Search

4005. Lựa Chọn Hơn Nỗ Lực

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn tu học mật thiền chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức. Trở về với Phật tánh, thấu rõ vạn pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ thân, cổ và đầu ngay thẳng, buông thư nhẹ nhàng. Trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng thật nhẹ nhàng. Trong từng hơi thở khi hít vào và thở ra ta tổng Trì mật ngôn. Mật ngôn quán tâm Từ Bi  Mu A Mu Sa, mật ngôn quán tâm Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê và mật ngôn Phật Tánh Sa Bi Mô U. Mỗi một mật ngôn ta tổng trì trong chánh niệm hơi thở, chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng từ chư Phật, tha lực Phật điển.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, san sẻ cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Cuộc sống này bất cứ một việc gì dù lớn hay nhỏ, chúng ta cũng phải luôn luôn nỗ lực, cố gắng hết mức. Bởi vậy trong cuộc sống người ta mới khuyên nhau cố lên, cố lên để vượt qua tất cả. Dĩ nhiên không ai có thể không cố gắng mà thành công, việc gì cũng cần phải cố gắng nỗ lực. Trong mật thiền, sự tu tập của chúng ta rất cần sự nỗ lực của mỗi người, tinh tấn từng ngày để thành tựu được sự an lạc. Năm thứ tư rồi, bốn năm liên tục chúng ta mỗi một sáng sớm đã thức dậy tu tập với nhau trong một tiếng đồng hồ khoảng đó, từ 30 đến 40 phút. Hít thở trong chánh niệm, quán chiếu tâm Từ bi để thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, trở về với cội nguồn chân như Phật tánh. Từng bước, từng bước trong nỗ lực ấy chúng ta đã tiếp nhận được nguồn năng lượng siêu thế, thanh tịnh hóa thân tâm, nhìn rõ bản thể của mình, tâm tánh của mình, sửa đổi và tiến lên con đường chạm vào sự hạnh phúc an vui trong đời thường.

Sự nỗ lực của chúng ta không uổng phí, bởi chẳng phải chúng ta mù lòa đâm đầu vào thực tập một pháp môn nghe quảng bá, nghe quảng cáo, nghe tiếp thị theo tiếng tân thời, thời đại, phong trào hoặc sự rủ rê của ai đó mà đi vào. Chúng ta đã suy nghĩ, đã lựa chọn chính xác trong sự trong sáng của sự tư duy và cái nhìn thấu rõ tuệ giác, đó gọi là tuệ giác. Nhìn cho thấu, suy nghĩ cho kỹ, hiểu được nó và ứng dụng. Mật thiền chúng ta nghe, chúng ta hiểu, chúng ta biết, chúng ta tư duy và đưa vào thực hiện, thẩm thấu được nguồn năng lượng và từ đó chúng ta cố gắng thực tập mỗi ngày.

Chủ đề các bạn nói “Lựa Chọn Hơn Nỗ Lực”. Điều này luôn đúng, nhưng nó cũng tương đối thôi bởi đã lựa chọn thì phải nỗ lực mới thành công, còn lựa chọn dù bạn lựa chọn cái hay nhất, tuyệt vời nhất mà bạn không nỗ lực thì cũng chẳng có thành công. Tuy nhiên chúng ta đời này thông thường thiếu vế trước lựa chọn, mà chỉ cố nỗ lực vươn lên để mang tới cho mình biết bao nhiêu thảm họa của sự bất công hoặc không thành công, hoặc thất bại. Ta cứ theo thói quen người ta làm ta nhào vào cắm đầu bươn chải, nỗ lực hết sức hoặc ta theo tập tục, tập quán, thói quen cố lên, cố lên. Cứ thế tiếng thúc giục cố lên ta đâm đầu vươn tới, nhưng chẳng bao giờ suy nghĩ, tư duy và lựa chọn cho đúng. Để rồi sự cố lên đó nó có tác dụng đa chiều, phù hợp đưa đến sự thành công. Chúng ta chỉ có một chiều là cố, cố cho tới hơi thở cuối cùng, mà không bao giờ suy nghĩ, lựa chọn cho phù hợp.

Cho nên lựa chọn đồng hành với sự nỗ lực sẽ đưa đến thành công, y như người ở đầu gió, thuận gió người ta gọi là thuận buồm xuôi gió, thì con thuyền sẽ đi nhẹ nhàng thôi, còn người ở ngược chiều gió vất vả vô cùng. Cuộc sống này nếu như chúng ta có sự tư duy sáng suốt, có sự suy nghĩ rõ ràng và lựa chọn cho mình, không phải trên con đường tu không đâu, mà tất cả sự việc trong mọi ngành nghề, từ cách sống, cách tương tác, từ cách mà chúng ta làm việc, ngay cả cách nấu nướng để ăn hoặc dọn dẹp nhà cửa, tất cả nếu suy nghĩ, tư duy cho rõ, chúng ta lựa chọn cho đúng, chẳng khác gì thuận buồm xuôi gió. Ngay cả trong tình bạn, tình vợ chồng, tất cả nhưng hầu hết chúng ta không có chịu lựa chọn đâu, bị người ta xui khiến, dẫn dắt, thúc đẩy. Do vậy sự cố gắng của chúng ta sau một thời gian sẽ làm cho chúng ta mệt mỏi.

Ở trong tình bạn đôi khi chúng ta cố gắng quá sức để giữ được tình bạn, chẳng bao giờ lựa bạn mà chơi, chọn bạn mà chơi. Dù ông bà cha mẹ cũng đã dạy cho chúng ta “Con ơi chọn bạn mà chơi”

Nhưng khi ra đời ta gặp bạn nào ta cũng quàng vào làm họ, từ đó mà chúng ta cố gắng giữ mối giao hảo của tình bạn nhưng không được. Từ tình bạn, tình người, tình đồng môn, tình đạo tràng, tình cùng hãng xưởng, các bạn cùng văn phòng. Có những nơi ta chọn được, nhưng có những nơi mà ta phải tự đặt mình vào đó lựa chọn, không được. Đúng, ta không lựa chọn được người để chơi được, để làm cùng việc được. Ví dụ như ta đi vào văn phòng của hãng xưởng, những người trong đó đều là những người đang làm ở đó ta chẳng thể lựa chọn, nhưng ta có thể lựa chọn phương pháp để tương tác, để ứng xử, để làm việc. Cho nên các bạn đừng giới hạn trong sự lựa chọn chỉ là lựa người khôn, người hiền. Phải rộng hơn một chút thì từ đó đi tới đâu, sống ở đâu, làm bất cứ một việc gì khéo lựa chọn phương pháp hay bạn và Bảo Thành luôn luôn sống hạnh phúc và bình an.

Có khi nào các bạn hối hận về sự không khéo lựa chọn không? Mà chỉ có nỗ lực, cố gắng hết sức để rồi bị thất bại không? Chắc chắn là có, ở đời có biết bao nhiêu thứ ta thất bại trong ê chề, để rồi đau đớn. Bởi vì chỉ nỗ lực cố gắng, hàn gắn làm việc mà không có sự lựa chọn, tư duy, suy nghĩ cho đúng. Thuở xưa Đức Phật luôn luôn dạy cho hàng đệ tử rằng “Này các con, ngay cả những gì ta dạy thì các con cũng phải tư duy, phải suy nghĩ cho đúng, phải tư duy và suy nghĩ cho đúng để lựa chọn những gì ta dạy phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh mà thực tập”

Phật không thúc ép chúng ta dù Ngài là bậc thầy, là một bậc giác ngộ, nhưng không phải việc gì Ngài làm, lời gì Ngài nói, sự gì Ngài dạy Ngài cũng ép chúng ta phải tuân thủ theo.

Trong kinh Đức Phật nói về chữ Trạng Pháp, có nghĩa là sự tư duy sáng suốt, tỉnh táo để ứng dụng tuệ giác mà thẩm thấu mọi việc, rồi ứng dụng cho tốt vào cuộc sống. Điều đó nhắc nhở mỗi người chúng ta những công việc trong xã hội, những công việc của kiếp người này ta đều cần phải suy nghĩ để có thể đứng ở đầu gió, nương gió mà căng buồm thổi cho dễ dàng đi. Các bạn, thuận buồm xuôi gió là những điều thuận với sự tư duy của nhân quả, thấu với chánh kiến, nhìn rõ được nhân quả. Sự quyết định trong sự thấu rõ đó không phải chỉ nhắm mắt mù lòa đâm đầu đi vào. Nói về đời thường thì vô số ta đã lầm lỗi cố gắng, nỗ lực chẳng thành công vì không bao giờ suy nghĩ và tư duy. Nhưng nói về con đường đạo, nếu bạn như vậy thì suốt cuộc đời này tất cả các pháp môn dù có vi diệu tới đâu, bạn cũng không bao giờ thành công.

Trạng Pháp có nghĩa là phải dùng tuệ giác, tức là suy nghĩ cái nhìn đúng, quán chiếu, tư duy và thẩm định rồi lựa chọn, đi tới sự quyết định sáng suốt. Từ đó có được chánh định tức là một sự nỗ lực đúng mức. Chúng ta thường bị phong tục,  tập quán dẫn dắt, nó kéo theo, nó vui, nó thích hoặc là nó đã mớm cho ta từ thuở bé, hoặc ta sống lên từ thuở nhỏ đó đã nghe, đã nhìn, đã thấy và đã đồng hành, nay trở thành nhập vào trong máu rồi bỏ không được. Thấy một cái là vui, nghe một tí là bay khắp trời. Các bạn, điều đó có, ta ảnh hưởng bởi thói quen, rồi dần dần không dùng trí tuệ, tuệ giác suy nghĩ, tư duy, cái nhìn thấu để lựa chọn. Ta chỉ cắm đầu cố gắng, cố gắng thể hiện mà thiếu đi sự lựa chọn. Do đó hầu hết chúng ta không thành công.

Trong thương trường những người thành công là những người ngoài sự nỗ lực của bản thân, họ luôn luôn lấy sự lựa chọn làm đầu. Vậy nên họ luôn ngồi suy nghĩ, tư duy, thẩm định điều gì cần làm, điều gì không cần hoặc họ có cả một bang hội đồng thẩm định những hướng đi của tương lai và quyết định sau khi suy nghĩ, bàn thảo kỹ lưỡng. Không phải nhìn thấy cái gì là đâm đầu, bổ đầu vào nỗ lực làm cho tới chết, cố gắng cho hết sức. Công ty nào, con người nào và công việc nào đó được suy nghĩ, tư duy, lựa chọn cho đúng, sự nỗ lực của họ sau đó sẽ thúc đẩy bằng sự quyết định dũng mãnh để đi đến sự thành công. Trong Phật pháp nếu các bạn không dùng chánh kiến, chánh tư duy, suy nghĩ cho kỹ mà chỉ dùng sự tinh tấn không có tư duy và chánh kiến, thì đó là nỗ lực mà không có sự lựa chọn. Phật khuyên ta phải lựa chọn.

Hôm qua vào buổi tối, Bảo Thành tới nhà một người thân gặp gỡ các bạn, có một người bạn hát chầu văn rất hay. Chầu văn là một nền văn hóa dân tộc ở ngoài Bắc, hầu hết các trẻ thơ ngay từ thuở nhỏ đã được cha mẹ ông bà dắt đến đình, miếu để nghe chầu văn. Đó là thể loại nhạc về cúng kính, âm nhạc về lễ nghi của ngàn xưa rồi được chế tác ra. Thứ nhất là thể hiện tâm hoan hỷ thành kính, thứ hai là một nền văn hóa dân tộc bản sắc ở ngoài Bắc. Âm nhạc, ca từ, tiết tấu rất hay làm cho người ta vui vẻ thoải mái. Thế nhưng dần dần chầu văn đó đã được ứng dụng vào vấn đề hầu đồng, hầu cốt. Chúng ta theo từ thuở nhỏ và chúng ta nhìn từ thuở nhỏ, chúng ta thể nhập vào từ thuở nhỏ, nó đi vào trong máu, trong hơi thở. Và như thế anh ấy và một số người ngay từ thuở nhỏ đã được nghe, đó là phong tục, là văn hóa của bản địa, được quốc tế công nhận là một nền văn hóa âm nhạc rất hay, quen rồi. Nên khi mọi người hát vui, dễ, chẳng cần phải cố gắng bởi đó là thói quen.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng không cần phải cố gắng là thói quen, nhưng thói quen nếu không tư duy nó biến tướng từ từ, rồi chúng ta cố gắng thể hiện nó mệt lắm. Ở cuộc đời này, trong cuộc sống này có biết bao nhiêu những thói quen, tập tục từ thuở nhỏ ta được nuôi dưỡng, ta được sống chung, nó thấm nhuần vào tư tưởng. Để rồi từ đó ta làm biếng suy nghĩ và tư duy, việc gì cũng cứ đặt mình vào trong đó vận hành một cách máy móc. Anh bạn tối qua hát chầu văn, anh ta không vận hành một cách máy móc, anh ta suy nghĩ và lựa chọn bối cảnh của một cuộc họp mặt trong tình bạn, hát một bài chầu văn để hiến tặng như một nền văn hóa bản địa ở ngoài kia, để giúp vui cho nhóm bạn. Cho nên ca từ và âm nhạc hòa quyện vào với tâm cống hiến đó, mọi người nghe rất vui, tức là anh ta đã có một sự lựa chọn chỉnh chu, rõ ràng, không phải hứng rồi nhảy vào hát cho nên ai nghe cũng vui. Các bạn, dù là những chuyện bạn đã quen, nhưng sự cộng hưởng của tư duy, suy nghĩ sáng suốt để vận hành những điều đã thuần thục, đã quen và nỗ lực trong sự việc đó thì chúng ta sẽ thành công.

“Lựa chọn hơn nỗ lực” điều đó chỉ là một phần, nhưng đối với Bảo Thành sự lựa chọn trong sự sáng suốt, trong chánh tư duy, chánh kiến và rồi sau đó quyết định đi đến sự hành động trong nỗ lực, thì mọi người sẽ thành công. Đó gọi là trạng pháp, là một sự lựa chọn đặc biệt trong các pháp tu. Ngày nay kinh điển của Đức Phật, các pháp môn được phổ truyền rộng rãi từ chùa, từ các bậc thầy, các bậc thiện tri thức, các sư cô, ngay cả những học giả là Phật tử tại gia. Trên các trang mạng đại chúng đầy hết các pháp môn đó, những lời hay ý đẹp kinh điển của Phật được hoằng truyền rộng rãi, ai cũng có thể nghiên cứu học hỏi. Nhưng các bạn đừng nghiên cứu học hỏi một cách máy móc, dồn ép như ép dầu.

Chúng ta phải có một sự lựa chọn thỏa đáng, phù hợp pháp môn nào đó mà qua thẩm định của trí tuệ, trong tư duy và chánh kiến. Rồi bạn nỗ lực tinh tấn bạn sẽ thành công. Còn không chúng ta cứ gặp đâu học đó, mà thói quen đó rất nhiều người trong chúng ta đã bị vướng mắc, nên ta chạy theo phong trào tu, ta rượt đuổi theo những phong trào mà những người tổ chức, mà chúng ta thích, chúng ta mê. Có biết bao nhiêu phong trào tu học, người ta thường mang cái danh ra để hấp dẫn chúng ta, cái danh đó như bằng, như cấp, như giấy tờ chứng chỉ, mê lắm. Nhiều môn học về tâm linh, luyện tâm, ta bị sự hấp dẫn của hội họp thật là lớn và rồi ta bị sự hấp dẫn của số đông, ta không còn tư duy, suy nghĩ học Phật, học luyện tinh thần, nội tâm của chúng ta với ý nghĩa gì nữa. Ta bị số đông hấp dẫn, ta bị bằng cấp hấp dẫn, ta bị những danh lợi hấp dẫn, nó dẫn dắt, nó kéo đi, cứ đâm ùn ùn lên là thích.

Nhiều người tụ tập bằng cấp rồi khen thưởng, điều đó cũng dần dần lấn vào cái sân của sự thanh tịnh trong thiền, trong tu, đi đâu cũng được cấp bằng, cấp chứng chỉ, đi đâu cũng được cấp bằng khen. Đức Phật hồi xưa không cấp bằng cho ai, Đức Phật hồi xưa không mang những bằng cấp ra để phong hàm cho mọi người. Phật chỉ thọ ý một điều duy nhất đó là “Ta là Phật, còn các tất cả các con sẽ là Phật”

Duy nhất như thế, chẳng cấp bằng, chẳng có giấy tờ chứng chỉ, chẳng ca tụng, chẳng bằng khen. Thế mà ngày nay ngay cả vấn đề cúng dường trong chùa thôi bằng khen đầy hết, bằng nhỏ sợ người ta không thấy, bằng to tiếng đời gọi là to tổ bố, treo lên nhà cho người ta thấy cúng dường, từ thiện. Rồi trong chùa trở thành chỗ để khen nhau, để tặng bằng. Rồi các môn học hội hợp với nhau để trao bằng, trao cấp.

Đúng ở đại học về kiến thức ta cần có bằng đại học, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ là kỹ sư, là luật sư, tiến sĩ, là bác sĩ, để cái bằng đó làm chứng cho sự việc. Nhưng trên con đường tu và hành thiện, điều chứng tỏ rõ nhất là mỗi người chứng ngộ được sự an vui, hạnh phúc bằng công hạnh hành trì miên mật, đưa đến sự hạnh phúc an lạc. Chẳng phải cái bằng bằng giấy đóng trong cái khung thật to. Do vậy sự lựa chọn tu của chúng ta đừng lựa chọn theo sự hào nhoáng, rồi cắm đầu đi vào. Đó không phải là sự lựa chọn mà đó là sự dẫn dắt bởi số đông, bởi phong trào. Chúng ta ở trên đời này ai cũng khôn, nhưng ở ngoài kia còn có nhiều người khôn hơn. Họ hiểu được thủ thuật tâm lý để rồi dẫn dắt chúng ta, cuốn chúng ta vào những phong trào rần rần. Nhưng một thời gian trôi qua nghĩ lại bạn đã đốt cháy thời gian, bạn đã quá sức nỗ lực vào một việc không cần thiết. Ở đây không phải là sai hay đúng, mà là không cần thiết cho cuộc đời của chúng ta hoặc cho sự học.

Hôm nay chọn lựa hơn nỗ lực đối với Bảo Thành sửa lại một chút lựa chọn đúng, để rồi nỗ lực sẽ đưa đến sự thành công. Đời cũng vậy mà đạo cũng thế, tất cả mọi phương diện trong cuộc sống về thân ta phải lựa chọn những phương pháp ăn uống, thể dục thể thao và nỗ lực thực tập ta sẽ khỏe, bệnh sẽ thuyên giảm. Ăn uống đúng, người sẽ luôn luôn giữ được trạng thái cân bằng. Về tâm ta cũng phải lựa chọn những cách luyện tâm và nỗ lực. Về đạo giáo, về thiền, về các pháp môn tu, ta cũng cần phải tư duy, lựa chọn cho đúng và nỗ lực để đi đến sự thành công. Đừng để dẫn dắt, đừng mù quáng chạy theo số đông, đừng dẫn dắt bởi cao trào, phong trào, đừng đắm chìm trong bằng khen, trong bằng cấp. Đừng tụ họp đông để rồi cứ mang bằng này, cấp kia trao cho nhau. Cái bằng duy nhất là bằng lòng thực tập trong chánh tư duy, suy nghĩ sáng suốt, nỗ lực, tinh tấn đúng mức đưa đến sự thành công, để có được chứng ngộ được sự an vui và hạnh phúc trong cuộc đời.

Các bạn thân mến, chọn lựa đồng hành với sự nỗ lực đúng mức, chúng ta sẽ đưa tới sự thành công cho bản thân. Đời cũng như đạo, cuộc sống ngắn như một hơi thở, cần có sự lựa chọn và nỗ lực để đi tới sự thành tựu. Đời này ngắn lắm, đừng có việc gì cũng nhào đầu vào, việc gì cũng để người khác làm chủ dẫn dắt, rồi cuống cuồng đi theo, mà phải tư duy, suy nghĩ. Hai chữ trạng pháp trong nhà Phật có nghĩa là sự lựa chọn bằng tuệ giác, trong tư duy rõ ràng và cái nhìn sáng suốt, đưa đến sự quyết định để tinh tấn đúng mức mà thành tựu. Các bạn hãy nhớ điều đó, để mỗi ngày chúng ta đều có sự lựa chọn trong sự tư duy của chánh kiến, nhìn thấu được nhân quả bằng tuệ giác, thẩm định đi đến sự quyết định. Để thời gian ngắn ngủi trong đời người chúng ta không uổng phí, lao đầu vào những chuyện vô bổ, không có lợi lạc trong cuộc sống của ta và của muôn người. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con sẽ nghe lời của Phật dạy để tư duy trong chánh kiến, hiểu thấu bằng tuệ giác, thẩm định đi đến sự lựa chọn đúng pháp môn, đúng việc, đúng người. Để nỗ lực, tinh tấn, thành tựu những điều chúng con đã lựa chọn. Xin Phật gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, tiếp nhận năng lượng, tổng trì mật ngôn, lan tỏa yêu thương.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn