Search

3191. Tại sao phải yêu thương người mình không thích, người khiến ta tổn thương đau khổ?

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên các kênh YouTube, Facebook và phòng Zoom. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thưa Phật! Hôm nay ngày 29 tết năm 2022, chúng con nguyện xin Chư Phật, chư Bồ Tát mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho mỗi  người chúng con dõng mãnh tinh tấn trên con đường tu học, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào sự tỉnh thức quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Ngày 29 tháng chạp này, Chúng con cũng nguyện xin chư Phật tiếp dẫn chư vị hương linh của Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh miền cực lạc. Nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Chúng con cũng đồng nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn an toạ, ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể, buông thư, thong dong tự tại, buông lỏng, giữ lưng, cổ, đầu cho ngay thẳng. Hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm, hít vào bằng mũi phình bụng và thở ra hóp bụng lại, chúng ta cùng tổng trì và quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán – pháp môn phương tiện vi diệu của mẹ hiền Thiên Thủ Thiên Nhãn. Trong Chánh niệm hơi thở, tổng trì các mật ngôn và quán chiếu như trên, mỗi người trong chúng ta sẽ tiếp nhận được tràn đầy năng lượng thanh tịnh để nuôi dưỡng tinh thần, tâm hồn của chúng ta.

Hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi phình bụng thở từ từ hóp bụng, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng và lan tỏa tới muôn người:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Các bạn thân mến! Chúng ta đồng tu trong cái sứ mệnh tự giác. Mỗi một người tự giác kết hợp với những người đồng tự giác để có một nhóm bạn đồng tu mỗi một ngày miên mật, liên tục, không ngừng nghỉ, đó là đại phước báu trong đời của mình. Thông thường con đường tu chỉ ưu tiên cho những bậc xuất gia. Phật tử tại gia chúng ta tới chùa vào những dịp lễ lớn như giao thừa, mùng một Tết, ngày rằm, rằm lớn, còn hầu hết sự tu là của mấy Sư Cô, của mấy Thầy, Phật tử chỉ tới cúng kiếng, lễ lạy. Nhưng đó là ý niệm của người xưa xa lắm rồi trong những hoàn cảnh không thuận lợi. Ngày nay sự ý thức cao về đời sống tâm linh, không hẳn chỉ có Phật tử, mà tất cả những ai muốn giữ được trạng thái thăng bằng để an lạc hạnh phúc trong cuộc đời Vô Thường mong manh, chông chênh, biết bao nhiêu thử thách, nghịch cảnh luôn dồn dập kéo tới, đều đã bắt đầu đầu tư vào sự tu tập.

Và trong phòng tu tập, đồng tu của chúng ta, nhiều bạn chẳng phải là Phật giáo. Chúng ta tới với nhau đồng tu để tìm hiểu bản thân, nương vào một phương pháp gọi là tuyệt kỹ vô song của Đức Phật tìm ra để mỗi người trong chúng ta từ trong bùn lầy có thể nở hoa, và nơi cuộc đời chất chồng những trái ngang vẫn an nhiên tự tại và vui cười. Ta đến với nhau như vậy, đồng tu Mật Thiền Chánh niệm Chánh pháp Phật quán chiếu tình thương, suy niệm về tình yêu thương lớn lao. Và qua cái nhìn sự suy nghĩ sáng suốt trong tịch tỉnh để giữ mình trong trạng thái tỉnh thức mà nhìn xuyên suốt mọi hiện tượng xảy ra trong đời để yêu thương, để đùm bọc, để che chở, để san sẻ và đặc biệt là để nuôi dưỡng cuộc sống an vui, hạnh phúc của mỗi người. Chẳng thể tìm được sự an lạc hạnh phúc ở trên trời, dù bạn cả đời ngửa mặt lên trên trời chờ một chút giọt hạnh phúc nào đó rơi xuống từ cõi Phật và Bồ tát hay cõi trời cao thì có lẽ bạn đang sống trong ảo tưởng của sức mạnh. Bạn thật là điên rồ! Nếu bạn chạy ngược chạy xuôi tìm ở đông, tây, nam, bắc, tìm ở trong nhà thờ, nhà chùa, đình, miếu, tìm ở trong những nơi thờ tự, nơi tôn giáo, tìm ở nơi tượng, nơi ảnh, tìm ở những nơi người siêu nhân, thần thông, những bậc đức cao, những bậc tu đạo, những bậc gọi là cái thế xuất thần ở trong cuộc trần. Các bạn và Bảo Thành nếu như vậy thì cũng chỉ là điên rồ, ảo tưởng, bởi hạnh phúc không ở trên trời, chẳng ở dưới đất, chẳng ở ai ban, chẳng ai tặng, chẳng ai cho. Bình an và hạnh phúc ở nơi chính trong trái tim, trong tâm của mỗi người biết suy niệm, biết quán chiếu trong sự tịch tỉnh trong sáng của các pháp thiện lành và trong sự tỉnh thức để khơi dậy, kích hoạt cái năng lượng yêu thương vốn có, làm cái chất liệu nuôi dưỡng ánh sáng của Trí Tuệ, và giữ cho mình vững chãi nhìn rõ, thấu mọi cảnh của cuộc đời.

Đồng tu trong Mật Thiền là tìm lại chính mình để sống vui, sống hạnh phúc, sống an lạc, sống dõng mãnh, sống vững chãi nhưng thong dong như mây trời, tự tại. Đây không phải là điều Bảo Thành nói với các bạn, dạy cho chúng ta. Con đường của Đức Phật dạy chẳng phải là lý thuyết cao vời, được sáng tác của một bậc hiền triết, minh triết tìm ra để rồi bắt buộc chúng ta phải tin và theo các bậc ấy để được hưởng, được ban bố. Nhưng con đường của Đức Phật tìm ra là con đường chân lý của tất cả mọi loài không riêng gì chỉ có loài người. Ngay cả súc sanh và các loài chúng sinh khác đều có thể theo chân lý ấy, nương vào con đường đó thành tựu được sự an lạc, hạnh phúc chuyển mình vươn dậy những đổ ngã, vấp té, những sai lầm, để nở hoa giữa đời như sen vươn lên khỏi sình lầy, nở hoa thơm ngát dâng đời. Các bạn! Nhìn thấy được điều ấy, chúng ta chẳng còn sự chấp trược giữa tông môn, giữa tôn giáo, giữa dân tộc, giữa con người của sự vùng miền, thành phố, thôn quê, khác biệt truyền thống văn hóa ngôn ngữ nữa. Con đường của Đức Phật chỉ dạy là con đường chung cho tất cả. Ai, nếu yêu thương bản thân, nếu muốn có hạnh phúc và bình an thì cần phải nuôi dưỡng thực hành theo phương pháp của Phật dạy. Phật không dạy cho chúng ta phải tin vào Ngài như một vị thần thánh, một vị trời ban phước. Nhưng Phật dạy cho chúng ta nhận rõ được chân lý chung để mà sống trong sự thực hành để trưởng dưỡng, để nuôi dưỡng. Để ai? Để ta được hạnh phúc an vui. Để ai? Để tất cả những người gọi là ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, vợ chồng con cái, thôn làng xóm ngõ, thành phố, quê hương, quốc độ ta đang sống đều được lan tỏa cái chất rất vi diệu của Tình Thương, cái chất rất sáng của Trí Tuệ, cái chất của sự Tỉnh Thức để nhìn thấu. Các bạn tới với sự đồng tu chung của chúng ta, không phải là tới với một tôn giáo, dù Bảo Thành là một người xuất gia trong Phật giáo. Nhưng con đường tu này không phải là con đường chỉ về Phật giáo mà là con đường chỉ cho mọi người chúng ta vượt qua màn đêm tăm tối, vượt qua những vấp ngã chướng ngại, vượt qua những phiền não, khổ đau. Và vươn lên những cái chồng chất của chính mình vùi dập bản thân để một lần nữa tái sanh trong pháp vị an lạc và hạnh phúc, một lần nữa lại tưới tẩm yêu thương, thắp sáng cái nhìn và giữ mình trong trạng thái vững chãi cân bằng để tiếp tục bước đi vươn lên.

Các bạn yêu mến! Trên đời này cứ thử hỏi nếu tình thương mà thiếu thì nhất định Trái Đất này cũng phải teo nhỏ lại và héo rụng chẳng còn chỗ cho nhân loại và chúng sanh tồn tại đâu. Thiếu tình thương, cỏ cây còn héo, đất còn khô, không khí còn đọng lại, cứng, chẳng còn để thở được nữa. Tình thương chính là nhiên liệu vi diệu cho muôn sự sống. Các bạn cứ nghĩ nếu thiếu tình thương thì con người tàn phá cái hành tinh xanh này như thế nào? Hồi xửa hồi xưa mà Bảo Thành còn nhỏ, có những quả núi còn to sừng sững giữa thiên nhiên đẹp lắm nơi mình ở. Nhưng bởi thiếu tình thương với thiên nhiên, chỉ thương cái túi tiền mà người ta đã phá núi phá rừng, để cảnh quan của thiên nhiên ưu đãi cho từng vùng miền đó rất đẹp, rất hồn nhiên, rất dõng mãnh, có cái lực để nương vào mà sống, nay đã tàn lụi. Để rồi sao? Ô nhiễm không khí. Để rồi sao? Lũ lụt tràn về. Để rồi sao? Biết bao nhiêu bà con, biết bao nhiêu con người bị ngập trong lũ và sống trong những miền không khí ô nhiễm bệnh hoạn. Đó là thương cái túi tiền nhưng thiếu tình thương với cảnh vật trời đất và thiếu tình thương với chính mình và con cháu mai sau. Tình thương không phải chỉ có con người đối với con người, mà tình thương cần phải lan rộng đối với trời đất thiên nhiên, cảnh quan, đất đai, cây cối, môi trường sống. Thiếu tình thương rất nguy hiểm! Và nếu như tình thương không được khơi dậy để nuôi dưỡng thì sự hận thù căm phẫn, sự ghen ghét tranh đua, sự đố kỵ ghen tị sẽ bao trùm đời sống của con người. Và các bạn thử nghĩ thế giới như vậy, ta làm sao sống đây?

Tình thương rất quan trọng mà người theo Phật thường được gom lại trong hai chữ mà hầu hết ai cũng chỉ dính trong hai chữ không thấu rộng được nữa đó là “Từ Bi”. Các bạn! “Từ Bi” chính là tình thương mênh mông như biển trời tận hư không biến pháp giới bao trùm sum la vạn tượng, chỗ nào cũng có. Cái gì còn tồn tại được, còn luân chuyển, biến hình từ dạng này qua dạng kia đều cần có tình thương lớn bao dung che chở và nuôi dưỡng. Mật Thiền quán chiếu tâm Từ Bi Mu A Mu Sa, quán chiếu tình thương để lấy cái gốc đó nương vào để sống, để lan tỏa, để nuôi dưỡng. Rất quan trọng! Tình thương là gốc để nuôi dưỡng hạnh phúc và an lạc.

Trí Tuệ là ánh sáng để thấu thẩm sự sống mà đứng vững giữa đời. Tỉnh Giác là sự vững chãi, không sợ hãi bởi nhìn thấu, bởi hiểu thông, bởi luôn luôn có tình thương trong cõi lòng rộng lớn bao dung và tha thứ, quan tâm đến mình, quan tâm đến muôn người, biết chăm sóc niềm vui hạnh phúc cho ta và lan tỏa niềm vui hạnh phúc đó tới cho mọi người.

Các bạn! 29 tháng chạp nhất định nhiều bạn đã trở về quê nhà của mình. Còn một số bạn chắc có lẽ đang dọn dẹp thu gọn để đi vào cuộc hành trình về quê. Nơi quê hương ấy, nơi ông bà, cha mẹ ta đã sống và sinh ra. Cũng có thể nơi quê hương ấy là cha mẹ ông bà đang sinh sống. Không hẳn chỉ có người Việt, mà đã là con người thì gia đình là gốc, là cội nguồn, là sự sống, là con đường dẫn đưa ta đến hạnh phúc mãi mãi. Cây không có gốc cây sẽ chết, người không có gia đình là người chẳng thể tồn sinh được. Mà người quên ông bà cha mẹ, quên Cửu Huyền Thất Tổ, quên ân đức của các vị thầy, quên nghĩa, quên tình là người mất gốc. Người đó nhất định sẽ héo úa, sẽ tàn lụi và sẽ chết. Điều này đúng! Các bạn cứ từ từ suy ngẫm sẽ nhận ra chân lý này là đúng, không bao giờ sai. “Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông”, chúng ta ngày Tết trở về với tổ tông ông bà, thắp một nén hương ngưỡng cầu lên Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã mất, nhớ đến các bậc thầy đã nuôi dưỡng dạy dỗ chúng ta, nhớ đến tất cả và tri ân tất cả, năng lượng đó sẽ nuôi dưỡng ta.

Các bạn! Rất cần! Chúng ta đồng tu là trở về, trở về cái gốc bản nguyên của mỗi một con người tự tánh Phật vốn có nơi ta, để rửa sạch những bụi bặm trần ai, những bụi bặm của ác nghiệp sai trái, những lầm lỗi, những tham, sân, si, những giận hờn ghen tuông, những tủi nhục, phiền não, đau khổ, để mặc vào hương xuân của Từ Bi, của Trí Tuệ, của sự Tỉnh Giác. Để chẳng phải hoa đào, hoa mai, hoa cúc, mà để hoa sen trong tâm được nở. Nơi tòa sen ấy nhất định Phật tánh sẽ được ngự ở trên và an lạc hạnh phúc. Các bạn phải nhớ rõ! Chúng ta sắp sửa hết năm thứ ba đồng tu rồi. Sang năm tới là bắt đầu bước vào đầu năm thứ tư. Chúng ta bắt đầu từ năm 2019 đến nay, đồng tu miên mật mỗi một ngày chẳng bỏ, đã tạo cho chúng ta một môi trường quen thuộc để đẩy xa những cái tập khí thói quen xấu, mà tập cho mình một sự hành trì miên mật, nương và mười phương Chư Phật chư Bồ tát, cùng với quý thầy quý sư cô và bạn đồng tu sách tấn, tinh tấn vượt qua những chướng ngại của cuộc đời để ngồi xuống buông thư, xả bỏ tất cả sự lo lắng mà tiếp cận với cội nguồn của tình thương, để Trí Tuệ luôn nhìn thấu trong sự Tỉnh Thức.

Các bạn! Điều này rất cao quý. Đời sống của con người rất cần sự chăm sóc và quan tâm. Quan tâm đến sức khỏe, đời sống của sức khỏe, đời sống của tinh thần, đời sống của tâm linh. Trong cuộc sống này vẫn có đời sống thuộc về tình cảm, phải biết chăm sóc. Sức khỏe, tinh thần, tình cảm, tâm linh là sự nuôi dưỡng cần phải được chú ý, và cuộc đời nếu thiếu đi thì nhất định chẳng thể sống. Do vậy mà một bạn đồng tu mới hỏi: “Tại sao phải yêu thương người mình không thích? Gây ra đau khổ, phiền lụy, tại sao phải yêu? Làm thế nào đây? Câu hỏi này nó nghịch lí quá trời. Không phải chỉ có tình yêu tình cảm, mà ở trên đời này những điều ta không thích ta không bao giờ ta ôm vào. Những ngày tết này đây bạn đi sắm đồ một cái bông hoa, một chậu kiểng, bánh chưng bánh tét, mứt … các thứ, nếu bạn không thích thì nhất định bạn rờ vào. Nếu bạn không thích, không ưa nhất định bạn sẽ không mua để mang về. Đây là hợp lý mà, có chi đâu mà phải suy nghĩ cho thấu lý thấu tình? Đã không thích thì chẳng mua, đã không thích thì chẳng chạm vào, đã không thích thì chẳng tiếp cận, đã không thích thì tại sao phải yêu? Chắc có lẽ bạn đang lỉnh kỉnh bởi có thích đó mới có yêu! Nhưng rồi cái thích, cái yêu thuở xưa bị bào mòn theo năm tháng, nay chỉ còn sự miễn cưỡng sống đó nên chẳng còn thích nữa, nhưng vẫn phải giữ cái khuôn mẫu. Chúng ta trong cuộc đời này có những mối quan hệ về tình yêu vì sợ cô đơn, vì sợ người ta chê bai gièm pha, mà vội vội vàng vàng cặp đôi với ai đó trong một sự miễn cưỡng một chiều, chưa tìm hiểu để thấy được hai người đều thích. Rồi nuôi dưỡng cái thích nhau ấy tăng trưởng thành tình yêu hứa hẹn để sửa những lầm lỗi tiếp bước cho nhau đi vào cuộc đời, dù gian truân, gian nan khổ cực, thành công hay thất bại, đau khổ phiền não, hay hạnh phúc an lạc đều luôn luôn có nhau. Mà chỉ là sự vội vội vàng vàng chạy tới vì sợ trống vắng cô đơn. Những thứ tình yêu và mối tình yêu như vậy thì là tình yêu thực sự chưa nhìn rõ mình có thích hay không, mà chỉ là vì thói đời mà thôi. Còn nếu như thực sự đã yêu thì phải thích.

Còn câu hỏi nói: “Tại sao phải yêu người mình không thích? Suy nghĩ hoài suốt nãy giờ mà không ra. Không biết rằng trong chúng ta có ai yêu ai đó mà không thích hay không? Nhưng có những cái mối khủng hoảng trong cuộc đời giữa đôi lứa tình nghĩa vợ chồng hoặc người yêu với nhau. Ta khủng hoảng vì một ai đó chẳng trân quý tình yêu của nhau, hiến dâng hạnh phúc, tháo gỡ phiền lụy, rồi cuối cùng mặc kệ, miễn cưỡng, song hành mà ý mà tư tưởng mà đời sống đối nghịch toàn diện. Để rồi người này người kia chẳng còn một chút gì gắn bó trong tình thương. Từ cái thích nhau yêu nhau ấy nay hình như là tình yêu của bổn phận, chẳng còn thích nữa. Đừng nói con người phàm phu, tình cảm và ái dục là điều xấu. Nhưng hãy nhớ, nếu yêu thương đúng mức trong sự trân quý, tôn trọng mà mỗi người biết phấn đấu, biết sửa sai để dấn thân làm mới cuộc sống, nuôi dưỡng sự an vui, an lạc, hạnh phúc cho nhau thì tình yêu đó dù có gian khổ cỡ nào cũng có thể vượt qua. Những cái tình yêu đã qua, chẳng còn thực sự là yêu nữa thì sống bên nhau không khác gì ngục tù. Lửa của sự sân hận sẽ thiêu đốt lẫn nhau. Nếu nói tại sao phải yêu người không thích thì cách nói đó hoàn toàn sai, mà phải nói rằng: “Đã hết thích rồi” nên tình yêu chẳng còn sao phải sống chung với nhau?

Các bạn! Ngày cuối năm biết bao nhiêu thứ mà mỗi người chúng ta cần phải nhìn lại để thấy được cái đúng cái sai, thấy được cái xấu cái tốt, để rồi sửa. Tu là sửa. Nếu có thể sửa được thì hãy sửa ngay từ bản thân. Nếu có thể sửa thì sửa ngay cuộc đời của mình. Nếu sửa thì phải sửa ngay suy nghĩ. Và cần phải biết nuôi dưỡng niềm vui cho chính ta, cần phải biết nuôi dưỡng hạnh phúc an lạc nơi chính ta. Nếu mình thiếu sự quan tâm và nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc an lạc cho chính mình thì nhất định những người sống với chúng ta dưới tất cả các mối quan hệ tình cảm đều sẽ chẳng bao giờ vui. Mà khi tình cảm của con người sống mà mỗi người không biết trân quý nuôi dưỡng tình cảm hạnh phúc an vui của mình thì người sống bên cạnh sẽ đau khổ và rồi nhất định họ cũng sẽ thốt ra: “Tại sao phải sống chung với người chẳng còn yêu, chẳng còn thích nữa?”. Hết yêu thì hết thích, không thích là chẳng còn yêu, chẳng ai không thích mà yêu cả. Suy nghĩ thử coi: Có ai yêu mà không thích không? Không có! Chỉ hết yêu nên chẳng còn thích, và không còn thích chẳng còn yêu nhưng vẫn phải giữ trọn vẹn cái phận vợ làm chồng thì có. Hoặc hết yêu hết thích nhưng vẫn phải giữ vì tình nghĩa, hay vì cái nghiệp duyên sinh ra làm cha làm mẹ, làm con cái, làm anh chị em, làm cô bác bà con. Có! Trong tình cảm đúng vậy, khi hết yêu hết thích nhưng vì có cái mối liên quan với nhau nên vẫn phải sống chung hoặc vẫn phải gặp gỡ nhau. Ta không đào bới sâu vào những tình cảm của đôi lứa hết yêu, hết thích mà vì trách nhiệm để mà sống chung. Mà ta nói chung đến cái tình thương lớn mà Đức Phật dạy cho mỗi một con người là: Chúng ta cần phải nuôi dưỡng tình thương bằng một sự suy nghĩ trong tỉnh giác thật sáng suốt để nhìn thấu, luôn luôn biết chăm sóc niềm vui cho chính mình, sự an lạc và hạnh phúc cho chính mình để lan tỏa. Nếu bạn có được sự chăm sóc tuyệt vời đó bạn vui, bạn hạnh phúc, bạn an lạc thì tất cả những người sống chung với bạn bạn sẽ biết đối xử do cái sự gắn kết nơi cái vốn liếng giầu có của bạn đó, để lan tỏa đến họ tình thương sự nhìn thấu thông cảm và tri ân.

Các bạn! Làm sao đây? Đức Phật dạy: Hãy quay trở về nơi chính mình, nương vào cái Trí Tuệ như ốc đảo riêng để thắp sáng tình thương. Chánh niệm hơi thở là một phương pháp tuyệt vời để trở về nương vào đó kích hoạt tình thương để nhìn thấu, nhìn rõ, nhìn một cách sáng suốt. Kích hoạt tình thương để tỉnh thức không u mê, không lơ ngơ mù mờ, để tự nuôi dưỡng mình vững chãi thong dong và tự tại, lan tỏa, san sẻ, gắn kết với muôn người. Chẳng cần biết người ấy là ai, cha mẹ, ông bà, chồng vợ, con cái hay là người yêu, chỉ cần là chúng sanh, là con người, chỉ cần có nhân duyên gần gũi tiếp cận thì tình thương của người con Phật qua sự tu luyện và cái tâm được huân tu nhất định sẽ luôn luôn tỏa sáng cho mình và tỏa sáng cho người.

Làm sao? Hãy trở về đi nuôi dưỡng niềm vui, hạnh phúc, an lạc qua sự miên mật tu tập để khám phá cái kho tàng vĩ đại vốn có ở trong ta. Đó là kho tàng của tình thương lớn, đó là kho tàng của sự sáng suốt, đó là kho tàng của sự tỉnh thức, để không còn giận hờn, để không còn dính và mắc kẹp vào giữa hai cái bờ thích hoặc không yêu, giận, ghét. Mà thong dong tự tại trên con đường tu đạo đi vào giữa con đường của nhân duyên nơi kiếp người này sống một cách tự tại, thong dong, an vui và hạnh phúc.

Các bạn! Ngày 29 tết, nguyện chúc cho tất cả mọi người đều nhận thấy và hãy trở về ốc đảo của tự thân, nương vào Chánh niệm hơi thở để thắp sáng ngọn hải đăng của Trí Tuệ mà tự tại hưởng sự an lạc nơi mình. Mang cái sự tha thứ bao dung để san sẻ ôm ấp, để gắn kết, để lót đường cho ta và người cùng đồng hành trong cuộc trần nhiều những thử thách éo le đau khổ và phiền não.

Các bạn ơi! Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Ngày 29 Tết năm 2022, chúng con nguyện xin chư Phật, chư Bồ tát gia trì cho mỗi người chúng con trên con đường trở về với quê hương, với cội nguồn của tâm thức, với ông bà và cha mẹ, với anh chị em, với thân bằng quyến thuộc luôn luôn mang theo nguồn tư lương của tình thương, sự tỉnh giác và sáng suốt, để dù bất cứ nơi nào chúng con tới nơi ấy sẽ tràn ngập tiếng cười của yêu thương và hạnh phúc, chẳng còn hận thù ghen ghét, chẳng còn miễn cưỡng ép buộc, mà là một sự dấn thân thực sự để trao đi và hiến dâng.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa và hiến dâng hạnh phúc bình an, an lạc cho nhau:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn