Search

4016. Đi tu không được, do không đủ duyên , hay không đủ định lực?

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đủ định lực miên mật tu tập mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và thể nhập vào tâm tánh thiện lành. Quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi tĩnh tọa buông thư. Trở về với hơi thở chánh niệm quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành qua mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U. Từng hơi thở vào ra tổng trì các mật ngôn trên, mỗi người chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng tha lực của chư Phật, hãy bắt đầu

Hít vào bằng mũi, phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn, hôm nay chúng ta chia sẻ với nhau về sự thắc mắc của các bạn rằng “Đi tu không được, như vậy có phải là không đủ duyên, hay không đủ định lực?”

Câu hỏi này rất hay, nó thực tế vì ở trong đời chúng ta thường nghĩ những người đi tu là những người phải cạo đầu, vô trong chùa ăn cơm với tương chao, từ bỏ cuộc đời xã hội, xa lìa tất cả sống đời cô quạnh, khép kín sau cánh cửa thiền môn hay nhà chùa. Đó là khái niệm đã in sâu vào đầu óc của mỗi người chúng ta, để rồi từ đó những người cư sĩ tại gia, những người như chúng ta chỉ học Phật pháp như là những lời hay ý đẹp tô điểm cho cuộc đời, chứ chẳng chịu tu, bởi hai chữ tu là để dành cho người đầu trọc. Đi tu không được, không được đâu và rồi cứ như vậy chẳng ai chịu tu. Rồi người tu thì chúng ta đứng ở ngoài nói họ tu không được vì không đủ duyên, rồi không đủ định lực. Chúng ta đã mặc định những điều đó và đặt để khái niệm đó vào con đường tu.

Nhưng hôm nay thưa các bạn, nếu khái niệm tu là những người phải xuống tóc, mặc áo nhà chùa, xuất gia mới gọi là tu, thì khái niệm đó hoàn toàn sai và trái nghịch với lời Đức Phật dạy. Bởi thuở xưa khi Đức Phật còn tại thế, trên con đường Hoằng Pháp bốn mươi lăm năm trời ở trần gian, Ngài hướng dẫn cho biết bao nhiêu người hữu duyên tu, trong đó có những vị Tỳ Kheo đã xuất gia và có biết bao nhiêu Phật tử tại gia, cư sĩ cũng tu. Người xuất gia cũng tu và người tại gia cũng tu, trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng tu. Bởi tu là sửa những lỗi lầm, tu là để lan tỏa tình yêu thương, sống tỉnh thức, trí tuệ và vị tha, đó gọi là Tu. Tu không phải khoác áo nhà chùa để rồi như hình bóng ngày nay ta thường thấy. Cư sĩ hay tu sĩ xuất gia cũng đều tu, hai tướng đó khác nhau, hai hoàn cảnh khác nhau và hai môi trường đương đầu với những thử thách để làm sáng trí tuệ, để sống một đời sống yêu thương trong sự tỉnh thức và vị tha trong cuộc đời này.

Các bạn, cho nên chúng ta trong câu hỏi này, phải gạt bỏ ngay. Tu không nằm ở địa vị là người xuất gia hay tại gia, mà tu nằm ở chỗ Chánh niệm, Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Vị tha. Mỗi một ngày bạn ở địa vị nào, làm ông bà, làm cha mẹ, làm con cái, làm công nhân, làm giám đốc hoặc là mang thân tướng của người xuất gia hay tại gia. Điều đó chẳng thể đẩy lùi chúng ta khỏi con đường tu. Bởi tu là hoàn thiện cuộc sống của mình và sàng lọc, thay đổi mọi sự phiền não đau khổ trong cuộc đời, để có được sự hạnh phúc an lạc, bình an, đó gọi là Tu. Nhưng sự tu, chữ tu đó được tô điểm bằng những ngôn ngữ quá cao, cao quá và rồi chúng ta đã đẩy lùi bản thân của mình thật xa chẳng chịu tu. Tu là sửa để sống, sống thiện, sống tỉnh giác, sống từ bi, sống trí tuệ, sống trong chánh niệm và sống vị tha. Nếu các bạn hiểu rõ được những lời như vậy của Đức Phật dạy, bạn ở bất cứ hoàn cảnh nào bạn cũng tu được. Cuộc đời của bạn, phiền não, đau khổ sẽ dần dần được chuyển hóa và nhường chỗ cho sự an lạc hạnh phúc tới cuộc đời của các bạn.

Từ nay chúng ta phải phá vỡ khái niệm rằng tu là phải xuất gia, là phải cạo đầu vô chùa, giữ giới. Còn chúng ta ở nhà chẳng sửa những cái sai, chẳng giữ giới. Những cái giới của nhà chùa nhiều hơn, nhưng những giới đó là để giữ cho thân tướng người xuất gia có đầy đủ oai nghi. Còn cái giới mà tất cả mọi người dù là Phật tử hay không là Phật tử, các bạn chúng ta đều phải giữ để chuyển hóa ác nghiệp nhiều đời và để đẩy lùi những sự phiền não đau khổ trong cuộc sống. Nằm gọn trong năm giới mà Đức Phật đã dạy, đó là không sát sanh, không trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống và sử dụng các chất say. Cho nên đối với chúng ta, người tu hãy nhớ là người có tâm nhìn rõ được lời Phật dạy. Tu là tất cả mọi người đều có khả năng để tu. Bây giờ tu không được không phải là không có đủ duyên, mà cũng không phải là không có định lực. Mà tu không được chính là bởi vì chúng ta hiểu sai vì cái tu và không thấu được mục đích tu là gì?

Các bạn, tu là sửa, rất gọn, sửa cái gì? Sửa suy nghĩ, lời nói và hành vi để bớt đi phiền não, đau khổ và dần dần đoạn diệt được phiền não và khổ đau. Đó gọi là Tu! Bạn có đau khổ không? Bạn có phiền não không? Nếu có bạn hãy tu và chúng ta tu là sửa những tâm ý của mình, ngôn ngữ, hành vi của mình qua nhiều phương pháp. Tất cả mọi phương pháp Đức Phật dạy không nằm ngoài những điều như Bảo Thành vừa nói đó là Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Vị tha, Chánh niệm. Trong chánh niệm, một đời sống chánh niệm trong hơi thở giúp cho chúng ta khai thác được năng lượng của từ bi, để rồi năng lượng từ bi đó là nhiên liệu thắp sáng trí tuệ cho chúng ta, sống đời tỉnh giác thiện lành. Đây là những cách tu rất căn bản nhưng rất vi diệu và thâm sâu, dù bạn có tu theo tông phái nào, pháp môn nào, dưới bất cứ một bậc thầy hướng dẫn nào, thì không thể nằm ngoài chánh niệm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác và vị tha thiện lành.

Các bạn, đây là mấu chốt của chúng ta cần phải nhận rõ để cùng nhau tu. Chính vì thế mà mỗi một ngày Bảo Thành và các bạn đều tu, 5 giờ sáng chúng ta dậy chúng ta hít thở trong chánh niệm, tổng trì các mật ngôn quán chiếu Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành và Vị tha. Tu như vậy dù bạn ở đời trong bất cứ một địa vị nào, người xuất gia hay người tại gia, thì chúng ta đều bình đẳng ở chỗ nhận rõ được con đường tu để sửa. Ngõ hầu ta và mọi người luôn luôn bớt khổ, bớt não phiền, thêm an vui và hạnh phúc.

Các bạn, cuộc sống thật là ngắn, mới đó mà mỗi người chúng ta đều nhìn lại thấy đoạn đời đã đi qua, đủ để thấy rằng cuộc đời quá ngắn ngủi. Hôm nay khi Bảo Thành đang nói đây thì chúng ta nhất định đang nghe được tiếng kèn tây, tiếng trống tưởng như một đám đình hội gì lớn lắm, lễ hội lớn. Nhưng thưa không phải, đây là một đám tang đưa một người trong thôn xóm này trở về lòng đất vĩnh viễn chẳng trở lại. Tiếng kèn tây, tiếng trống, tiếng nhạc inh ỏi ngoài kia, nhưng ở trong cái hòm người kia đấy đã chết rồi, có nghe được những âm thanh rộn ràng của cuộc đời đâu. Khi sống chúng ta không nghe tiếng lòng của mình, để trở về với tâm tánh từ bi yêu thương. Khi sống chúng ta không trở về để thắp sáng trí tuệ, nhìn thấu, hiểu để buông xả chấp mê, thì khi nằm trong hòm kia tiếng kèn tây, tiếng trống đâu có còn ý nghĩa gì. Khi sống chúng ta không sống đời sống tỉnh thức, nhưng lại u mê thì trong cái hòm đen tối kia, tiếng kèn tây, tiếng trống, tiếng đàn còn có nghĩa lý gì nữa. Khi sống chẳng chánh niệm vị tha, thì cuộc đời khi nằm xuống đặt vào trong hòm kín, trống kèn cũng chỉ là những âm thanh inh ỏi, mà người nằm bên trong đó còn nghe được đâu.

Do vậy chúng ta hãy nhớ, hãy nhớ rằng tu là ngay bây giờ, tại đây, chỗ này hơi thở bạn vẫn còn, bạn vẫn có khả năng để tu. Tu thật đơn giản, đừng nghĩ quá cầu kỳ để rồi khi tu không được ta đổ thừa, ta đổ thừa là vì duyên, ta đổ thừa không có duyên rồi không tu, tu không được ta đổ thừa không có định lực. Các bạn, yêu cầu của chữ tu đã đặt lên quá cao và nghĩ rằng tu là thành Phật, thành Thánh, thành thần tiên bay lơ lửng trên trời như chuồn chuồn, châu chấu, cào cào, sai. Tu là tự tại, thong dong, chuyển hóa đau khổ và phiền não, chỉ có vậy. Đức Phật tới trong cuộc đời này Ngài không nói Ngài là những bậc thần linh, mà Ngài nói Ngài nói con người, nhận thấy kiếp sống này tràn đầy phiền não và đau khổ, chỉ cho chúng ta tu có nghĩa là nhìn rõ được phiền não, đau khổ đó, thấu được nguyên căn gây ra đau khổ và phiền não ấy rồi sửa. Để không sống đau khổ, phiền não mà sống hạnh phúc và an vui.

Trên đời này tất cả mọi loài chúng sanh, không phải chỉ có con người mới mong cầu một đời sống hạnh phúc và an lạc. Vậy tại sao chúng ta không một lần nữa nghe rõ lời Phật dạy về ý nghĩa của sự tu, để chúng ta dưới thân tướng của bậc xuất gia hay người Phật tử tại gia, hay cả không có tôn giáo. Tu một lần là để sửa và tu một lần là để chuyển hóa một chút phiền não, đau khổ, để thêm một chút an lạc hạnh phúc trong cuộc đời. Tu đúng như Đức Phật dạy có ý nghĩa vô cùng và làm lợi lạc cho cuộc sống vô cùng. Bạn hãy nghĩ một đời sống mà thiếu đi tâm từ bi yêu thương thì thế giới này sẽ đánh nhau, sẽ chiến tranh, sẽ tranh giành, sẽ thù địch cho tới giây phút cuối của cuộc đời. Nơi đâu không có tình yêu, nơi đâu không có từ bi, nơi đó là bãi chiến trường máu và xương sẽ đổ nát khắp mọi nơi, thân sẽ chất thành núi, máu sẽ chảy thành sông. Nhưng nơi đâu có tình thương, có từ bi nơi ấy sa mạc sẽ trổ hoa. Các bạn, sa mạc sẽ trổ hoa cho nên tâm từ bi rất quan trọng, tình thương nhất quan trọng trên con đường tu.

Mọi đau khổ và phiền não tới cuộc đời này chính là bởi vì ngay cuộc đời đó thiếu đi tình thương. Bạn đang cảm nhận phiền não và đau khổ nơi gia đình, nơi tự thân, nơi thôn xóm, nơi bạn sống. Thì nhất định bạn phải nhận ra chính nơi đó đang thiếu tình thương, đang thiếu tình người, đang thiếu tâm từ bi. Tại sao thiếu tâm từ bi tình người vì chúng ta u mê, không có trí tuệ nhìn thấu, chấp việc nhỏ, chấp việc lớn, chỗ nào cũng chấp, từng lời từng hành vi đều chấp. Rồi ta không có tỉnh thức, không có chánh niệm, không có vị tha, đụng chuyện gì là nổi cáu, nổi giận, nổi sân, rồi tâm ý phóng dẫn, ngôn ngữ thì thô ác, hành vi thì bạo lực. Phiền não dĩ nhiên nó sẽ vùi dập chúng ta, đau khổ dĩ nhiên sẽ chôn chúng ta vào lòng đất.

Sống một đời sống yêu thương, một đời sống nhìn thấu để thông cảm, hiểu, một đời sống luôn tỉnh thức vị tha trong chánh niệm chính là tu. Cho nên các bạn thân mến, chúng ta hãy bỏ đi khái niệm tu là phải cạo đầu, xuống tóc, mặc áo nhà chùa, sống ăn tương ăn chao, không được làm một cái gì, dứt bỏ tất cả mọi sinh hoạt đời thường. Chỉ có tóc tóc, bon bon Nam Mô A Di Đà Phật gọi là tu, không. Niệm Phật, đọc kinh, gõ mõ không phải là tu. Cạo đầu, mặc áo nhà chùa, sống trong nhà chùa, ăn tương ăn chao, ăn chay, không phải là tu, không phải. Ở đời có tóc đi làm, có vợ, có chồng, có con, có công ăn việc làm, có đau khổ và phiền não nhưng sống biết yêu thương, biết nhìn thấu để buông xả, biết tỉnh giác để nhận rõ, biết thiện lành để san sẻ, biết chánh niệm để trải nghiệm cuộc đời trong thăng trầm mà tự tại, đó chính là Tu.

Các bạn thân mến, như vậy thì chúng ta đã thấu được lời Phật dạy. Tu không quyết định ở chỗ không được bởi không có duyên hoặc thiếu định lực, mà tu quyết định ở chỗ chúng ta hiểu thấu tu là gì và phương pháp thực hiện tu như thế nào? Chỉ có vậy là chúng ta đều tu được. Đã bao năm qua Bảo Thành và các bạn đã tu, trong đây có thật nhiều các bạn là cư sĩ, là Phật tử tại gia, cũng có thật nhiều các bạn chẳng phải là Phật giáo. Nhưng tìm tới chân lý đích thực của cuộc đời là sự an lạc và hạnh phúc, nên chúng ta ở đây không có Phật giáo, tôn giáo, xuất gia hay tại gia, mà có người đã nghĩ tới một đời sống thiện lành hơn để bớt phiền não, đau khổ. Do đó chúng ta tu!

Tu quán chánh niệm của hơi thở mật thiền và trong chánh niệm hơi thở mật thiền đó chúng ta quán chiếu năng lượng vi diệu vốn có trong ta đó là Mu A Mu Sa, năng lượng của tình thương, năng lượng của từ bi. Mật ngôn Mu A Mu Sa có công năng kích hoạt năng lượng vốn có trong ta, để tiếp hiện nguồn năng lượng vô biên của chư Phật rải xuống cho chúng ta. Từ đó mà sự quán chiếu của chúng ta là sự quán chiếu trong sự sáng của trí tuệ, nhìn thấu được vạn pháp vô thường, thấu đời chấp trược là khổ, thấu được được tinh thần vô ngã để xả buông. Như vậy chúng ta quán chiếu, như thế giúp cho ta có được sự tỉnh táo, tỉnh giác, phát huy được tâm tánh thiện lành và vị tha. Tu chỉ có vậy, cho nên thời gian qua khi đồng tu với nhau, mỗi người chúng ta càng ngày càng có sự cảm nghiệm rằng trong ta vốn rất tự tại. Nhưng vì rong ruổi, rượt đuổi theo những hư ảo, những ảo vọng của cuộc đời, cho nên ta phiền não và đau khổ.

Các bạn thân mến, nếu các bạn có nhân duyên xuất gia thì đó là nhân duyên của bạn. Bạn không nhân duyên xuất gia thì bạn cũng có nhân duyên tại gia. Xuất gia hay tại gia là duyên thị hiện thân tướng khác biệt, cái đó không quan trọng. Mà quan trọng là mỗi người chúng ta đều có đầy đủ phước báu công đức. Đó là có trí tuệ để thẩm định ra ai cũng muốn lìa xa phiền não và đau khổ, để có được hạnh phúc và an lạc trong cuộc đời. Nên vì vậy chúng ta tu đúng mức, chúng ta tu đúng nghĩa. Tu mà Đức Phật dạy là sửa, sửa qua công hạnh hành trì chánh niệm hơi thở và quán chiếu tự thân của mình, để đánh thức tiềm năng vốn có. Tiềm năng của sự yêu thương, tiềm năng của sự nhìn thấu để xả buông, tiềm năng sống trong tỉnh thức, tiềm năng sống trong tâm tánh thiện lành vị tha.

Các bạn, nếu mỗi một ngày các bạn không cần biết là ai, đến từ đâu, có tôn giáo hay không tôn giáo, chúng ta đều chánh niệm trong cuộc đời này và sống yêu thương, trí tuệ, tỉnh giác, thiện lành, vị tha. Thì các bạn và Bảo Thành đã là người đang tu và đang tu như vậy một ngày nào đó bạn sẽ nhìn lại, bạn thấy nơi ta đã thiếu vắng hẳn sự phiền não và đau khổ. Tràn đầy hạnh phúc và an lạc, đó chính là con đường tu để chứng đắc đạo quả vi diệu nhất mà Đức Phật đã nói. Không phải là khoác áo trên khuôn mẫu của một vị xuất gia mới gọi là tu, để rồi những người Phật tử tại gia và các bạn đang sống trong cảnh của gia đình không bao giờ chịu tu. Bởi nghĩ tu là dành cho những người không có tóc, sống trong chùa, ăn tương chao, ăn chay, khổ hạnh cắt đứt lìa xa cuộc đời này. Thưa các bạn, ý nghĩa đó và định nghĩa tu như vậy đã sai lắm rồi.

Ai trong chúng ta cũng cần phải tu và tu như điều Bảo Thành vừa chia sẻ là tu đúng với lời Đức Phật dạy. Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành và Vị tha trong chánh niệm của hơi thở là Tu. Bảo Thành mời gọi tất cả các bạn hãy thay đổi định nghĩa tu từ xưa đến giờ các bạn đã được nghe và nhồi nhét vào trong đầu. Canh tân sự suy nghĩ mới để hiểu rõ tu ngày hôm nay như thế nào, để quyết định cuộc sống của mình bớt đi phiền não và đau khổ. Đừng để chữ duyên và không có định lực để rồi không tu. Chỉ có người không tu là người không hiểu thấu, không hiểu thấu tu là thêm an lạc và hạnh phúc, bớt phiền não và đau khổ nên họ không tu mà thôi. Ai cũng có duyên và đủ lực để tu nếu nhìn thấu phương pháp như Bảo Thành vừa chia sẻ, thì nhất định chúng ta sẽ cùng tu với nhau. Nhóm của chúng ta là nhóm đồng tu, một sự đồng tu vi diệu dưới mọi cảnh sống của cuộc đời. Một sự đồng tu vi diệu với những thân tướng khác biệt nhau trong cuộc sống, nhưng bình đẳng ở sự mà Đức Phật đã dạy đó là tánh trí. Các bạn, hiểu như vậy nên từ đây chúng ta hãy tinh tấn tu học cùng với nhau. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu tu là Chánh niệm, Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành và Vị tha. Xin Phật gia trì cho chúng con hiểu thấu hơn và tinh tấn tu học mỗi ngày.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn