Bảo Đăng đánh máy
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu.
Kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, giữ tâm thanh tịnh để bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn, miên mật tu tập mật thiền chánh pháp Phật, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, thắp sáng đuốc tuệ và lan tỏa tình yêu thương, để quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn ngồi tự tại, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, lưng, cổ, đầu ngay ngắn, buông thư, toàn thân vững chãi nhẹ nhàng. Chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng nhẹ nhàng. Hãy để cho tình yêu thương lan tỏa khắp châu thân tới với muôn người. Hãy giữ chánh kiến, sự tư duy trong sáng. Hãy tỉnh táo, an nhiên và tự tại. Mật thiền lấy hơi thở để nuôi dưỡng và làm đề mục, nuôi dưỡng tình thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, đó chính là mật thiền. Trong sự quán chiếu của ba mật ngôn Mu A Mu Sa, mật ngôn này có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ để nhìn thấu vô thường, khổ và vô ngã, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê là quán chiếu tâm Tỉnh Giác, nương vào các bậc đại giác đại ngộ để được thức tỉnh. Từng hơi thở vào ra tổng trì ba mật ngôn này thật vi diệu, bởi chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng của chư Phật, tha lực của các bậc giác ngộ, hòa quyện vào với tự lực mật thiền tu tập mỗi ngày, chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng trí tuệ và sống đời tỉnh giác.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu, cuộc sống này chúng ta biết trân quý thì nhất định mỗi người sẽ phải tỉnh táo để lựa chọn một cách sống, cách sống sao đó cho thân này được khỏe, tâm này được sáng, được an, được vui. Mình cứ hỏi nhau rằng liệu ở trên đời này có công bằng trong sự lựa chọn hay không? Hay bị chi phối bởi một đấng quyền năng nào đó? Để rồi mỗi người chúng ta không thể tự chủ được cuộc đời này, phải như con trâu, con bò bị xỏ mũi kéo đi, không đi bị roi, bị đinh đâm vào thúc đẩy. Rồi còn phải làm kiếp con trâu bò như người Việt Nam thường nghĩ, làm việc vất vả cày cấy cho người và cái có được chẳng qua là mớ cỏ khô người ta ném vào trong chuồng để ăn.
Các bạn, có người suy nghĩ, suy nghĩ thật sâu để tìm hiểu, nhưng phần đông mỗi người chúng ta vẫn hời hợt với mọi sự xảy ra, khi xảy ra sự việc không như ý ta chìm vào trong cảm xúc đau khổ, còn như ý thì cười vui hớn hở. Thế rồi bỏ qua, chẳng một lần tự hỏi tại sao điều đó xảy ra như vậy. Thế nhưng vui buồn, sướng khổ vẫn làm cho ta nhảy cỡn lên hoặc đau khổ, phiền não, than van, ai oán. Không bao giờ hỏi nguyên nhân và tìm cách để xử lý. Điều này là thói thường của cuộc đời, nhưng thói thường này sẽ đưa tới một cuộc sống bất thường, tràn ngập đau khổ, phiền não. Các bạn thân mến, gửi về với sự chia sẻ trong sự đồng tu mật thiền hôm nay, câu hỏi “Tạo Nghiệp, Nghiệp Tạo Ra Có Đáng Sợ Hay Không?”. Tạo nghiệp và nghiệp tạo ra có đáng sợ hay không?
Bất cứ chuyện gì ở trên đời này, chúng ta nếu giữ được tâm thái thoáng, cầu học và hỏi thì nhất định chúng ta sẽ thành công. Cũng như bây giờ chúng ta đang tu tập, thì sự tập trung của chúng ta là vào hơi thở của chánh niệm, kích hoạt tiềm năng, năng lượng yêu thương, năng lượng yêu thương đó là nhiên liệu ứng dụng để cho trí tuệ được sáng. Cũng chính vì năng lượng yêu thương được kích hoạt mà ta luôn luôn có sự tỉnh thức trước mọi sự việc, hoàn cảnh, hiện tượng xảy ra trong cuộc đời. Các bạn, nghiệp tạo, tạo nghiệp sợ không? Thưa các bạn nghiệp có hai loại nghiệp ác và nghiệp thiện. Nếu là tạo ra nghiệp ác thì nhất định phải sợ, nếu hiểu thấu nhân quả thiện ác. Còn nếu tạo ra nghiệp thiện ta không sợ, ta an vui, ta hạnh phúc, ta dũng mãnh hơn và ta sẽ tiếp nguồn năng lượng để cho mỗi người ý thức tạo nghiệp thiện. Các bạn nhớ là ý thức, tự chủ, tác ý tạo nghiệp nhưng là nghiệp thiện, đừng tự chủ, cố ý, ý thức, chủ ý, tác ý tạo nghiệp ác, nghiệp ác thật đáng sợ.
Thuở xưa khi Đức Phật còn tại thế có một anh chàng tên là Su Tha, anh ấy thuộc đạo bà la môn, tới hỏi Đức Phật tại sao có người sinh ra sống thọ và có người sinh ra bị chết yểu? Tại sao có người sinh ra mạnh khỏe và có người sinh ra lại bệnh hoạn? Tại sao có người sinh ra có uy quyền, uy tín, mà có người sinh ra chẳng có một chút gì uy tín, nói chẳng ai nghe? Tại sao có người sinh ra sắc mặt đẹp, thanh thoát, nhẹ nhàng, mà lại có kẻ sinh ra cau có, xấu xí, nhan sắc không mấy ai ưa? Tại sao có kẻ sinh ra trong nhà quyền quý giàu có, mà lại có người sinh ra trong gia đình nghèo nàn, khổ cực, cơ bần? Tại sao có người sinh ra ăn nói nhẹ nhàng, ngọt ngào, lại có kẻ sinh ra ăn nói thô ác, cục mịch, cáu gắt? Tại sao có kẻ sinh ra trí tuệ sáng suốt, thông minh, học được, lại có kẻ sinh ra khờ khạo, đần độn, ngu dốt? Anh ta hỏi những điều như vậy nhưng chắc chắn trong lòng của anh Su Tha còn biết bao nhiêu những câu hỏi tại sao và tại sao, Đức Phật sẽ trả lời cho anh ấy.
Nhưng trước tiên chúng ta mỗi một người cũng từng hỏi như anh Su Tha gặp Phật, tại sao và tại sao, tại sao phải không các bạn. Chắc chắn trong các bạn ai đó đã từng hỏi tại sao người gần gũi tôi, có thể trong gia đình, có thể là đồng môn, có thể là bạn tu ở nơi chùa, làm biếng không làm và tôi phải vất vả sớm tối, lao đao lận đận, ôm đồm nhiều chuyện, việc này việc kia đầy ắp tới đầu. Chắc chắn các bạn sẽ hỏi tại sao người ta không như những điều ta mong muốn và như thế ta nổi giận, ta cáu gắt, ta bực mình, ta khó chịu, ta cho ta có quyền được trừng phạt người làm biếng, người làm ta khó chịu, người không làm ta như ý. Sự trừng phạt đó là gì? Không thể đánh đập họ, không thể chửi bới họ trước mặt, bởi như vậy làm xấu hổ bản thân, đánh đập sẽ bị nhà nước nhốt tù. Nhưng ta tinh ma hơn, ta trừng phạt họ bằng những lời nói thô ác, âm thầm truyền miệng qua tai những người gần gũi để nâng tầm của mình lên và dèm pha, dìm những người khác tới nơi tận cùng của sự đau khổ mà ta không hay.
Thật ra ta có chủ ý, ta cố tình, ta tác ý, đó là tạo nghiệp ác và hậu quả thật rõ là lòng của ta bất ổn, lòng của ta không vui và lòng của ta như trái bom nổ chậm ở trong lòng. Người kia đâu có đau khổ, đâu có phiền não. Nhưng chính chúng ta đang ôm ấp một nguồn lửa hận thù, đau khổ, nó nổ tung bất cứ lúc nào và tác hại là nó diệt chết chúng ta và đốt cháy tất cả những phước báu ta đã tạo ra, chẳng có lợi gì đâu. Những điều như vậy thật đáng sợ, nhưng sao ai đó vẫn ôm hận thù ở trong lòng, nuôi dưỡng trái bom nổ chậm đó để cho chờ một cơ hội thuận tiện là ném trái bom đó ra, giết chết bao nhiêu những người yêu thương trong gia đình là bạn bè, bạn đồng tu, thậm chí có thể là các thầy, các sư cô cùng một ngôi chùa.
Các bạn thân mến, Bảo Thành và các bạn thật sơ ý với bản thân, Bảo Thành và các bạn thật là những người vô tâm với chính mình, vì đâu? Vì chẳng hiểu được nhân quả, vì đâu? Vì không thấu được nhân quả, nên không bao giờ sợ nghiệp tạo ra, để cho mình tự tung, tự tác, tạo nghiệp vô số nhưng cứ đổ thừa vì người ta. Trên đời này hãy nghe, các bạn đồng tu thân mến, các sư cô, quý thầy, các bạn trẻ, tất cả chúng ta đều bình đẳng, hãy lắng nghe trong Kinh Trung Bộ anh Su tha hỏi Phật, nhưng những câu hỏi trên Phật trả lời như vầy: “Này anh! Chúng sanh sinh ra do chính nghiệp của mình, nghiệp của mình là gia tài của mình, nghiệp của mình là cha mẹ của mình, nghiệp của mình là những sự thừa kế, thừa tự nơi chính mình”.
Nghiệp của mình là chi phối, là tạo ra, là thay đổi, là cơ hội, là tất cả những điều gì đang xảy ra cho chúng ta, thuộc về ta. Nghiệp là cha mẹ, là gia tài, là nơi ta tới, là cội nguồn ta phải đương đầu, ta tạo ra. Niềm vui cái khổ, người ta đối xử tốt, mình tốt, mình đẹp người ta xấu, mình giàu có, quyền uy, kiến thức, trí tuệ, mình bận rộn, lao đao, lận đận, mình khổ cực, cơ hàn, mình nghèo khó,… tất cả là do nghiệp của ta tạo ra, chẳng phải thượng đế, chẳng phải ông trời, chẳng phải xếp đặt gì đó trong nhà gọi là phong thủy để mà tài lộc phát triển, chẳng phải phong thủy ở ngoài kia chôn mộ của cha, của mẹ, của ông bà để mà phát triển tài lộc sức khỏe, không! Bởi những điều như tiền tài, danh vọng, địa vị, trí tuệ, sức khỏe, quyền uy, uy tín, đẹp xấu, yểu mạng, trường thọ,… đều do nghiệp của mình, chẳng phải thượng đế tạo ra.
Đó là lời kinh của Phật, chẳng phải phong thủy sắp xếp ở ngoài kia do đặt cục đá chỗ này, chuyển cửa chỗ kia hoặc chôn mộ ông bà, cha mẹ chỗ này, chỗ kia, để thừa hưởng được lộc làm ăn phát tài, sức khỏe, giàu có, thoát khỏi nghiệp cơ hàn của mình. Những suy nghĩ như vậy gọi là tà kiến trong nhà Phật, tạo ra muôn trùng chướng ngại, gây khổ cho tự thân. Suy nghĩ đó là suy nghĩ sai không đúng, nhất là những người như chúng ta. Các bạn đồng tu quy y tam quy y, giữ ngũ giới, là đệ tử của Phật, nhất là những người như các bạn đồng tu đã đồng tu lâu rồi, là sư cô, là quý thầy, ta phải hiểu. Còn không sự tu của chúng ta cũng như chiếc áo choàng choàng lên trang điểm cho đẹp, nhưng bên trong của chúng ta hoàn toàn chẳng thấu được nhân quả, sân si đầy rẫy, tà kiến tràn ngập, suy nghĩ không sáng suốt.
Chúng ta phải hiểu được như vậy, lời Phật dạy như thế, sự nghèo khó trong cuộc đời, sự bần hàn trong cuộc đời, chư Phật dạy chính là bởi vì ta không biết bố thí, chính là bởi vì ta tiêu xài không rõ ràng, phung phí, chính là bởi vì ta luôn luôn lấy của người. Những điều như vậy thật rõ, trong nghiệp, luật nhân quả thật rõ ai ăn người ấy no, ai uống người ấy hết khát, rõ lắm. Bởi tất cả những gì xảy ra cho chúng ta đều do nghiệp, nghiệp do ta tạo có chủ ý, có cố ý, có tác ý, phân được thành hai phần ác và thiện. Phải hiểu thấu nghiệp ác thì quả của nó là muôn điều không như ý xảy ra, nghiệp thiện thì muôn điều như ý hiện hữu. Nghiệp tạo ra phải có chủ ý, tác ý, cố ý, cho nên những điều xảy ra cho các bạn hiện thời chính là những nghiệp báo của tiền kiếp mà bạn đã cố ý, tác ý, chủ ý tạo ra. Nếu là những điều bất như ý không tốt thì bạn đã tạo ra vô số những nghiệp ác, cố tình tạo ra. Nếu là những điều thuận ý tốt đẹp thì cũng là những nghiệp thiện bạn đã tác ý khởi lên và hành nó. Đó là quả bạn thâu lượm được trong ngày hôm nay, bạn gặt hái được trong kiếp hiện tiền.
Đừng vu vơ các bạn đồng tu, đừng vu vơ đến mức ngớ ngẩn, tin vào những thuật phong thủy, cầu cúng, van xin để thay đổi vận mệnh của mình, không có. Phật dạy gia tài của chúng sanh chính là nghiệp mình tạo, mẹ của chúng sanh chính là nghiệp, số mệnh của chúng sanh hiện thời chính là do nghiệp chi phối. Tạo nghiệp, nghiệp tạo ra rất đáng sợ nếu là nghiệp ác, nghiệp tạo ra rất vui mừng và hạnh phúc nếu là nghiệp thiện. Ở trên đời có nhiều người thật ngớ ngẩn, sinh ra trong cuộc sống cơ bần, gặp nhiều điều trắc trở, nghèo hèn hoặc làm ăn không được, lại tin vào những ma thuật, những tà kiến để thay đổi cuộc đời, chứ nào thấu được lời Phật vừa dạy: nghiệp là mẹ của chúng ta, chi phối chúng ta trong hiện thời. Những người kia khờ khạo đến mức tin tưởng vào phong thủy, cúng kiến, thần linh, tà ma quỷ mị, đủ thứ.
Hãy nghĩ đi có người như vậy, họ tin rằng cuộc đời cơ bần, nghèo khổ, không may mắn sẽ thay đổi nếu như cha mẹ chết tìm được mộ huyệt, chôn vào chỗ thuận lợi phong thủy tốt, thì khi cha mẹ chết đi chôn vào nơi ấy họ sẽ phát lộc, phát tài, làm ăn giàu có, khỏe mạnh, thay đổi cuộc đời. Có thể lên trên voi không phải xuống chó, có thể một phút mở mắt ra là thành công, thành vua. Suy nghĩ ngớ ngẩn như thế nên họ vì muốn thoát khổ đã tạo nghiệp mà họ không hay, họ bỏ tiền ra để thuê thầy phong thủy hoặc là họ tìm đủ mọi cách để nhờ vào thầy phong thủy, tìm cho một cái huyệt mạch đất tốt để chôn ông, chôn bà, chôn người thân, cha mẹ xuống đó, để phát. Nói về cái tình thôi, hiếu đạo thôi, nhân nghĩa làm người thôi, khi cha mẹ sống ta đã vô ơn, ta chẳng hiếu đạo, bào mòn sức khỏe của các ngài, chẳng cố gắng học hỏi để phát triển kiến thức, chẳng chuyên tu để tăng trưởng nghiệp của mình để báo ân, tứ ân, ân phụ mẫu cha mẹ.
Thế mà khi chết còn lợi dụng cha mẹ, còn tận dụng xác của cha mẹ để làm giàu cho mình, để cho mình giàu, mình khỏe, mình thay đổi đời, thật là bất hiếu, thật là tội lỗi. Để rồi mang thân xác của cha mẹ chôn vào lòng đất được gọi là mộ huyệt có huyệt mạch để thay đổi đời. Đó là lợi dụng cả xác chết của cha mẹ, nghiệp báo vô cùng. Những người như vậy tâm thường hay sân hận, những người lợi dụng cha mẹ ngay cả khi đã chết để làm giàu, để thành công, để thay đổi vận mạng, người ấy có khí sân hận, nguồn lửa đau khổ thiêu đốt tâm can, thường hay ganh ghét, giận hờn, không biết bao dung tha thứ, cau có, khó chịu. Người ấy đang ôm ở trong lòng trái bom nổ chậm và đang dần dần tự sát, thiêu đốt, giết chết cuộc đời của chính mình.
Các bạn, từ chỗ đó chúng ta mới thấy rằng Đức Phật giải thích cho anh Su Tha thật là rõ những câu hỏi của anh, mọi nghiệp đều do mình tạo ra, có sự chủ ý, cố ý, tác ý. Bạn sinh ra mà thọ mạng dài lâu là cả cuộc đời của bạn, kiếp trước và trong kiếp này bạn luôn sống đúng đạo, không bao giờ sát sanh, nhưng lại biết phóng sanh, do đó bạn có thọ mạng dài lâu. Còn nếu như thọ mạng của bạn ngắn ngủi, chính là kiếp trước và trong kiếp này bạn sát sanh vô số. Phật dạy như thế không thể sai đâu, bởi Ngài là bậc giác ngộ. Anh Su Tha nghe mà tỉnh, còn chúng ta nghe mà bơ bơ.
Câu này nghe nhiều rồi, nhưng bao nhiêu nghiệp ác, sát sanh ta cứ tạo ra mỗi một ngày, giết người không dám nhưng giết súc sanh có. Giết người bằng dao, bằng búa, bằng súng ống, bằng gậy gộc, không có, nhưng giết người bằng những ngôn ngữ thô ác, đâm thọc, thêm bớt, thêu dệt, giả dối, âm thầm đưa tin, truyền tin thị phi để giết chết danh dự của người ta, để loại trừ người ta ra khỏi tầm mắt của mình, để tạo ra sự phân rẻ trong Tăng thân, trong Tăng đoàn, trong chùa chiền, trong tình huynh đệ, sư thầy, sư cô, bạn bè đồng tu, gia đình, lối sống,… đủ hết. Đó là sát sanh đó các bạn, chẳng phải giết chúng sanh, giết người là sát sanh đâu. Người ta nói cái miệng có thể giết người đấy, cái lưỡi nó mềm mà nó có thể như dao giết biết bao nhiêu người, ta đã lắt léo để cho cái lưỡi của mình tạo ra những ngôn từ nguy hại giết người.
Các bạn hãy cẩn thận, tạo nghiệp, nghiệp tạo rất đáng sợ, bởi Phật dạy những gì tới với chúng ta đều do sự chủ ý, cố ý, tác ý, tạo nên nghiệp khẩu đó, hãy dừng ngay. Nhưng cũng phải chủ ý, cố ý, tác ý tạo nên nghiệp từ lưỡi nhưng chẳng phải là nghiệp ác do nói thô ác, thêu dệt, đâm thọc, thêm bớt, gian dối, thị phi, mà là nghiệp thiện của những ái ngữ thiện lành, của những lời nói chân ái, nhẹ nhàng, dịu dàng, dễ thương. Bạn thấy chưa, chỉ cần thay đổi và làm chủ thì ta sẽ thay đổi được vận mệnh của mình. Chẳng phải là lợi dụng tận dụng xác chết của cha mẹ, ông bà, chôn vào mộ huyệt có phong thủy tốt mà thay đổi được. Suy nghĩ như vậy là tà kiến, sai lầm, tạo nghiệp cho bản thân và đày đọa gia đình, anh chị em của mình và tổn phước báu toàn gia. Cũng như những suy nghĩ vụn vặt, sai trái khác ta không để ý như cầu kính, cúng kiếng, van xin, cầu lụy, vái lạy. Phật dạy nghiệp của chúng ta là gia tài của ta, nghiệp là cha mẹ của ta. Mà nay ta chẳng thấy gia tài đau khổ, vất vưởng, buồn vui của ta là nghiệp của ta tạo, mà cứ đổ thừa. Ta khờ quá, ta đổ thừa để rồi đốt cháy phước báu, tạo nghiệp.
Có người lại khỏe mạnh – bệnh hoạn, Phật dạy trong Kinh Trung Bộ cho anh Su Tha thật rõ: người bệnh hoạn nhiều thường là người sát sanh, gây hại đến người khác, đánh đập người ta, đày đọa người ta, sát hại người ta. Phật dạy nếu bạn đọc và hiểu thì từ đây nếu bạn bệnh hoạn, đau khổ, phiền não nhiều, bạn đừng giày vò người ta bằng ngôn ngữ, đày đọa người ta, đánh đập người ta, chửi bới người ta nữa. Mà ta phải chủ ý, tác ý, khơi lại, giúp đỡ, nâng đỡ, chia sẻ tình yêu thương, chăm sóc cho những người bị yếu, bị bệnh, bạn sẽ khỏe. Thương tất cả chúng sinh đang đau, đang bệnh, đang phiền, bạn sẽ khỏe, sẽ tươi. Nếu bạn không có trí tuệ, Phật dạy thật rõ ràng thì bạn sẽ không đặt câu hỏi để hỏi, bạn sẽ không nghiên cứu để học hỏi, bạn giãi đãi, lười biếng. Miệng này chỉ chửi bới người ta, tâm này chỉ đào bới tư tưởng xấu truyền qua miệng, qua thân để tạo tác, mà không đặt những câu hỏi để tìm tòi, nghiên cứu, thực tập, học hỏi, lười biếng. Anh Su Tha đã hiểu được điều đó, bởi anh Su Tha là người bà la môn nhưng luôn luôn gặp Phật để hỏi, vậy nên anh ta có trí tuệ. Còn chúng ta tu mà không hỏi, trí tuệ chẳng có, nhưng để cho tâm, cái đầu, cái ý của chúng ta trở thành như những con ma đào bới xác chết của sự thị phi, ném vào lỗ tai của người khác để bêu rếu, giết người, hại người.
Các bạn, trong khung thời gian ngắn gọn như vậy, toàn bộ Kinh Trung Bộ nói về nghiệp Phật dạy Bảo Thành không chia sẻ hết được, nhưng nói thật rõ ràng nghiệp tạo ra thật đáng sợ, nghiệp là gì? Là những tư tưởng, lời nói và hành vi của chúng ta cố tình, cố ý, tác ý, chủ ý tạo ra. Nếu là những điều xấu xa, tà thì thật đáng sợ, bởi không bao giờ mất, nó sẽ được lưu trữ vào trong hộ nghiệp của chúng ta, tức là kho tàng của chúng ta, nó không bao giờ mất. Nó sẽ tàng ẩn trong đó chờ cơ hội để trổ quả và những quả trổ chúng ta cảm nhận được như bệnh hoạn, như đau khổ, như phiền não, như người ta không hợp chửi bới mình, thị phi với mình, như mình sân giận, khó chịu, cáu kỉnh, ôm bom, ôm đạn ở trong lòng, như mình gặp nhiều chuyện không như ý, chẳng thành công trong cuộc đời, nghèo khổ, bệnh hoạn, bần hàn,…
Hàng trăm, hàng ngàn những thứ không tốt, bạn liệt kê hết đi, đều là do nghiệp bạn cố tình, cố ý, chủ ý, tác ý tạo ra nghiệp ác, nên những mầm đó nay gặp cơ hội trổ quả. Cơ hội đó có thể ở trong gia đình, ở trong đời, cũng có thể ở trong thiền môn nhà chùa. Có những người đi tu vào chùa rồi trổ quả, bởi những ác nghiệp nhiều đời đã gieo nằm trong hộ nghiệp, trong kho tàng đó, cho nên vô chùa mà cứ lỉnh kỉnh mang chuyện xấu chỗ này, chùa này, đặt vào chùa kia, di dời mấy chỗ mà tâm chẳng an vẫn thị phi, đâm thọc lẫn nhau, chẳng biết giữ kín để chuyển hóa. Những điều nghiệp xấu như đống phân vậy mà cứ mở ra cho nó bốc mùi trong cửa thiền môn, tạo nghiệp, tạo nghiệp. Thay vì ta biết chuyển hóa thành hương hoa thơm dâng cúng cho Phật, ta lại tạo nghiệp mà không hay, cứ thế nuôi dưỡng tánh sân hận.
Trong gia đình ta cũng như vậy, trong tình bạn cũng như vậy, nghiệp là cha mẹ, nghiệp xấu như đống phân, như bom, như lửa, ta không chuyển hóa mà cứ nổ tung trong gia đình, trong tình bạn, đối với ông bà, đối với cha mẹ, đối với vợ chồng, con cái, đối với thân hữu cộng đồng, đối với huynh đệ đồng tu, với sư cô, sư thầy cùng một chùa. Chẳng biết tương thân tương ái, tha thứ, bao dung, chuyển nghiệp để sống, cứ cố tình, cố ý, tác ý như thế. Bạn và Bảo Thành đang cố tình chủ ý, tác ý, khởi nghiệp ác, dừng ngay. Nghiệp đó đáng sợ, nó đeo đuổi chúng ta đời đời kiếp kiếp, gặp nhân duyên trổ mầm sẽ giết chết chúng ta. Đặc biệt các bạn đồng tu chúng ta có một tâm thái để tu, phải sửa và chuyển nghiệp, thay đổi toàn diện cuộc đời hư thối, hư nát của mình để trở thành một miền đất màu mỡ để người ta và chính mình có thể gieo mầm yêu thương lan tỏa.
Ta phải có một sự lựa chọn giữa nghiệp thiện và nghiệp ác. Phải tác ý, chủ ý, cố ý tạo ra nhưng không phải là nghiệp ác. Bao nhiêu lâu ta đang sống trong sầu hận, ghen ghét, hận thù, chính là do ta tạo ra, chẳng phải do người. Không có ông nào, bà nào, thượng đế nào, thần thánh nào tạo ra, chẳng có bạn tu nào, chẳng có ông chồng, bà xã, chẳng có con cái, cha mẹ tạo ra, mà do chính ta tạo ra. Đừng lợi dụng xác chết của ông bà cha mẹ khi đã tắt thở, để chôn vùi vào lòng đất gọi là mộ huyệt cao để tạo phước, không có, chuyện đó là ảo, là điên khùng, là khờ dại. Đừng lợi dụng những cục gạch, cục đá, những hướng này, hướng kia thay đổi ở trong nhà gọi là phong thủy để giàu có, lành mạnh, khỏe mạnh
Mà là phải thay đổi sự tác ý, cố ý, chủ ý để tạo nghiệp thiện, thì phước báu sẽ tới. Nghiệp tạo ra đáng sợ nếu là nghiệp ác, nghiệp tạo ra không sợ, an vui và hạnh phúc và càng cần phải chú ý cố ý, tự ý, tác ý tạo ra nếu là nghiệp thiện. Bởi nghiệp ác trổ quả bất thiện, nghiệp thiện trổ quả thiện rất tốt đẹp. Ta có sự lựa chọn thay đổi cuộc đời vận mệnh của mình hoàn toàn tốt đẹp, do chính tâm của ta có sự học hỏi rõ ràng, thấu được nhân quả nghiệp báo thiện ác, làm chủ tâm. Tâm tu luyện là tâm được làm chủ để cố tình, cố ý, tác ý, chủ động tạo nghiệp thiện y như lời kinh pháp cú Phật dạy, hãy buông bỏ những việc ác, hãy tinh tấn những việc thiện, tâm ý sẽ thanh tịnh, phước báu sẽ vô cùng. Kinh Trung Bộ Phật dạy cho anh Su Tha nghiệp là mẹ của chúng ta, nghiệp là gia tài chúng ta phải thừa kế, nghiệp là tất cả, nghiệp đó là do ta tạo, không ai tạo cho ta. Vậy để thay đổi tâm tánh cho hiền lương, ta phải chú tâm, chú ý, cố ý, tác ý tạo nghiệp thiện, nghiệp thiện từ những ý tưởng.
Đừng tham sân si nữa, hãy khởi lên những tâm ý thiện lành yêu thương. Vậy nên trong mật thiền ta quán tâm từ bi Mu A Mu Sa là tâm yêu thương. Con nguyện chư Phật hãy ban rải năng lượng tình thương đến với con, để nơi trái tim này, nơi cuộc đời hiện kiếp này con kích hoạt được năng lượng yêu thương tự thể vốn có nơi mình để lan tỏa, để trao tặng, để hiến dâng, để sống. Bạn phải quán chiếu tâm Mu A Mu Sa, tâm từ bi, cố ý, chủ ý, tác ý, tự ý, vận hành mỗi một ngày trong sự đồng tu. Bạn đồng tu với Bảo Thành mà bạn không chủ ý tạo nghiệp thiện Mu A Mu Sa, nghiệp từ bi ấy mà bạn cứ đổ thừa để rồi bạn tu chỉ là hình thức mà che đậy trái bom đang ôm ở trong bụng, khối lửa hận thù đang thiêu đốt trong tâm can. Trái bom nổ chậm nó nổ ra là do nghiệp của bạn đấy, chẳng phải nghiệp của ai, là do chính bạn tu mà không thấu, tu mà chẳng hiểu, ngồi đó mà chẳng có lợi ích gì. Mình phải cố tình chủ ý, phải tác ý tạo nghiệp thiện Mu A Mu Sa, bạn không làm chuyện đó mà bạn cứ chủ ý, tác ý, tạo nghiệp ác bằng thị phi, thêm bớt, thêu dệt, thô ác, gian dối. Vì bạn chưa có trí tuệ, chưa tu cho đúng mức, nỗ lực nghe cho thấu, bạn vẫn còn để cái tôi của mình nó đè nặng ở trong người.
Các bạn, Bảo Thành nói như vậy hôm nay để thấy trong kinh Trung Bộ Đức Phật nói nghiệp do ta tạo và gia tài của chúng ta chính là nghiệp, cha mẹ của chúng ta chính là nghiệp, những gì bạn đang có chính là nghiệp bạn tạo ra. Theo kinh Pháp Cú Phật dạy hãy buông bỏ những việc ác và siêng làm việc thiện để chuyển hóa nghiệp chướng của mình. Cũng kinh Pháp Cú Phật dạy tâm phải được làm chủ qua sự tu luyện để chuyển nghiệp. Bạn thấy chưa, cho nên ở trên đời này sống nghèo hèn, bệnh hoạn hay sang giàu, khỏe mạnh, thành công hay không thành công, tất cả đang xảy ra đều do nghiệp của mình. Chẳng phải chôn xác cha mẹ nơi những mộ huyệt cao cả gọi là phong thủy để rồi thay đổi vận mệnh, điều đó là tà kiến.
Nếu bạn làm như vậy bạn đang ôm ấp những ác nghiệp, lợi dụng xác chết của cha mẹ để làm giàu thay đổi vận mệnh, sai lời Phật dạy, bạn đang tạo nghiệp. Không xứng đáng làm phận con, không xứng đáng làm phận anh chị em, không xứng đáng là người tu, không xứng đáng là con người. Bởi con người thì không bao giờ lợi dụng xác chết của cha mẹ để làm giàu cho mình, không bao giờ lợi dụng người khác để thay đổi cuộc đời, chẳng vớ vẫn, ngu si, ôm ấp những cục đá, cục gạch, thế này, thế kia để thay đổi vận mệnh. Mà phải là người có trí tuệ, tu để biết rằng muốn thay đổi đều do tâm của chúng ta, tâm được làm chủ tạo thiện nghiệp, cố tình, cố ý, chủ ý, tác ý tạo thiện nghiệp bạn sẽ thay đổi được tất cả. Hãy sống trong sự quán chiếu của tâm yêu thương Từ bi Mu A Mu Sa. Hãy thắp sáng trí tuệ bằng mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để nhìn thấu, hiểu thấu, buông xả. Hãy giữ sự tỉnh giác để mà tỉnh thức trong từng lời ăn tiếng nói, suy nghĩ và hành vi trong mật ngôn Ma Sa Ốp Uê.
Các bạn, Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh Giác quán là phẩm hạnh cao cả của Mẹ hiền đại từ đại bi thiên thủ thiên nhãn Quan Âm Bồ Tát. Nếu bạn ứng dụng được Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác bạn là hóa thân của Mẹ Hiền Quan Âm. Còn nếu bạn ghen ghét, hận thù, chẳng từ bi, bạn vô minh, không có trí tuệ, làm chuyện sằng bậy, bạn không tỉnh giác, u mê, khờ khạo, thì bạn cũng là hóa thân nhưng là hóa thân của loài quỷ dữ, của Diêm Vương, của ma vương, của tội lỗi. Bạn muốn chọn thành hóa thân của Bồ Tát hay của ma, của quỷ đều là do sự tự chọn của bạn.
Người ta sẽ nhìn vào đời sống của bạn, an vui, hạnh phúc, khỏe mạnh, tự tại, thong dong, người ta liền nhận ra bạn là hóa thân của Mẹ Hiền Quan Âm. Người ta sẽ nhận ra bạn là quỷ dữ, là ma vương, là hóa thân của những loài tội lỗi, người ta sẽ trốn tránh, lìa xa bạn và bạn đi đâu không sống được, gây tạo hận thù để nâng tầm cuộc sống của mình, tạo lợi cho mình thôi. Hóa thân đó người ta nhận ra ngay trong đời sống của bạn, trong tâm ý, lời nói và hành vi của bạn. Cho nên tu thì phải được làm chủ tâm qua mật hạnh tu tập mỗi một ngày. Các bạn, hãy lựa chọn cách sinh tồn, nghiệp tạo ra, tạo nghiệp rất đáng sợ, ác nghiệp rất đáng sợ. Tạo nghiệp rất vui và hạnh phúc, thiện nghiệp cần phải chú tâm tạo, mời các bạn trở về với hơi thở chánh niệm.
Thưa Phật! Xin Ngài gia trì cho hàng đệ tử của chúng con dõng mãnh, kiên cố, hiểu thấu được nhân quả thiện ác.phải phân minh rõ ràng và thấy được rằng gia tài mà chúng con thừa kế chính là nghiệp, cha mẹ sinh ra chúng con chính là nghiệp, mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời đều chi phối bởi nghiệp của chúng con. Chúng con đã cố tình tạo ta những nghiệp ác, đã tác ý, chủ ý tạo ra những nghiệp ác và Phật dạy chúng con lại có một sự lựa chọn cố tình, chủ ý và tác ý để tạo ra nghiệp thiện thay đổi cuộc sống. Xin gia trì để chúng con biết tác ý, khởi ý, chủ ý, cố ý tạo nhiều nghiệp thiện, quán tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác để thay đổi vận mệnh, thay đổi cuộc đời, thay đổi cuộc sống này.
Hít vào bằng mũi phình bụng, thở ra hóp bụng nhẹ nhàng, tổng trì mật ngôn, lan tỏa yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)