vào dòng tư tưởng, suy nghĩ, để vận hành, hành động và ngôn ngữ trong ngày. Chuyển hướng thiện lành là con đường lót thảm yêu thương, thắp sáng trí tuệ và luôn luôn tỉnh giác đi tới mục tiêu mỗi ngày ta thường làm. Loại trừ những hầm hố chông gai, những sỏi đá để phòng ngừa sự vấp té, gây ra đau đớn cho chính mình. Rất cần và nên can thiệp vào những điều ta tiếp xúc như Đức Phật dạy qua sáu giác quan. Vào mỗi buổi sớm hoặc vào khung giờ phù hợp, thực tập thiền định mật thiền, thói quen can thiệp chăm sóc khi sáu giác quan tiếp xúc với mọi cảnh giới bên ngoài để chúng ta điều chỉnh, chăm sóc. Người trồng bonsai dùng những cọng kẽm để cột cây khi còn rất non, rồi uốn, cọng kẽm đó cột vào một thời gian tạo cái thế, cái dáng. Các bạn có thể quan sát được trên YouTube cách tạo dáng cho cây, nhưng nếu cây mà đã cứng rồi, già rồi người ta cũng tạo dáng được nhưng hơi đau đớn, bởi phải cưa để uốn, để bẻ.

Thật rõ, tâm của chúng ta mỗi một ngày nếu chưa cứng về phần thô ác, còn rất mềm của chất thiện lành, chỉ nhẹ nhẹ bẻ qua, dùng sợi dây chánh niệm hơi thở cột chặt vào đó để tâm trụ vào và tưới tẩm năng lượng yêu thương, tỏa vào đó chút ánh sáng của trí tuệ, đưa ra ban ngày để hứng nắng mặt trời tỉnh thức và luôn luôn nở nụ cười thiện lành yêu thương. Thì cây bonsai của tâm – tâm Phật Sa Bi Mô U được huân tu, được tạo dáng – dáng thiện. Dáng thiện là tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Cần phải rất quan tâm chăm sóc để can thiệp vào sáu giác quan khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, mọi cảnh giới trong cuộc sống. Nhưng hãy nhớ là can thiệp và chăm sóc cho tự thân, giác quan của mình. Đừng mang chữ can thiệp và chăm sóc giác quan của người khác, điều ấy gọi là xen vào chuyện của người ta. Hơi lấn cấn một chút là vì con cái, vì chồng, vì vợ, vì những người thân, ta cứ thấy rằng hình như họ sai toàn tập, nên mình cứ phải can thiệp vào họ mà thôi.

Can thiệp là một chuyện tốt, khi can thiệp vào chuyện con, của chồng, của vợ, người thân, người yêu thương. Nhưng sự can thiệp đó nhất định phải bằng trí tuệ nhìn thấu được nhân quả, nhìn thấu được mọi trường hợp, can thiệp bằng tình thương bao la lớn rộng của tâm từ bi và can thiệp vào khi chúng ta thật là tỉnh giác, thấu rõ tâm thiện. Đừng can thiệp vào con, vào chồng, vào vợ, vào người thân khi thấy chướng tai gai mắt do chính cái tôi của mình muốn vận hành cả đời sống người ta theo khuôn mẫu, ý tưởng của riêng mình, như vậy gọi là xen vào chuyện của người khác. Tuy nhiên các bạn thấy thật rõ trong cuộc sống này, chính những người thân như con, như cha, như mẹ, như vợ, như chồng, như ông bà người thân, có những trường hợp ta hiểu thấu, ta nhìn rõ theo nhân quả và trí tuệ, bằng tâm từ bi yêu thương, bằng sự tỉnh giác, bằng sự thiện lành thuận pháp thuận duyên. Nhưng mà không thể nói chuyện được với họ, không thể làm sao cho họ hiểu thấu. Có những trường hợp như vậy, vì ta chưa đủ phước đủ duyên để tạo sự ảnh hưởng tốt mà can thiệp vào người một cách trực tiếp. Nhưng có sự gián tiếp đó là hồi hướng, hồi hướng cho nhau là một phương thức can thiệp, chăm sóc cho người thân. Sự hồi hướng đó phải qua các công hạnh hành trì giáo pháp của Phật, để tích lũy định lực, trí tuệ, phước báu và công đức mới hồi hướng được.

Các bạn, trong tình yêu thương của gia đình, cộng đồng và xã hội, chúng ta rất cần sự quan tâm đối với nhau. Nếu quan tâm trực tiếp không được qua sự can thiệp mà người khác cho rằng xen vào chuyện của họ. Ta can thiệp và chăm sóc cho họ bằng sự hồi hướng, tùy duyên mà cúng dường, hàng thuận chúng sanh để hồi hướng cho nhau. Lời của Đức Phật thật rõ, nên can thiệp vào đời sống của mình đặc biệt là can thiệp vào sáu giác quan càng sớm càng tốt, bằng sự hiểu thấu được nhân quả thiện ác, bằng tình thương chân thật, chăm sóc cho chính mình và bằng sự tỉnh táo rõ ràng khởi dậy từ tâm thiện. Người khác ta cũng làm như thế, nhưng đối với người ta luôn luôn phải có chừng mực. Nếu chưa đủ lực phước báu để can thiệp vào họ, thì can thiệp gián tiếp bằng sự hồi hướng qua sự huân tu chính bản thân của mình.

