Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên các kênh YouTube, Facebook và Zoom. Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Thưa Phật! Mỗi một ngày chúng con đều nghe được tin đâu đó có nhiều bạn bè bạn đồng tu, con cháu ở trong nhà bệnh hoạn, phiền não, khổ đau. Vốn vẫn biết đó là lẽ Vô Thường nhưng đời người ngắn ngủi, niềm vui chưa tới cái buồn đã chợt đến. Nay chúng con nguyện xin chư Phật từ bi thương xót ban rải năng lượng tình thương chữa lành tất cả những sự đau thương trong lòng của chúng sanh, giúp cho chúng con có định lực viên mãn để tăng trưởng Trí Tuệ qua sự tu tập sống đời Tỉnh Giác, thấy được rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cầu cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Và nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Chúng con rất thành tâm hồi hướng công đức và nguyện xin chư Phật gia trì cho một cháu nhỏ đang lâm bệnh nặng, nguyện ân phước của chư Phật, hồng ân Tam Bảo gia trì cho cháu. Nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.
Mô Phật! Mời các bạn chúng ta đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống tĩnh tọa thong dong, buông thư nhẹ nhàng trở về với hơi thở của Chánh niệm, hít vào thở ra chậm rãi, tịch tỉnh suy niệm và nhớ lời Phật dạy rằng: “Hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Quán chiếu tâm Từ Bi trong Mật Thiền Chánh pháp Phật qua mật ngôn Mu A Mu Sa, chúng ta hãy cùng nhau tiếp nhận năng lượng Từ Bi yêu thương và hồi hướng rải tới muôn người. Qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi người chúng ta sẽ được ấn chứng sự thanh tịnh để thắp sáng đuốc tuệ, ngõ hầu nhìn thấu vạn pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã để buông xả chấp mê. Và sự Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê.
Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến!
Năm Quý mão, năm mới, ngày đầu tiên của năm đã qua đi rồi. Hôm nay là tới cái mùng lớn quá, lớn hơn cái mùng nhỏ số một, mùng số mấy rồi? Không biết ai có còn nhớ? Hay bởi vì thời gian trôi quá nhanh chỉ biết còn mùng, mùng lớn! Các bạn!
Cái gì gọi là kết quả cuộc sống khi năm mới tới bạn nhìn lại năm cũ? Cái gì gọi là kết quả của cuộc sống khi tháng ngày qua bạn có chút thời gian thoáng qua nghĩ lại? Cái gì là kết quả cuộc sống của bạn? Bạn nhìn lại đi, bạn thấy kết quả có được trong những năm qua, ngày tháng qua là gì? Nếu cứ vội vàng mà nói cho to để cho hàng xóm nghe mà kết quả cuộc đời của mình thì có lẽ hình như là thói quen của mỗi người. Vì sao? Vì cái kết quả của người thường thổi phồng quá sự thật để cho muôn người thấy. Cái thấy của người về kết quả cuộc đời của ta làm ta vui. Điểm sơ qua, các bạn nhìn lại trong cuộc đời của mình kết quả cuộc đời của bạn là gì? Là gì các bạn còn nhớ không? Có thể là một ngôi nhà đơn sơ hay hoành tráng? Bạn thích nhìn vào cái kết quả của cuộc sống của cuộc đời, có thể là công ăn việc làm vững chắc tiền vào ra đủ dư, cất nhà băng. Có thể là một sức khỏe bởi siêng năng tập cái phòng Gym thể dục thể thao ăn uống điều độ. Cũng có thể là sự thành đạt của con cái lớn khôn và ngoan, học hành tấn tới. Tính và ngồi viết biết bao nhiêu kết quả rườm ra hoặc lặt vặt, nhỏ bé li ti hoặc lớn lao đều có thể viết xuống. Nhưng kết quả cuối cùng khi tính sổ của cuộc đời, trang cuối lật qua, con số của trang không còn nữa, trở về với số không, đó là miền hư vọng của một mảnh đất nhỏ vùi thân trong lỗ. Kết quả là con số không.
“Cát bụi cuộc đời” là bài hát được nghe được hát, nghe thấm thía, nhưng chỉ trong chốc lát rồi ra đi. Nào là kết quả của nhà lớn nhà to, tiền tài danh vọng, các bạn thấy đó, có nghĩa gì đâu! Bởi kết quả cuối cùng, trở về cuốn sổ cuộc đời lật ở cuối là số không. Cách nói này trong những ngày đầu năm hình như quá tiêu cực. Cuộc sống, ta không muốn nhìn sự thật, luẩn quẩn như con gà què ăn quẩn cối xay, lượm lặt những cái tư tưởng vụn vặt để mua vui, không dám trực diện với hiện thực cuộc đời. Từ đó mà tránh xa cái thật cái chân, vùi đầu vào trong cái giả cái huyễn. Thế nên, bao nhiêu năm qua, các bạn và Bảo Thành ai trong chúng ta nào có vượt qua những khổ mê trầm luân đau đớn. Nếu không một lần nhìn cho rõ, thấu lý để sống, mà cứ tự móc mắt cho mù đắm chìm trong mê muội, làm sao có thể thoát khổ? Làm sao bạn và Bảo Thành an vui và hạnh phúc được? Kết quả của cuộc đời có tiêu cực như vậy, nếu như ta thực sự nhìn thấu giây phút cuối của cuộc đời là trở về với lòng đất, là số không của bao nhiêu tháng ngày năm trời ta bào mòn sức khỏe chất xám để cưu mang cho mình thành tựu thành công cái kết quả viên mãn, hay cho những người yêu thương như chồng vợ cha mẹ, đặc biệt là đối với con cái cái đều là không. Và rồi ai ai cũng buông bỏ, chẳng nghĩ tới thì thế giới này sẽ trơ trọi bởi xác chết sẽ la liệt vì ai cũng sống uống phí một cuộc đời, không có trách nhiệm với bản thân, với xã hội cộng đồng. Và chẳng ai thấu hiểu được chân lý “thân người vi diệu”, ứng hóa thần thông để làm lợi lạc cho cuộc đời.
Chúng ta là các bạn đồng tu về Mật Thiền, chẳng phải học Phật để ảm đạm trong đầu trong cuộc sống, trong suy nghĩ, việc làm, kết của cuộc đời có nghĩa gì đâu, chỉ là con số không, lòng đất vùi sâu, xương cốt chẳng còn. Nếu ta không hiểu thì nhất định cái tư tưởng sống và suy nghĩ, ăn nói như thế sẽ làm cho các tôn giáo khác coi cuộc đời của chúng ta chỉ là phó thác vào vô minh để vùi đầu trong tro tàn. Họ thấy con đường Phật dạy qua cách sống và suy nghĩ và nói của ta là tiêu cực. Kết quả của cuộc đời là gì hả các bạn? Chắc chắn thật nhiều khổ đau phiền não, có hạnh phúc an vui nhưng sớm nở tối tàn. Để rồi ta sống phụ thuộc vào số mệnh được đặt định do ai đó nói cho ta nghe. Ta sống phụ thuộc vào sự an bài ai đó truyền daỵ cho ta. Ta sống phụ thuộc vào sự thi ân bố đức của một vị một bậc một đấng nào đó, và biến mình thành những nô lệ cho những mong cầu nhu cầu của đời sống thường. Hình như có câu hát: “sống ở trên đời này người giầu sang cũng như người nghèo khó”. Đúng, ở trên đời này, dù giầu sang hay nghèo khó, thông minh hay đần độn, dưới bất cứ một sự khác biệt nào đều như nhau. Kết quả của cuộc đời chẳng bi thảm như cách suy nghĩ đó nếu như chúng ta biết thay đổi để thành công. Sự thay đổi đúng đưa đến sự thành công về kinh tế của gia đình, của bản thân. Sự thay đổi đúng đưa đến sự thành công học thức kiến thức, sự thành công về tất cả mọi phương diện của cuộc đời như ấm no hạnh phúc bình an, vợ chồng con cái đoàn viên, hoan hỷ, cha mẹ ông bà mạnh khỏe an lạc, làng xóm yên vui, đất nước mình ở sẽ thịnh vượng, thế giới sẽ đồng chung sống, hạnh phúc lắm. Phải thay đổi!
Nhưng các bạn! Đã bao lần mỗi khi năm mới tới, chúng ta đã hứa thay đổi rất nhiều và đã thay đổi quá nhiều nhưng kết quả cuộc đời của bạn vẫn là sầu lo ai oán, vẫn là giận hờn ghen tuông, vẫn là ích kỷ tranh chấp, vùi dập, dèm pha, đâm thọc, xỉa xói, bon chen, se sua nhiều quá. Ta cứ hứa thay đổi để thành công nhưng kết quả vẫn như một cái lối mòn bạn ngựa quen đường cũ vất vả trăm điều khuân vác những ác nghiệp bất tịnh, lại tiếp tục đi như con lừa ưa nặng. Mình tu lời của Đức Phật dạy, đôi khi mình tự hỏi không biết Đức Phật dạy cho chúng ta thấu lí của cuộc đời với cái phương châm “sinh ra làm người rất khó, nhưng thân người vi diệu”, Phật có dạy ta thay đổi cách sống, thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách hành xử để đưa lại cái thành công, sống an lạc trong một kiếp người, rồi từ cái kiếp người an lạc hạnh phúc bình an kia bước lên một thềm mới của sự thay đổi, thoát ra cái gọi là “Luân hồi sinh tử” hay không? Người ta đã đào bới những cái phương châm ngôn ngữ để khích lệ, để thúc đẩy, để như một cái đòn bẩy đưa bạn vượt qua. Rồi bạn cảm thấy xót xa bởi bao nhiêu lần bạn tự bắn mình lên cao để đưa đến sự thành công một cách quá vội vàng trong tham ái, tham dục, tham vật chất để té xuống què quặt trong tâm hồn, đau đớn nơi thân xác.
Hãy nhớ Đức Phật là Thầy, Ngài dạy cho chúng ta thay đổi cuộc sống để được hạnh phúc bình an. Bởi Ngài nhìn thấy nơi ta, chúng sanh toàn là khổ đau, vùi mình trong đau khổ, phiền não, nấp mình trong hang tối của mù loà chấp trược, chẳng tìm được lối ra. Ngài giác ngộ với cái tâm nguyện là làm sao dắt dìu chúng sanh thoát khổ thoát đau, sống an vui hạnh phúc đời này, ngay bây giờ và đời sau trong tương lai. Phật thấy được cái phương pháp mà mỗi người nếu như nắm cho rõ để thay đổi thì coi như vận mạng cuộc đời thật tuyệt vời. Lời của Phật dạy tích cực và thực tế, dễ hiểu và thực hành bởi chẳng hão huyền trong ngôn ngữ của 36 cung trời, của những cõi Thần, cõi Thánh, của Niết bàn, của sự cực trọng ngôi vị là Phật là Bồ tát. Và lời của Phật rất chân thành tháo gỡ mọi rối rắm, trở ngại trong cuộc đời trong kiếp nhân sinh để ta được tự do tung bay, không phải ở trong cõi mộng mà ở trong sự thành công của cách thay đổi, sự suy nghĩ và hành xử trong cuộc sống. Chỉ một câu nói: “Nếu biết thay đổi”, hưng thịnh cả gia đình, hạnh phúc cả thôn xóm. Chỉ một suy nghĩ “Nếu biết thay đổi”, mình tháo gỡ biết bao nhiêu gai góc, dao búa đã đâm đã đập, đã ràng buộc mình để tự do bước lên thềm hoa. Một cách ứng xử mà thay đổi đúng làm cho muôn người hạnh phúc, thế giới hòa bình. Còn ngược lại, chẳng biết thay đổi cái cách suy nghĩ, chẳng biết thay đổi sự xử thế qua ngôn ngữ và hành vi thì mỗi một ngày trôi qua ta càng cột chặt cổ của ta bằng cái thòng lọng. Cái thòng lọng của sự chấp mê và cột chặt những người thân nhào sâu xuống vực thẳm để chôn vùi cả một tập thể mà ta yêu thương. Lời Phật ứng dụng vào được trong kinh tế, trong giáo dục, trong xử thế, trong cuộc sống của vợ chồng con cái, gia đình xã hội, cộng đồng nhân loại. Lời Phật ứng dụng được trong tất cả. Lời Ngài nói đơn giản nhưng rất rõ và chí lý. Ai thấu thì hạnh phúc, bởi Đức Phật là thầy luôn kèm những học trò dở như chúng ta và dẫn dắt chúng ta thay đổi để đưa đến sự thành công. Sự thành công viên mãn nhất là có thể bước ra từ ngục tù tăm tối của tam đồ khổ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, bước lên cung vương của điện Ngọc, thành tựu được hạnh phúc nơi tâm hồn, thong dong và tự tại để thoát khổ.
Bạn hỏi: thế Đức Phật dạy thay đổi cái gì và thay đổi như thế nào? Dù bạn có là thợ điêu khắc ngôn ngữ tìm đủ mọi cái thể loại ngôn ngữ đa chiều, mường tượng, áp chế đặt ra để tô điểm đi nữa, đó là cách nói của những nhà văn, cách nói của những nhà thơ, cách nói của những nhà sử dụng ngôn ngữ thiện xảo để thúc đẩy. Điều đó cũng được lắm, tốt lắm, bởi cuộc đời cần ngôn ngữ đẹp mà, ngôn ngữ điêu luyện mà. Nhưng nếu ngôn ngữ đẹp và ngôn ngữ điêu luyện thiếu đi cái ngôn ngữ của chân lý hiện thực thì cuộc đời này ta đang sống ảo rồi. Ngôn ngữ chân lý tới từ Phật. Thay đổi cái gì các bạn để thành công? Qua cái nhìn thấu lại kết quả cuộc đời bạn toàn là đau khổ, toàn là phiền não, và trang cuối cuộc đời là hố sâu chôn vùi thân xác, và nếu như có tìm trở lại xương cốt cũng chẳng còn. Vậy thì bao nhiêu năm trời sống trên đời bạn cố gắng vơ vét những điều bạn mong muốn rồi có gì để mang theo khi ngày cuối tới? Cách nói này rất tích cực chứ không phải tiêu cực. Tích cực ở chỗ là ta nhận định được cuộc sống một cách rõ ràng để trở lại sống bình an, thay đổi để thành công. Đó là lời tha thiết của Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni trong bài pháp đầu tiên, trong bài dạy đầu tiên tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như về tám sự thay đổi cần có nơi mỗi một con người. Để chẳng còn phải khổ, phải đau, phải phiền não, phải đọa đầy trong tăm tối, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà bước lên cái cung vương của sự giải thoát, sống hạnh phúc. Tám sự thay đổi đó rất đơn giản theo ngôn ngữ bình thường thôi các bạn. Đừng bám víu vào Phật ngữ cao siêu, ảo diệu để rồi ta không bao giờ suy nghĩ có thể ứng dụng vào đời thường nơi mỗi người chúng ta. Phật trong bài pháp, trong bài dạy nhắc nhở cho chúng ta tám sự thay đổi đó là:
– Thay đổi cách suy nghĩ của mình cho đúng, cho tích cực.
– Cách nhìn của mình theo chiều hướng tích cực
– Cách suy nghĩ tích cực.
– Cách ăn nói tích cực và
– Nỗ lực một cách tích cực.
– Sống tích cực và
– Làm việc tích cực.
– Lập trường phải tích cực để tận hưởng niềm vui một cách tích cực không phải tiêu cực nha các bạn.
Các bạn có nghe về điều đó chưa? Đó là tám con đường Bát Chánh Đạo, tám con đường Thánh ta cứ gọi là “Chánh”: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, rồi một hồi không ứng dụng được. Đối với Bảo Thành sự Chánh Kiến tức là một cái nhìn tích cực trong cuộc sống. Cái nhìn tích cực này cần phải có. Bạn có thấy bạn và Bảo Thành tự cột mình vào cái nhìn tiêu cực không? Có đó! Khi một ai đó làm một điều gì, ta nhìn thấy họ là ta suy nghĩ một cách tiêu cực liền, lẩm bẩm như một bà phù thủy, như một ông phù thủy vậy đó: Ôi! Cái thứ đó mà làm cái gì? Bày đặt đến chùa, bày đặt làm việc thiện. Ôi! Cái thứ đó ta không nói toang ra cho mọi người hàng xóm nghe nhưng ta lẩm bẩm như đọc câu thần chú ma mị của phù thủy. Để cuối cùng là ta làm lụy phiền tràn đầy trong tâm. Ta không có một cái nhìn tích cực. Ta luôn có cái nhìn tiêu cực về mọi người. Ngược lại, ta cũng dồn nén sự tiêu cực đó vào trong lòng của ta nữa để ta có một cái nhìn thật tiêu cực về chính ta. Để rồi cứ lận đận như con lật đật suy nghĩ hoài, không dám đứng dậy dõng mãnh một cách tích cực, hành xử cho đúng, làm việc cho đúng, suy nghĩ cho đúng, tư duy cho đúng, nỗ lực cho đúng, sống đúng, làm việc đúng, lập trường đúng và tận hưởng đúng.
Các bạn! Phật dạy dễ lắm đó là “Bát Chánh Đạo” tám cách thay đổi. Thay đổi cách nhìn về mọi người cho tích cực. Thay đổi cách nhìn về cuộc đời của ta cho tích cực. Thay đổi cách nhìn trong công việc, khi bí lối cùng đường nhìn cho tích cực sẽ thấy được thông lộ thoát thân đưa đến sự thành công. Bạn suy nghĩ đi, nếu bạn có một cái nhìn thật thoáng, thật tích cực, không có tiêu cực, bạn biết thay đổi kịp thời cách suy nghĩ đó, cách nhìn đó, bạn sẽ thành công. Bạn có thấy rằng bạn luôn suy nghĩ một cách tiêu cực đối với người và đối với bạn không? Bạn có thấy bạn ù lỳ không có nỗ lực tích cực nhưng nỗ được tiêu cực không? Có đó! Nghĩa là có những cái điều sai, điều mà nó quá cũ rồi, nó xưa lắm rồi, không phù hợp, không đưa đến sự thành công, nhưng ta cứ lặp đi lặp lại làm hoài, gọi là nỗ lực một cách tiêu cực. Ai đụng tới là: “Thôi kệ tôi đi, tôi muốn làm gì thì làm, các người đừng có nói tới”. Và cứ như thế thôi, chẳng bao giờ nỗ lực một cách tích cực. Nhìn tiêu cực, suy nghĩ tư duy tiêu cực, ăn nói tiêu cực. Nói ra toàn những lời miệt thị gièm pha, đâm thọc, dìm hàng, dìm người, dìm mình không à, không bao giờ có một cái ngôn ngữ tích cực. Ta không biết xin lỗi người và xin lỗi bản thân. Ta không biết ứng dụng những ngôn ngữ tích cực dù là con Phật, là Phật tử. Biết bao nhiêu những cái đoạn video trên YouTube ở ngoài đường khi va chạm sấn tới, xổ tới là chửi cha chửi mẹ, đánh đập, đánh nhau trước tính sau. Ngôn ngữ thì quá là tiêu cực. Chẳng biết một lần xin lỗi, đúng sai không quan trọng. Biết xin lỗi để dằn cái lòng đừng sân và hận, đưa đến sự ẩu đả. Đây là một cách nói năng tích cực đó các bạn. Ở nơi Bảo Thành, ở nước Mỹ này, chẳng cần biết ai đúng, sai lỡ đụng nhau người ta quay lại đầu nhìn lại: “Tôi xin lỗi anh!”. Sau cái xin lỗi là sự mỉm cười chung dung hiền hậu. Họ muốn đi lên phía trước bị kẹt một cái điều gì đó họ cũng xin lỗi. Xin lỗi cho tôi nhường bước các bạn nhé, cho tôi lên phía trước. Họ luôn luôn xin lỗi trước, mọi hành động, mọi hành vi, mọi cách xử trí. Họ đâu phải người Phật tử đâu? Nhưng các bạn biết không, họ nói năng một cách tích cực như thế trong cái mối tương tác hằng ngày, cái ngôn ngữ tích cực bằng lời xin lỗi để tiến lên, xin lỗi để hoà giải, xin lỗi để định tỉnh, xin lỗi để không sân hận. Xin lỗi chẳng phải ta có lỗi mà là sự dung nhiếp được mọi hiện tượng khác biệt đang xảy ra. Rất hay! Đó là cách nói năng một cách tích cực đó các bạn. Chánh Ngữ đó.
Nhìn lại đi xứ Phật giáo của chúng ta đọc làu làu Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ…. mà ba cái đó toàn tà không à. Suy nghĩ một cách tiêu cực, nhìn một cách tiêu cực, nói năng tiêu cực. Rồi những cái chuyện rất tiêu cực đó chẳng bao giờ dừng được, cứ sấn sấn tới hoài. Cách sống cũng không có cái gì gọi là tích cực hết, chẳng thay đổi được. Tám lời của Đức Phật dạy trong Bát Chánh Đạo là tám cách thay đổi để đưa đến sự thành công viên mãn, thoát khổ. Thành công về kinh tế, tình cảm, thành công về cuộc sống hạnh phúc nơi gia đình, thành công để có sức khỏe tinh thần trong sáng, thành công để có đời sống tâm linh thành tựu được phước báu và công đức. Rất rõ! Chẳng cần phải đi đâu xa, chẳng cần nói thao thao bất tuyệt như những nhà triết học, thông thái học. Ôi! Những cái điều đó chẳng qua lượm lặt những ý tưởng của Phật thôi, để trau chuốt trong những ngôn ngữ hiện thời phù hợp mà giới trẻ hoặc ta nghe thấy thích thú. Nhưng không nằm ngoài tám cái cách thay đổi của Bát Chánh Đạo mà Đức Phật dạy. Nếu bạn suy nghĩ đọc lại, nhẩm đi nhẩm lại suy nghĩ cho kỹ tám sự thay đổi trong Bát Chánh Đạo, ứng dụng, áp dụng vào cuộc sống của bạn thì nhất định bạn sẽ tươi vui như mùa xuân không bao giờ tàn. Và cái kết quả của cuộc đời bạn là thoát được khổ đau và phiền não, thành tựu được sự an lạc hạnh phúc, phước báu công đức cho mình, cho người, cho con cháu, cho gia đình, cho dòng dõi tông môn của nhà mình.
- Nhìn cho tích cực, đó là Chánh Kiến
- Suy nghĩ cho tích cực, đó là Chánh Tư Duy
- Ăn nói cho tích cực, đó là Chánh Ngữ
- Nỗ lực một cách tích cực, đó là Chánh Tinh Tấn
- Sống cho tích cực là Chánh Mạng
- Làm việc cho tích cực là Chánh Nghiệp
- Cái lập trường phải tích cực, đó là Chánh Định
- Hưởng cuộc sống một cách tích cực trong hiện tại đó gọi là Chánh Niệm.
Quá đơn giản màu mè chi, phân tích chi? Nào là Hán, nào là Nho, nào là Việt. Nhào đầu vô rồi làm gì? Bới móc mổ xẻ, văn chương cho đầy mình. Lời Phật ứng dụng ai cũng có thể hiểu và ứng được trong cuộc đời để có một cái kết quả cuộc đời viên mãn, để thay đổi đưa đến sự thành công thực rõ ràng. Nếu kinh tế của bạn khó khăn, nếu tình cảm của bạn đang khó, nếu cuộc sống của bạn đang khó, nếu cái mối tương tác của bạn đang khó, nếu tất cả sự khó trong cuộc đời dồn dập tới, bạn cần phải thay đổi theo Bát Chánh Đạo. Tám con đường Thánh hoặc tám cách cần phải thay đổi từ cái nhìn, cái suy nghĩ, cái sự nỗ lực, cách sống, cách làm việc, lập trường và hưởng thụ một cách tích cực, hướng thiện thì nhất định muôn sự ở đời như đã được lập trình bởi phước báu và công đức, bạn sẽ thành công. Và kết quả của cuộc đời bạn dù nằm dưới hố sâu thì thần thức của bạn cũng bay bổng nhẹ nhàng lên cõi trời tái sinh vào cảnh lành. Và ở trần gian này, hậu duệ của bạn, con cái của bạn, người thân của bạn, thôn xóm của bạn, mọi chúng sanh của bạn có nhân duyên liên đới sẽ hưởng được sự hồi hướng qua công hạnh của bạn đã sống của kiếp người này.
Các bạn ơi! Hãy trở về hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Chúng con cứ đắm chìm trong những ngôn ngữ ảo diệu mà quên đi lời dạy của Phật: “Cần phải thay đổi cuộc sống để thành công” nơi Bát Chánh Đạo. Nay thấu hiểu rằng lời Phật dạy ở vườn Nai xưa cho năm anh em Kiều Trần Như và họ đã thay đổi để chứng đắc A-La-Hán thì nhất định chúng con nếu biết thay đổi theo lời Phật dạy. Thay đổi cái gì? Thay đổi cái nhìn, sự tích cực, cái suy nghĩ cho tích cực, cái sự nỗ lực cho tích cực, cái ngôn ngữ tích cực, sống tích cực, và làm việc một cách tích cực, để có lập trường vững chãi tích cực mà tận hưởng những điều tích cực thiện lành, thì nhất định chúng con sẽ có một kết quả viên mãn trong cuộc đời này. Xin Phật gia trì để chúng con hiểu thấu và hành.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)