Bảo Chân đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Thầy Bảo Thành:
– Dạ xin chào chị MC. Dạ. Còn năm ngày nữa là tới ngày mùng một Tết quý Mão của Việt Nam rồi, Bảo Thành rất hạnh phúc trong ngày cuối năm gặp gỡ tất cả các bạn. Xin được tri ân sự sáng tạo đặc biệt của nhóm Phạm Gia Nutrition. Cám ơn tất cả các cô MC khả ái và các bạn trên con đường đồng hành, tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển bản thân. Các bạn ơi! Bốn ngày nữa tới ngày Tết rồi, trước khi chia sẻ với nhau, Bảo Thành mời gọi tất cả mọi người đang ngồi đang đứng hoặc đang ở bất cứ tư thế nào trong phòng Zoom này lắng đọng tâm hồn, trở về sự tĩnh lặng trong ba mươi giây thôi. Chúng ta tĩnh lặng trong ba mươi giây, trụ vào nơi tình thương bao la rộng lớn của mình, thả năng lượng yêu thương vào trong hơi thở của Chánh niệm, hiến dâng hạnh phúc của mình cho tất cả những người mình yêu thương, trao tặng tình thương tới với gia đình, trên là ông bà cha mẹ, anh chị em, huynh đệ cùng tất cả các bạn những người ta thường tương tác, và xã hội, thế giới. Năng lượng yêu thương xin được lan tỏa tới tất cả và nguyện chúc cho thế giới được hòa bình, mọi người được hạnh phúc, mạnh khỏe và tăng trưởng được những điều mơ ước của mình trong năm nay. Hãy tĩnh lặng trong ba mươi giây các bạn.
Cảm ơn các bạn đã tĩnh lặng để lan tỏa tình yêu thương và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới với nhau trong những ngày cuối năm.
Các bạn thân mến!
Ở trên đời này, bất cứ một người nào cũng có mơ ước và muốn ước mơ của mình được tỏa sáng trong cuộc sống. Người giàu ngất trời cũng có mơ ước của người giàu, người nghèo khổ bên lề đường của cuộc sống phải ăn mày khắp nơi cũng có mơ ước của người ăn mày. Nếu chúng ta tinh tế hơn, chúng ta nhìn những loài thú, chúng vẫn có những ước mơ. Muôn loài đều có ước mơ, muôn loài sống đều có ước mơ. Chỉ vì ta không hiểu nên không thấu, nên nghĩ rằng chỉ có ta mới có ước mơ. Nếu cây cối không có ước mơ toả sáng thì tại sao trong bóng tối chúng biết vươn ra nơi ánh sáng để thể hiện cái đẹp nhất của chúng. Nếu các bạn trồng cây ở trong nhà, đặt ở nơi gần cửa sổ xa, nhất định cái cây ấy sẽ nghiêng về nơi cửa sổ của ánh sáng. Đó chính là ước mơ của muôn sự sống. Ai cũng muốn được toả sáng, nhưng trên thế giới này hỏi thử có biết bao nhiêu con người toả sáng được theo ước mơ của mình. Rất ít, chỉ vì chúng ta cứ vùi đầu vào để rượt đuổi theo hình bóng mà chẳng tập trung để có đầy đủ năng lượng phát triển tự thân toả sáng cho muôn đời.
Chúng ta cứ nghĩ sự toả sáng cuộc đời của mình là cần phải tập trung vào một điểm duy nhất. Đúng, nhưng đó là cách nghĩ của người xưa, cách nghĩ của một thời đã xa xưa lắm rồi, lỗi thời. Nếu chỉ tập trung vào một mục đích để toả sáng đưa đến sự thành công, các bạn lỗi thời rồi, khi nói như vậy các bạn bắt đầu suy nghĩ: người ta cứ khuyên bảo phải tập trung, giữ được cái tâm quân bình là phải tập trung vào một chỗ để toả sáng, nay nghe Bảo Thành nói lỗi thời, đúng đó các bạn, suy nghĩ đi. Ngày cuối năm chúng ta chia sẻ để suy nghĩ rằng có những cái đã lỗi thời, có những chiều hướng suy nghĩ rất tích cực khi xưa, rất đúng và phù hợp khi xưa nhưng nay cần phải thay đổi. Các bạn có đồng ý với Bảo Thành rằng phải tập trung vào một điểm mạnh nhất của ta, phải tập trung vào một cái gì đó, một ước mơ nào đó và nỗ lực đổ mồ hôi, như người chiến binh thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đổ máu. Ta dồn hết vào 1 điểm, có những con người dồn hết vào một điểm, tập trung hết vào một điểm, nhưng khi không thành công họ thất bại hoàn toàn. Cũng có người thành công. Nhưng cái đó chưa phải là tuyệt kĩ võ lâm đưa đến sự thành công khi chúng ta đầu tư vào một điểm duy nhất để toả sáng.
Một cái ví dụ rất cụ thể trong cuộc đời mà ngày nay toàn người dân trên thế giới từ những cái nước văn minh như là Mỹ quốc, Châu Âu, cho đến những cái nước thuộc chậm phát triển như Châu Phi, ai ai cũng có trong tầm tay của mình cái tuyệt kĩ đó. Đó chính là cái phone (điện thoại). Cái phone ngày nay không xa lạ gì với đời sống của con người trên hành tinh này. Các bạn cùng với Bảo Thành trở về thuở xa xưa, cách đây độ chừng hai chục năm, ba chục năm, khi cái phone tay mới bắt đầu ra đời, lúc ấy chỉ dùng phone bàn. Và dĩ nhiên, phone bàn cái tác dụng là chỉ gọi và nói chuyện, nhưng khi đi ra ngoài các bạn và Bảo Thành không thể vác cái phone bàn đó đi bởi nó cần gắn vào cái dây. Với sự tập trung của thời kì đó, những nhà kĩ sư phát triển về điện thoại chỉ tập trung vào một điều duy nhất là làm sao có thể liên lạc được với người ta qua âm thanh để nói chuyện tạo sự gần gũi. Điều đó đã thành công nhưng cái phone bàn dần dần mất dấu ấn. Bởi khi phone tay ra đời, nhưng phone tay thời đó thay thế cho phone bàn cũng chỉ là cái phone rất to rất thô và cũng chỉ nói chuyện được mà thôi. Cái thời đại hoàng kim mà phone tay ra đời nó to, nó bự mà ta có thể nhìn trong cái sự mường tưởng rằng có biết bao nhiêu người phải cột chặt vào cái cạp quần để mang cái phone, tự nhét túi không được, to lắm. Tồn tại một thời gian và người ta lại chế ra những cái phone tay tinh vi hơn, gọn, nhỏ, nhẹ nhàng hơn để ta có thể cho vào túi để các chị, các cô có thể nhét vào ví vào bóp mang đi, thuận lợi vô cùng. Nhưng cái sự phát triển từ phone bàn tới phone tay thô đến phone tay nhỏ gọn đẹp kia cũng vẫn chỉ mang cái mục đích duy nhất là tập trung vào một chỗ để tỏa sáng là liên lạc được với nhau. Nhưng đó dần dần trở nên lỗi thời, chẳng ai xài nữa, nó đã trở thành cái phone cùi bắp.
Và ngày nay, mỗi một năm, tất cả các hãng phone đều phát triển không tập trung vào một chủ đích, một mục đích, một điều duy nhất để tỏa sáng là nói chuyện liên lạc, mà có thật nhiều những ứng dụng, công dụng rất tinh vi. Như cái ứng dụng xài Zoom ngày hôm nay, ứng dụng nói chuyện có thể nhìn hình được như ngày hôm nay, ứng dụng sử dụng như một máy vi tính gọn nhỏ. Có biết bao nhiêu ứng dụng đa dạng. Và không phải chỉ có cái ứng dụng để sử dụng mà ứng dụng về thẩm mĩ đẹp, gọn. Đấy các bạn thấy, ai trong thời gian một vài tháng qua ở Việt Nam, trên toàn thế giới, đều háo hức về cái Iphone mới, ôi cha cái phone màu tím cực đẹp, cái phone màu tím huyền diệu của cái thuở mực tím. Dù năm, sáu, bảy chục tuổi vẫn thích cái phone, Iphone màu tím, rất đẹp. Bạn cứ nghĩ đi, còn ai nhớ đến cái phone cùi bắp chỉ tập trung vào một mục đích nữa, tập trung vào một điểm nữa đâu, người ta chú ý đến cái phone đa dụng. Và những nhà sáng chế ra cái phone đó, tập trung vào nhiều điểm, một cái phone vừa có cái điểm của vóc dáng, dễ thương, duyên dáng, hài hòa, màu sắc, gọn nhỏ, đẹp. Nó trở thành như một cái vật trang trí cho cả đàn ông lẫn đàn bà, phụ nữ, rất đẹp! Hãy thử đi, các bạn cầm một cái phone đời mới thật đẹp, đa ứng dụng trong cuộc sống, và được chụp một phô hình các bạn thường thấy trên FaceBook, nó duyên dáng làm sao, đẹp lắm! Cái phone nó trở thành kỉ vật, thành vật trang trí và trở thành người bạn thân thiết bởi đa dụng, được ứng dụng thật nhiều trong cuộc sống.
Bảo Thành mang ví dụ đó rất cụ thể để chúng ta nhìn thấy rằng cái sự sách tấn, khuyến khích để mỗi người nỗ lực tập trung vào chỉ một cái điều đặc biệt của bản thân để toả sáng, thì ngày nay đôi khi dồn toàn lực vô mà sự tập trung đó không thể toả sáng bởi không có khả năng. Thì nhất định khi nhận ra, ta đã để lỗ lã thời gian, hao mòn sức khoẻ và cái sức bật không còn nữa đâu. Người ta thường khuyên như ấp trứng thì phải ấp vào nhiều nơi khác biệt, để cái trứng này bị ung thì nhất định cái trứng khác còn nở, đó là kinh nghiệm của những người kinh doanh. Và cũng có câu nói, mỗi người chúng ta luôn luôn có khả năng bẻ gãy mọi giới hạn để đi đến sự tận cùng tỏa sáng, nơi sự đa dụng của khả năng mà chúng ta khi sinh ra ở trên đời này đã có đủ, đã có. Những con người bình thường khi giữ được sự quân bình của tâm, họ phát triển được và tỏa sáng được ước mơ của họ. Người nông dân họ cũng như vậy, họ giữ được cái tâm quân bình qua sự hiểu biết của thời tiết để nắng mưa bốn mùa, thời tiết khác biệt, họ đều tỏa sáng, biết trồng trọt cho đúng để phục vụ cho nhu cầu của mọi người trong xã hội và tỏa sáng về nghề nghiệp. Hãy nhìn thật rõ ngày Tết này, nhất định các bạn đã ra chợ Tết mua hoa trái, cây kiểng và biết bao nhiêu những ẩm thực tuyệt vời sẵn sàng cho ngày Tết. Đó chính là những cái con người giữ được cái tâm quân bình để tỏa sáng, như người trồng trọt bông, cây cảnh, như người phục vụ những nhu yếu phẩm, thực phẩm cho ngày Tết, họ biết rõ khi nào, lúc nào và tập trung vào, qua mùa Tết, họ thấy mùa khác họ lại làm. Cái tâm bình quân không rối trí rối đầu nhưng đa dụng bởi kiến thức hữu dụng phù hợp thời gian nên họ luôn luôn phục vụ nhiều người và mang được sự tỏa sáng bản thân giúp đỡ xã hội, cộng đồng có được những cái Tết vui, có được những lễ vụ, lễ hội tuyệt vời, và giúp được biết bao nhiêu con người trong nhu cầu của cuộc sống. Các nhà bác sĩ ngày nay cũng như vậy, Đông y, Tây y đều phát triển cái kiến thức đặc biệt, giữ được tâm quân bình để chữa trị bệnh một cách đa dụng, không còn hạn hẹp trong cái kiến thức gọi là chân truyền của gia tộc, mà ứng dụng khoa học một cách rất thông thoáng được phổ cập trên toàn cầu. Những nhà kinh doanh cũng như vậy, họ không chỉ tập trung vào một vấn đề nữa. Các bạn cứ thấy xe đi, người ta phát triển mỗi một năm ra một loại xe mới đa dụng hơn, lợi ích hơn. Không chỉ còn là phương tiện chuyên chở, mà là phương tiện chuyên chở đó phải như một cái tòa cao ốc di động, phải như một văn phòng di động, phải như một khách sạn di động, thoải mái, đẹp, ứng dụng nhẹ nhàng, an toàn và sang trọng. Tất cả mọi ngành nghề, tất cả mọi nơi trên thế giới chẳng còn tập trung vào một điểm duy nhất, mà tập trung vào cái trạng thái giữ tâm quân bình để tỏa sáng đa dạng phục vụ cho chính mình và cho nhân loại.
Các bạn hỏi, làm sao để tỏa sáng? Phải giữ tâm quân bình. Các bạn lại hỏi, làm sao để giữ được cái tâm quân bình, cân bằng, thăng bằng trước mọi cảm xúc, quân bình trước mọi thử thách, mọi hiện tượng, mọi nghịch cảnh? Chúng ta có được nhiều khả năng vi diệu nhưng không giữ được trạng thái tâm quân bình thì khả năng tuyệt vời đó không thể tỏa sáng và phát triển. Những nhà khoa học đã chứng minh được điều đó, con người có khả năng vượt ngoài những gì họ nhận ra về bản thân của họ. Ngày xưa ta nghĩ khác, trời tròn đất vuông, trên thì có trời, dưới có đất, sâu ở dưới là những cõi âm. Nhưng ngày nay cái đó xa và lỗi thời, khoa học phát triển đã nhìn thấy các hành tinh vận hành theo một cái quy luật và tỏa sáng. Chúng ta phải có một cái tầm nhìn vượt ra khỏi không gian, thời gian. Nhưng đã là con người như Bảo Thành và các bạn, chúng ta luôn bị giới hạn bởi chấp nhận cái hạn hẹp của mình, chui vô cái vỏ sò tăm tối, cuộn mình trong đó như con ốc mượn hồn, chẳng thể tự sống. Làm sao có thể toả sáng khi chẳng giữ được cái tâm quân bình tự tin vào bản thân để phát hiện ra những khả năng tuyệt vời nữa, thật nhiều khả năng tuyệt vời còn tiềm ẩn trong con người chúng ta. Những bậc cổ nhân cổ đức từ rất xưa đã nhận ra cái giá trị của con người đều có cái khả năng tiềm tàng tuyệt vời. Cụ thể theo Phật giáo thì Đức Phật là người đã khám phá ra trong cái câu thật đơn giản: Thân người là phương tiện vi diệu để thành đạt tất cả và để toả sáng. Thân người là phương tiện vi diệu, có tiềm năng tuyệt vời nhất, và thân người là phương tiện vi diệu có được khả năng chiến thắng đau khổ, phiền não, toả sáng những ước mơ tuyệt vời, thanh tịnh để san sẻ với nhau và để cho chính bản thân của mình sống trong hạnh phúc và bình an. Điều này qua cái câu nói của Đức Phật khẳng định thật rõ, Ngài đã phát hiện ra mỗi một con người, mỗi một chúng sanh đều tiềm tàng tuyệt vời đa dạng, nếu giữ được cái tâm quân bình thì nhất định chúng sanh nào cũng toả sáng như hào quang của bậc giác ngộ, thành tựu được tất cả, buông mà có tất cả.
Phương pháp gì, phương pháp nào? Chẳng phải là phương pháp tập trung vào một ước mơ, một điểm để làm giàu, để phát triển khả năng về vật chất mà quên đi phát triển cái khả năng, cái tiềm năng của tinh thần, của tâm linh. Phương pháp của Đức Phật dạy để giữ được sự quân bình của thể chất, của tinh thần, của tâm linh và của vật chất, một phương pháp để ứng dụng đa năng tiềm tàng nơi ta, tiềm ẩn nơi ta khả năng tuyệt vời có thể thành công và toả sáng ở mọi phương diện. Đó chính là trở về với hơi thở của Chánh niệm. Ai cũng biết thở, nhưng trong Chánh niệm của hơi thở, bạn sẽ thẩm nhập vào biết bao nhiêu những khả năng tuyệt vời tiềm tàng nơi bạn để từ đó bất cứ một ước mơ nào, bất cứ một điều gì bạn mong muốn, bạn đều có thể ứng dụng kiến thức của bạn, khả năng tuyệt vời của bạn để đưa những ước mơ đến thành công một cách rất khoa học. Điều này đã thấy rõ. Nhà sáng tạo ra Iphone thành công giàu, giàu, giàu nhất nước Mỹ thuở xưa mới đầu, nhưng rồi anh ta cũng nhận ra, không giữ được tâm quân bình khi lâm bệnh. Cuối cùng đó là một sự thảm bại của con người khi đưa đến đỉnh cao thành tựu của vật chất, của tiền tài. Có những lời nói rất chân tình và rất chân thành của sự ngộ ra chân lý sống, chẳng phải tập trung một điểm là làm giàu để bào mòn sức khoẻ, anh đã nói, hạnh phúc ở nhất trên đời này là giữ được tâm quân bình giữa vật chất, tinh thần và tâm linh. Và những lời nói cuối đời của anh ta rất tâm linh, không tôn giáo, rất tuyệt vời. Chúng ta đừng tập trung vào một mục đích duy nhất là chỉ làm giàu về tiền tài, dưới những sự thúc giục thúc đẩy có vẻ có lý để rồi tự giết hại bản thân theo năm tháng. Để nghĩ làm sao chỉ có tiền mà thôi, điều ấy sẽ đưa đến sự hối hận vô cùng.
Chánh niệm hơi thở là một phương pháp, là một cách tu tập, là một cách luyện để chúng ta có thể ứng dụng những tiềm năng vi diệu tiềm tàng nơi ta để toả sáng về đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tâm linh, đưa đến thể chất của cả ba mặt toàn diện, để phổ cập kiến thức nhanh chóng mà ứng dụng vào đời sống dưới mọi hình tướng, luôn an vui và hạnh phúc. Phật đã khám phá ra điều đó và khuyến khích mọi người chúng ta hãy nhớ, đừng bao giờ chỉ nỗ lực tập trung vào một điểm bởi chúng ta thân người kiếp sống hiện sinh ngay bây giờ tại đây có khả năng vi diệu đa dụng. Đừng biến mình trở thành như cái phone cùi bắp, mà cần phải nâng cấp cái phone của mình mỗi một năm. Và năm nay, cái phone Trí Tuệ qua phương tiện điều chỉnh qua Chánh niệm hơi thở, chúng ta sẽ biến cuộc đời của mình trở về với cái khả năng nguyên sinh khi hiện thân trong đời để ứng dụng đa dụng hơn, đa dạng hơn, đưa vào đời sống của mỗi người để lan toả tình yêu thương, thành tựu được tất cả những ước mơ của mình. Qua Chánh niệm của hơi thở, hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra. Nhẹ nhàng như thế, sống với hơi thở trong từng khoảng khắc, sống với hơi thở trong từng giây phút và trụ vào trong sự an lạc thì muôn điều ở trên đời này bạn sẽ thành công mà thôi. Không cần phải tập trung vào một điểm duy nhất là kiếm tiền hoặc nâng cao kiến thức. Người xưa nói “vừa học vừa chơi”, học mà không chơi giết mòn tuổi trẻ, chơi mà không học phá hỏng tương lai. Đó là một cách nói rằng, chúng ta phải giữ được cái tâm quân bình hài hoà dưới mọi góc độ của sinh hoạt đời sống thường nhật hằng ngày. Không ép buộc, không gượng ép bản thân chỉ tập trung vào một thứ. Chúng ta thấy nền giáo dục Việt Nam tập trung quá nhiều vào một điều gọi là nâng cao kiến thức cho trẻ thơ. Học ở nhà trường, sau giờ học học thêm, tối học nữa, học học liên tục. Và trên thế giới này, bằng cấp và trí tuệ của người Việt Nam toả sáng ở chỗ gọn trong gia đình, nơi thôn quê, nơi đất nước, nhưng chẳng thể ứng dụng vào để phát triển quốc gia. Nhưng nền giáo dục của phương Tây là phát triển tiềm năng một cách đa dụng, nhưng tập trung vào chuyên môn nổi bật nhưng đa dụng, các bạn. Thế mà sự thành công của họ vượt trội thật nhiều so với các nước khác.
Đức Phật là một vị đã nhìn ra cái hơi thở Chánh niệm đưa chúng ta trở về với khả năng toàn giác để đưa đến sự thành công trong những ngày cuối năm nay. Hãy bỏ cái phone cùi bắp, hãy rời xa những suy nghĩ lỗi thời và hoà nhập vào bản thể tự nhiên của Chánh niệm hơi thở để Bảo Thành và tất cả các bạn đều phát triển được nhiều cái khả năng tiềm ẩn nơi mình để toả sáng trong cuộc sống, giữ được sự thăng bằng của thể chất về đời sống vật chất, tinh thần về đời sống tinh thần, tâm linh về đời sống tâm linh. Tinh thần, tâm linh và vật chất cân bằng như một tam giác đều. Trong Chánh niệm hơi thở, toả sáng và nhìn rõ, phát triển những tiềm tàng nơi những cái tiềm năng vốn có, mỗi người chúng ta sẽ được toả sáng.
Và xin trả lời, quân bình và toả sáng, phương tiện để đạt được và trở về với hơi thở Chánh niệm mà Đức Thế Tôn, Đức Phật đã dạy. Lời khai thị và dạy dỗ của Phật chẳng có giới hạn trong tôn giáo, mà cái nhìn của bậc minh triết của một bậc thấy rõ nơi mỗi một chúng sanh, mỗi một con người chúng ta đều có khả năng tột cùng cao quý. Và hãy giúp cho mình trở về phát triển và ứng dụng tất cả mọi khả năng vốn có nơi thân ta. Và ai trong chúng ta cũng bình đẳng như nhau và đều có cơ hội phát triển và toả sáng như nhau. Xin cám ơn các bạn. Đây là sự chia sẻ của những ngày cuối năm. Ngõ hầu, mỗi người chúng ta bỏ đi cái phone cùi bắp, rời xa những suy nghĩ lỗi thời để cập nhật và phổ cập cho mình một cái thông tin mới, tỏa sáng trong năm Qúy Mão này. Và luôn luôn thức tỉnh để đưa đến sự thành công nhiều ước mơ mà các bạn đang chúc cho những người thân và đang sẵn sàng đón chờ để thành tựu cho chính mình. Xin cảm ơn các bạn đã nghe. Và bây giờ chúng ta có thể nghe cô MC chia sẻ, và chúng ta chia sẻ với nhau về chủ đề giữ tâm quân bình để tỏa sáng.
1. Dạ con thưa Thầy, trong thời gian gần đây, bạn thân dạy con đến Chùa để tịnh tâm thì con đến Chùa con thấy rất thoải mái và con không nghĩ gì đến cuộc sống vướng mắc. Nhưng khi về đến nhà là mỗi lần nghe anh chồng hay con cái mà không hài lòng thì tâm con lại không được bình an giống như trong Chùa. Xin kính Thầy cho con lời khuyên.
Trả lời:
Dạ thưa chị, điều đó luôn xảy ra đối với tất cả mọi người trong chúng ta. Ví dụ như mình đi dự tiệc vui rất vui, nhưng cái niềm vui nơi bữa tiệc đó không tồn tại khi về với gia đình và thực tế của cuộc sống. Ta thấy rằng niềm vui mau qua. Tới Chùa, nơi ấy là một môi trường thanh tịnh, có đầy đủ năng lượng của những bậc biết dưỡng sinh cái tâm, biết nuôi tâm. Sự tu tập của những vị ấy luôn tiếp cận với một thể loại tâm linh, cái nutrition của tâm linh, giữ cho sự quân bình và lan toả. Khi trở về Chùa hoặc tiếp cận với các bậc biết nuôi dưỡng tâm linh ấy, ta hưởng được cái năng lượng an bình, hạnh phúc, tĩnh lặng, bình an. Nhưng cái điều đó là ta mới hưởng được ở cái môi trường ấy, còn chúng ta chưa tu tập. Vì thế chẳng giữ được trạng thái tâm quân bình, khi trở về nhà, cuộc sống thực tế va chạm, cái tâm của ta rối bời, mất thăng bằng và như vậy ta thấy khó chịu.
Trên đời này không có cái gì không tập luyện mà thành tựu. Đức Phật nói trí tuệ của Ngài, kiến thức của Ngài, Ngài có thể dạy cho chúng ta nhưng không thể cài cấy vào trong tâm của chúng ta, có nghĩa là không thể tặng rồi chúng ta nhận mà có. Mà Ngài có thể hướng dẫn phương pháp để ta thành tựu được những gì Ngài thành tựu. Chị mới tới Chùa để nương vào một cái môi trường thanh tịnh trong chốc lát, nhưng nếu chỉ biết nương vào cái phương pháp, làm sao để có được năng lượng thanh tịnh đó, chị hãy tiếp cận với các nhà Sư của Sư Cô. Mỗi một người trong chúng ta đều có cái khả năng phù hợp với những phương tiện tu tập khác biệt, không đồng dạng để phát triển năng lượng thanh tịnh, yêu thương, toả sáng trong sự bình an. Không nhất thiết một pháp môn, một phương tiện, nhưng tựu chung tất cả các pháp môn, các phương tiện của các nhà Chùa, Am Thất, Tịnh Thất của các bậc giáo thọ sư, của các Sư Cô, Sư Thầy đều từ hơi thở Chánh niệm nhưng cách hướng dẫn thực tập khác biệt, bởi tuỳ theo khả năng tiếp nhận của mỗi người. Nếu càng tiếp xúc với các vị ấy, bạn càng có nhiều năng lượng được lan toả và nương vào đó để vượt qua. Nhưng nếu bạn chủ động thực tập các phương pháp để giữ được sự quân bình trong đời sống trước mọi cảm xúc, nơi những cái nghịch cảnh đối nghịch đối với chính mình, thì bất cứ cái môi trường nào sự tu tập của bạn chính là một chiến sĩ, một anh hùng đã tự đào tạo bản thân của mình có được đầy đủ khả năng để chuyển hoá chống đỡ trước mọi nghịch cảnh thử thách trái chiều với cái tâm lý của bạn. Bạn đi đâu cũng vững vàng mà thôi. Như người lái xe đã được thao trường chạy ngược chạy xuôi và được cấp bằng qua sự trải nghiệm của bản thân, người ấy là một tay lái lụa là, chẳng bao giờ tạo ra tai nạn.
Khuyên rằng cô hãy tiếp cận với các bậc đó và tập. Chánh niệm hơi thở là một phương pháp rất tốt để tập để tiếp nhận năng lượng và giữ được năng lượng đó phát triển nơi tự thân để chuyển hoá những năng lượng bất tịnh khi va chạm trong cuộc sống. Thực tập như thế nào? Chỉ cần hít vào phình bụng ta biết ta hít vào, thở ra hóp bụng ta biết ta thở ra. Đưa cái tánh biết vào trong cái Chánh niệm nơi ấy. Và hãy nhìn, lắng nghe tất cả mọi hiện tượng khi tương tác với mọi người bằng sự chú tâm trong hơi thở ấy thì không có gì ta dính mắc. Và cái tâm chấp của ta không còn nữa, sự dung thông gắn kết, hiểu biết, thông cảm, san sẻ, dắt dìu nương qua những sự khác biệt để cùng nhau thành đạt sẽ có được. Cho nên lời khuyên chân thật cho chị, hưởng năng lượng an bình nơi các bậc tu cửa Chùa đều tốt, nhưng hãy đưa mình vào trạng thái tu tập để trở thành người làm chủ được những cái cảm xúc và tiếp nhận được cái năng lượng mọi nơi mọi lúc. Như ngày nay ta có phone này rồi có Facetime, có Viber, có Zoom, bất cứ chỗ nào ta gọi ta nói chuyện được, nhìn thấy nhau được bởi vì cái phone là phương tiện tiếp cận, và Chánh niệm hơi thở là cái phone đa cấp để mọi nơi, mọi chỗ ta có thể tiếp nhận năng lượng toả sáng giữ được sự quân bình của tâm. Dạ thưa chị!
2. Thầy ơi, làm ơn nói rõ hơn một chút về thực hành thiền hơi thở là như thế nào ạ? Dạ con biết ơn Thầy!
Trả lời:
Dạ thưa chị, các bạn ơi, hầu ở trên đời này điều gì cũng cần thực tập. Hãy cho mình một cơ hội thực tập chỉ 5 phút mỗi ngày là đủ, vào mỗi buổi sớm trước khi ta thức dậy, trước khi uống một ly cà phê, một ly trà đó, ta nói hãy khoan uống và uống vào cái chất dinh dưỡng của sự thực tập hơi thở trong 5 phút là đủ. Ai vội vàng quá thì chỉ cần bằng 3 phút như cái thời gian của rửa mặt và đánh răng là đủ rồi.
Phương pháp như thế nào? Bạn có thể ngồi chéo chân hoặc là ngồi bất cứ một trạng thái nào cũng được, hoặc là ngồi trên ghế sofa hoặc một cái ghế nào đó phù hợp, hoặc ở ngay trên giường đặt ở hai bàn chân cho vuông góc, bất cứ tư thế nào cũng được. Các bạn thực tập quen rồi thì đi, đứng, nằm, ngồi, hơi thở và cái sự ứng dụng đó nó sẽ phối hợp nhịp nhàng bất cứ nơi đâu. Khi bạn ngồi xuống với tư thế sẵn sàng rồi, hai tay có thể đặt lên nhau, tay phải đặt lên tay trái, hoặc nếu ai thuận tay trái thì tay trái đặt lên tay phải, tùy theo người tay trái hoặc tay phải. Giữ lưng, cổ, đầu cho ngay ngắn, buông lỏng buông thư, cứ nhẹ thôi. Và cái sự nhận biết của mình đưa đến giữa hai chân mày theo đông y gọi là huyệt ấn đường, và theo như người xưa nữa gọi là con mắt thứ ba, đưa cái sự nhận biết của mình ở đây nè. Sự nhận biết này nhận biết rằng ta hít vào bằng mũi, ta phình bụng, ta theo dõi đó. Ta biết hít vào bằng mũi, phình bụng một cách chậm rãi tùy sức, rồi từ đây cũng nhận biết thở ra hóp bụng mà bằng miệng. Hít bằng mũi phình bụng, thở bằng miệng hóp bụng một cách chậm rãi tùy theo cái sức của mình. Đừng quá dài, đừng quá chậm, vừa sức thôi. Và sự nhận biết luôn luôn ở ấn đường này, hít vào chậm rãi bằng mũi phình bụng, thở ra hóp bụng chậm rãi bằng miệng. Giữ như vậy trong vòng từ 3 đến 5 phút, tập như vậy thôi, bạn sẽ phát hiện ra một cái nguồn năng lượng nó kích hoạt tất cả những khả năng tiềm ẩn nơi bạn, làm cho bạn phấn khởi, hoan hỷ, phấn chấn và có khả năng dung thông, gắn kết trong tất cả mọi môi trường hoàn cảnh dù thuận ý hay nghịch ý. Đừng tin, bạn thực hiện trong 1 tuần đi, bạn sẽ thấy sự thay đổi, sự đổi thay rất tuyệt vời trong mọi phương diện. Đây không phải là một phương thức của tôn giáo, nhưng đây là một cách thức để kích hoạt tiềm năng của mình, gắn kết với mọi người, giữ được sự quân bình. Xin nhắc lại, mang cái sự nhận biết của mình tới giữa cái chân mày, con mắt thứ ba, hoặc gọi là huyệt ấn đường, sự nhận biết này chỉ cần biết: mình hít vào bằng mũi phình bụng một cách chậm rãi, thở ra bằng miệng hóp bụng một cách chậm rãi tùy sức của mình. Tập trung từ 3 tới 5 phút giúp cho chúng ta giữ được trạng thái tập trung đa dụng, một cách đa dạng và quân bình được cái tâm của mình để tỏa sáng. Hãy thực tập rồi lần sau mình gặp nhau mình chia sẻ thử coi sau khi thực tập như vậy cái ứng dụng của mình có khác biệt hay không. Dạ, thưa chị!
Thầy Bảo Thành: Các anh chị ơi, không nhất thiết phải hỏi. Ngày cuối năm, thường mình có những bữa tất niên rồi hội họp bạn bè, chủ yếu là vui và chia sẻ. Ngày nay, chúng ta không cần phải vào thâm sơn cùng cốc, nơi mà rêu rong, thiền môn để tìm học nữa. Đức Phật hồi xưa không chui vào hang hóc để chờ chúng ta, Ngài đi 45 năm trời và ngày nay cái cách sống là lan toả kiến thức để kiến lập một nền tảng vững chãi trong đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh. Không nằm trong cái giới hạn của tôn giáo nữa, vẫn luôn luôn giữ cái sự tôn trọng nhau nhưng không thể chỉ trên khuôn mẫu người xưa đã để. Các bạn có nghe cái bài hát “Cám Ơn”: “này là áo len, bao nhiêu đêm thâu, em ngồi em đan”. Bao nhiêu đêm thâu rồi, Bảo Thành, các bạn và các em đã đan cho mình chiếc áo len tâm linh qua Chánh niệm hơi thở chưa? Để ngồi đó mình đan, mình chăm chú, mình tập trung để giữa những cái băng giá của cuộc đời nơi nghịch cảnh thất bại, đau đơn và phiền não, khi ta mặc vào cái áo len Chánh niệm được đan đó nó ấm lắm, rất ấm. Khi ta thực tập rồi, nơi đâu ta tới, âm thanh nào ta nghe ta đều ứng dụng và thấy được bài học Chánh niệm rất tuyệt vời. Rồi lại làm bánh chưng đó, mẹ già gói gửi cho con, nếu chúng ta không biết gói gọn cuộc đời trong Chánh niệm hơi thở thì nhất định Tết này không có bánh chưng để ăn đâu, hương vị độc đáo của một loại bánh chỉ có ở Việt Nam mới có trong cái Tết. Áo len tuyệt vời của người em gái đan cho chúng ta, chúng ta phải trở thành người chủ động đan cái áo len và gói bánh chưng của cuộc đời qua cái hơi thở Chánh niệm, các bạn. Hãy mở lòng trải rộng vòng tay chia sẻ, coi Bảo Thành như một người bạn, một tri kỷ, một người thân hoặc một người sơ giao nhưng dễ tiếp cận, chúng ta chia sẻ mang cái tâm tình rộng mở chính là lúc ta gắn kết và lan toả năng lượng bình an, hạnh phúc cho nhau. Cho nên Bảo Thành rất cần đón nhận năng lượng bình an của các bạn, và các bạn cũng như vậy, chúng ta cần năng lượng bình an của nhau trao tặng cho nhau. Để chỉ còn bốn ngày nữa thôi, cái Tết sum vầy này với gia đình trong đêm 30, đêm trừ tịch, vào ngày mùng 1 Tết, những phiền não không tới và những hạnh phúc luôn luôn hiện diện trong cuộc đời. Các bạn ơi, chia sẻ đi!
3. Dạ con chào Thầy ạ! Dạ giai đoạn cuối năm là giai đoạn nhà nào cũng đi tảo mộ và cái giai đoạn cuối năm là giai đoạn giao giữa năm cũ và năm mới thì để tảo mộ thì có những việc gì chúng ta nên làm và những việc gì chúng ta không nên làm để cho cái việc tảo mộ đó nó tốt nhất có thể. Con mong muốn được Thầy chỉ đạo ạ. Dạ con xin hết ạ.
Trả lời:
Con người đối xử với nhau thường hay khách sáo, nặng về hình thức quên cái nội tâm chủ chốt nơi cái sự chân thành. Các bạn có để ý không, Bảo Thành và các bạn đôi khi cũng khách sáo quá nặng về hình thức. Tảo mộ trong ngày Tết, ngày Tết là ngày trừ tịch, ngày âm dương giao hòa, là ngày nhớ về cội nguồn ông bà cha mẹ, cây thì có cội nước thì có nguồn, con người có tổ có tông, có ông bà cha mẹ sống dù có tha phương cầu thực hoặc sống dù có tha phương như Bảo Thành đi nữa thì cái nguồn cội vẫn là cái gốc của mình. Tết mình tảo mộ hay ngày Thanh Minh tảo mộ xong cái dịp sau Tết tháng hai tháng ba đó, mang cái ý nghĩa rằng chúng ta nhớ về cội nguồn, luôn luôn dung thông với tổ tiên ông bà nơi xuất phát, nơi mà chúng ta nương vào đó mà hiện thân trong đời. Không cần phải chuẩn bị những cái thứ rườm rà nhưng tỏ lòng thành qua những phẩm vật mình mong muốn, phù hợp với khả năng. Không cần nặng nề về những cái nghi thức nhưng cần cái tâm thanh sạch, thanh tịnh và sạch sẽ tới lau chùi mộ bia của ông bà, nhổ cỏ nơi đó, tâm sự thật nhẹ nhàng với cái tâm thật chân thành kính nhớ tổ tiên dung thông với cái năng lượng của cội nguồn nơi mình xuất phát. Nói nhẹ nhàng thôi: “Ông bà ơi cha mẹ ơi, người thân ơi, hôm nay con tới với tâm thái dung thông với tất cả. Và con xin được dọn dẹp mồ mả, bia, lau chùi sạch sẽ như lau chùi cái tâm của con đã từng làm trong mỗi ngày để gắn kết với ông bà.”. Chỉ cần như vậy thôi. Còn những cái nghi thức, cái phương thức ta được học hỏi chỉ là phong tục tập quán của từng vùng miền khác biệt, ta không trách cứ, ta không cần phải bỏ rơi, ta không cần phải phiền não. Nếu ứng dụng được cứ ứng dụng, nếu ứng dụng bằng tất cả các phương pháp đó mà thiếu đi cái sự chuẩn bị của cái tâm dung thông, chân thật và thành kính. Bốn cái tâm đó: Thanh tịnh để dung thông, chân thật và thành kính, bất cứ một nghi thức theo phong tục tập quán nào, phương thức nào, địa phương nào hoặc thói quen ta đã từng làm cộng hưởng thêm cái điều đó thì nhất định đó là điều tốt đẹp nhất. Dạ thưa chị.
4. Dạ câu hỏi thứ hai là những ngày đầu năm mình nên làm gì và những gì mình nên kiêng kị ạ Thầy?
Trả lời:
À, cái điều này dễ thôi. Điều đầu năm mình nên làm là hãy tha thứ cho nhau để không bị dính mắc vào sự khác biệt trong cái tâm lầm chấp. Chỉ có vậy là đủ. Và nên trải rộng vòng tay, mở rộng lòng nhân ái, yêu thương để tiếp cận mọi người. Hãy để cho cái miệng của mình, là cái khẩu của mình, là nơi phun ra những dòng châu ngọc, ái ngữ, dễ thương, để khích lệ mọi người bước vào thềm năm mới với sự tràn đầy năng lượng tích cực. Đó là cái điều thiết nghĩ chúng ta nên ứng dụng trong những ngày đầu năm để mọi nghịch cảnh xui xẻo của người và của ta không có cơ hội lấn chiếm cái lòng lề đường tâm thức an vui, hạnh phúc của năm mới. Dạ, thưa chị!.
5. Dạ xin Thầy hãy dạy cho con những lời chúc đến ông bà cha mẹ và những người thân yêu để con được nhận phước báu trong ngày Tết ạ?
Trả lời:
Dạ. Khi lớn lên chúng ta thích copy những cái thể loại ngôn ngữ văn chương khuôn mẫu, khuôn vàng thước ngọc để mà phô trương cách nói. Hồi xưa Bảo Thành cố gắng học dữ lắm, cái khuôn mẫu của một cái thể loại nào đó mình yêu thích, nhưng nó không có một chút năng lượng của cảm tình nơi mình. Bởi vì mình cố gắng học thuộc rồi mình trình bày, nó không gắn kết với cái tâm. Có khi nào các bạn nghe một người ca sĩ nào hát mà mình nói: Trời ơi! hát gì mà không có hồn, không có cảm xúc. Có! Hoặc là có khi nào các bạn nhìn một người diễn viên tuồng ở trên sân khấu hoặc cái phim nào các bạn nói: “Trời ơi! Diễn gì mà không có hồn không có thần, diễn gì mà không có nhập vai”. Bởi vì họ chỉ thuộc cái bài thoại thôi, họ diễn không nhập vai cho nên mình thấy nó làm sao đó, đúng không? Nếu các bạn làm mẹ hoặc làm cha gặp những đứa con còn nhỏ tuổi, chúng đâu ứng dụng những cái văn phạm ngôn ngữ cao siêu cách nói như thế nào đâu mà sao ta nghe con cái mình nói mình vui quá. Nó chỉ hỏi ờ : “Cha mới đi làm về hả?”, “Mẹ ơi mẹ khỏe không ?” mà mình vui và hạnh phúc. Bởi vì lời nói của trẻ ngây thơ và chân thật, xuất phát từ trái tim trong trắng.
Ngày Tết này, không cần thiết phải copy bất cứ một thể loại văn chương cao siêu được viết sẵn để trả bài bằng các cái lời chúc. Hãy nói rằng với người thân ông bà cha mẹ không cần biết, xưng danh với những bậc đó và nói con xin chúc tuổi và chúc cho ông cho bà và cha mẹ, cho chồng cho vợ, cho người yêu cho con cái của mình được mạnh khỏe, vui. Nói chân thật đi, bạn hãy nói bằng ngôn ngữ của bạn nhưng hãy gắn kết bằng cái tâm chân thật và cái độ rung động của tình cảm một cách rất gắn kết với họ thì lời nói của bạn có năng lượng. Chúng ta sống không bằng những ngôn ngữ mĩ miều, đẹp, nhưng sống bằng năng lượng chân thật truyền tải qua những cái ngôn ngữ rất thật, rất chân, rất bình dị. Cho nên Bảo Thành nghĩ những cái lời chúc Tết thì tuyệt vời lắm. Nhưng đừng quá nghiêng về những cái lời chúc Tết của vật chất, của tiền tài: Tiền vô như nước, nhỏ ra từng giọt như hạt cà phê. Câu đó nghe hình như cũng thích lắm, nhưng mà chúng ta nhớ rằng cuộc sống này không phải chỉ có vậy. Hãy chúc nhau những cái lời chân thật nhất thốt lên từ trái tim của cái sự quan tâm và yêu thương thì nhất định ngôn ngữ nào bạn thốt lên lúc ấy nó truyền tải cái năng lượng và làm ấm trái tim của người nghe. Đó là lời chia sẻ của Bảo Thành, dạ, cảm ơn chị!
6. Dạ Thầy cho con hỏi ạ. Con thì bên Phật, con cũng thắp nhang và có bàn thờ. Thế nhưng mà bàn thờ con thì con cứ thấy nhang đầy hoặc bàn thờ dơ thì con sẽ nhổ chân nhang đi, thường xuyên và lau sạch sẽ. Thế nhưng mà con cũng nghe rất nhiều Thầy nói là không được đụng vào bát hương thì sẽ bị động, tức là sẽ bị động tới Tổ Tiên, Ông Bà. Thế thì con không biết. Thực sự tâm con cũng thấy là bàn thờ dơ hay bàn thờ bị bụi bẩn hay cái gì đó như chân nhang quá nhiều đi là con sẽ rút bớt ra con đốt. Và con để đủ cái số lượng nó nằm ở bát nhang thôi. Thế thì nhân tiện ngày hôm nay cũng là Tết rồi thì con kính bạch Thầy cho con những lời khuyên theo cái phương pháp mà con đã thực hiện đó, thì con đang thực hành với những cái con đang làm thì nó có đúng hay không hay là con đang bị phạm vào một cái điều cấm kỵ gì đấy ở trong Phật pháp. Kính mong Thầy dẫn dạy chúng con để chúng con sáng tỏ ạ. Dạ, biết ơn Thầy!
Trả lời:
Chị ơi, cái động nguy hiểm nhất mà ta không cho phép động đó là động tâm. Khi tâm mình động, muôn sự khổ. Cái điều kiêng cữ nhất là kiêng những việc ác để tâm không bị động. Và cái điều mà chúng ta luôn luôn phải dọn dẹp sạch sẽ là dọn dẹp những rác rưởi của những suy nghĩ, hành vi và ngôn ngữ bất thiện. Ta thường theo cái thói quen cổ truyền từng vùng miền. Thời Đức Phật chẳng cắm nhang đâu, gặp ông Phật ta cắm một bó nhang sặc mũi sao ổng nói chuyện. Ông bà mình còn sống cắm một bó nhang sặc mũi sao ông bà nói chuyện. Điều đó rõ mà, thời Đức Phật không có thắp nhang, nên trường phái nguyên thủy họ chẳng thắp nhang. Có là một ngọn đèn tượng trưng cho trí tuệ và kiến thức. Phật giáo Bắc tông của chúng ta đi qua những vùng miền từ Trung Hoa và Việt Nam hòa nhập vào phong tục và chế tác ra nhiều nghi thức khác biệt, nhưng đó chỉ là phong tục mà thôi. Và có dâng nhang là nhang trầm hương thơm ngát, chẳng phải mạt cưa tẩm nhiên liệu hóa học, ngửi vào thì người sống sẽ chết và người chết sẽ chẳng sống được nữa. Tại Chùa Bảo Thành đang ở đây không bao giờ thắp nhang. Các bạn hỏi tại sao là bởi vì bên đây kín, xài cái máy lạnh và máy sưởi, mùi nhang khói tẩm chất hóa học nó cứ tuồn ra rồi lại hít vào, hư phổi, còn nguy hại hơn thuốc lá. Cho nên ở Chùa đây không thắp nhang, nhưng vẫn giữ được phong tục để một cái lư hương thật lớn ở ngoài trời, ai muốn giữ phong tục đó thì thắp nhang ở ngoài trời để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mình cứ kiêng cữ đủ thứ cho đợi đến cuối năm mới nhổ ra lau chùi để tránh điều xui xẻo mà chẳng bao giờ có kiêng những điều ác, giữ tâm thanh tịnh. Không kiêng những điều Phật dạy mà chỉ kiêng theo truyền thống. Riết rồi các bạn cứ nghĩ đi, nó hình như lỗi thời như lúc nãy đã nói rồi. Không cần phải tân trang nhưng cần sự nhận thức rõ để có cái dũng để thay đổi cho khỏe. Nếu chị vẫn thắp nhang bởi không gian ở nhà thoáng, bỏ bớt chân nhang đi, lau chùi sạch sẽ là điều tốt. Bởi chính ở Chùa này, hồi xưa, các cụ các ông các bà đốt nhang mà nhang quá trời, rồi mù mịt hết, rồi có một lần nó bị cháy tại chân nhang nhiều quá, ở giữa nó đốt cháy. Từ đó, Thầy thấy sức khỏe không tốt mà cháy nhà nguy hiểm, bảo hiểm không có đền đủ đâu, rồi mình phải đóng tiền bảo hiểm nhiều nữa và bảo hiểm nó không cho mình làm điều đó. Thì Đức Phật cũng đặt cho chúng ta một cái bảo hiểm bảo đảm rằng mình có đời sống an lạc, mạnh khỏe, nơi cái tâm, tâm thiện và từ bỏ những cái ác để đừng để bị động tâm. Cho nên, chị cứ làm sạch sẽ đi. Còn quý Thầy hướng dẫn đó là nhắc lại lời người xưa. Phật dạy :“Lời ta dạy mà không tư duy coi chừng biến thành tà pháp”. Ta phải suy nghĩ phù hợp trong từng thời đại.
Cho nên, theo như Bảo Thành, chị cứ dọn dẹp tùy ý cho sạch sẽ, lau chùi cho sạch sẽ, đó là sự kính trọng tổ tiên ông bà và bàn thờ. Và tránh sự cháy lửa, cháy nhà, hoặc là tránh cái hơi khói quá nhiều không tốt, dọn dẹp bàn thờ. Lúc nào cũng dọn dẹp bàn thờ, y như dọn dẹp tâm thức qua sự sám hối mỗi một ngày, mỗi một giây. Mà Chánh niệm tức là dọn dẹp tâm ta sạch sẽ mỗi một giây, một khoảng khắc, mỗi một sát na. Thì lau chùi bàn thờ như vậy, mỗi ngày mỗi lúc khi thấy dơ đều tốt thưa chị. Và cái lời của quý Thầy hướng dẫn như lúc nãy nói đó là lời người xưa đã thực hiện. Còn chúng ta ở thế kỷ 22, sự tư duy, suy nghĩ khác biệt. Đừng nặng gánh người xưa mà không phổ cập những cái thông tin mới. Xin cám ơn câu hỏi của chị! Dạ.
7. Phần lớn ngày nay là các gia đình đều có bàn thờ và nhất là những ông bà lại càng chú ý đến cái chuyện bàn thờ và cúng bái vào những cái ngày rằm mùng một, cuối năm và các ngày Tết thế. Nhưng mà có một thực trạng hiện nay là các cái khu chung cư ,nhà cao tầng thì có rất nhiều nhà là không làm bàn thờ thì cái việc mà không có bàn thờ như thế có phạm ý gì không ạ? Có sai gì với các vị tổ tiên không? Thì Thầy cho con rõ một chút có được không ạ? Dạ, con xin đội ơn Thầy ạ!
Trả lời:
Dạ, đời sống ngày nay của những người dân thành phố cũng như chúng ta thấy những nước ngoài cũng vậy có những nhà thuê, chung cư thuê, nơi đó họ cấm hoàn toàn những điều đó. Cái bàn thờ là nơi kính nhớ tổ tiên, thắp nhang cúng bái, tốt, rất tốt. Truyền thống này rất cao cả mà nếu như chúng ta có nhà riêng tư có thể lập được một bàn thờ để kính nhớ tổ tiên, hướng về những cái lời Thánh đức của ông bà cha mẹ, Phật dạy, và con cái noi theo chúng ta nhớ đến cha mẹ mà sau này con cái sẽ nhớ đến chúng ta là cội nguồn. Đó gọi là thân giáo, chúng nhìn qua những cái gì ta làm và chúng học từ cái nhìn đó. Ở những nơi chung cư, những cái nhà mình thuê, hoàn cảnh khác biệt với cái nhà riêng của mình, hoặc khác biệt với cái nhà không phải là chung cư, ta không thể làm được bàn thờ hoặc không có bàn thờ. Chỉ cần ở trong lòng của mình kính nhớ tổ tiên và có cái bàn thờ nơi tâm, tức biết thờ ông bà cha mẹ, kính nhớ tổ tiên bằng cái tâm luôn luôn gắn kết, rồi ở nơi cái chung cư ấy mình làm như vậy chẳng phạm vào điều gì hết, lại tăng trưởng phước báu.
Dịp Tết, dịp lễ, dịp cuối tuần, nhớ đến ông bà, có thể đơn giản nghĩ đến làm những món ăn ông bà mình thời xưa thường thích ăn. Không phải mình cúng vậy để ông bà về ăn, nhưng như vậy để tưởng nhớ ông bà hồi xưa ăn món đó, đã từng mớm cho mình ăn để mình thành người, thành tài, nay làm một mâm cơm hoặc ba chén cơm hoặc một chén cơm, đặt lên một cái bàn đơn giản ngay chỗ mình ăn thôi, cho sạch một chút. Mình vừa ăn vừa nói: ông bà ơi, con nay ăn có bữa ngon lắm, con mời ông bà, con lúc nào cũng nhớ tới lời dạy của ông bà. Vậy thôi là đã đủ rồi, như một sự tưởng trưng để nhớ là đủ. Còn nếu không được nữa, mình dọn một cái chỗ nào đặc biệt, để một cái bàn ở một cái góc nào, một chỗ nào đặc biệt tương đối kính trọng, sạch sẽ rồi lập một mâm cơm cúng lên. Không cần thắp nhang nếu nơi đó không cho phép, hoặc thường thường trầm hương thì tốt hơn. Một chút trầm hương đó rồi mình tỏ lòng kính ơn ông bà tổ tiên là đã đủ, không phạm gì hết. Cái phạm duy nhất mà Đức Phật dạy là đừng phạm vào những điều ác. Tâm thành kính nhớ đến ông bà, nơi những hoàn cảnh sinh sống, Ngài Phổ Hiền gọi là “hằng thuận chúng sanh”, hằng thuận nơi môi trường, nơi quốc độ, nơi hoàn cảnh, thuận hảo với mọi nơi, giữ tâm thanh tịnh, kính nhớ tổ tiên, chân thành đón nhận và luôn luôn giữ ở cái trạng thái luôn cân bằng như vậy thì tạo được phước báu, công đức vô lượng. Còn cái bàn thờ nếu có nơi tư gia hãy nên làm để giữ cái truyền thống qua thân giáo, con cái nhìn thấy mà nhớ đến ta sau này. Dạ thưa cô!
8. Thầy ơi, Thầy cho em hỏi là em bình thường hay thắp hương thì em thắp tiền thật, xong rồi em xin em tiêu. Ở ngoài kia thì em thấy mọi người toàn là vàng bạc rồi đốt, người ta thắp gạo và muối rồi rắc linh tinh dọc đường thì em không biết là làm như vậy là đúng, hay người ta thắp gạo, thắp vàng bạc hay là đúng Thầy?
Trả lời:
Dạ thưa chị, chị làm cái gì mà tâm chị cảm thấy an và hạnh phúc. Còn người ta làm gì kệ họ, không để sự dẫn dắt phong tục tập quán, kiến thức, thói quen của người khác ảnh hưởng đến sự quyết định trong an lạc và hạnh phúc của riêng mình. Người ta cúng vàng bạc, muối, vàng mã, muối, người ta cúng cơm cúng gì đó là chuyện của họ. Chị cúng tiền thật là cách của chị. Ngài Phổ Hiền dạy tuỳ hỷ cúng dường, hằng thuận chúng sanh. Mỗi người mỗi kiểu, căn cơ khác biệt, phong tục tập quán, suy nghĩ, hành vi đều khác. Không vì cái khác, chấp mà phiền não, chẳng vì cái khác dẫn dắt mà ta đánh mất cái lập trường tối ưu của mình.
Bây giờ hỏi cúng tiền thật có gì không? Chẳng có gì hết, mình đặt bàn thờ, mình bỏ ra một triệu một tram, bao nhiêu cũng được. Tiền của mình mà, mình đặt lên bàn thờ mình nói với ông bà : “Ông bà ơi, đây là mồ hôi nước mắt con tạo ra đồng tiền này, xin ông bà chứng minh cho. Đồng tiền của con làm cực khổ hoặc đồng tiền của con kiếm được bằng những phương pháp lương thiện ấy, con xin ông bà chứng minh đồng tiền của con con làm bằng cách rất là chân thật, ông bà chứng minh”. Ông bà chứng minh xong. Chứ không phải cái đồng tiền đó ông bà xài cái đồng tiền, tiền đô hoặc tiền Việt, tiền Châu Âu, tiền này tiền kia. Cái đồng tiền chỉ là mệnh giá quy định của quốc gia nơi mình sống. Ông bà không cần cái điều đó. Nhưng ông bà chẳng phải vì cái điều ấy mà ta có phước, nhưng vì cái tâm chân thành kính nhớ tổ tiên, đồng tiền đặt lên bàn thờ một cách kính trọng, tiền thật, ông bà ơi chứng minh cho con, rồi mình mang mình xài dưới sự chứng minh của ông bà, mình hạnh phúc lắm. Bởi vì được ông bà chúc phúc cho cái thành quả, cái công của mình bỏ ra có được đồng tiền đó, rất tốt mà, đâu có sao. Nhiều người bảo: trời ơi, cúng mà bằng đồng tiền kì quá. Không sao! Đó là cách làm của chị, chị thấy yên tâm. Và cái tâm chân thành nhờ ông bà chứng minh cho những nghĩa cử chỉ làm một cách rất thiện, ông bà đều hoan hỷ. Người ta rải muối, người ta cúng tiền vàng mã, rần rần rần rần, múa lân múa trống rồi nhảy múa lung tung, đó là của người ta. Hãy làm điều gì đơn giản nhất mà mình có thể bằng cái tâm chân thành dâng lên ông bà qua những lễ nghi cúng kiến đều tốt đẹp hết. Hằng thuận có nghĩa đừng chấp nhất, đừng dính mắc, và đừng để bị dẫn dắt bởi những người khác qua những thói quen, tập tục, kiến thức hoặc những cái điều họ làm. Hãy làm với cái tâm của mình, dạ thưa chị.
Dạ thưa chị trước khi kết thúc Bảo Thành xin chuyển một cái lời đến với các bạn. Trong ngày cuối năm, ai cũng bận rộn và làm nhiều điều mình sắp đặt, hãy làm bằng cái tâm thành kính, hãy làm bằng cái tâm chân thành, chân thật, hãy làm bằng cái tâm thiện, tâm bình đẳng. Sử dụng ái ngữ dễ thương, thiện lành trong tất cả các mối tương tác, giao hảo tiếp cận với người quen cũng như người không quen để chúng ta giữ được cái tâm quân bình tỏa sáng sự an lạc, hạnh phúc cho nhau. Dạ xin chúc phúc tất cả mọi người.