Search

3199. Nhàn Tênh Nuôi Con và Con Tự Trưởng Thành

Bảo Chân đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu. Giờ tu tới rồi, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho hàng Phật tử chúng con biết tinh tấn, miên mật tu tập Mật Thiền Chánh Pháp Phật để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã mất được siêu sanh tịnh độ. Và nguyện cầu cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn ngồi, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ lưng, cổ và đầu cho ngay thẳng, toàn thân buông thư, buông lỏng nhẹ nhàng, không gồng cứng, thư giãn, chậm rãi. Nhớ lời Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Trong từng hơi thở vào ra của Chánh niệm, ta tổng trì và quán chiếu mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán tâm Trí Tuệ, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê quán tâm Tỉnh Giác. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán trong Chánh niệm của Mật Thiền, mỗi người chúng ta sẽ trở lại về cảm giác an lạc, tịch tỉnh, buông thư, gắn kết với Chư Phật, Chư Bồ Tát, với vũ trụ, thiên nhiên và tự tại, tiếp nhận được năng lượng, nuôi dưỡng đời sống của thân, của tinh thần và tâm linh.

Chúng ta hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi, đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tiếp nhận năng lượng lan tỏa tới muôn người:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Các bạn đồng tu thân mến!

Sự chuyển hóa một đời người từ trong vô minh đi tới sự giác ngộ, từ trong lầm chấp đi tới sự buông bỏ của hiểu biết. Không phải chỉ có thể ngồi, tưởng tượng, mơ ước mà thành công. Mà không phải chỉ có thể ngồi làm cái gì không biết nữa để gọi là gặp các đấng thần linh trời đất ở trên cao xuống đụng vào một cái, ta thành tựu. Như những người đóng vai trong phim kiếm hiệp may mắn, trong tận cùng của sợ hãi, của sự săn đuổi, sát hại bởi một nhóm người té xuống một cái cốc, để rồi chạm vào một bí kiếp thượng thừa trong một thời gian ngắn, thừa hưởng được bí kíp võ công, trở thành anh hùng cái thế. Dẫu biết không phải là như vậy nhưng phim ảnh và cách diễn tả mô phỏng cái đời sống mà chỉ một lần được chạm vào những cái gì đó gọi là siêu nhiên, gọi là bí kíp thượng thừa, gọi là cái gì đó Trời, Phật nhập vào, Thánh Thần nhập vào, rồi chẳng cần làm, chẳng cần tu, chúng ta có tất cả. Cái cách sống và suy nghĩ như vậy hấp dẫn thiệt nhiều người, để rồi các bạn và Bảo Thành nhiều người trong chúng ta đã giải đãi, chẳng chịu tu, chẳng có một sự dấn thân hy sinh cho bản thân lập trình đưa vào con đường tu Mật hạnh, hành trì giáo Pháp của Phật. Mà ngồi tưởng tượng thôi, vẽ rồng vẽ rắng để thành ông này bà kia, đấng này đấng kia. Hãy nhớ, nếu thật sự ở trên đời này cầu Phật, Phật nhập, cầu Thánh, Thánh nhập, cầu trời, trời nhập để rồi biến một người làm biếng như Bảo Thành và các bạn thành những vị vĩ nhân vĩ đại ở trên đời, chắc Đức Phật cũng sẽ dạy. Khi Ngài giác ngộ, nếu điều đó là sự thật, Ngài không phải đi đến bốn mươi lăm năm trời ròng rã, từ thôn quê, làng mạc, rừng rú hẻo lánh tới thành thị, kinh thành gặp vua chúa, quan quyền, gặp biết bao nhiêu người không mệt mỏi để truyền dạy cái kiến thức tu luyện đưa đến sự giác ngộ. Ngài chỉ cần ngồi một chỗ thôi, và tuyên bố với chúng sanh rằng: ai cầu ta, ta liền nhập vào, ta liền tới và ban cho tất cả, khỏi cần phải tu.

Nhưng ngày nay chúng ta có cơ hội đọc kinh điển tất là những cái gì Đức Phật dạy ghi chép lại thành kinh, thành sách, không bao giờ ai trong chúng ta ngày hôm nay và bao nhiêu ngàn năm qua có thể đọc được câu Phật nói như thế. Nhưng thật rõ Đức Phật nhắc cần phải tu, phải tự mình đứng dậy, phải tu và luyện để làm chủ cái tâm. Điều này khẳng định không có cái chuyện là có đấng này đấng kia từ trên trời, trên cõi nào đó nhập vào chúng ta, mà chỉ có thể thể nhập vào cái trí tuệ của chính mình và nương vào hùng lực của chư Phật (hùng lực ở đây tức là tha lực qua lời dạy trong kinh điển, giáo nghĩa, hướng dẫn) để ta thực tập từng bước mà chứng đắc.

Từ đây, chúng ta thấy một cái chủ đề nghe nó sướng lắm, chủ đề nghe sướng cái lỗ tai. Chủ đề mà ai nghe cũng thích hết và hình như nó sẽ trở thành một cái gì đó ảo tưởng hóa không có thật. Một cái  chủ đề và một câu hỏi các bạn đưa vào, đang nhìn lên Bảo Thành thấy hình như chủ đề này là ảo tưởng sức mạnh, chủ đề nhàn tênh à: “Nhàn Tênh Để Nuôi Con Và Con Tự Trưởng Thành”, tức là nhàn nhã rất là bình thường, rất nhàn, rất thoải mái nuôi con và con tự tưởng thành. Nếu mà thực sự ở trên đời này tất cả những người mẹ, người cha có con mà nhàn nhã, thoải mái, ung dung, tự tại nuôi con và con mình tự trưởng thành đó là một diễm phúc, đó là hạnh phúc nhất ở trên đời. Và nhìn trong thực tế, mấy ai ở trên đời này là mẹ là cha khi sinh con ra là nhàn nhã, là quá nhàn, nhàn tênh, không phải làm gì hết, chỉ nuôi con thôi là con tự trưởng thành, có hay không? Hầu như cả người mẹ và người cha sẽ kể hổng có đâu, lo lắng khi nó hình thành ở trong bào thai, lo lắng phiền lòng khi nó sợ hãi, suy nghĩ đã xếp đặt rồi. Phải làm sao khi sinh ra về tài chánh, về giáo dục, về mọi mặt hết. Khi sinh ra thì lo lắng sợ hãi, con cái nó có khỏe không, nó có bệnh, nó có yếu, nó có trí tuệ, nó có bình thường? Và mỗi một lần nó bệnh lo sốt vó, sợ lắm. Đi học mà không bằng bạn bè, chậm một chút xíu thôi là lo lắng lắm rồi. Không có một người mẹ và một người cha nào mà cảm thấy nhàn, nhàn tênh, không phải lo lắng, chỉ nuôi con để rồi con tự trưởng thành. Không có cái gì mà nó tự trưởng thành được hết. Cái mà con mình tự trưởng thành chẳng khác gì như người tu cứ cầu tự chứng đắc, chẳng cần phải tu, chỉ cần ông Phật, Bồ Tát, Thánh Thần nhập vào là ta được rồi. Với cái ý tưởng như vậy cho nên lâu lâu ta thấy xuất thế trong cuộc trần này có bao nhiêu người điên đảo, xưng hô mình Phật, là Thần, là Trời biết quá khứ, vị lai, biết muôn điều, vì chỉ trong một đêm một thoáng có vị này gá vào, vị kia nhập vô, nhảy múa, nói năng lung tung. Họ đã thành, mà không phải thành Phật, Bồ Tát, không phải thành bậc giác ngộ, mà họ đã thành điên đảo mộng tưởng.

Các bạn, nếu không phải như cái chủ đề này mấy ai trong chúng ta không thấu được lòng của cha mẹ, cha mẹ nuôi con cơ cực vô ngần. Ngày chủ nhật vừa qua, Bảo Thành có cơ hội nói chuyện với một số cha mẹ về những đứa con của họ, những người cha và người mẹ tâm sự với Bảo Thành về con. Có đứa con trai rất đẹp, lớn rồi, hai mươi mấy tuổi rồi nhưng người mẹ thương người con quá mức. Người con làm cái gì người mẹ cũng lo âu, người con có ước mơ học cái gì người mẹ cũng sợ hãi. Và người mẹ luôn luôn muốn đặt để con mình vào một cái môi trường học, cái nghề nào đó mà người mẹ cảm thấy an toàn, phù hợp cho con. Nhưng ngược lại, người con lại tăng trưởng kiến thức với những điều người con thích. Do đó, những điều con muốn làm, những điều con yêu thích và những điều mẹ muốn con làm và mẹ yêu thích con làm nó trái ngược. Và người mẹ đã bao nhiêu năm rồi, Bảo Thành gặp cô ấy năm năm về trước, năm năm về sau có nghĩa là chủ nhật vừa rồi, năm năm mới gặp lại nhau và cũng nói chuyện chủ đề về người con trai năm năm trước và năm năm nay. Vẫn như vậy, nhưng người con vẫn âm thầm tăng trưởng kiến thức nhưng nhút nhát và sợ hãi, bởi người mẹ lúc nào cũng đặt một cái kế hoạch siêu xuất mà người mẹ tưởng rằng, nghĩ rằng, chắc chắn rằng là tốt đẹp cho con. Và cuối cùng hình như người con yếu đuối, chẳng muốn làm gì, cứ chờ cứ như vậy. Nay thành một cậu thanh niên rồi, lớn rồi mà không có cái chủ đích, chẳng có cái lập trường. Người mẹ than phiền con không muốn làm gì, đó là một cảnh.

Một cái cảnh đời mà ta thấy rằng hầu hết những người mẹ, những người cha lúc nào cũng mơ ước con mình thành công về muôn mặt và có một cái khuôn mẫu định hình sẵn trong tâm về nghề nghiệp, về kiến thức, về cách sống, mang cái khuôn mẫu đó như con dấu đóng mộc vào đời của con cái. Nhưng con cái mấy thuở y chang như con dấu của sự định hình, cách sống, cách học, cách làm việc của cha mẹ để thực thi y như vậy đâu. Cho nên cha mẹ càng phiền não càng đau lòng. Có một người cha mẹ khác lại tâm sự rằng, có người con trai khi còn nhỏ nghe lời nhiều lắm, lớn lên rồi qua Mỹ sống, tiếp cận với nền giáo dục ở bên phương Tây. Và rồi người con trai ấy lấy vợ sinh một người con, dạy cho con cái của mình theo như phương pháp của Tây Phương, nhẹ nhàng, tâm lý, tìm hiểu, thư giãn, sâu vào chuyên môn, khi khai thác được cái bẩm tính hay của con, đầu tư vào đó. Nhưng người mẹ thì lại muốn đầu tư kiến thức nhồi sọ như ở Việt Nam, học là phải nguyên tắc, nhiều và lễ giáo, rập khuôn. Người con trai nói với mẹ: “Thưa mẹ, hãy để cho con giáo dục cháu cái phương pháp của Tây Phương, tìm những cái năng khiếu thiên tư đặc biệt, vừa học vừa chơi, thư giãn để không nhồi nhét kiến thức, đánh mất đi tuổi thơ, mà cũng chẳng để tuổi thơ ham chơi mà không tăng trưởng kiến thức”. Cho nên người con trai đó theo cái phong cách và phương pháp lập trình giáo dục của Tây Phương, rất tâm lý. Điều đó đúng khi ở đây nhưng lại sai với người mẹ, người mẹ bắt đầu khổ, nghĩ rằng con của mình với mình bắt đầu khắc khẩu, bắt đầu lại lợi dụng lạm dụng cái chữ “khắc khẩu”, tìm đủ mọi phương pháp cầu nguyện cầu xin, tầm thầy này, thầy kia để làm cho nó xuôi khẩu, không còn khắc khẩu nữa. Chúng ta như vậy đấy, điều gì trái ý ngược chiều là khắc khẩu, rồi tìm đủ mọi thứ đi vào mê tín dị đoan.

Sinh con ra, không dễ, nuôi con càng khó hơn, và để cho con trưởng thành thật sự rất khó. Mỗi người chúng ta sinh ra đều có những cái môi trường, hoàn cảnh khác biệt. Và làm cha làm mẹ, chúng ta luôn luôn hy sinh tất cả để xây dựng một môi trường thích nghi phù hợp để con cái lớn và trưởng thành trong sự giáo dục đúng mức, phù hợp. Ai đã từng làm cha mẹ đều biết được điều ấy. Và khi con cái lớn trưởng thành, sinh con đẻ cái, cũng là cha là mẹ. Và thậm chí khi con cái là ông là bà thì người làm cha làm mẹ, các đấng bậc sinh thành vẫn luôn luôn lo lắng cho con của mình. Đó là tình cảm rất đặc biệt của loài người. Nhưng trên cái phương diện giáo dục con cái để được nhàn, nhàn tênh nuôi con, con tự trưởng thành, đó là một khái niệm ý niệm, nếu như ta cứ chạy đuổi theo kiểu của thế gian không bao giờ có. Nhưng thật sự có, thật sự có nếu ứng dụng đúng theo lời của Đức Phật dạy. Nhớ rằng Đức Phật cũng có người con, con của Đức Phật là La Hầu La. Khi con của Ngài bảy tuổi, Ngài đã nghĩ phải trao cho con cái gia tài kiến thức bằng trí tuệ. Cho nên dắt dìu con học đến mười tuổi thì dạy cho thiền, và từ từ dạy cho những phương pháp tuyệt vời để khi hai mươi tuổi, cậu thanh niên trẻ kia đã là một bậc chứng ngộ.

Phật khuyên hàng Phật tử tại gia của chúng ta, những người lập gia đình có con cái, nuôi dưỡng con cái, nếu muốn cho mình được nhàn để nuôi con và con tự trưởng thành thì nhất định số một là hai vợ chồng cha mẹ luôn luôn phải sống gương mẫu. Nhàn là bởi vì chính cha mẹ đã có một đời sống gương mẫu, một đời sống mô phạm, một đời sống mẫu mực thật sự. Nuôi con trong cái tinh thần làm gương như vậy thì con của mình sẽ nhìn vào tấm gương đó, gọi là thân giáo đó, cái cách sống của cha mẹ để rồi noi theo mà hành. Thì những bậc cha mẹ ơi, ta nghĩ thử coi đời sống của chúng ta có phải là gương mẫu thực sự chưa? Nhìn vào bản thân, thấy rõ được đời sống của mình là biết con mình sẽ như thế nào. Ở đời ông bà thường nói: nhìn con cái biết cha mẹ, tức là nhìn đời sống của con cái biết cha mẹ sống như thế nào. Và cha mẹ sống như thế nào ảnh hưởng trực tiếp và rất sâu rộng vào người con. Đức Phật đã dạy nuôi con mà nhàn là cha mẹ phải làm gương thì con sẽ được trưởng thành. Cái làm gương ở trên đời chẳng phải là ta nhồi nhét kiến thức để trở thành ông này bà kia. Hãy nhìn đi, ngày nay có biết bao nhiêu cha mẹ làm cho chính phủ quyền cao nhưng thiếu định, tài cao nhưng thiếu cái phẩm hạnh, tiền nhiều nhưng thiếu hụt nhân cách, và chưa đi tới con đường cuối thì đã phải đi vào ngục tù, đã phải đi vào cái đoạn đường hầu như phải có những cái ác rất nặng. Tấm gương đó là tấm gương mù, tấm gương xấu. Ông bà mình học theo Phật luôn luôn có một tấm gương sáng, đạo đức làm đầu, có đức, lấy đức độ làm đầu, làm gương mẫu cho mình. Người có đức độ là người sống có một cái giá trị thanh cao bằng hành vi, nghĩa cử, cách sống trong cuộc đời. Hồi nhỏ Bảo Thành được nghe và thấy các ông bà cụ sống y như vậy, “đói cho sạch rách cho thơm”, “sách cũ phải giữ lấy lề”. Mà thật sự thì đời trước khi ta tới chùa chiền, am thất, có những lão sư già có đời sống rất bình thường, mộc mạc, chơn phương, nhưng cái hương thơm đức hạnh, cái đạo đức của những bậc lão sư già đó, của ông bà cha mẹ ta thời xưa ấy lại thoát lên cái vẻ thanh cao tuyệt vời. Chằng cần nói, ta chỉ tiếp cận, nhìn hoặc ngồi gần hoặc ngồi bên cạnh hoặc thậm chí sờ vào các lão sư, sờ vào bà ngoại, bà nội, ông nội, ông ngoại của chúng ta là ta hạnh phúc lắm. Bởi các Ngài thanh cao, thanh thoát, các Ngài có đạo đức, các Ngài chính là tấm gương cho chúng ta noi theo.

Phật dạy thật đúng, để nhàn nhã nuôi con mà con trưởng thành thì cha mẹ phải sống một đời sống mẫu mực, mô phạm, làm gương cho con cái. Phật dạy, giáo lý của Ngài không khó, rất dễ là những chân lý bất biến, đời nào, thời nào, tôn giáo nào, con người nào ứng dụng cũng đưa đến sự thành quả như nhau. Một đời sống mẫu mực thanh cao, một đời sống mô phạm làm gương cho con để ảnh hưởng tới, đó là đời sống của người biết giữ năm giới. Bạn phải suy nghĩ bạn mới thấy nó hay. Còn nếu bạn chỉ chăm chú vào như một nhân vật kiếm hiệp, rớt xuống hầm trong núi sâu, biển thẳm, rồi bất chợt đập đầu vô đá thành cao thủ võ lâm thì cái đó gọi là hoang tưởng, ảo tưởng sức mạnh, chẳng có. Năm giới của nhà Phật thật rõ, nhưng năm giới đó chính là những cái điều kiện, là những cái bước đi rất căn bản, rất quan trọng để trở thành những bậc mô phạm, làm gương, gương mẫu cho con cái nương theo cái thân giáo, tức là bài học từ thân cha mẹ đang sống, tấm gương đích thực, con cái sẽ tự trưởng thành. Bạn phải lặp đi lặp lại năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống và sử dụng các chất say, nếu bạn thực hiện được năm giới này bạn, bạn là bậc mô phạm của con cái, là tấm gương sáng.

Nhưng nhìn lại cho rõ cuộc đời của chúng ta, những bậc làm cha mẹ, cái thân giáo giữ năm giới này hầu như ai cũng rất hời hợt, rất hời hợt. Cả năm giới đều phạm, cho nên đời sống của cha mẹ thường bốc ra cái năng lượng bất tịnh, ô nhiễm đến đời sống của con cái, thì làm sao ta mong mình có đời sống nhàn tênh nuôi con để con trưởng thành tự nhiên? Không có. Nếu ta không giữ trọn vẹn được năm giới thì ta chẳng bao giờ có được cái năng lượng thanh tịnh, toàn là tiêu cực thôi. Làm sao thành mô phạm để ảnh hưởng đến đời sống của con? Và đời sống không giữ được giới là đời sống ô nhiễm, bất tịnh, nó ảnh hưởng tiêu cực đến với đời sống của con mình. Nhìn cha nhìn mẹ sát sanh, trộm cắp lừa đảo, tà dâm vô độ, tứ đổ tường, lời nói không chuẩn mực, thêm bớt, đâm thọt, thị phi, gian dối, thô ác, còn không có một cái chất say nào mà không nhồi nhét vô người thì môi trường đó sẽ ô nhiễm con cái của mình thì sớm đây con cái sẽ thành nạn nhân bạo lực, tội ác. Chuyện đó đã có, trong xã hội này đầy hết. Mà các môn xã hội học người ta nghiên cứu, người ta thấy đời sống của cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Vậy thì Đức Phật đã dạy đúng rồi. Đâu đợi đến ngày nay có những môn xã hội học nghiên cứu để nói và khẳng định đâu. Đức Phật đã nói, đời sống cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái, do vậy để con cái tự trưởng thành thì cha mẹ phải sống một đời sống gương mẫu, mô phạm, giữ giới.

Điều thứ hai nữa là Phật khuyên chúng ta luôn luôn phải để cho con cái phát triển những cái bẩm sinh thiên khiếu, sở thích phù hợp, đừng nhồi nhét. Cái điều này hầu như là một chuyện không bao giờ xảy ra trong hầu hết các gia đình người Á Đông chúng ta. Bởi người Á Đông luôn luôn là cha mẹ có một khuôn mẫu là “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Từ cái thuở mà cưới vợ gả chồng cho con đã áp chế điều đó rồi, nay không còn, nhưng lại biến con cái mình trở thành những cái người bị đặt vào khuôn mẫu giáo dục, vào mong muốn riêng tư của cha mẹ. Nó trật khuôn hết. Cho nên hai cái câu chuyện về hai người mẹ cha mà kể về đứa con đó ta thấy nó khác. Rồi ở nhà cứ cắn đắng với nhau, cha mẹ con cái không hòa hợp, gọi là khắc khẩu. Đâu phải khắc khẩu, trái nghịch tư tưởng, chẳng đồng thuận, chẳng hằng thuận, theo ý mình, ta là tất cả, không theo không được.

Cha mẹ phải làm gương: điều thứ nhất. Điều thứ hai là phải để cho con cái phát triển một cách tự nhiên theo cái bẩm sinh thiên khiếu hay còn gọi là cái nghiệp thức. Cái thứ ba là cha mẹ luôn luôn phải biết buông bỏ kịp thời, chuyển hóa thân tâm. Buông bỏ kịp thời, chuyển hóa thân tâm thì con cái của chúng ta sẽ nhận ra điều đó và làm theo, noi gương theo. Điều thứ tư là ta tạo điều kiện và môi trường sống phù hợp. Bốn cái điều kiện này, bốn cái bước này sẽ giúp cho chúng ta có một cuộc sống nhàn, nuôi con mà con tự trưởng thành. Nhưng nuôi con như thế nào? Nuôi con trong một cái môi trường cha mẹ làm gương mẫu mực, làm mô phạm. Nuôi con như thế nào? Nuôi con trong một cái môi trường mà mình không áp chế cách suy nghĩ của mình vào con cái. Nhưng tìm hiểu và sách tấn để con cái thành tựu được những ước mơ của chúng. Nuôi con như thế nào để nhàn? Nuôi con là mình biết buông bỏ, chuyển hóa kịp thời để làm gương cho con cái. Nuôi con như thế nào để nhàn tênh mà con tự trưởng thành? Là nuôi con trong cái môi trường phù hợp với nền đạo đức và môi trường để tăng trưởng kiến thức, thích nghi trong từng thời đại mà môi trường ta đang sống. Bốn cách nuôi con như vậy là nuôi con nhàn tênh và con tự trưởng thành. Nghe nó dễ lắm nhưng không dễ. Bởi chúng ta luôn luôn có cái tôi, chúng ta luôn luôn có cái khuôn, luôn luôn muốn đóng mộc, suy nghĩ, tư duy, cách sống, hành xử của mình lên cái đời sau. Vậy nên cái nền giáo dục của Á Đông nhất là Việt Nam là nhồi sọ, kiến thức thì đầy đầu nhưng chẳng ứng dụng được. Thấy biết bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ thậm chí bác sĩ về chạy xe ôm, làm việc không đúng ngành nghề. Bởi trong cái xã hội nó như thế, học nhồi nhét, không có môi trường để ứng dụng những khả năng kiến thức đã học. Cái điều thứ bốn gọi là đúng môi trường đó các bạn, quan trọng lắm!

Bảo Thành muốn nhắc lại cho các bạn nghe và Bảo Thành nghe để hiểu thấu. Nhàn tênh nuôi con mà con tự trưởng thành là những bậc cha mẹ phụ huynh nên học theo lời Đức Phật dạy mới có sự nhàn nhã đó. Còn không sẽ cực khổ vô cùng. Cứ hỏi đi và hãy nhìn thẳng vào đời sống của mình đi, lo lắng biết bao vì con cái. Đức Phật dạy thật rõ, gia tài cao quý nhất chính là đức độ, trí tuệ. Để cho con có được cái gia tài trí tuệ và đức hạnh kia mà những bậc phụ huynh làm cha mẹ được nhàn tênh nuôi con để con tự trưởng thành phải luôn luôn có bốn cái điều kiện thực hành đời sống của người làm cha mẹ. Đó là cha mẹ phải làm gương mẫu, làm mô phạm, làm người học giữ giới để có một đời sống đức hạnh để con mình noi theo. Đó là cha mẹ luôn luôn sách tấn, tìm hiểu và tạo mọi điều kiện để con cái phát triển theo cái thiên tư, thiên khiếu, căn cơ, nghiệp duyên, sở thích lành thiện của chúng. Đó là cha mẹ biết xả bỏ, chuyển hóa, sửa đổi kịp thời những cái sai lầm của mình để làm cho mình tốt đẹp hơn mỗi ngày. Đó là cha mẹ phải luôn luôn tạo một cái môi trường sống phù hợp để tăng trưởng đạo đức và kiến thức, đưa con vào trong môi trường như vậy. Bốn cái điều kiện ấy thì đời sống của cha mẹ sẽ nhàn tênh nuôi con và con cái của mình sẽ tự trưởng thành.

Hôm nay cái chủ đề này thì nói thật rõ không có một bậc phụ huynh cha mẹ nào nuôi con mà nhàn tênh cả, nếu không ứng dụng được bốn lời Đức Phật dạy. Mà chỉ lao đầu vào theo những phương hướng mình suy nghĩ thì nhất định những bậc làm cha mẹ sẽ điên đầu mãi mãi vì con mà thôi. Điều đó rất thực tế, bởi mỗi người chúng ta nhìn vào đời sống của mình là cha mẹ thì thấy khổ biết bao khi phải lo cho con cái. Muốn thoát khỏi điều đó, chúng ta hãy học theo lời Đức Phật dạy. Nhất là các anh chị nào còn rất trẻ, chuẩn bị lập gia đình, chuẩn bị có con, hãy tư duy suy nghĩ thật nhiều để khi có con ta nhàn tênh nuôi con, con cái của chúng ta tự trưởng thành trong đức hạnh, trong cái kiến thức, cái trí tuệ, đạo đức. Vì chính chúng ta là cha mẹ mô phạm cho con cái theo, sống biết tôn trọng và phát triển những cái tiềm năng ta có, biết thay đổi kịp thời, biết buông xả, sống biết tạo điều kiện môi trường phù hợp với kiến thức và đạo đức cho con cái của mình. Cảm ơn các bạn nghe.

Chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm

Thưa Phật, xin gia trì cho chúng con – những người làm cha mẹ tư duy cho kĩ và mang lời dạy của Ngài ứng dụng vào đời sống để có một đời sống nhàn tênh nuôi con nhưng con được trưởng thành trong đạo đức và trí tuệ.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa yêu thương.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn