Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu. Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết lan tỏa yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, tu hành Mật Thiền quán chiếu để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho tất cả mọi người bệnh tật được tiêu trừ, phiền não được đoạn diệt, giữ tâm thanh tịnh. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mời các bạn ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của mình, giữ lưng, cổ và đầu cho ngay, cho thẳng trong trạng thái buông thư, buông lỏng, trở về với hơi thở nhẹ nhàng chậm rãi tự tại. Khi hít vào, ta hít vào bằng mũi phình bụng, ta biết hít vào bằng mũi phình bụng. Khi thở ra, ta thở bằng miệng, trì mật chú, hóp bụng, ta biết ta thở bằng miệng, tổng trì mật chú và hóp bụng vào. Với tư thế buông thư và với Chánh niệm của Mật Thiền hơi thở, ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, ta quán chiếu tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta quán chiếu tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Với một lòng thành kính tha thiết chân thành khi tổng trì và hành Mật Thiền, chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng của Phật của Bồ tát lan tỏa và hồi hướng cho muôn loài.
Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán, tiếp nhận năng lượng:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu!
Chúng ta tu mà đồng lòng với nhau, chúng ta tu mà hòa hợp với nhau, chúng ta tu mà gỡ bỏ mọi chấp ngại, gỡ bỏ mọi sự rắc rối để giao thoa trong cõi lòng hoan hỉ thì giữa ta và người, giữa ta và thiên nhiên vũ trụ có sự hòa hợp không ngăn ngại, có sự tương thông để đón nhận.
Các bạn! Mỗi một ngày ta tu là mỗi một ngày ta tháo gỡ sự rắc rối của lòng. Mỗi một ngày ta tu là ta tháo gỡ tất cả những sự ràng buộc mà chính ta đã cột trói để dù cho trời sấm sét, dù cho đất có động và dù cho lòng có đổi thay ta vẫn an. Bởi lòng người thay đổi, đất có động, trời có sấm sét, đó là lẽ đương nhiên của Vô Thường, không có một chuyện gì tồn tại mãi như thể nó mong muốn. Vậy nên sự quán chiếu trong đồng tu giúp cho cõi lòng thênh thang rộng lớn, lòng mình hạnh phúc bình an. Và bất cứ việc gì tới với chúng ta, trong lòng của mình đều có chỗ để cho sự việc ấy được đón mời và tâm hồn rất an vui tự tại. Không phải chuyện gì ở trên đời này cũng tự nhiên tới, mà mỗi người cần phải tạo cái nhân duyên trong sự nỗ lực tu hành để khám phá ra cái tiềm năng, cái tài sản cao quý của mình, thực tập mang vào ứng dụng để phục vụ cho cuộc sống bình an hạnh phúc của ta và của người.
Mật Thiền Chánh pháp Phật là một phương tiện, chẳng phải đặt niềm tin để có, mà là mời gọi mỗi một người nỗ lực thật sự thực tập tu hành để nhận ra trong mỗi chúng ta đều có cái khả năng như nhau, y như lời Phật thọ ký: “Phật là Phật, còn chúng sanh sẽ là Phật”. Câu này khẳng định Phật và chúng ta, mọi loài chúng sanh, mỗi người đều có khả năng như nhau để nhận ra cái gia tài vô giá và tiềm năng cao quý, sử dụng sự tu hành để khai thác ứng dụng. Mỗi người đều đạt được như nhau không khác. Mật Thiền dùng ba sự nỗ lực tuyệt đối vốn có khai thác năng lượng Yêu Thương tiềm ẩn, khai thác ánh sáng Trí Tuệ để thấu rõ, khai sáng sự Tỉnh Giác để ta luôn tỉnh thức sống. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác chẳng phải là sự hão huyền mong đợi trong cầu nguyện, mà là một sự thật vốn có trong chúng ta. Chúng là gia tài của ta, là tiềm năng ẩn tàng trong mỗi người, ra công tập luyện, ai ai trong chúng ta cũng thành tựu được hết. Chẳng cần phải khoác lên mình hình tướng của một tôn giáo, hoặc chẳng cần phải gọi là Phật tử trong Phật giáo. Bởi cái Tình Thương và Trí Tuệ, sự Tỉnh Giác là gia tài, là tiềm năng tàng ẩn trong ta, do vậy, chỉ cần tu luyện để tìm thấy nhận diện và ứng dụng. Thế nhưng chúng ta có phước duyên làm người Phật tử thực tập phương pháp này của Phật dạy. Nhưng cũng phải nhớ ai ai không nhất thiết phải đi vào con đường được gọi là Phật tử mới thực hành được. Tôn giáo nào miễn là người ý thức được rằng: Trong mỗi người chúng ta có cái gia tài vô giá, có cái tiềm năng tàng ẩn đó là Tình Thương, Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác. Muốn khai thác để ứng dụng nâng tầm cuộc sống thì đều được mời gọi và đều được phép tu luyện, hành trì để thành tựu được nó.
Hôm nay nói đến chủ đề các bạn gửi để cùng nhau nhắc nhở: “Bao dung và tha thứ”. Đó chính là chủ đề. Chúng ta nhìn vào cuộc sống, chuyện gì chúng ta cũng cho mình có cái quyền năng để rồi một chút xíu thôi những điều chạnh lòng, những cái lời nói qua những âm thanh tương đối đanh thép, to tiếng hoặc trách móc chỉnh sửa, góp ý, hay những cái hành động mà ta cảm nhận như nó đau lòng, ta liền sử dụng cái đặc quyền được giận dữ, được buồn phiền. Ta sử dụng cái đặc quyền được trách cứ, được căm phẫn, được phẫn nộ. Ta sử dụng cái đặc quyền là ta đúng mà sao họ cứ chửi cứ mắng, cứ la, cứ giận, cứ sân, rồi to tiếng với ta? Điều này đúng với Bảo Thành và các bạn. Vậy nên trong cuộc sống đã nhiều lần sự sân giận tức tối, bực mình, khó chịu, nó cứ như từng đợt sóng vỗ vào trong tâm. Để rồi làm sao? Ta lúc vui lúc buồn lẫn lộn, chẳng phân minh rõ ràng? Có lẽ vì những điều như thế cảm xúc dâng trào quá, mà làm cho người đối mặt tương tác với ta nhận ra ta là người dễ vỡ mong manh, đa cảm đa sầu, dễ trách móc, dễ than phiền, dễ tủi, dễ nhục. Nên họ dần bớt tương tác với ta, nên họ dần dần giữ khoảng cách, nên họ dần dần chẳng muốn nói. Vì ta chuyện gì cũng có nguyên cớ để giận, để hờn, để tủi, để phiền, để trách móc: Sao mà người ta to tiếng, trách móc, chửi bới? Chứ chẳng bao giờ ta nghĩ rằng: Sao ta cứ vịn vào những điều ấy để làm lớn chuyện cho rối rắm? Đó là một phần cuộc chơi mà ai trong chúng ta cũng thường vịn vào để cho mình có cái quyền được giận, được sân, được nổi nóng, được trách móc, được hờn, được tủi, được nhõng nhẽo. Tiếng Việt gọi là “mè nheo”, đủ hết. Ta thích chơi trò chơi như thế. Trò chơi của người bị ta vịn vào những cái cảm xúc ấy.
Lại một trò chơi nữa mà những người lớn hơn, khỏe hơn, mạnh hơn. có oai, có quyền, có tiền, có lực chơi trò chơi tha thứ. Ta vẫn nghe được những câu chuyện như những ông chủ lớn tha thứ cho nhân viên bởi họ có quyền. Ta vẫn nghe được những câu chuyện những ai đó tha thứ cho người này người kia, bởi vì có lực, bởi vì có tiền, họ chơi trò chơi của Thượng đế: tha thứ để cứu rỗi. Hình như đây là một trò chơi nghịch lí trong cuộc đời. Chẳng cần phải người cho oai mới có cái trò chơi tha thứ, bao dung, mà mỗi người chúng ta đôi khi cũng lạm dụng vào cái chữ “bao dung” và “tha thứ”. Coi như mình là kẻ cả, họ phạm đến ta, thôi tha cho họ. Chứ mấy ai trong kẻ cả như ta nhìn lại, một phần cũng lỗi mình, hai phần cũng lỗi mình, trăm phần cũng lỗi mình lỗi, lỗi, lỗi tại mình mà thôi. Không! Chẳng ai nhìn thấy lỗi mình, luôn nhìn thấy lỗi người để trách cứ. Luôn nhìn thấy lỗi người để gọi là bao dung và tha thứ. Ta có quyền. Biết bao nhiêu chủ đề về bao dung tha thứ chúng ta phân tích: Nào là lòng bao dung và tha thứ chính là giúp cho chúng ta, đủ hết. Bạn đọc trên mạng nhiều rồi. Chủ đề nhiều rồi, xoay vào để đưa cái tâm lý trị liệu làm cho mình thấy phấn khởi rằng: “Mình tha thứ được để chữa lành cho mình và hãy nên tha thứ cho người khác”. Và cái cách nói này đôi khi nó vẫn nghiêng về cái hướng rằng: Người ta phạm đến ta nên ta tha thứ. Cũng tốt thôi, đó là một cái cách để luyện, để tu, nhưng vẫn còn bao hàm cái ý người ta phạm đến mình nên mình tha thứ. Nhưng nếu bao dung và tha thứ nhắc nhở sâu hơn để thấy rằng: Cái sự bao dung và tha thứ đó phải cho chính ta. Bởi hầu hết tất cả những chuyện xảy ra cho ta và cho người đều do nghiệp, do lỗi của ta, chẳng phải do nghiệp do lỗi của người khác để ta phải tha thứ cho người. Nhưng là của ta nên ta cần tha thứ để ta chỉnh sửa, ta sám hối, ta thay đổi.
Hôm nay ta nói tới tha thứ không phải vì họ phạm mà ta bao dung tha thứ. Mà nói đến sự bao dung tha thứ ở một góc độ mà Đức Phật dạy, hay hơn, sâu hơn, lắng đọng hơn. Phật dạy: “Tài sản cao quý nhất của con người, của chúng sanh là bao dung và tha thứ”, đó là tài sản. Khi chúng ta thấy chữ “tài sản cao quý nhất là lòng bao dung và tha thứ” do Phật dạy, ta phải hiểu rằng tài sản thì cần phải biết khai thác và sử dụng. Nói rõ hơn là cần phải Tu – Luyện mới thành tựu được. Vì các bạn đã từng nói rồi: Ồ! Tôi nghe chữ “bao dung” và “tha thứ” thật dễ, nhưng mấy ai trong chúng ta có thể bao dung và tha thứ được? Đã bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn chơi trò chơi bao dung, tha thứ nhưng thực ra ở trong lòng vẫn sân giận, vẫn phẫn nộ, vẫn khó chịu. Chẳng qua cái sự bao dung, tha thứ như những phấn son trang điểm mà thôi. Một cơn bão lòng thổi tới, bao dung tha thứ bị biến mất, và trên khuôn mặt của ta là sân giận, là hờn, là tủi, là phẫn nộ. Điều này có không? Có! Phật nhắc đó là tài sản, bao dung tha thứ là tài sản, gọi khi có được tài sản có nghĩa là phải tích lũy, phải làm, phải tạo để góp vào mới có cái tài sản đó, không ai không làm mà có. Cho nên bao dung, tha thứ là một cái hạnh cần phải được tu và luyện để thành tựu, trở thành tài sản vô giá ứng dụng vào cuộc sống. Vậy để bao dung và tha thứ, chúng ta cần phải tu tập, cần phải tu luyện, không sẵn có để rồi muốn tha là tha, muốn bao dung là bao dung. Không được! Phải tu luyện đó các bạn.
Người ta nói biển lớn nhất nên chứa được trăm sông ngàn suối, nước muôn nơi đổ về vẫn chứa được. Nhưng trời lại rộng hơn biển bởi chứa được tất cả mọi đại dương, mọi tinh tú. Nhưng hãy nhớ lòng người lại rộng lớn hơn cả biển và trời. Ý rằng lòng của chúng ta, tâm của chúng ta có cái tiềm năng rộng lớn hơn trời. Nếu được tu luyện đúng mức, khai thác cái tiềm năng của cái tâm mình rộng như trời như biển, mênh mông tận hằng hà sa thì lòng bao dung và tha thứ tất yếu sẽ có tác dụng. Các bạn! Chúng ta cần phải tu đấy. Đừng vớ vẩn mà tin rằng chúng ta có quyền năng để tha thứ để rồi bao nhiêu lần thứ, bao nhiêu lần tha, nó cứ từ từ thứ lớp xếp vào trong tâm, sân giận có đầy.
Có một lão Thiền sư vào một buổi tối trăng sáng mờ đi dạo bên cái bờ tường của Thiền viện, thấy một bờ tường kia âm u, lại có một cái ghế mục để ở đó. Vị Thiền sư hiểu và nhớ và thấy rõ chính là cậu đệ tử lém lỉnh của mình đã dựng một cái ghế ở đây, trèo tường đi ra ngoài chơi vào đêm tối. Thiền sư thấy cái ghế mục, sợ đệ tử sẽ bước trở về từ trên tường cao xuống cái ghế gãy rồi đau, nên dời cái ghế đi chỗ khác, và đứng ở đó đợi khi trên đường có tiếng động nhận ra đệ tử về liền đưa hai vai đỡ bàn chân của đệ tử. Người đệ tử chạm vào vai của người nhận biết ra là của thầy, sợ hãi vô cùng vì nhất định sẽ bị sự phẫn nộ của thiền sư chửi cho một mớ. Anh ta run rẩy và từ từ và sư phụ đã cúi xuống dần dần để anh ta đứng vững trên mặt đất. Anh ta quỳ xuống chờ đợi sự phẫn nộ của thiền sư nhưng thiền sư đã nắm tay anh ta nâng dậy và nói: “Hãy đi vào trong mặc thêm áo đi, ngoài này trời sương, đêm khuya đi lạnh, không mặc áo coi chừng bị bệnh”. Các bạn! Một câu nói như thế, chẳng trách cứ sự lầm lỗi của người đệ tử, nhưng đưa vai để đỡ và cúi xuống để đệ tử đứng vững chãi trên đất, rồi đưa tay nâng dậy mà khuyên vào nhà lấy áo mặc vào cho đỡ lạnh. Sự tha thứ bao dung đó, hình ảnh đó, người đệ tử không bao giờ quên. Làm sao quên được bờ vai gầy của lão sư – thầy của mình, đỡ cho mình? Biết bao nhiêu chuyện ngang trái, biết bao nhiêu chuyện hư hỏng, biết bao nhiêu chuyện lầm lỗi ta không nhớ được, bờ vai gầy của thầy mình tuổi đã lớn nhưng vẫn đưa vai đỡ tất cả cho chúng ta. Ta không bao giờ nhớ được bờ vai gầy của ông của bà, của cha của mẹ, dù cả trăm tuổi, đi không vững vẫn sẵn sàng đưa bờ vai ra cho ta qua bờ vai của các ngài mà có thể hạ cánh an toàn. Không những thế, ta không bao giờ nhớ được bao nhiêu lần ông bà, cha mẹ, các thầy, những người thương yêu ta đã cúi rạp mình xuống để cho ta vững chãi đứng vững sau những lần lầm lỗi. Ta lại không thể nhớ được bao nhiêu lần bàn tay của các đấng ấy đã đưa ra nắm bàn tay của ta, nâng ta dậy và nói một lời rất chân thành “mặc thêm áo, coi chừng lạnh, đêm khuya sương nhiều”. Biết bao nhiêu màn sương u tối của cuộc đời dãi dầu trong kiếp phong trần của đời người, ta có còn nhớ đến bàn tay và âm thanh nhẹ nhàng của người xưa, của thầy, của cha của mẹ, của những người yêu thương: “Về đi, mặc thêm áo”. Hãy về với cái tâm của mình, mặc thêm áo của sự tu hành, để cho sương gió của cuộc đời không thấm làm ta lạnh. Vai đây, hãy đặt chân lên mà hạ cánh, cúi người xuống đứng vững đi con. Bàn tay ấy nâng ta đứng dậy, lời âm thầm của khuyên nhủ. Biết bao nhiêu những cao trọng cao quý đó, ai nhớ? Để rồi một ngày nào đó, ta lại chơi trò chơi của ông trời của Thượng đế, ta tha thứ cho các người. Không! Hãy nhớ ta không thể tha thứ cho ai, bởi ai làm người đó chịu, đâu phải ta thứ cho người là người hết tội hết nghiệp đâu? Cho nên sự bao dung và tha thứ là một tiềm năng để chúng ta bao dung và tha thứ cho chính mình, để mình sống an yên và hạnh phúc.
Các bạn! Ngày xưa có một người, họ là kẻ cướp giết hại người vô số, đã giết đến 999 người chỉ cần một người nữa là anh ta thành công giết một ngàn người. Mỗi một người anh đã giết anh ta chặt một ngón tay làm cái xâu chuỗi đeo trên cổ. Anh ta tên chính là ông Vô Não thời Đức Phật. Vì sao ông ta làm như vậy? Bởi ông ta không thể tha thứ cho những lầm lỗi của chính mình, nghiệp chướng của chính mình, và luôn luôn bị ám ảnh mọi người là xấu xa, là ác muốn giết anh ta. Lòng căm phẫn không nhận ra nên từ đó bàn tay của ông ta đã nhuốm máu và trở thành một kẻ sát nhân. Đến khi gặp Phật, Phật không bao giờ trách cứ, Phật biết anh ta là tội đồ, Phật chỉ nói: “Hãy dừng! Bởi ta đã dừng”. Anh ta giật mình hỏi: “Dừng cái gì?”. Phật dạy: “Hãy dừng điều ác và làm điều thiện”. Mỗi người chúng ta đều có khả năng làm cái điều thiện và đều có cái khả năng dừng điều ác nơi chính mình. Ông Vô Não nhận được qua cái lời thật ấm, có cái năng lượng Từ Bi và yêu thương của Phật. Ngay giây phút được nhắc nhở, ông Vô Não đã hiểu thấu rằng mình có khả năng tha thứ và bao dung cho chính mình. Muôn điều gây nên tội ác phẫn nộ sân si kia là bởi vì ta vịn vào chỗ người ta sai với mình, chứ nào thấu hiểu mình đã sai với chính mình. Ông Vô Não đã quy y với Phật và trở thành một vị đại đệ tử có lòng yêu thương sau khi sám hối.
Các bạn! Bao dung và tha thứ là một tiềm năng, là một gia tài. Mỗi người chúng ta cần phải tu luyện mới có được cái khả năng khai thác tiềm năng và ứng dụng tài sản vô giá này. Phật nói: “Tài sản vô giá của chúng sanh là bao dung và tha thứ”. Nhận rõ ta sẽ trân quý lời Phật dạy, đưa vào con đường tu tập bản thân luyện cho rõ để nhận diện tài sản bao dung và tha thứ có mặt ở trong đời, ứng dụng cho phù hợp. Đừng nghĩ rằng ta cứ phải tha thứ cho người, bởi tha thứ là liều thuốc chữa lành các vết thương. Đúng! Đúng! Đúng! Không bao giờ sai! Nhưng hãy nhớ, tha thứ cho người nhiều lần nhiều lần nào có tha thứ được? Vậy từ đó nhắc rằng chúng ta cần phải tu luyện mới có thể xiển dương được tiềm năng này, mới có thể ứng dụng được cái tài sản này. Không dễ tha thứ đâu, nếu không tu tập thì không thể tha thứ, nếu không tu luyện thì không thể khai thác được tiềm năng bao dung và tha thứ.
Mật Thiền Chánh niệm hơi thở, lấy cái hơi thở vào ra để điều hòa tâm ý. Các bạn nhớ: Trong ta có tánh nóng, tánh sân, tánh giận, nhưng cũng có cái tánh bao dung và tha thứ. Lửa có thể dùng để sưởi ấm vào mùa đông. Như Bảo Thành đang ở xứ lạnh tiểu bang Minnesota, băng tuyết còn đóng ở ngoài, phải dùng lửa hơi ấm để sưởi gọi là máy sưởi. Nhưng mùa hè nóng bức thì lại dùng máy lạnh để làm mát. Cái máy mà có thể sưởi và có thể làm lạnh tươi mát gọi là máy điều hòa. Sự tu luyện của chúng ta sẽ điều hòa được cái tánh nóng và cái tánh bao dung tha thứ điềm đạm. Sự tu luyện ta sẽ kích hoạt được cái máy điều hòa này phù hợp khi nào cần nóng để sưởi, khi nào cần lạnh để làm tươi mát, khi nào cần bao dung tha thứ để được an nhiên. Chỉ có qua sự tu luyện mới có cái máy điều hòa của tâm. Và Mật Thiền Chánh pháp Phật là một cái máy điều hòa mà mỗi người nếu học ứng dụng sử dụng đúng qua cái hơi thở vào ra chậm rãi, quán tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác, nhất định người đó sẽ nhận ra cái gia tài vô giá mà Phật đã nhắc, đó là lòng bao dung và tha thứ. Bao dung và tha thứ cho chúng ta, cho chính mình, cho muôn người là tháo gỡ sự ngăn ngại ngăn cách, bởi lửa hận thù sân giận của ta xây lên để mình có thể bước qua bờ bên kia để giao thoa với Phật, Bồ tát, trời, người, muôn loài.
Các bạn! Giữa con người với con người nếu bao dung tha thứ thực tập được, chúng ta không còn hàng rào cản để ngăn chặn. Mà giữa lòng mình và người mênh mông vô tận chẳng có biên giới. Bởi nơi ấy có tình yêu thương, có ánh sáng của sự hiểu thấu, có sự thức tỉnh hiểu rõ lòng người. Biển rộng lớn nên chứa được nước từ hàng trăm hàng ngàn sông suối đổ về. Trời lớn hơn biển, nhưng lòng người bao la mênh mông vô tận. Bao dung tha thứ là tài sản vô giá của mỗi người. Hãy khai thác lòng bao dung và tha thứ qua mật hạnh hành trì Mật Thiền Chánh pháp Phật bởi hơi thở Chánh niệm quán chiếu mật chú, để mỗi người chúng ta biết mang cái tài sản vô giá bao dung tha thứ kia sử dụng cho đúng, điều tâm điều ý để hòa nhập vào cùng tận hư không pháp giới, sống đời an vui và hạnh phúc. Đừng để cho lửa hận thù chất chứa mà chơi quyền Thượng đế tha thứ cho người. Hãy nhìn rõ, mỗi chúng ta chỉ là những chúng sinh nhỏ bé li ti Vô Thường sanh diệt trong từng giây phút, chẳng có quyền năng làm Thượng đế mà tha thứ, nhưng có được tài sản bao dung tha thứ và sự huân tu rõ ràng. Tuy phận kiếp người rất nhỏ nhưng có tài sản đó là tuyệt vời rồi các bạn.
Chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm để tu luyện, khai thác cái tiềm năng bao dung tha thứ, nhận diện thật rõ cái gia tài vô giá mà Phật đã thọ ký, đã nhắc nhở, đã chỉ, đó là bao dung tha thứ vốn có trong chúng ta.
Các bạn hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng bao dung và tha thứ nhận diện thật rõ vốn có trong mỗi người chúng ta:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)