Còn đối với chính mình thì nhất nhất từng thời, từng khắc, từng giây trong cuộc sống ta phải luôn luôn biết chăm sóc, biết can thiệp vào các giác quan khi tiếp xúc với mọi chuyện ở trong đời. Phải dẫn dắt tâm của mình, phải cột tâm của mình bằng hơi thở chánh niệm, bằng sự quán chiếu của tâm Từ bi, của Trí tuệ, của sự Tỉnh giác và Thiện lành. Thì nhất định bạn đang tạo một cái dáng của một vị thiện thần, của một vị Bồ Tát, của một ứng hóa thân của tâm hạnh yêu thương. Ứng hóa thân rất gần gũi với cuộc đời của mỗi người, chẳng phải là sự thần thông mà là sự thiên biến vạn hóa qua trí tuệ nhìn thấu rõ, qua tình yêu thương lan tỏa và qua sự tỉnh giác, tuyệt đối không u mê, khởi dậy và tác ý thiện lành để tương tác trong mọi cảnh của cuộc đời. Cần phải chăm sóc và cần nên can thiệp cho mọi chuyện ta tiếp xúc như ý nghĩa, ý nghĩa đó qua sự tu quán chiếu để thấu rõ, tránh đi tất cả mọi sự can thiệp theo nghĩa xấu là xen vào chuyện của người khác. Cần phải có định tâm, cần phải có sự hành trì thật rõ, cần phải nghe pháp, cần phải tư duy, thính pháp nghe kinh, tư duy đi đến sự hành trì. Thì sự can thiệp của người đối với người phù hợp với những điều Phật dạy rất tốt đẹp.

Sự can thiệp sớm vào chính mình rất tốt đẹp, nếu bạn không biết can thiệp thì bạn chẳng thể chăm sóc cho chính bạn. Tâm tánh của bạn đã bỏ hoang như mảnh đất không ai chăm sóc, như căn nhà đã bị bỏ chẳng ai ở đó lau chùi, sự hoang phế sẽ thể hiện và sự suy sụp sẽ tới ngay. Ta đã từng nhìn thấy những căn nhà hoang hoang phế, suy sụp, dơ bẩn. Tâm ta bỏ hoang không can thiệp, chăm sóc khi các giác quan tiếp xúc với mọi cảnh y như lời Phật dạy, ta đã là người tự phế tâm thức của mình. Điều ấy thật rõ, biết bao nhiêu những điều đau khổ, phiền não, sai trái, xui xẻo xảy ra chính là bởi vì ta đã bỏ hoang tâm của mình, làm cho tâm thức của mình hoang phế, cỏ dại của ác pháp mọc lấn chiếm tâm thiện lành của chúng ta. Các bạn hãy can thiệp thật sớm vào những điều ta tiếp xúc qua các giác quan và cột chặt chúng như sợi dây kẽm tạo dáng cho cây bonsai, cột chặt bằng hơi thở chánh niệm. Luôn luôn hướng ý, định dáng cho cây tâm thức của mình qua năng lượng vi diệu của Từ bi, của Trí tuệ, của Tỉnh giác, của Thiện lành.

Các bạn, nếu bạn làm được như vậy và can thiệp vào những sự tiếp xúc của mình qua sáu căn thật sớm, bạn đang làm hoàn hảo cuộc đời để đẩy lùi đi những may rủi, phiền não và đau khổ. Hãy chấm dứt sự xen vào chuyện của người khác. Phật không xen vào nghiệp của chúng sanh. Ta không xen vào chuyện của người khác. Nhưng cần can thiệp như một sự chăm sóc đặc biệt vào những gì ta tiếp xúc, qua sáu giác quan của mình bằng hơi thở của chánh niệm, bằng sự quán chiếu thật rõ mỗi ngày. Có như thế đời của Bảo Thành và đời sống của các bạn sẽ vững chãi hơn, sẽ an vui hơn, sẽ tự tại hơn và thong dong hơn. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Ngài đã dạy chúng con không xen vào nghiệp của chúng sanh, thì chẳng thể xen vào chuyện của người khác. Nhưng Ngài lại dạy chúng con phải biết chăm sóc và can thiệp vào mọi sự tiếp xúc của sáu giác quan nơi cuộc đời này của chúng con, bằng chánh niệm của hơi thở, quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Xin Ngài gia trì cho mỗi người chúng con giữ vững tâm thái và hành trì sự tu tập này mỗi một ngày.

Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, lan tỏa năng lượng, tiếp hiện tâm tánh thiện lành.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn