Thu Hằng đánh máy
Dạ! Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Con kính bạch Thầy, con mời Thầy ạ!
Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý ông bà, anh chị em, các bạn và cô MC khả ái Lê Hà trong phòng zoom Phạm Gia Nutrition, chúng ta lại gặp nhau rồi. Bất cứ một cuộc gặp gỡ nào nếu có sự chuẩn bị bằng hương vị tha thứ, bằng lòng bác ái bao dung, nhất định cuộc gặp gỡ đó sẽ mang lại thật nhiều hơi ấm để sưởi ấm chúng ta, xua đuổi đi sự lạnh lùng của bao nhiêu ngày tháng đắm chìm trong những phiền não và đau khổ. Mỗi lần gặp nhau trên phòng zoom Phạm Gia Nutrition Bảo Thành thấy khỏe ngay, bởi phòng zoom này ưu ái đặc biệt để san sẻ những giá trị sống rất đích thực, từ khoa học, về muôn mặt. Giúp cho mỗi người chúng ta sau một ngày làm việc mệt mỏi, thay vì đi ngủ chúng ta cho nhau thời gian lắng nghe những kiến thức, tư duy, suy nghĩ và ứng dụng vào cuộc sống cho phù hợp, tốt đẹp hơn mỗi ngày, rất hạnh phúc.
Nhưng cuộc đời này mọi người đều nhận thấy rằng có nhiều thứ đeo đuổi chúng ta như ma ám, xua đuổi hoài mà không đi, dùng nhiều sức lắm, nhiều năm rồi đẩy đi mà nó cứ dính như con sam, đó là những sự phiền não và đau khổ. Mình vẫn khuyên mọi người thôi bỏ đi, thôi buông đi, nhưng thật ra đó chỉ là lời nói để an ủi. Làm sao buông là một vấn đề, chúng ta có biết bao nhiêu thứ muốn buông mà buông không được, muốn bỏ bỏ không được, quên cũng không được. Tuổi càng lớn càng chất chồng bao nhiêu phiền não, đau khổ, bao nhiêu chuyện đã đi qua cuộc đời của mình, thì nhất định chúng ta mỗi một người đều có những khối tàng dư của phiền não đau khổ, muốn một lần buông hết cho nhẹ lòng. Tuổi càng lớn càng muốn buông thật nhiều, mà tuổi càng trẻ buông sớm thì nhẹ nhàng tiến về tương lai tốt đẹp hơn. Còn như cứ khư khư ôm ấp không thể buông thì nhất định sự nặng nề phiền não đau khổ như những gánh đá đè nặng lên trên đôi vai của chúng ta.
Chúng ta có cái gì để buông? Nếu ngồi kể cho nhau quá nhiều chuyện muốn buông mà thật khó buông. Thật ra chân lý để buông theo tinh thần của Phật giáo và cũng như các tôn giáo lớn, mọi nền tín ngưỡng đều đã dạy rồi. Có điều chúng ta đi theo một tôn giáo hầu hết bằng đức tin, ít có tư duy suy nghĩ và rồi để cho đức tin, niềm tin đó phó mặc cuộc đời cho đấng quyền năng sắp xếp, an bài như một định mệnh, mà đấng đó sẽ chăm sóc cho chúng ta. Để rồi ta có khi nào tự nghĩ rằng mình phải chăm sóc cho mình đâu, mình luôn luôn nghĩ rằng các đấng đó sẽ chăm sóc, tin như vậy.
Các bạn, Đức Phật và các đấng giác ngộ dạy cho con người phương thức để buông bỏ, không lấy từ trên những cõi trời xa hoặc dùng những phép thần thông để biến chúng mất đi. Phật giáo là một nghệ thuật sống bằng sự suy nghĩ sáng suốt, bằng tình thương cao vời và bằng sự tỉnh thức do quán chiếu nhìn vào cuộc đời của mình mỗi một ngày, để hành xử bằng tâm bác ái yêu thương, san sẻ đối với nhau. Sự giác ngộ của Phật chẳng phải Ngài nhìn thấu cung trời, rồi đưa tay vào cung trời xa xôi kéo xuống một vài chân lý mà cả vô lượng kiếp chúng ta người phàm phu không thể hiểu. Phật là đấng giác ngộ không làm chuyện đó, Ngài giác ngộ là bởi vì Ngài quán chiếu chính vào bản thể vốn có nơi con người trong cõi nhân sinh này, mà tất cả mọi người cha người mẹ đều có cái nhân của sự biết buông bỏ.
Phật đã nhìn thấy và dạy cho chúng ta, cái nhân đó là nhân của từ bi, dịch cho nó nhẹ nhẹ dễ thương hơn, dễ hiểu hơn đó là tình thương. Không có một người cha nào và người mẹ nào mà không có tình thương đối với con cái. Hãy nhìn cho thật rõ ta sẽ thấy, nhưng ít khi nào ta quán chiếu, ta chỉ như là bị dẫn dắt bởi bản năng yêu thương của mình, nhưng không quán chiếu dù đã là cha là mẹ. Do vậy mà biết bao nhiêu phiền não đau khổ chồng chất, làm cho chúng ta muốn buông buông không được. Nhưng thật ra trong ta, những đấng bậc làm cha làm mẹ đều có khả năng để buông bỏ vạn duyên, buông bỏ tất cả vì hai chữ yêu thương con của mình.
Bảo Thành và các bạn có lẽ cũng lớn tuổi và quý ông bà ở nơi đây có các vị lớn tuổi là ông là bà rồi, nhưng xin phép Bảo Thành cùng với quý vị, chúng ta hãy trở về với tình thương của cha mẹ mình nha quý ông bà anh chị em. Nhớ cái thuở mà chúng ta sinh ra không cần biết ta làm gì, dù có tạo ra biết bao nhiêu sự dơ dáy bẩn thỉu, làm biết bao nhiêu sự sai trái, biết bao nhiêu lỗi lầm. Có những lỗi lầm ghê gớm dữ lắm, cha mẹ vì thương ta mà buông bỏ tất cả những lầm lỗi, những sự sai trái, những điều xúc phạm của ta và vẫn đồng hành với chúng ta bằng nụ cười của bậc hiền mẫu, của bậc cha mẹ luôn luôn thương chúng ta, những bậc hiền phụ hiền mẫu luôn luôn thương yêu chúng ta. Chỉ cười thôi và mang năng lượng tình thương qua một nụ cười của vòng tay, qua sự chăm sóc chẳng bao giờ giữ lại một chút gì nơi ta dù đã phạm tội, dù đã phạm lỗi đến các Ngài.
Tình thương ta không tranh đấu giữa cái từ gọi là cao siêu – Từ bi. Mình cứ thích phân tích Từ bi nó cao hơn tình thương, từ bi nói rõ hơn nó cũng không có ở trong âm ngữ của quốc ngữ Việt Nam, chỉ là một chữ phiên dịch từ tiếng Hán qua nên có chữ từ bi. Nhưng tình thương của cha mẹ là tình thương không ích kỷ, không vì cái tôi, không vì có lợi ích cho mình. Mà tình thương của cha mẹ là tình thương phụng hiến, hy sinh chết vì con cái, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho con cái, đó chính là từ bi, đó chính là tình thương lớn. Trong tình thương đó cha mẹ buông tất cả, xã bỏ tất cả và nơi con cái trong ánh mắt của các ngài là tình thương mà thôi. Điều đó để thấy rằng muốn buông bỏ những sự đau khổ và phiền não, những điều bao nhiêu năm nay giữa ta và con cái ta đã làm được, thì giữa ta và muôn sự ở đời với tất cả mọi người đều có thể ứng dụng tình thương để mà buông, chìa khóa của sự buông bỏ là từ bi, là yêu thương.
Có câu chuyện một kẻ tàn ác và một bậc vĩ nhân gặp nhau, đó là Đức Phật bậc giác ngộ gặp một kẻ tàn ác. Kẻ tàn ác đó là một kẻ cướp, một kẻ sát nhân giết đến 999 người rồi, giết xong là cắt cái lóng tay treo lên, rồi cho nó khô đeo vào cổ. Gặp Phật Phật chỉ nói một chữ “Hãy buông, hãy dừng”
Người kia kinh ngạc bởi vì không biết ông này nói buông và dừng cái gì, hỏi lại cho kỹ “Buông cái gì, dừng cái gì?”
Phật nói với ông ta “Hãy buông điều ác, dừng những điều ác và hãy nắm giữ những điều thiện, hành những điều thiện”
Chỉ có vậy thôi, đó các bạn thấy chưa, câu trả lời của bậc giác ngộ thật rõ, buông và dừng những việc ác, nắm giữ và hành các việc thiện.
Làm sao có thể làm được điều đó? Xin trả lời bằng tâm từ bi, bằng yêu thương. Đức Phật – bậc giác ngộ Ngài nhìn thấy chúng sanh có lòng từ bi, có tình yêu thương thật lớn, nhưng cứ bỏ quên thôi, không có ứng dụng vào cuộc đời. Nếu có ứng dụng thì cũng ứng dụng theo bản năng, chưa có ứng dụng một cách toàn diện trong sự quán chiếu, nhìn thấu rõ lợi lạc của phương tiện vi diệu vốn có trong ta là từ bi, là tình thương, nên đôi khi nó chỉ bộc phát rồi quên đi. Do vậy mà ngay cả các đấng bậc làm cha mẹ chúng ta vẫn phiền não đau khổ, có nhiều điều muốn buông buông không được.
Nay qua chủ đề này chúng ta nhớ lại lời Đức Phật dạy hãy buông và bỏ những điều ác, hãy giữ và hành những điều thiện. Để làm được điều đó cần phải trở về phát triển tâm từ bi vốn có trong chúng ta. Vì tình thương đối với con cái cha mẹ sẵn sàng buông bỏ tất cả. Cũng lấy câu đó để nói với chính mình vì tình thương đối với chính mình, vì tình thương đối với chính chúng ta, vì tâm từ bi đối với mình, với chúng ta. Nếu tình thương đó được nhận rõ như một liều thuốc bổ vi diệu, một pháp môn, một tuyệt kỹ không đâu so sánh được mà Phật đã truyền dạy. Chúng ta quán chiếu, suy nghĩ và tư duy sẽ nhận thức ra ngay, ứng dụng vào cuộc đời của chúng ta, thì nhất định chúng ta sẽ buông bỏ được tất cả những thứ gì đã làm cho ta đau khổ và phiền não. Từ những sự va chạm trong cuộc sống về ngôn ngữ, về tương tác làm ăn, về những thất bại, về những đổ vỡ, về những đau đớn giữa tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ, con cái, giữa công ăn việc làm, giữa sinh lão bệnh tử, giữa những tâm tham sân si vốn có trong ta.
Chỉ cần có tình thương, tình thương với chính mình, chỉ cần có tâm từ bi, từ bi với chính mình. Thì muôn sự đau khổ phiền não đó không cần buông cũng rụng rơi chẳng còn và muôn thiện lành sẽ luôn luôn còn đọng lại trong ta, những đau khổ phiền là huyễn giả, chỉ là ảo tưởng, không thật, cái thật nhất của ta chính là tâm từ bi. Vậy nên tất cả các chư Phật, chư Bồ Tát, để được thành Phật và Bồ Tát các Ngài luôn tu luyện tâm từ bi và khi đã chứng đắc quả Phật Bồ Tát rồi, các Ngài nhắn nhủ chúng sanh phải dùng tâm từ bi để chuyển hóa mọi đau khổ phiền não để xả ly, tức là buông bỏ tất cả chúng đi. Các Ngài cũng dụng tâm từ bi song hành với mỗi người chúng ta trong cuộc đời, để nâng đỡ hướng dẫn chúng ta, chuyển hóa khổ đau của chính mình. Ta vẫn niệm Nam Mô đại từ đại bi Quan Âm Bồ Tát, Nam Mô đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật, Nam Mô tất cả các bậc đại từ đại bi chư Phật, chư Bồ Tát, câu đó luôn luôn kèm ở đằng trước là đại từ đại bi.
Trong các tôn giáo lớn khác, tôn giáo bạn khác như Chúa, thì chúng ta cũng luôn luôn quán chiếu lòng thương xót của Chúa, tình yêu của Chúa, đấng từ trời, hy sinh cả thân mạng cứu chuộc nhân loại. Tình yêu lớn đó, tình yêu chết vì kẻ mình yêu, sẵn sàng để cho những người tội lỗi đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc. So sánh giữa tình yêu của Thiên Chúa và lòng từ bi của chư Phật, thì tình yêu của Thiên Chúa và từ bi không khác nghĩa nhau đâu. Ta không nên tranh đấu phân tích từ những ngôn ngữ ta mặc định mang ý nghĩa theo ta, mà hãy lấy những hiện tượng rất cụ thể bằng sự dấn thân vào đời giúp đỡ nhân loại, đó chính là tình yêu và lòng từ bi. Tình yêu lớn của Chúa đã bỏ đi được sự ác độc của mọi người đóng đinh Ngài trên thập tự. Lòng đại từ đại bi của Phật là tình thương lớn, để rồi Ngài có thể buông bỏ tất cả mọi chướng duyên, mọi nghịch cảnh, mọi đau khổ phiền não, mọi tội lỗi của hàng đệ tử, của hàng vua chúa quan quyền, của những người gần gũi ám hại, bắt hại, vu khống, hàm oan Ngài.
Từ bi hay tình yêu là những điều rất cần thiết vốn có trong chúng ta rồi, phát triển bằng sự tu tập nương vào hơi thở mỗi một ngày chỉ 5 phút thôi, ta sẽ trở về với thượng nguồn yêu thương, tâm từ bi thật lớn vốn có nơi ta, suối nguồn từ bi yêu thương từ ta vốn có đó qua hơi thở chánh niệm, sẽ được khơi trở lại. Như mạch nước được khoan đúng chổ bởi thợ khoan giếng tài ba soi đúng mạch, khoan đúng chổ bằng dụng cụ, bằng cái giàn khoan tốt, sâu cỡ nào cũng khoan được, càng sâu nước càng sạch không bị ô nhiễm. Sự thực tập của chúng ta càng sâu trong chánh niệm hơi thở và sự quán chiếu là giàn khoan đó, sâu lắng mỗi ngày ta sẽ khoan được tới mạch hằng sống của tâm từ bi, tình yêu thương vốn có. Chính năng lượng tình yêu đó sẽ giúp cho chúng ta buông bỏ được tất cả.
Nên câu làm sao để buông bỏ? Xin thưa là hãy phát triển tâm từ bi, tình yêu thương vốn có trong chúng ta, bằng sự quán chiếu qua hơi thở chánh niệm mỗi một ngày ít nhất 5 phút. Để giàn khoan chánh niệm hơi thở kia, có thể khoan tới được mạng mạch sự sống từ bi yêu thương nơi trong tâm của chúng ta. Chỉ có vậy thôi thì ta tất yếu sẽ buông bỏ được vạn duyên, muôn sự khổ, phiền não trong cuộc đời. Điều gì cần buông? Những điều ác, những điều bất hảo. Ai trong chúng ta cũng biết được điều đó nhưng buông thật khó, cứ lăn xả vào điều ác, bất thiện, bất hảo mỗi một ngày. Điều gì cần giữ? Giữ tâm thiện lành an vui. Biết được điều đó nhưng ta vẫn bị những cái ác lôi cuốn hấp dẫn, làm mê hoặc để rồi ác thì cứ hành, thiện thì không thể giữ được.
Các bạn, hãy buông ác và giữ tâm thiện của mình và để có thể buông được điều ác giữ được tâm thiện của mình, chúng ta cần phải trải qua sự quán chiếu sâu sắc. Như người khoan giếng có giàn khoan thật tốt, dò đúng mạch nước cứ thế khoan sẽ có dư giả nguồn nước để cung cấp cho gia đình, cho mọi người. Chúng ta cũng như thế, khoan vào hơi thở chánh niệm bằng sự quán chiếu tâm từ bi, những điều cần buông sẽ buông được, những điều cần giữ sẽ giữ được. Những điều cần buông như những điều ác, bất hảo, bất tịnh, tiêu cực, buông được ngay. Những điều cần giữ như tâm tánh thiện lành, lòng bác ái yêu thương, sự san sẻ bao dung, tâm cao thượng vốn có sẽ ở đó, luôn luôn ở đó và hiện diện trong đời sống của chúng ta.
Đây là chân lý đích thực không ở xa, ở trong lòng của mỗi người, ở trong bản tính vốn có tràn đầy yêu thương của các đấng làm cha làm mẹ. Mà mỗi người chúng ta dù chưa làm cha mẹ vẫn có cơ hội quán chiếu điều đó nơi cha mẹ. Nếu như quý ông bà anh chị em đã là cha mẹ, là ông, là bà rồi, tất yếu hiểu được điều này. Nhưng vì chúng ta chạy đua theo những bí pháp cao siêu, tìm ở bên ngoài những điều huyễn hoặc cho là thần thông để học cách buông, do đó mà không thể buông. Quên rằng trong tâm của các bạn, của quý ông bà anh chị em vốn có năng lực phi phàm, để buông bỏ những chuyện phiền não đau khổ đó là tình yêu thương, đó là tâm từ bi không bao giờ mất. Đừng để cho những ngày tháng trôi qua bị dằn vặt trong những phiền não, đau khổ của những chuyện đã va chạm trong đời đối với cha mẹ, bạn bè, con cái, vợ chồng, đối với xã hội trong sự tương tác, đối với thành bại trong kinh tế, đối với thất bại trong tình cảm, đối với muôn sự đang diễn bài đã và sẽ.
Hãy biết chăm sóc bằng sự yêu thương chính mình mỗi ngày 5 phút, qua cái giàn khoan của chánh niệm hơi thở và qua mạch nước từ bi thấu rõ. Chúng ta lại một lần nữa tự tái sinh cuộc sống của mình trong pháp bảo vi diệu nơi trái tim, tâm thức thiện lành của ta. Đừng bỏ quên những điều cao quý vốn có trong ta, chạy theo những điều huyễn giã bằng những sự tiếp thị, do những ngôn ngữ mà người ta đặt ra một cách hào nhoáng, có nhiều sắc tướng của tâm linh. Con đường buông bỏ và những điều cần buông, cần giữ thật rõ nơi mỗi người nếu biết chăm sóc cho tự thân của mình, nếu biết và nhận định thật rõ chỉ có tình thương, chỉ có tình yêu, chỉ có tâm từ bi được nuôi dưỡng bằng sự chăm sóc đặc biệt qua hơi thở chánh niệm quán chiếu mỗi ngày, chúng ta sẽ có thể buông được tất cả, buông tất cả.
Chữ tất cả đó là gì? Không phải là một sự thách thức, không phải là một điều đặt ra để thách đấu, nhưng thật sự rất cần tư duy. Tất cả những điều gì cần buông ngay trong cuộc đời ngắn ngủi mà chúng ta đang có, mỗi người phải tư duy để sắp xếp và khả năng có thể buông được đó là phát triển sự chăm sóc của mình bằng tình thương, tâm từ bi đích thực vốn có, qua dành và ưu ái 5 phút mỗi ngày qua chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm từ bi. Đây là cách làm và hành trì của các bậc giác ngộ, của các đấng Phật và Bồ Tát, của các bậc đứng đầu các tôn giáo, dẫn dắt loài người thoát trầm mê đau khổ để chứng đắc và thành tựu được sự an vui sung sướng trong cuộc đời này.
Dạ kính thưa quý ông bà anh chị em trong phòng zoom Phạm Gia Nutrition và cô MC Lê Hà, Bảo Thành đã chia sẻ xong ngày hôm nay, dạ xin tri ân sự lắng nghe của tất cả.
Rất là biết ơn đến thầy ạ! Cả nhà ơi bài thuyết pháp của thầy hôm nay có giá trị không ạ? Cả nhà hãy cùng Hà thả thật nhiều trái tim trên màn hình để gửi lời biết ơn đến thiền sư của chúng ta, đã cho chúng ta một bài pháp rất là tuyệt vời, rất là giá trị ạ. Trong cuộc sống thì sự buông bỏ không phải là dễ dàng đúng không các cô bác anh chị? Chúng ta phải có sự tập luyện và chúng ta hãy thay đổi những lối sống, những tư duy, hãy buông bỏ những tâm sân si, những điều bất như ý. Thì thật sự ra trong cuộc sống khi mà nói đến con người chúng ta gặp những sự cố gì đó, để chúng ta thực sự thay đổi, buông bỏ được một lúc chắc chắn rất là khó. Nhưng ở đây cũng như thiền sư đã nói là chúng ta bắt buộc phải tập, phải hành thiền, phải quán chiếu từ những hơi thở. Phương pháp để chúng ta làm được điều đó là phải quán chiếu được hơi thở bằng khoảng 5 phút cho một ngày thôi, thì chúng ta cứ luyện đi luyện lại, cứ tu dần tu dần, thì chắc chắn là chúng ta sẽ thực hiện được và sẽ nhận được nhiều giá trị đúng không ạ!
Bây giờ là thời lượng chương trình ban tổ chức dành cho cô bác anh chị, cùng nhau tương tác cùng với Thiền sư của chúng ta. Trong cuộc sống nếu chúng ta có những câu hỏi nào, có những việc còn vướng mắc đang chưa tháo gỡ được, thì hôm nay có thể chia sẻ với thầy, với thiền sư, để thiền sư có thể giải mã cho cô bác anh chị, những giải pháp mà lâu nay chúng ta vẫn đang còn là đang loanh quanh, đang lẩn quẩn đi tìm giải pháp mà chúng ta chưa tìm thấy. Thì cả nhà hãy cùng nhau, ban tổ chức ưu tiên cho các cô bác anh chị nào giơ cánh tay vàng lên để cùng nhau tương tác cùng với thầy ạ!
Ở trong lời cảm ơn của khung chat có điểm cầu của Minh Hiền
“Nam Mô A Di Đà Phật!
Con xin tri ân công đức giảng pháp của quý thầy, con kính chúc quý thầy luôn luôn mạnh khỏe, thân tâm thường an lạc, Phật sự niên thành”
Xin cảm ơn đến điểm cầu của Minh Hiền đã gửi lời cảm ơn đến thiền sư
Cô bác anh chị ơi, thật ra thì Hà cũng đã chia sẻ rồi, mỗi lần mà thầy thuyết pháp lên trên phòng zoom của Phạm Gia Nutrition, thật sự biết ơn đến phòng zoom, đến ban tổ chức, đến anh Hổ và anh Sơn đã kết nối thầy đến với phòng zoom của chúng ta, ít nhất một tháng được 2 đến 3 ngày. Thì cô bác anh chị nếu chúng ta có những tâm sự gì chưa tháo gỡ được, thì đây là một cơ hội rất là tuyệt vời cô bác anh chị ạ. Thật sự ra trong cuộc sống bản thân Hà cũng vậy thôi, đôi khi không thể tránh khỏi được mình đang có một vấn đề gì đó mà luôn luôn xảy ra, chứ không phải là bây giờ xảy ra mà ngày mai nó không xảy ra đâu, luôn luôn. Chúng ta hãy sống chung, nhưng để mà Hà đi tìm được giải pháp thì Hà phải đi, giống như là có ai đó giới thiệu cho Hà biết được là tới chùa, tới gặp thầy ở đâu đó, thì mình bắt buộc phải di chuyển rất là vất vả. Nhưng mà rất là tuyệt vời phòng zoom của chúng ta, anh Hổ và anh Sơn cũng đã kết nối cùng với thầy, nếu cô bác anh chị nào có những thắc mắc, có những câu chuyện thì có thể cùng nhau giơ cánh tay vàng của mình lên, ban tổ chức sẽ hỗ trợ cho chúng ta cùng nhau tương tác với thầy được không ạ!
Trong khi chờ đợi sự tương tác đó chị Hà, Bảo Thành chợt nghĩ ra một điều rất hay mà hầu hết chúng ta đều mong mỏi. Trong cuộc đời mình cứ ước rằng cuộc đời này khi gặp phong ba bão tố, khi gặp những nghịch cảnh, những điều cần giải quyết suy nghĩ không ra, thì mình lại diện kiến được một quới nhân, một quới nhân để giúp mình phải không. Chắc chắn ai cũng muốn gặp được quới nhân hay gặp cao nhân, hay gặp bậc thiện nhân. Điều mà Bảo Thành muốn tiết lộ chút xíu là cuộc đời của Bảo Thành gặp thật nhiều quới nhân, gặp thật nhiều những bậc cao nhân, gặp nhiều lắm. Chắc chắn các bạn mong muốn như Bảo Thành gặp được quới nhân, gặp được những bậc chân nhân, cao nhân để giúp đỡ mình phải không? Có ai muốn không? Chắc chắn là muốn.
Bảo Thành không biết sao mà cuộc đời may mắn gặp thật là nhiều, gặp ở chỗ nào, đây là sự thật qua giá trị trải nghiệm đời sống của Bảo Thành, gặp nơi hơi thở chánh niệm. Như chị MC Lê Hà vừa nói mỗi khi gặp thấy điều gì bế tắc, thì hình như có ai đó hoặc có một sự việc nào xảy ra làm cho mình vượt qua, vươn lên. Đúng như vậy, có thể diện kiến được quới nhân, gặp các bậc cao nhân cao tay ấn, hỗ trợ, phò mạng cho chúng ta qua chánh niệm hơi thở, không cần đâu xa đâu. Qua nhiều năm thực tập thiền chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm từ bi, mà biết bao nhiêu phiền muộn, đau khổ, trắc trở, nghịch cảnh, những điều không như ý hoặc gọi là oan gia trái chủ, cầu mà không thành hoặc là mình gặp những chuyện không có như điều mình mong muốn buồn lắm. Thì chỉ trong một giây thôi quới nhân, bậc cao nhân liền tới. Quới nhân, bậc cao nhân đó là gì? Là sự tỉnh thức trong quán chiếu để có cái nhìn sáng suốt về các hiện tượng xảy ra và mình biết mình phải làm gì để vượt qua.
Bảo Thành nhắc lại như vậy để sách tấn mọi người rằng không có cái gì cao bằng chính sự sáng suốt của mình, nương vào chánh niệm hơi thở để phát huy được bằng tâm từ bi. Do đó đừng tìm quới nhân ở ngoài như các thầy bói thầy tướng nói “À số cô, số anh, số chị, ông bà có quới nhân”
Những cái đó chỉ là những ước lệ giảm ức chế tâm lý, nghe cho sảng khoái một thời rồi đau khổ triền miên mà thôi, không thay đổi được. Nhưng Phật dạy quới nhân trong chánh niệm hơi thở, trong quán chiếu tâm từ bi là có thật, bởi Phật đã thành tựu được điều đó, Bồ Tát thành tựu được điều đó, các bậc thánh tăng, các bậc thầy và nhiều người trong chúng ta như Bảo Thành và các bạn cũng đã thành tựu được điều đó.
Không nhiều nhưng ít nhất một phần, để rồi cuộc sống mình nhẹ nhàng hơn. Cho nên các bạn hãy nhớ đừng tìm quới nhân ở đâu xa, mà hãy tìm nơi chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm từ bi của mình. Đừng để mất tiền đi coi bói coi tướng, đừng để mất thời gian chạy ngược chạy xuôi, mà chắc chắn chúng ta sẽ phải mất tiền và mất thời gian ngược xuôi mới có cái điểm cầu để dừng lại trong ngày hôm nay, nghe và suy nghĩ về những trải nghiệm của mình một cách quá uổng phí. Để rồi mình không có tiêu phí tuổi đời của mình, bào mòn sức khỏe tìm tòi ở bên ngoài nữa, mà trở về nội tâm của mình. Dạ thưa chị MC, thưa quý ông bà anh chị em.
Rất là cảm ơn đến bài thuyết pháp thầy đã thuyết pháp thêm cho chúng ta về những giá trị, Hà nghĩ rằng tất cả chúng ta đang mong muốn và rất là cần. Bản thân con cũng vậy, thì trước thời điểm mà con chưa được biết đến thầy và phòng zoom này, thì bản thân con cũng là một người đang còn nương tựa vào gọi là những thầy pháp, rồi đại khái là khi bế tắc con hay bị dẫn dắt đến những con đường này con đường kia và con làm rất là nhiều chuyện. Thực sự ra con nghĩ rằng tất cả những người phụ nữ như con đều có những tâm trạng y chang, cảm giác cũng như vậy. Mình đã vướng phải những cái, không phải là họ lừa lọc mình đâu, nhưng mà cứ đi vào cái guồng và mình dựa dẫm vào người khác.
Nhưng khi con đã biết đến Thầy, con biết đến phòng zoom thì con đã thay đổi thầy ạ. Ngày hôm nay chắc chắn con cũng chia sẻ với thầy, xin phép con thấy có một câu hỏi khung chat, nhưng mà con đang thấy những giá trị con nhận đó là khi thầy chia sẻ cho là bằng cách hãy học quán chiếu bằng hơi thở của mình, thiền hơi thở của mình, hãy tập trung vào chính cảm giác tức là hãy dựa dẫm vào chính bản thân của mình, chứ không phải là dựa dẫm vào ai cả. Con cảm thấy là tâm con sẽ nhẹ nhàng hơn và con yêu mọi người hơn, ví dụ ngày xưa có ai cần nói đến con, cần la đến con thôi là bắt đầu tâm sân của con sân lên.
Nhưng mà khi bắt đầu đã hành thiền, thì bây giờ thời gian lâu nhất thì con hành thiền được một tiếng, con được một tiếng thôi, thì trung bình cứ từ 4:00 thì con dậy con thiền đến 5:00 sáng. Nhưng mà có những lúc con thiền được 30 phút hoặc 5 phút, đại khái là con không có đều về thời gian, nhưng khoảng từ trong vòng 1 tiếng thì con đã làm được điều đó. Bắt đầu là con đã thiền được 5 phút như thầy đã chia sẻ cho chúng con học ở thầy, mà sau dần dần con quán chiếu, con quán chiếu hơi thở thì bây giờ thì con cũng đã làm được một tiếng rồi, chứ còn hơn tiếng thì con chưa làm được. Nhưng mà con chắc chắn là cứ như vậy thì một ngày con sẽ tốt hơn và bây giờ con nhận được rất là nhiều giá trị, bây giờ tâm của con cứ nhìn thấy cái gì cũng yêu, người ta chửi mình con cũng yêu nữa, chứ không phải là ai yêu con con mới yêu lại đâu.
Một lần nữa rất là biết ơn đến thầy, bây giờ con xin phép đọc một câu hỏi bên khung chat của điểm cầu Thanh Nguyễn “Con kính bạch thầy, con nghe chia sẻ của thầy rất là ý nghĩa, con cám ơn thầy. Con muốn thầy cho con lời khuyên, có một người chị là đạo tràng chùa Ba Vàng đang có vấn đề về sức khỏe, nhưng vẫn trong vòng luẩn quẩn. Con muốn giúp chị thay đổi sức khỏe bằng dinh dưỡng, mà chị chưa chịu đón nhận và chị chỉ chú tâm tu thiền để chữa bệnh, thì con có nên buông bỏ chị ấy không ạ?”
Thưa chị, cám ơn câu hỏi đó. Thời Đức Phật có một vị cha mẹ mất, nhờ các thầy cúng tế tới để cúng cho cha mẹ được siêu thoát. Khi Phật đi ngang qua họ hỏi Phật rằng “Tôi đã nhờ các bậc thầy pháp cúng tế, các vị này đều cao siêu hết, vậy thì cha mẹ tôi được siêu thoát chưa và sự cúng tế này có linh diệu hay không?”
Phật cho hai ví dụ, bảo người đó cho vào hai cái bình một bình đựng đá và một bình đựng dầu, rồi đập bể cái bình đựng đá Phật hỏi “Đá ở trong bình khi đập vỡ nó chìm hay nó nổi?”
Người kia nói chìm và Phật bảo đập bể cái bình đựng dầu, Phật hỏi “Dầu kia chìm hay nổi” dầu nổi.
Phật nói “Vậy thì các bậc thầy pháp cầu kính, kinh kệ, chẩn tế như vậy có làm cho đá nổi được không và làm cho dầu chìm được không?”
Người kia trả lời không.
Phật dạy mọi thiện nghiệp ta tạo làm cho thần thức nhẹ nhàng như dầu, nổi lên trên biển khổ của cuộc đời, tái sanh vào cảnh thiện lành. Còn những việc ác ta làm như đá nặng chìm xuống đáy, đáy đó là tam đồ khổ, chẳng ai cầu cứu được, ta cũng không thể cầu để cho đá nổi, cho dầu chìm. Điều đó chứng tỏ rằng phương pháp thiền định là quán chiếu để cộng hưởng với phương pháp khoa học của thân, ta tu thân tâm. Phật tu tâm quên thân khi khổ hạnh chẳng ăn cái gì, nhịn đói hết, một ngày theo như kinh nói ăn một hạt mè, đến khi còm cõi hết sức rồi té sấp mặt xuống đất, gặp một cô bé cho một chén cháo sữa dê uống vào tỉnh ngộ, học con đường trung đạo không hành xác nữa. Bắt đầu chăm sóc cho cái thân là phương tiện hòa nhập vào sự tu tâm mà giác ngộ.
Có nhiều bạn trong chúng ta đã phát tâm tu nhưng quên rằng thân này cũng phải dưỡng theo khoa học, tịnh dưỡng theo khoa học, tu quá sức gọi là tà tinh tấn. Tà là gì? Là chướng ngại, tạo ra chướng ngại trong sự làm việc với tốc độ mong cầu quá nhanh, để rồi hao mòn sức khỏe như thời Phật tu khổ hạnh. Người bạn kia đã quan trọng hóa vấn đề thiền để trị bệnh, mà quên rằng thân vật lý này cần phải điều hòa bằng các dược liệu tự thể vốn có, để giữ được sức khỏe vượt qua sinh lão bệnh tử bằng tâm an lạc. Không thấu rõ được về y học mà chỉ nghiêng về thiền thôi, như vậy gọi là tà tinh tấn, vô tình ta nghĩ rằng Phật cứu được thân xác bệnh hoạn của ta và trị như vậy là hết.
Đức Phật hồi xưa cũng thiền đó mà Ngài cũng bệnh, Ngài cũng đau chân, Ngài cũng đi kiết lị, Ngài cũng trải qua nắng gió dãi dầu, bệnh hoạn theo thời tiết. Vậy hỏi rằng Đức Phật là bậc giác ngộ rồi, Ngài là bậc thiền cao siêu rồi mà vẫn còn bệnh, thì ta thiền có hết bệnh hay không? Dạ thưa có hết và cũng không hết. Có hết là hết cái gì? Những cái bệnh do tâm chấp mê mà ra, không hết là không hết cái gì? Những chứng bệnh do thân tứ đại hết duyên nó tạo ra, không thể hết mà phải nương nhờ vào y học. Do đó nếu người có trí tuệ đều nương nhờ vào y học, như chị vừa nói ăn uống dinh dưỡng, thể dục thể thao và biết điều hòa khí huyết bằng sự tập luyện, cộng hưởng với sự thiền định người đó sẽ lành mạnh, bình an, an yên và khỏe mạnh.
Câu hỏi trở lại có nên bỏ người đó không? Về tình yêu ta không nên bỏ, mà hãy tịnh dưỡng trong chánh niệm hơi thở, hồi hướng cho người ấy. Phúc cho những ai biết an ủi và chăm sóc những người đang u mê, thì hạnh phúc và bình an luôn có nơi họ. Chị nếu biết chăm sóc và hồi hướng cho người đang u mê hoặc những người đang thiên lệch về một điều gì đó chưa được sáng suốt, chị chính là người được hạnh phúc và bình an. Nên hãy tiếp tục hồi hướng cho họ, không nhất thiết phải tác động trực tiếp mà gián tiếp.
Bảo Thành chia sẻ như vậy và hình như lúc nãy Bảo Thành có đọc được trên một nhịp cầu, bạn nào hỏi là chia sẻ cách tu thiền chánh niệm như thế nào phải không? Hơi thở quán chiếu như thế nào. Nó cũng dễ lắm thưa các bạn, chúng ta thường gặp nhau khen một người nào tốt “Trời ơi cô đó có cái bụng rất là tốt”
Có nghe câu nói không? Cô này bụng tốt lắm không, vậy chúng ta cũng nghe “Cô đó bụng xấu quá à, xấu bụng thiệt hoặc là tốt bụng”
Câu đó hình như dễ ứng dụng. Ở đây các bạn có nghe câu tốt bụng bao giờ chưa, các bạn có nghe câu xấu bụng bao giờ chưa?
Dạ thưa, khi chúng ta hít vào thở ra, hãy tự nói với mình tôi rất tốt bụng. Khi mình biết rằng mình rất tốt bụng, thì tự thể năng lượng yêu thương từ bi nơi cái bụng của mình sẽ lan tỏa lên trên các luân xa của mình, huyệt mạch của mình, toàn thân của mình. Cái rốn của chúng ta, hãy nhớ hồi ở trong bụng mẹ cái rốn là mạng mạch sự sống truyền từ mẹ qua ta đúng không, nếu các vị lớn tuổi đều biết hết rồi. Thì khi sinh ra cái rốn cắt đi, nhưng từ trung tâm điểm của cái rốn xuống một chút xíu, đó là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu nguyên thủy từ mẹ trao cho ta, mà người xưa thường gọi là cha trời mẹ đất, tức là nguồn năng lượng vĩnh cửu vốn có của trời đất thiên địa nằm ở ngay cái rốn, tức là nằm ở ngay cái bụng, ngay cái đại huyệt của luân xa 123, nó nằm ngay cái bụng đó các bạn.
Cho nên khi chúng ta nói hít vào phình bụng mình nói tôi tốt bụng, thở ra nhẹ nhàng hãy tốt với mọi người. Như vậy thôi thì các bạn đã gắn kết như bật mật mã wi-fi, gắn được cái wi-fi của cha trời mẹ đất của cái bụng tốt của mình, thì năng lượng luân xa số 1, số 2 nó lan tỏa rần rần, rồi nó chạy lên trên tim, sưởi ấm trái tim, lan tỏa tới ấn đường của mình và lên trên bách hội của mình. Đó là sự trải nghiệm của Bảo Thành, cho nên tóm lại hãy hít thở, hít vào phình bụng, dùng tánh biết, tâm của mình nhìn xuống bụng và nói rằng tôi tốt bụng, thở ra hóp bụng và nói hãy tốt với mọi người, chỉ như vậy thôi đừng cho rằng quá đơn giản các bạn ơi.
Những nhà tâm lý học cũng dùng ngôn ngữ để giải tỏa bế tắc của ta, những nhà thôi miên học cũng dùng ngôn ngữ để đưa ta chuyển hóa những bế tắc thầm kín mà ta không biết. Những nhà tâm lý học như vậy, thôi miên học như vậy, thì những bậc giác ngộ trong tâm linh học cũng dùng những câu chú, tức là những âm thanh chú thích bản thân để nhắc nhở mình để vượt qua. Ngôn ngữ vi diệu ở chỗ biết nhìn về mặt tích cực, cho nên hít vào phình bụng nói rằng tôi tốt bụng, thở ra hóp bụng hãy tốt với mọi người. Cứ như vậy bạn sẽ nhận được giá trị thật tốt nơi bạn và lan tỏa được. Thực tập thử bạn sẽ có một sự trải nghiệm năng lượng từ vùng bụng luân xa 123, vùng rốn của mình nó lan ra, nó tỏa ra và bạn thấy được sự hỷ lạc có ở đó. Thực tập như vậy thường xuyên như bật công tắc gắn wi-fi vô rồi, thì mạng luôn luôn được gắn kết với nguồn năng lượng gốc của mình từ cái rốn của mình, dạ xin cảm ơn!
Rất là cảm ơn đến thiền sư của chúng con ạ, trong khung chat thì con có đọc đây là lời cảm ơn của một điểm cầu là Oppo 76
“Nam Mô A Di Đà Phật!
Con rất là cám ơn thầy đã truyền những giáo lý rất hữu ích đối với chúng con, từ lúc con nghe thầy chia sẻ con bắt đầu thấy tâm mình được bình thản hơn, con xin cảm ơn thầy nhiều ạ!”
Có một câu hỏi của điểm cầu Ngô Hoa “Thầy ơi, cho con hỏi giờ con có một số hướng đi công việc, con bối rối chưa biết chọn hướng nào, thầy giúp con có cách nào sáng suốt chọn hướng đi phù hợp không ạ, con kính bạch thầy ạ!”
Dạ thưa chị, thưa đại chúng! Nhất định chúng ta có nhiều lúc đứng giữa không phải ngã 3, mà ngã bảy, ngã mười của nhiều sự lựa chọn. Chị có phước đó bởi vì chị đang đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, mà không biết định hướng đi về hướng nào, hướng nào thì tùy tâm. Có nhiều người định hướng hướng đi phải có nhiều tiền, có nhiều người định hướng hướng đi mình chọn lựa phải đạt được quyền danh cho mình hoặc là sức mạnh về chuyện gì đó. Riêng với Bảo Thành để lựa chọn một hướng đi tốt cho mình, phải thẩm định lại hướng đi đó có phải là hướng đi mang lại niềm an vui cho mình không. Khi một hướng đi có niềm an vui là có sức khỏe, có sự sáng suốt, có hạnh phúc, có bình an, đó là giá trị đích thực cao quý mà mỗi người ai cũng cần.
Để nhận được điều đó chị hãy, phương pháp của mình là ghi xuống tất cả những sự lựa chọn lên trang giấy, mỗi một sự lựa chọn ghi qua một tờ giấy để trước mặt, đọc cho kỹ từng sự lựa chọn vậy, trong chánh niệm hơi thở bạn cứ hít vào thở ra, nhìn vào từng tờ giấy. Ví dụ bạn có hai sự lựa chọn, bạn ghi vào tờ giấy để trước mặt, bạn đọc cho rõ hai sự lựa chọn đó, bạn hít vào thở ra và dùng tánh biết của mình tập trung ở ấn đường này, tánh biết chị nhận thức của mình từ ấn đường. Hít vào tánh biết từ ấn đường nhìn xuống bụng, thở ra tánh biết từ bụng trở lại ấn đường như một chu kỳ vòng tròn, chị làm như vậy chừng 7 lần. Thì nếu có hai sự lựa chọn đặt ở trên bàn, tự yên chị sẽ có một cảm ứng nghiêng về một sự lựa chọn nào đó.
Đây không phải là thử thách như cầu cơ, lên đồng, lên cốt, mà là một sự trở về với tánh biết, tư duy trong chánh niệm để sự cảm ứng tự nhiên của mình trong tánh thiện nó chọn lựa cho mình bằng chánh tư duy và chánh kiến. Bảo Thành ứng dụng phương pháp này thật là nhiều lần, bởi vì có nhiều chuyện cần phải lựa chọn nhưng mà tâm mình rối quá không biết làm sao. Thì Bảo Thành ghi xuống từng tờ giấy, mỗi một tờ giấy một sự lựa chọn và Bảo Thành mới ngồi xuống tĩnh tọa, rồi hít vào thở ra chừng 7 hơi, dùng tánh biết đó và bắt đầu nhìn vào câu hỏi đó, một hồi tự nhiên người mình có cảm ứng nghiêng về phương hướng được ghi tờ thứ nhất hoặc tờ thứ hai.
Đây là phương pháp trải nghiệm mà người ta gọi là cảm xạ học, không biết các bạn có nghe cảm xạ học chưa? Đó tức là sự cảm ứng của mình nó tạo ra nguồn năng lượng, dẫn dắt mình tới chỗ mình mong muốn, nếu mình tụ được tâm nơi chánh niệm hơi thở của tánh biết. Dạ mời chị thử ứng dụng đó coi, rồi lần sau cuối tháng gặp lại với Bảo Thành, chị cho Bảo Thành biết chị đã ứng dụng và chị chọn lựa có đúng hay không nha chị ha, cảm ơn chị dạ!
Rất là cảm ơn đến thầy ạ! Rất là tuyệt vời đúng không cả nhà. Có điểm cầu của chị Thanh Nguyễn hỏi về chị gái ở chùa Ba Vàng đó thầy, thì chị có ghi trong khung chat là “Con đã giác ngộ được rồi thưa thầy ạ, rất là biết ơn đến thầy!”
Còn điểm cầu của Bảo Trân thì hỏi về cách hành thiện thì Bảo Trân cũng gửi lời cảm ơn là “Con hiểu rồi thầy ạ, con biết ơn đến thầy rất là nhiều!”
Điểm cầu của chị Ngô hoa cũng gửi lời hỏi về cách mà để chọn công việc đó thầy, thì chị cũng có gửi lời lên là “Cảm ơn đến thầy rất là nhiều, để con làm theo hướng dẫn của thầy ạ!”