Search

3211. Vì sao ta luôn thấy khuyết điểm của người mà không thấy rõ mình?

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu.

Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho hàng đệ tử chúng con biết tinh tấn miên mật tu tập Mật Thiền Chánh pháp Phật để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ.  Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn ngồi thong dong, buông thư, tự tại theo tư thế phù hợp với cơ thể của mình, giữ lưng, cổ, đầu cho ngay thẳng, trạng thái buông thư tự tại, trở về với hơi thở Chánh niệm hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, nhẹ nhàn. Cảm nhận toàn thân, cảm nhận từ đầu tới chân. Trong Mật Thiền, chúng ta lấy hơi thở Chánh niệm làm đề mục để tâm được thảnh thơi quán chiếu và tiếp nhận năng lượng Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, thắp sáng Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, và thể nhập vào tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Mỗi một hơi thở, chúng ta tổng trì từng mật ngôn một để tiếp nhận năng lượng vào toàn thân tâm lan tỏa tới muôn người yêu thương, chuyển hóa nghiệp lực bất tịnh nơi ta. Hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn hãy giữ trạng thái buông thư Chánh niệm. Khi hít vào bằng mũi, ta đưa xuống dưới bụng phình ra. Khi thở nhẹ nhàng bằng miệng, hóp bụng vào, quán chiếu toàn thân tràn đầy năng lượng yêu thương, chẳng ngăn ngại. Từ đảnh đầu của chúng ta quán chiếu ánh sáng Trí Tuệ của mười phương chư Phật hội tụ tỏa sáng nơi ấy. Toàn thân quán chiếu năng lượng của sự Tỉnh Giác an vui. Cứ thế thấm được thân tâm trong nguồn ân điển tha lực của chư Phật và để cho cái tự lực dõng mãnh nơi hơi thở Chánh niệm tự tại hòa nhập cùng với bản thể tự nhiên của thân tâm.

Các bạn! Vào mỗi một buổi sớm mai ở Việt Nam 5 giờ sáng, trước khi mọi người lại đi vào những sự việc bình thường của kiếp người trong mưu sinh làm việc, chúng ta đã hứa hẹn với nhau gặp gỡ trên không gian mạng của Zoom, của Facebook và của YouTube, sách tấn nhau hít thở không khí trong lành của một ngày, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, tiếp nhận năng lượng vào cuộc sống để chuyển hóa và gội rửa những phiền ưu còn lắng đọng trong thân tâm. Các bạn! Còn có diễm phúc nào hơn khi chúng ta vẫn dành thời gian để chăm sóc cái đời sống tinh thần, thể chất và tâm linh. Chúng ta đã không lãng quên cuộc đời của chính mình thì chẳng bao giờ lãng quên cuộc đời của những người ta yêu thương. Không thể nói ta yêu thương ông bà, ta yêu thương cha mẹ và người thân mà chẳng thể yêu thương và chăm sóc cho bản thân mình. Chăm sóc cho bản thân bằng sự tu luyện qua mật hạnh Chánh niệm hơi thở Mật  Thiền, tiếp nhận năng lượng tha lực yêu thương, Trí Tuệ, Tỉnh Giác của chư Phật, lan tỏa đến cho mọi người nhìn rõ bản thể của mình để chuyển hóa chính là yêu thương các đấng sinh thành, chính là yêu thương muôn loài. Vì sao? Vì khi ta biết nhìn thật rõ bản thân của mình, vì khi chúng ta biết tiếp nhận năng lượng của Phật, của vũ trụ trời đất gắn kết với muôn người, vì khi chúng ta biết chuyển hóa và sửa đổi tự thân thì năng lượng tình thương sẽ lan tỏa tới muôn cõi muôn nơi. Ánh sáng của tự tâm không chỗ nào mà không tỏa tới. Sự tỉnh thức không có phút giây nào mà lìa xa chúng ta. Năng lượng từ trường thanh tịnh ấy gắn kết và luôn luôn hiện hữu trong ta để cho muôn người gần gũi năng lượng đó được giao thoa tiếp cận mà biết tới trời tới Phật. Các bạn! Đó chính là tình thương chân chính tốt đẹp.

Có ai nghĩ như vậy đâu. Vào buổi sớm đã vội vội vàng vàng đánh răng súc miệng, rộn ràng trong sự bận rộn. Khăn gói, cơm nước đi làm, quần quật suốt ngày, tối về ngủ vùi trong cái mệt, chờ đến buổi sớm lại đi làm tiếp tục. Cứ thế vần xoay, cuộc đời quay qua quẩn lại mấy mươi năm trôi qua mái tóc đã điểm sương, sức đã yếu dần, đôi chân đã mệt mỏi. Nhưng không thể buông, cứ phải cố gắng thật nhiều lắm để mà vận hành cái vòng tròn quay cuống cuồng đến chóng mặt. Các bạn! Đôi khi chúng ta không nhìn và cứ thế để cho mình như một con vật thiêu thân trôi mãi vào trong vòng xoáy đó. Các bạn thân mến! Tu luyện sẽ giúp cho chúng ta đứng vững nhận rõ cái giá trị của cuộc sống và nhìn rõ được mình hơn. Nếu không tu tập để nhìn rõ được mình thì mỗi người chúng ta luôn luôn tìm tòi và nhận ra mọi khuyết điểm của người khác nhưng không thể nhìn rõ mình được.

Chúng ta luôn luôn tìm bới khuyết điểm của người khác mà chẳng muốn nhìn rõ mình”, đó là chủ đề các bạn gởi về hôm nay. Tại sao Bảo Thành và mỗi người chúng ta luôn luôn nhìn thấy khuyết điểm của người khác? Có khi nào các bạn hỏi tại sao? Tại sao như thế? Cái điều gì đã đưa đẩy, đã thúc đẩy để chúng ta chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác mà không nhìn rõ được bản thân của mình? Người tu đạo như chúng ta vẫn từng đọc Kinh Pháp Cú: “Chớ tìm khuyết điểm của người, mà hãy nhìn rõ lầm lỗi của ta”. Các bạn, khuyết điểm của người như tìm thóc ở trong gạo, lỗi của mình như quân bài giấu của kẻ gian. Bạn thấy chưa? Một hạt thóc trong gạo thôi ta cũng moi ra được, đó là khuyết điểm lỗi lầm của người khác. Nhưng những khuyết điểm lầm lỗi của ta như cái con bài của kẻ gian lận giấu, ai có thể thấy được? Đức Phật, bậc thầy của trời người, Đức Thế Tôn luôn luôn dạy cho chúng ta: “Phải luôn luôn nhìn rõ được mình, tìm thấy được lỗi lầm của chính mình để sửa”. Nhưng tiếc thay, bao nhiêu ngày tháng qua, Bảo Thành và các bạn chỉ luôn luôn tìm những khuyết điểm của người moi móc cho ra. Vì sao? Vì trong ta cái tâm tham làm chủ để rồi cái tâm tham đó nó nâng tầm của cái tự cao tự ngã. Nên từ đó ta luôn thấy người là sai mà chẳng thấy được mình sai. Ta luôn thấy người là sai và luôn nghĩ mình là đúng để ta cố tình biến mình thành ông trời phán xét khuyết điểm, lầm lỗi của người. Ông trời sao có thể lầm lỗi mà sai được? Ta luôn nghĩ ta là ông trời có quyền phán xét kẻ khác, và ta là ông trời ta chẳng bao giờ sai. Lời của ta nói là chân lý, việc của ta làm như thánh nhân. Các bạn! Nếu là thánh nhân thì luôn luôn nhìn thấy ưu điểm của người khác, luôn luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp của người khác, và luôn luôn tìm đủ mọi phương tiện để cái ưu điểm, để cái đẹp của người được nâng tầm, xiển dương, phát huy đi tới chỗ tột cùng. Đó gọi là thánh nhân. Nếu bạn là ông trời, là một bậc thánh nhân, bạn có nhìn thấy ưu điểm của người ta hay không? Dùng phương tiện để phát triển hoặc nâng đỡ người ta phát triển cái ưu điểm cái điểm đó hay không? Nếu bạn nhìn thấy cái khuyết điểm của người ta, bạn chẳng phải thánh nhân đâu. Thánh nhân phải nhìn thấy cái điều như vừa nói. Còn kẻ tiểu nhân thì luôn luôn nhìn thấy khuyết điểm và lỗi lầm của người khác. Các bạn thấy chưa? Bạn là thánh nhân hay tiểu nhân? Nếu chúng ta, Bảo Thành và các bạn, chỉ nhìn thấy khuyết điểm của kẻ khác thì bạn và Bảo Thành là kẻ tiểu nhân ti tiện đáng ghét. Cái kẻ tiểu nhân này luôn luôn tồn tại trong ta chính vì cái tâm tham và sự tự cao ngã mạn.

Nên câu hỏi: Tại sao ta nhìn thấy khuyết điểm người? Trả lời cho ngắn gọn, cho ngọt, cho rõ là vì ta tham và tự cao. Nghe một điều gì thoáng qua cũng phân biệt. Đấy! Tham và tự cao đưa cái tâm phân biệt để rồi moi móc khuyết điểm. Các bạn! Ta đi vào chỗ này để thấy rõ tâm phân biệt do cái tánh tham và tự cao. Nên cái tâm phân biệt luôn luôn hiện hữu từng giây phút để nghe những lời ai nói phán cung một câu như ông trời phán xét. Nhìn thấy một điều gì đó ta nhìn, tâm phân biệt liền cho chúng ta thấy khuyết điểm. Ngửi thấy một mùi gì đó, cái tâm phân biệt cũng liền cho là không tốt. Nghe, nhìn, ngửi rồi cái lưỡi nó nếm, rồi cái thân nó cảm xúc đều sai đều sai, sai hết. Vì cái tâm phân biệt do cái tâm tham và sự tự cao phối hợp trộn lẫn, ta mất tự chủ, biến ta thành kẻ tiểu nhân ti tiện. Nếu cuộc đời này chúng ta chỉ thấy khuyết điểm của người và không nhìn rõ mình là để cho cái tâm tham và tự cao hoành hành để biến tướng cái tâm phân biệt thì chúng ta là kẻ bất hạnh trong cuộc đời. Phải nhìn thấu được điều đó, tư duy để mà mình phải chuyển hóa tâm tham, tự cao, phân biệt, để không còn trở thành kẻ tiểu nhân ti tiện nhìn thấy khuyết điểm của người nữa, bởi như thế ta là kẻ bất hạnh. Mà bạn biết rồi, trong đời này nếu là kẻ bất hạnh thì không có cái chuyện gì không tốt không tới với chúng ta. Chúng luôn luôn kéo tới vùi dập cuộc đời của mình. Bất hạnh vô cùng! Bạn có muốn thành kẻ bất hạnh hay không? Dĩ nhiên Bảo Thành không bao giờ muốn trở thành kẻ bất hạnh, các bạn cũng như thế. Và không biến mình thành kẻ bất hạnh, tiểu nhân, ti tiện, nhìn khuyết điểm của người thì chúng ta phải nhìn thẳng vào trong tâm để thấy được cái tâm tham, cái sự tự cao, cái tâm phân biệt nó đầy ắp ở trong người. Thấy được như thế mới có thể chuyển hóa. Còn không thấy được thì ta vẫn đời đời kiếp kiếp là kẻ tiểu nhân ti tiện, là kẻ bất hạnh trong cuộc đời.

Các bạn! Khi chúng ta là kẻ thấy khuyết điểm của người là tâm tham và tâm tự cao, tâm phân biệt nó làm chủ thì ta tạo nghiệp và tổn phước. Không những như thế mà ta còn có thể giết hại những người khác, làm cho người khác sợ hãi mông lung, làm cho người khác không còn lý trí, làm cho người khác mất ý chí, làm cho người khác sợ hãi đau khổ, điều này có. Nhìn thấy khuyết điểm của người là do sự tự cao, phân biệt. Và ba chữ tham, tự cao, phân biệt, nó làm cho ta mù loà, trong nhà Phật gọi là “Vô minh”, chẳng biết gì. Ôi! trên đời mà một kẻ vô minh không biết gì lại trở thành một quan tòa phán xét thì thế giới này đảo lộn, người người đau khổ. Kẻ mù mà phán xét, sao có thể đúng? Kẻ vô minh làm sao sống đúng được mà nói những lời đối với người khác? Vô minh là do phân biệt, tham và tự cao. Chúng ta đi từ ba chữ Tham, Tự cao đến Phân biệt rồi nay tới chữ Vô minh. Vô minh tức là tối tăm, không còn biết gì. Vô minh tức là không còn biết đúng sai. Vô minh nói rõ hơn là mù loà tâm thức. Mù đôi mắt người ta còn có thể thấy đường đi qua cái cảm xúc. Nhưng mù loà tâm thức thì chỉ có một chỗ để tới đó là địa ngục đau khổ, là bất hạnh muôn đời. Thế mà kẻ mù như chúng ta bởi tham, tự cao, phân biệt, thích làm ông trời phán xét. Mỗi khi phân xử điều gì bạn có muốn đi tới một quan toà mù loà không? Có muốn nghe một lời khuyên, sự hướng dẫn, một sự chia sẻ, bạn có tìm tới kẻ mù loà tâm thức hay không? Câu trả lời là không! Vậy thì tại sao bạn lại biến bạn thành kẻ mù tâm thức để phán xét, để la, để mắng, để chửi, để chỉ điểm cho người khác thấy khuyết điểm của họ. Mù sao thấy?

Hôm qua, Bảo Thành có cơ hội tiếp xúc với một người rất thân đối với Bảo Thành. Gia đình và người ấy có cái tâm Từ Bi thiện lành thật là lớn. Mà trong cuộc đời của Bảo Thành hiếm thấy một gia đình từ mẹ đến các con biết lắng nghe, có tâm Từ Bi yêu thương rộng lớn, sẵn lòng cho đi và hiến dâng những gì cao quý nhất, giá trị nhất trong gia đình. Người ấy đã hiến cúng giá trị thật lớn để Bảo Thành có thể làm được những việc tốt đẹp để mọi người có thể dùng cái sự hiến cúng đó phát triển lòng từ tâm, lan tỏa tình yêu thương, giữ vững cái lập trường, thắp sáng đuốc tuệ, sống tỉnh thức đó. Nhưng biết bao nhiêu những người thân của cô ấy là ông trời mù lòa tâm thức, tham đắm trong vật chất và của cải, tự cao nghĩ mình là đúng, phân biệt tốt, xấu chẳng rõ ràng, nên luôn luôn phỉ báng chê bai, gièm pha những nghĩa cử thanh cao của cô ấy đã hiến cúng làm việc tốt, làm cho cô ấy hoang mang sợ hãi. Các bạn! Nếu bạn là những người mù loà tâm thức, chẳng có lòng yêu thương rộng lớn, tánh thiện được xiển dương mà đi chỉ trích những cái điều cao đẹp của người khác vì cái tâm tham chấp của cải, vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị và làm cho người ta hoảng hốt sợ hãi. Bạn đang tạo nghiệp vô số và đôi khi bạn đã gây ra tai họa cho bản thân bởi luật nhân quả vòng xoay khó tránh, trốn đi đâu để thoát luật Nhân – Quả này.

Các bạn! Người tu như chúng ta là luôn luôn phải tịch tỉnh trong Chánh niệm hơi thở để vững chãi, không còn sợ hãi xâm chiếm. Dù cho người ta nói ngả nói nghiêng, tánh thiện lành luôn luôn hiện hữu, tâm Tỉnh Giác luôn luôn ở đó, Trí Tuệ phân biệt đúng sai, để từng bước từng bước ta có thể làm được muôn sự lành mà Phật đã chỉ dạy và hiểu thấu được những cái lời nghĩa cử hành vi suy nghĩ của ông quan tòa mù tâm thức mà người đời thích đóng vai phán xét tìm bới khuyết điểm của mình. Các bạn! Đó là cái điều cần suy nghĩ thật nhiều trong mỗi người chúng ta. Tại sao ta luôn nhìn thấy khuyết điểm của người mà không nhìn rõ mình? Chính là bởi vì ta là người mù loà tâm thức. Ta là người vô minh, là người tiểu trí, là người không nhìn thấu. Ta đã bán mạng cho tâm tham, tự cao, phân biệt chiếm cứ, cột chặt và ta đã trở thành nô lệ, và là một kẻ tù nhân nhốt trong vùng tối của tâm thức. Ta là kẻ bất hạnh. Ta phải nhìn như thế, phải quán chiếu như vậy. Người tu phải quán chiếu, phải thấu mới có được cái lập trường vững chắc, đó gọi là “Chánh định”. Chánh định là vững chãi, dịch đơn giản là lập trường vững chắc dựa trên sự tư duy rõ về Nhân – Quả, Thiện – Ác. Đừng để cho những ông quan tòa nơi những kẻ mù loà tâm thức, tham, tự cao, phân biệt đóng vai dẫn dắt chúng ta vào sự sợ hãi, sân giận, rồi lẩn trốn những người yêu thương, rồi chạy xa vùng ánh sáng của đạo lý Phật dạy.

Mỗi khi chúng ta lâm vào tình cảnh như vậy phải tới ngay với những bậc thiện tri thức, phải gặp gỡ tiếp xúc với những người mình tin tưởng để chia sẻ và lắng nghe, để được hướng dẫn và vượt qua chướng ngại ấy. Còn nếu chúng ta không có đủ dũng cảm tới với các bậc thiện trí thức, gần gũi với những người thân nhìn thấu để giúp ta thì nhất định chúng ta mãi mãi sẽ bị kẻ bất hạnh mù loà tâm thức kia, sẽ bị kẻ tham và tự cao phân biệt kia, sẽ bị cái ông quan tòa mà tâm thức đen tối kia dẫn dắt, đầy đọa. Nào có thể có được những ngày an vui?

Các bạn! Chúng ta luôn nhớ: Tu là nhìn rõ khiếm khuyết của mình để sửa, chẳng nhìn khiếm khuyết của người, chớ nhìn khiếm khuyết của người, hãy nhìn lỗi lầm của mình. Nhìn lỗi của mình, các bạn thấy làm sao? Như cái quân bài của kẻ gian giấu đi, sao thấy được? Còn nhìn khiếm khuyết của người như tìm cái hạt thóc trong gạo khi xay gạo, may lắm mới còn hạt thóc lẫn ở trong đó. Trong cuộc đời cái khiếm khuyết của người nó hiếm lắm, nó ít lắm, bởi mấy ai muốn làm sai, ai cũng có Trí Tuệ, họ luôn luôn làm những điều thiện lành đấy. Nhưng mà ta tìm cho ra cái hạt thóc khiếm khuyết nơi đời người của các người đang sống chúng ta. Còn cái lỗi của mình thì ta gian dối như kẻ đánh bài gian, giấu giếm chẳng bao giờ thấy. Lạ kỳ cái kẻ bất hạnh như chúng ta chỉ nhìn thấy khiếm khuyết của người. Lạ kỳ cái kẻ tham, tự cao, phân biệt, mù lòa tâm thức thích đóng vai ông trời phán xét kẻ khác. Nếu bạn như vậy bất hạnh lắm, bạn đang đốt cháy kho tàng phước báu công đức của Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà và cha mẹ để lại. Bạn đang thiếu hụt phước báu của tự thân, công đức chẳng còn.

Chúng ta học Phật và tu, mỗi một sớm hành trì Mật Thiền nương vào trong Chánh niệm của hơi thở, thanh tịnh hóa thanh tâm tổng trì Mật ngôn Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Đây là mật hạnh của bậc trượng sỹ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm Bồ Tát, bậc yêu thương rộng lớn cứu đời lầm than. Khi tu Mật Thiền là chúng ta theo phẩm hạnh của mẹ hiền Quan Âm tiếp nhận năng lượng để cuộc đời của chúng ta đó trở thành một phần ứng hóa thân của mẹ Quan Âm, mang tình thương để san sẻ cho muôn người và kích hoạt cái năng lượng yêu thương, cái tánh thiện lành, vun xới cho miền đất tâm trổ bông Trí Tuệ và thơm ngát sự Tỉnh Giác. Các bạn phải như vậy! Đấy là mục đích mỗi một sớm 5 giờ sáng bên Việt Nam, chúng ta cùng với nhau trên Zoom, trên YouTube và Facebook và các phương tiện tiện hiện đại ngày nay để lan truyền cái ý thức cần phải thanh tịnh hóa thân tâm và dưỡng tâm của mình trong hơi thở Chánh niệm, để có được sự kiên định, Chánh định, để sự suy nghĩ của ta phải sáng suốt, cái nhìn của ta phải thông, vững chãi trong cuộc đời, an vui và hạnh phúc. Đừng để cho cuộc đời này do ông bà, cha mẹ truyền lại biết bao nhiêu phước đức, công đức nên hình hài con người như nay biến thành một kẻ bất hạnh, mù lòa tâm thức. Tham, tự cao, phân biệt phủ lấp hết cả cuộc đời. Chớ như thế hãy tỉnh thức!

Chúng ta hãy cùng nhau tỉnh thức và trở về trong hơi thở Chánh niệm.

Thưa Phật! Từ bao ngày qua vì sự tự cao, tham và phân biệt, chúng con đã trở thành ông trời để phán xét tìm bới khuyết điểm của người mà không bao giờ nhìn rõ tự thân. Chúng con đã làm cho mình mù loà tâm thức, trở thành kẻ đui mù và bất hạnh trong cuộc đời. Chúng con chẳng muốn bất hạnh nữa, xin chư Phật gia trì để chúng con chuyển hóa trở thành người sáng.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng lan tỏa cho nhau:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn