Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu. Mời tất cả mọi người hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chuẩn bị đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật tu tập Mật Thiền Chánh pháp để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Đồng nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin Chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn ngồi, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, toàn thân buông thư nhẹ nhàng. Chánh niệm hơi thở vào ra, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, vững chãi, thảnh thơi. Từng hơi thở vào ra, ta quán chiếu tâm Từ Bi yêu thương lan tỏa xuống muôn người, muôn nơi, muôn cõi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, và tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê.
Chúng ta hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Các bạn! Sẽ có một ngày chúng ta nhận thức ra hơi thở rất quan trọng trong đời sống. Lúc ấy là lúc ta đau đớn, thở không được và sự sống như đang bị đe dọa. Còn hiện thời ta khỏe, ta vui, ta chơi thoải mái, có khi nào có ai nghĩ đến hơi thở đâu? Tất yếu hơi thở là tự nhiên, thở ra và hít vào, chẳng có gì cần phải chú ý, nhưng sẽ có một lúc nào đó như vừa nói ta sẽ thấy rằng hơi thở là mấu chốt sự sống. Nhưng nó không mang lại sự chú ý cho chúng ta. Trong Mật Thiền, ta thực hành theo lời của Đức Phật chỉ dạy, nhận ra cái giá trị của hơi thở trong Chánh niệm không phải chỉ nuôi dưỡng thân mà còn trưởng dưỡng cái tâm để tạo phước, tạo công đức, đẩy lùi đi mọi phiền não và đau khổ, mang lại sự an lạc và hạnh phúc. Bạn không chú trọng đến những điều cần thiết trong cuộc đời mà phung phí dù bất cứ một điều gì thì nhất định sẽ có ngày chẳng còn. Đôi khi chẳng bao giờ nghĩ ta đang phung phí hơi thở, bạn có nghĩ như vậy không? Chúng ta thật sự không nghĩ. Nhưng mà ta có, ta phung phí hơi thở vào những chuyện tranh cãi, cãi vã to tiếng. Ta phung phí hơi thở, dồn lực cho mạnh để tạo tác những hành động không hay. Ta phung phí hơi thở vào những cái tư tưởng, luận điệu sai trái… Nhiều lắm, nhưng mấy ai thấy, bởi hơi thở là vốn tự có, đâu mất tiền, phung phí nào có sợ gì? Đúng! Nhìn theo một cái chiều hướng tiêu cực hơn, vẫn biết hơi thở là vốn tự có nhưng không phải bạn muốn thở là thở muốn hít là hít. Biết bao nhiêu người nằm xuống và chôn vào lòng đất chính là vì muốn hít không được, thở cũng không xong. Vốn tự có nhưng không có tự hữu, không có tồn tại. Trân quý một chút xíu, nương vào cái phương tiện Phật đã vạch ra, chỉ ra cho chúng ta lá Chánh niệm trong hơi thở của đời sống, nhất định mỗi người sẽ nhìn ra cái giá trị vô giá trong hơi thở rất bình thường.
Đời người ngắn hay dài cũng tùy vào hơi thở được hay không. Mật Thiền Chánh niệm luôn luôn hòa hợp dung thông giữa cái hơi thở của trạng thái tâm buông thư nhẹ nhàng nhận thấy và biết rõ trong từng giây, với Từ Bi – tình yêu thương lớn lan rộng không có bờ không có cõi, không có biên giới, không có phân biệt quốc gia chủng tộc, ngôn ngữ, con người, bình đẳng không sai lệch. Chính vì cái tình thương lớn như vậy mà lòng của mỗi người không có ngăn ngại, không có chướng ngại, không bị điên loạn, rất bình tĩnh chậm rãi, vững chãi. Ngay cái điểm đó, ánh sáng của Trí Tuệ sẽ hiển linh vô cùng để ta thấy được chính cái bản thể, bản tâm, thấy được những tư tưởng suy nghĩ, thấy được những hành vi trong chính cuộc đời của mình. Khi cái thấy đó được rõ, được bền vững với hơi thở của tình thương, ta luôn luôn có một đời sống tỉnh thức, không u mê, không lầm đường lạc lối. Ta vững, ta trụ, trụ trong cái không còn chấp, trong hư không của pháp giới tình thương, của ánh sáng, của tỉnh giác.
Các bạn! Tu thân rất quan trọng, ứng như câu bạn gửi về để nói về một cái thời nào đó, như hiện thời dù trẻ hay lớn tuổi, thỉnh thoảng, và ta vẫn thường nói những cái câu của người xưa dạy đó. Đôi khi vu vơ chẳng hiểu và lại nghĩ rằng ngày nay chẳng áp dụng được nhưng vẫn thích nói cho nó văn hoa, văn vẻ, văn chương một chút. Ngày xưa, ở bên Trung Hoa có một bậc thầy lớn, thầy Khổng Tử có dạy: “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”. Ai cũng lấy cái tiêu chỉ đó để học, để tu. Bởi trong cuốn kinh đại học đó của thầy Khổng Tử nằm trong Tứ Thư, tức là trong bốn cái bộ kinh lớn của ngài dạy. Trẻ trẻ như mọi người và còn trẻ con như Bảo Thành đọc được cái câu “Tu thân rồi đến Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”. Nói cho nó oai trước đám đông cho mọi người thấy ta là người hùng tu thân, rồi đến tề gia để quản lý gia đình của mình, rồi thống trị cái đất nước này, nơi quốc độ mình ở đó, mình sinh ra đó, rồi làm thiên hạ thế giới này thái bình. Nam hay nữ thì trong lòng của chúng ta vẫn còn có cái nguồn năng lượng mạnh như thế, lúc nào cũng muốn phình bụng, trợn mắt để làm những cái chuyện anh hùng hảo hớn lớn lao. Và ta lặp đi lặp lại như một cái thương hiệu “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ” như một cái điều gì lặp đi lặp lại. Và cái hoài bão lớn như vậy vươn ra cái tầm quốc tế đến mức mà ai cũng tự hào về cá nhân của mình, quốc gia của mình, và đặt cái tiêu chí rằng: Ta phải lớn mạnh hơn tất cả các quốc gia khác, ta phải lớn mạnh hơn có tầm cỡ trên quốc tế, dù rằng hiện thời so sánh thì biết bao nhiêu những quốc gia khác nó hơn ta hàng trăm ngàn lần. Dù một ngàn năm nữa ta cũng không thể bằng họ, nhưng vẫn tự hào là những người con có ảo tưởng sức mạnh để luôn luôn vươn tầm thế giới nhưng chẳng tu thân, chẳng tu dưỡng.
Đối với Bảo Thành, bốn chữ vàng của thầy Khổng Tử “Tu thân”, “Tề gia”, “Trị quốc”, “Bình thiên hạ” không rắc rối gì nhiều đâu, không phải như cái thương hiệu để ta cứ rao giảng ầm ầm như ở ngoài kia nói lên những cái điều họ muốn bán. Không! Các bạn, chữ “Tề gia”, chữ “Trị quốc”, “Bình thiên hạ” luôn luôn đi sau chữ “Tu thân”. Bảo Thành hiểu như vậy, bốn chữ đó tức là: “Tu thân, Luyện tâm, Dưỡng tánh, Sống hạnh phúc”, rồi gạt bỏ cái chữ của Ngài Khổng Tử. Vẫn biết đó là những chữ vàng, là những chữ Nho, nhưng mà Nho thời xưa với Nho thời nay nó khác. Ta luẩn quẩn trong cái chữ Nho văn vẻ như vậy, các bạn trẻ đọc qua tán thán và tụng như chữ vàng, nhưng mấy ai ứng dụng được, bởi nó xa lạ, nó cách nhau bao nhiêu ngàn năm rồi. Trên hai ngàn năm trăm mấy chục năm rồi, cái chữ đó được lặp đi lặp lại: Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Mình chuyển ngữ thành những cái ngôn ngữ hiện dụng, rõ ràng cho người thời đại và cho những người con Phật thấy rằng những cái triết lý, những cái nền minh triết của thầy Khổng Tử ứng dụng vào cũng mang ý tưởng và lời dạy của Đức Phật. Để thổi vào cái thể loại ngôn ngữ phù hợp nơi cái địa phương thầy Khổng Tử sinh ra, thì nay ta cũng mang cái chân lý của Đức Phật thổi vào hơi thở Chánh niệm để phổ cập phù hợp với thời đại sau Đức Phật, sau thầy Khổng Tử 2500 mấy chục năm cái chân lý, nền minh triết, và để cho những sự giáo dục của Đức Phật, của các bậc thầy lớn vẫn ứng dụng được thật rõ trong đời thường của mỗi người.
“Tu thân, luyện tâm, dưỡng tánh, sống hài hòa hạnh phúc”. Đúng! Tu thân tức là mình phải sửa cái thân này đây. Cái thân này trong nhà Phật dạy có những điều gì cần phải sửa: Sát sanh, tà dâm, trộm cắp. Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, đọc ngược đọc xuôi ba cái điều này. Nơi thân của chúng ta vẫn còn phạm thật là nhiều. Nói, tôi thời đại này mà sát sanh mà vô tù! Luật pháp như không, ta vẫn sát sanh. Sát sanh không bằng dao bằng súng như những con người ác độc, nhưng sát sanh bằng những cái hành động làm cho những người yêu thương đau đớn khôn cùng. Bạn nhìn đi. Bạn và Bảo Thành đã từng làm cho những con người thân yêu của mình chết dần chết mòn trong đau đớn qua những cái hành động lỗ mãng, thô ác, cục mịch. Kiểm tra lại danh sách của những tạo tác đó, nếu viết thành hồi ký độc ác của mỗi con người qua sự tạo tác, qua cái thân này thì vô số, vô số. Còn cái thân này, trộm cắp, tà dâm thì không thể nghĩ bàn đâu, nhiều quá. Tu thân là nhìn rõ được lời Đức Phật dạy trong năm giới: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Ta có đủ. Đừng nghĩ rằng cái tu thân là mênh mông như Khổng Tử nói, như những vị nào đó gọi là trong Nho giáo nói, để rồi mịt mù ta chỉ thốt lên như con vẹt, như con sáo, nhớ được âm nói cho chuẩn nhưng vẫn nằm trong cái phạm trù của thương hiệu ngôn ngữ, chẳng hiểu và ứng hoá. Tu thân, nhìn lại các bạn, Phật dạy thật đúng. Trong năm giới thì ba cái giới: giới sát, trộm cắp và tà dâm, nó bám theo ta như con ma ám ảnh và rồi làm chủ cuộc đời của mỗi người. Ta cứ như vậy đã trở thành ma lúc nào không hay. Bởi tánh ma như thân cây tầm gửi bám vào hút hết chất sống, và cuối cùng cái kết là cuộc đời này chỉ là một thanh gỗ mục nát, cơn gió thoảng qua ta liền sụp đổ, thử thách vừa tới ta đã đau khổ. Các bạn! Tu thân là như vậy, là đơn giản vậy. Đừng sát hại người bằng những hành động lỗ mãng trong cuộc đời của gia đình, của xã hội hay cộng đồng. Ta cẩn trọng những hành vi của mình, đừng làm cho nhau đau lòng. Ta đừng lấy của người, ta đừng xâm chiếm thân xác của kẻ khác dưới mọi hình thức.
Các bạn! Đó là tu thân, rất quan trọng. Nếu tu được cái điều ấy, chúng ta sẽ có tràn đầy phước báu nơi thân. Thân sẽ đẹp sẽ khỏe sẽ tươi, thân sẽ luôn luôn sung mãn, bệnh tật dù có cũng dần dần được chuyển hóa, dù vẫn đó nhưng lòng mình vẫn an bởi cái thân đó được tu đúng. Người tu không sát sanh thì thọ mạng dài lâu, thân tâm thường lạc, trụ trong sức khỏe bền vững. Người tu cái thân chẳng trộm cắp thì của cải dư giả, dù làm không ra đồng tiền cũng có ngày sẽ đầy đủ tiền bạc. Vì sao? Vì chẳng trộm cắp của người, phước báu có, sẽ có đầy đủ những cái phương tiện để mà vận hành đúng mà có được tài lộc, chẳng cần cầu. Người tu cái thân không có tà dâm thì con người lúc nào cũng thơm tho, đức hạnh, đi tới đâu, ngồi ở đâu cũng được nhiều người thương mến, rất hay các bạn ơi. Đó là phước báu của đời người trong sự tu thân. Mà tu thân còn có sự lợi lạc làm cho chúng ta muôn điều thuận lợi, việc gì ta làm cũng an, cũng vững, cũng tốt. Còn nếu bạn không tu được cái thân đó, bạn tà dâm, bạn sát sanh, bạn trộm cắp, chẳng bao giờ dù có cố gắng tới đâu đi nữa tài chính cũng thiếu hụt vì trộm cắp mà, cuộc sống sẽ bệnh hoạn bởi sát sanh mà, và thân thể của ta cuộc đời của ta sẽ già nua cằn cỗi bởi tà dâm mà, xâm hại người khác. Phật dạy đúng lắm!
Còn luyện tâm, Phật nói, tâm phải được làm chủ các pháp, làm chủ mọi tạo tác. Chúng ta cần phải luyện tâm, và đúng mỗi một ngày chúng ta luôn luôn ngồi với nhau, mời gọi các bạn đồng tu hít thở trong Chánh niệm, luyện tâm cho vững chãi để làm chủ trong sự quán chiếu Tình Thương, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Cứ từ từ từng bước từng bước, Bảo Thành và các bạn đã luyện tâm và làm chủ được cái tâm của mình hướng tới những cái điều thiện lành, cao cả hơn. Và luyện tâm như vậy để chúng ta chuyển hóa cái tâm tham, sân và si. Nghiệp từ tâm là tham, sân, si. Tâm hay ý cũng đồng một nghĩa, không phân tích nhiều cho rắc rối như những con mọt cắt chữ để nghiền ngẫm, nhưng cuối cùng bụng vẫn đói bởi nghiền ngẫm nhưng chẳng ăn vào trong lòng, chữ nghĩa ấy chẳng áp dụng được. Cho nên, tâm tham, sân, si, ta luyện tâm để làm chủ cái tâm tham, sân, si. Ai trong chúng ta cũng sinh ra từ tham, sân, si. Tham, sân, si là mẹ ghẻ của chúng ta, là gia tài của chúng ta thừa hưởng và luôn luôn có ở trong ta. Vậy phải luyện tâm để tham, sân, si, người mẹ ghẻ kia không còn hành hạ chúng ta nữa, ta phải làm chủ được tham, sân, si. Dễ không? Không dễ, nếu ta không tu. Dễ không? Dễ, nếu bạn tu. Nhìn đi bạn, tham, sân, si của Bảo Thành và bạn nhiều lắm. Nếu bạn không luyện cái tâm này thì nhất định bạn sẽ không khống chế và làm chủ được tham, sân, si. Ngược lại, tham, sân, si sẽ làm chủ bạn, sẽ bách hại bạn. Tu thân, luyện tâm đó các bạn, rõ rành rành như vậy, bạn có quyết tâm để tu thân, luyện tâm hay không? Và lời thầy Khổng Tử trong “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được dịch theo cái thời đại theo như Bảo Thành thôi, còn các bạn nghĩ sao cũng được. Nhưng đối với Bảo Thành thì chuyển hóa đơn giản để cho bản thân của Bảo Thành có thể luyện được tu thân, luyện tâm ứng với lời của Phật dạy, không có khác. Và ngài Khổng Tử cũng mang lời Phật chuyển ngữ để đưa ra những cái lời minh triết giáo dục mọi người thời xưa cách đây 2500 mấy chục năm trước. Bạn có nghĩ đến cái phương pháp luyện tâm hay không? Phật dạy trong kinh Pháp cú: Tâm phải được làm chủ, làm chủ mọi tạo tác. Cái tâm đó cao quý lắm. Hơi thở Chánh niệm giúp cho chúng ta luyện tâm của mình và luyện được cái sức mạnh tức là Chánh định, định tĩnh để làm chủ tâm tham, sân, si, làm chủ chúng. Đó vẫn có, vẫn tồn tại, ta làm chủ để chúng không bách hại ta. Còn không, tham, sân, si sẽ làm chủ cuộc đời của ta. Ta muốn làm chủ chúng hay để chúng làm chủ? Sự lựa chọn của các bạn thật rõ qua các hành động tạo tác hằng ngày.
Dưỡng tánh, dưỡng cái tánh gì? Tu thân, luyện tâm, dưỡng cái tánh Thiện. Ta có tánh ác và tánh thiện. Ông bà nói: “Nhân thơ sinh, tánh bổn thiện”, cái tánh thiện vốn có ta không dưỡng, mà để cho tánh ác nó trỗi dậy, nó đè bẹp cái tánh thiện của ta thì đời ta hết số chứ không phải còn số. Hết số là nói cho hay chứ đúng ra gọi là tới số – xong!
Tu thân, luyện tâm, dưỡng tánh thiện. Tu thân là ngừng việc sát sanh, thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Luyện tâm làm chủ tham, sân, si. Dưỡng tánh thiện. Cuối cùng là để sống hài hòa và hạnh phúc, sống hòa hợp và dung thông. Như ba điều kiện trên giúp cho bạn sống hòa hợp, dung thông và hạnh phúc, đó là tất yếu quy luật của người biết tu thân, luyện tâm, dưỡng tánh. Bạn đang sống không hòa hợp, bạn nhìn lại ba cái đề mục: tu thân chưa? Luyện tâm chưa? Dưỡng tánh chưa? Bạn đang sống mà không có hạnh phúc, phiền não và đau khổ thì bạn hỏi lại xem bạn có tu thân, luyện tâm và dưỡng tánh chưa thì mới sống được hòa hợp và bình an đó. Cho nên bốn chữ mà chúng ta cứ đọc “Tu thân”, “Tề gia”, “Trị quốc”, “Bình thiên hạ” dịch thành ngôn ngữ hiện thời như Bảo Thành nghĩ, các bạn nghĩ như vậy đi, các bạn thấy dễ lắm. Và lời xưa vẫn mang tròn đầy ý nghĩa như một thông điệp nhắn nhủ chúng ta trong thời đại này vẫn thực hiện được, hài hòa giữa tinh thần của Đức Phật và những bậc thầy lớn muốn chuyển đạt lại cho chúng ta. Ngôn ngữ về mặt ấy không văn nghệ, không chướng ngại, không xa cách, rất thuận và rất lành. “Tu thân, luyện tâm, dưỡng tánh, sống hòa hợp và yêu thương”. Đấy, đơn giản mà! “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là “tu thân, luyện tâm, dưỡng tánh, sống hòa hợp yêu thương”. Được không các bạn? Nghe dễ. Dễ như buổi sáng chỉ cần thức dậy, cà phê pha sẵn và xôi cũng đặt ở bàn, cứ thế mà uống mà ăn. Có gì đâu mà suy nghĩ lăn tăn. Để rồi ngồi đó ảo tưởng, đọc đi đọc lại “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, rồi bắt đầu phê phán chê bai: “Ôi đồ cái thứ Nho, Nho chùm”. Mà đúng, Nho vẫn còn hữu dụng bởi chữ Nho kia cũng là nền minh triết của Đức Phật được chuyển ngữ thành Nho, nay ta chuyển Nho thành ngôn ngữ hiện thời: tu thân, luyện tâm, dưỡng tánh, sống hòa hợp và yêu thương. Làm đi, hành đi các bạn. Các bạn nhất định sẽ chuyển hóa được khổ đau và phiền não. Các bạn nhất định sẽ có được cái tâm tự tại hạnh phúc và an vui. Rất dễ!
Bảo Thành lặp lại: tu thân là tu cái thân đừng có tạo nghiệp sát, tu cái thân đừng có tạo nghiệp trộm cắp lấy của người, tu thân là tu cái sự tà dâm. Có nghĩa, sự tu sửa đó ta sửa cái sự trộm cấp, tà dâm, sát sanh. Sửa luôn từ sát sanh đó ta sửa thành phóng sanh, từ cái trộm cắp đó ta sửa luôn thành bố thí cho đi, từ cái tà dâm đó ta sửa thành gần gũi, yêu thương, nâng đỡ. Sửa là như vậy, tu thân là sửa. Luyện tâm là Chánh niệm hơi thở nhìn thẳng vào cái tâm tham, sân, si, chuyển chúng luôn, từ tham thành vô tham, từ sân thành vô sân, từ si thành vô si. Và cũng dễ mà. Thay vì tham thì nay ta biết cho đi, ta hiến dâng. Thay vì sân thì ta biết yêu thương, hòa hợp. Si thì ta tăng trưởng tánh biết qua hơi thở, biết và thấu thì phá được si. Cũng rất đơn giản! Dưỡng cái tánh thiện bằng từ thiện, bằng yêu thương, giúp đỡ, bác ái. Và rồi ba điều ấy sẽ làm cho chúng ta sống hòa hợp, yêu thương, chan hòa với mọi người. Hãy hiểu như thế để phá vỡ những sự phê phán những chữ Nho cổ xưa không còn hợp thời, nhưng vẫn hợp cảnh sống của con người nếu biết hiểu đúng theo văn tự thời đại. Những cái nền triết học minh triết ngày xưa, giáo lý của Phật luôn luôn tồn tại nếu những người như chúng ta khôn khéo hiểu đúng. Còn không, ta sẽ trở thành cống cao ngã mạn vì những lời của những bậc giác ngộ, những bậc thầy lớn ta chẳng thấu rõ và cho nó lỗi thời. Cái học của những bậc giác ngộ, của những bậc hiền triết không bao giờ lỗi thời. Chỉ có chính ta lỗi lầm không nhìn rõ mà thôi.
Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm. Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con đủ sức mạnh để tu thân, luyện tâm, dưỡng tánh, sống hòa hợp và yêu thương.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú, tiếp nhận năng lượng để tu sửa thân, luyện tâm, dưỡng tánh, sống yêu thương dung thông và hòa hợp với muôn người.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)