Bảo Thiện đánh máy
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube, Facebook và Zoom.
Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, lan tỏa tình yêu thương, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con nguyện xin chư Phật tiếp dẫn chư vị hương linh của Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho chúng sanh an lạc và thế giới hòa bình. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của mình, toàn thân buông thư, lưng, cổ và đầu giữ ngay ngắn, thẳng và buông lỏng. Trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào nhẹ nhàng chậm rãi, phình bụng, thở chậm rãi hóp bụng vào và tổng trì mật ngôn. Khi chúng ta tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác quán với chánh niệm của hơi thở, chúng ta sẽ tiếp nhận được năng lượng vi diệu, tha lực của chư Phật, phối hợp nhịp nhàng với tự lực của hơi thở chánh niệm, mỗi người chúng ta sẽ nhận thấy và thấu rõ được cuộc đời của chính mình, chúng ta bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho cháu của thầy Bảo Tịnh Đức và nguyện xin mời phương chư Phật, chư Bồ Tát gia trì cho cháu có một cuộc giải phẫu viên mãn.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Các bạn đồng tu thân mến! Tại sao chúng ta phải đồng tu? Tại vì mỗi người chúng ta đều có nhân duyên đặc biệt, nhận thức rằng đồng tu đưa tới sự sáng của trí tuệ, phát triển được tình thương và có một đời sống tỉnh thức. Để từ đó chúng ta làm chủ mọi cảm xúc, làm chủ tâm và làm chủ cuộc đời. Chúng ta có nhân duyên rất đặc biệt, nhận diện được lời của Đức Phật dạy có thể ứng dụng vào mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời, để tăng trưởng sự bình an hạnh phúc cho mình và cho những người trong gia đình. Để xây dựng một cộng đồng xã hội nhỏ tại gia hoặc một cộng đồng lớn hơn trong thôn xóm, xã hội ta đang sống, từ ấy mỗi người chúng ta đồng tu với nhau. Đúng! Trên đời này việc gì cũng cần phải tu học, việc gì cũng cần phải có một sự quyết tâm dõng mãnh để đưa mình vào một lịch trình, một khuôn khổ tự lực, tự tu. Và sự đồng tu là sự sách tấn hỗ trợ nhau trên con đường tự lực tự tu, rất hay. Đồng tu san sẻ được năng lượng từ người này qua người kia, đồng tu lan tỏa được năng lượng từ các bạn đồng tu tới với nhau. Khi mà chúng ta buông bỏ sự đời trong những giây phút đã chọn để tu, tiếp nhận năng lượng của chư Phật, chư Bồ Tát, lấy năng lượng tình thương thắp sáng trí tuệ, lấy sự sáng của trí tuệ để luôn tỉnh thức, quán chiếu, rất đặc biệt.
Mỗi một ngày trôi qua và khi đêm tới với mọi người, vùi đầu trong giấc ngủ, biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra, tốt xấu buồn vui có đủ, ngày qua ngày ta vẫn như thế. Người đồng tu là biết nhìn thẳng vào từng giây phút đang sống, chẳng dồn đến cuối ngày mới hồi tưởng lại. Người đồng tu là người sống thật với từng khoảnh khắc trong cuộc đời, chẳng đợi đến cuối đời mới hồi tưởng. Ta đồng tu để sống thật với chính mình, với kiếp người ta đang hiện diện nơi đây, một đời sống có sự gắn kết qua mật thiền hơi thở chánh niệm. Như một phương tiện đưa ta tiếp cận và tiếp nhận được năng lượng của Phật, của Bồ Tát, dung thông với vũ trụ trời đất, để phá mê, phá chấp, tháo gỡ những ràng buộc từ nhiều đời mà ta đã tự cột chặt mình vào trong tham sân si. Sự đồng tu còn có lợi là giúp cho chúng ta có được sức mạnh nội tại, gọi là nội công thâm hậu để đứng vững khi nghịch cảnh tới với ta. Nghịch cảnh từ thân và tâm linh, ta vững vàng, vững chãi, ta xử lý phù hợp, ta ổn định tâm và ta vẫn an vui, dù cho muôn trùng nghịch cảnh bất như ý xảy ra. Nội công trong sự đồng tu còn giúp cho chúng ta ứng hiện từng thời khắc khi thuận cảnh tới, để tăng trưởng phước báu và công đức.
Phải tu và phải thực hành, nếu không tu, không thực hành chỉ dựa dẫm trên lý thuyết tin tưởng và hiểu biết, khi sự việc xảy ra thật khó mà xử lý. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, đó là câu nói ở đời, có nghĩa nếu ta có sự thực tập, tập luyện thực sự thì khi đụng chuyện ta sẽ không bị thương tích tổn hại, nhưng nhất định phải đổ mồ hôi, phải mệt sức, phải gia công tu luyện. Điều này nói đến rằng nếu mỗi người chúng ta không thực tập tu, không thiền định trong pháp thiền, phương tiện phù hợp với căn duyên hoặc tu tập các pháp phương tiện phù hợp với căn duyên của mình, thì khi những chuyện của vô thường, Sinh – Lão – Bệnh – Tử tới ta nhất định sẽ buồn, sẽ khổ. Khổ nhiều, buồn nhiều hay ít là tùy vào công năng tu tập của mỗi người.
Nói đến điều này để đi về với câu hỏi của bạn tu, bạn hỏi một câu rất là con người. Bạn nói bạn nghe bác sĩ thông báo bạn đã bị ung thư giai đoạn 3, nghe như vậy như tiếng sét ngang tai, sợ hãi vô cùng và sợ chết. Tại sao ông trời lại đối xử với bạn như thế?
Khi câu hỏi này được đặt ra, mỗi một người chúng ta đều có một sự phản kháng khác biệt tùy theo suy nghĩ, nhưng thật ra nó mới nằm ở chiều hướng suy nghĩ, cảm nhận sơ sài trên bề mặt để phản ứng quá nhanh. Có nhiều bạn trách móc đã là người tu, hiểu được lý vô thường, biết ung thư sao còn khổ, còn sợ, còn sợ chết, còn trách móc ông trời. Câu nói này ai cũng nói được, nhưng nếu nói như vậy thì chính là một kẻ vô cảm. Nói nghe hay nhưng nếu thực tế bản thân của mình, nghe bác sĩ của mình nói bệnh ung thư giai đoạn cuối, lúc ấy mới biết được.
Trên võ đài sanh tử bệnh hoạn và chết, mang đôi găng tay của Thiện – Ác, nhìn rõ đối thủ là tử, là sinh, là bệnh, lúc ấy mới thể hiện được sức mạnh của người luyện võ, đôi găng tay thiện ác kia ta xử lý như thế nào? Còn xuôi xuôi ở dưới cổ vũ cho tinh thần được hiểu, được biết, mà không nằm trong trận đó, tình huống đó thì nói sao cũng được. Khi câu hỏi được đặt ra nhiều bạn mang những lý lẽ chẳng có sự đồng cảnh, đồng sự thông cảm, mang chân lý ra nhẹ nhàng để an ủi người bệnh hoạn, mà thường, như gáo nước lạnh tạt vào mặt người bị bệnh, tu mà còn than. Nói thật dễ nhưng không dễ như vậy.
Bảo Thành đã từng đi từ thiện ở bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn, từ chỗ mà các em thiếu nhi cho tới những người lớn. Vô trong đó không cầm được nước mắt các bạn ơi! Thấy cả gia đình lao đao, lận đận, khổ sở vì con, vì người nhà bệnh ung thư nằm trên giường, chắc chắn là chờ chết. Bởi phương tiện của Việt Nam tiền đứng đầu, những người bệnh không có tiền, nông dân nghèo khổ hoặc miền quê ít tiền, chắc chắn là phải chờ, chờ thủ tục đóng tiền mới được cấp cứu hoặc được giúp đỡ. Vậy phần đông những người nghèo bệnh ung thư là hầu hết ôm đau đớn, cắn răng mà chịu qua từng ngày và người nhà sẽ bị bào mòn tiền tài, sức lực và trí tuệ trong những ngày tháng chờ đợi người thân ra đi, rất đau lòng.
Vẫn biết vô thường sanh diệt tới lui, nhưng đã là con người có cảm tình đối với nhau, nào ai trong chúng ta có đủ sức mạnh nhìn rõ vào Sinh – Lão – Bệnh – Tử để tự tại đâu. Nếu chúng ta nhìn thấy sự vô thường, quán chiếu sâu để thấy được các pháp vô thường sanh diệt tới lui như vậy, mà thành tựu được tâm vững chãi, an trụ, không điên đảo, thì chúng ta đã là một vị Bồ Tát rồi. Nhưng chúng ta là người đang thực hiện Bồ Tát đạo, có nghĩa là những sinh lão bệnh tử xảy ra cho mình vẫn ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc. Và Bồ Tát đạo trong Bồ Tát hạnh là chúng sanh vui mình vui, chúng sanh buồn mình buồn, hiểu thấu lý vô thường để đồng san sẻ, an ủi với nhau trên con đường thành tựu được trí tuệ, nhìn thấu để không còn những chướng ngại điên đảo nơi ấy. Nhưng trên con đường thực tập sự an ủi người bệnh hoạn, mang tình thương để san sẻ và mang chân lý để dìu dắt nhau từng ngày vượt qua những sự đau đớn của thân, như chứng bệnh ung thư thời kỳ 3, là chuyện rất cần. Đừng vô tâm đứng ngoài quăng lên trên mạng hoặc dùng miệng nói ra những ngôn từ như ta đây đã chứng đắc, thấu vô thường rồi, ung thư có gì mà đau mà khổ, không vui sống đi.
Cha của Bảo Thành chết vì ung thư ở tuổi 95, ung thư gan, phát hiện ra trong vòng một tháng ông cụ mất. Nhưng trong tháng ấy lúc đầu ông cụ cũng sợ, nhưng cái sợ của ông cụ tới rất chậm bởi ông cụ là người có công phu tu luyện và rồi sợ hãi đó biến mất, chỉ còn là sự an tịnh, mỉm cười vui đùa với con cháu chẳng chút sợ hãi. Bảo Thành vẫn coi lại những thước phim trong giai đoạn cuối của ông cụ khi con cháu về nói chuyện, vỗ về, an ủi, miệng rất tươi, tâm rất tỉnh dù cho thân xác tiều tụy đi từng ngày. Coi những thước phim đó mới thấy được cha của mình vẫn là một vị anh hùng đi trước, để cho ta quán chiếu về tâm không sợ hãi trước nghịch cảnh của thân bệnh. Ung thư mà, biết chỉ còn trong 6 tháng, nhưng ông cụ biết chắc rằng mình chẳng phải 6 tháng đâu. Vẫn còn những thước phim trong những ngày cuối ông cụ bình tĩnh chia sẻ. Bảo Thành đã hỏi “Cha có sợ không?”
Cha nói không sợ bởi đã lớn tuổi, nhìn thấy biết bao nhiêu người như ông bà, cha mẹ, bạn bè thân quen đồng tuổi hoặc những người quen biết nhỏ tuổi đã ra đi, nên cái chết hình như đã được nhìn thấy quá nhiều và công phu quán chiếu sự chết có công dụng giữ cho ông cụ bình tĩnh. Phải công phu mới có được sự bình tĩnh khi thân mang bệnh ung thư các bạn ơi, còn không khó mà đương đầu.
Bảo Thành lại có một người Phật tử ung thư giai đoạn cuối, nằm trên giường thoi thóp thở. Bảo Thành tới thăm hỏi “Cụ có sợ gì không?”
Ông cụ nói “Không, đời là vô thường”
Một câu dõng mãnh, nhưng câu nói đời là vô thường không sợ này thật là tuyệt vời và hào hùng, bởi vì sao? Bởi câu nói ấy nói từ một người đang bệnh ung thư máu, đang chờ chết. Còn nếu như ai đó không có bệnh ung thư, chỉ nói sẵn để phản kháng lại người ung thư đau khổ, sợ hãi, sợ chết kia, thì người đó thật vô tâm. Bảo Thành đã gặp biết bao nhiêu các căn bệnh ung thư khi đi thăm trung tâm ung thư để an ủi những người quen, người trong gia đình, người ngoài gia đình, người Phật tử và thấy rằng mỗi một lần đi như vậy khó cầm lòng, cảm xúc thật sâu lắng, buồn và đau như người đang lâm bệnh. Các bạn! Đừng phản ứng quá nhanh để viết lên những lời trách móc người kia sao không hiểu vô thường, sợ chết mà oán trách ông trời. Nhưng hãy lấy câu hỏi này như một đề mục thiền quán, để rèn luyện tâm của mình cho dõng mãnh và tăng trưởng phước báu, công đức, để hồi hướng cho người lâm bệnh kia, đừng trách họ.
Các bạn, một tôn giáo bạn là đạo Thiên Chúa có một ý tưởng rất hay, mà Bảo Thành hồi nhỏ đã được học qua và thực hành, cũng như gần gũi với các bạn đạo Thiên Chúa thấy đó là một ý tưởng rất hay. Tạm gọi là một đề mục thiền định tuyệt vời, nhưng không dùng ngôn ngữ thiền định và đề mục. Mỗi khi các bạn thuộc tôn giáo bạn Thiên Chúa bị bệnh ung thư hoặc bị những căn bệnh hiểm nghèo, họ luôn luôn được khuyên bảo và tâm niệm rằng căn bệnh này là thánh giá của Chúa trao, là thánh giá của Chúa trao cho họ, nên họ hoan hỷ, họ vui vẻ và họ hạnh phúc đón nhận. Đây là một đề mục tuyệt vời, vì sao thánh giá Chúa trao? Thánh giá bởi vì Chúa chết trên thánh giá và chúa vác thập tự giá để gánh vác tội lỗi cho con người. Và hình ảnh vác thánh giá đó là công cuộc cứu chuộc nhân loại khỏi đau khổ.
Cho nên hình ảnh vác thánh giá và hình ảnh được trao thánh giá để vác cho chúa, cùng với chúa, mang ý nghĩa cao đẹp vô cùng. Có nghĩa rằng mình khi bị bệnh ung thư đau khổ, nghịch cảnh tới họ chiêm niệm, họ chiêm nghiệm, tức là họ quán chiếu, họ tĩnh tâm, họ suy niệm, tức là tư duy đó các bạn, ngôn ngữ khác thôi, đừng cãi nhau về bề mặt ngôn ngữ. Rằng những trường hợp như vậy là được Thiên Chúa trao thánh giá, nghĩa cho rõ ràng, nghe cho rõ bạn sẽ thấy thật tuyệt vời. Có nghĩa họ là người được tuyển chọn để thông phần vào ơn và sự cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa, hay không? Rất hay! Họ bệnh, họ đau, họ khổ, thì họ nghĩ họ rất may mắn được Chúa chọn lựa, là người được tuyển chọn để thông phần vào với ơn cứu chuộc, để thông phần vào với con đường cứu chuộc nhân loại, có nghĩa là được Chúa mời gọi vào cùng với Chúa đi cứu khổ cứu nạn chúng sanh.
Một đề mục rất hay, đề mục này có nghĩa là Chúa đã mời gọi họ cùng với Chúa vác thánh giá, thập tự, sự khổ đau nơi thân xác này để cứu chuộc chúng sanh, cứu khổ cứu nạn chúng sanh, tầm thinh cứu khổ. Hình ảnh này chính là hình ảnh của Bồ Tát đạo, hình ảnh của Thiên Chúa như chúng ta nghĩ chính là hình ảnh của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, Thiên Thủ Thiên Nhãn đại bi tâm, đã mời gọi chúng ta thành ứng hóa thân của Ngài để tầm thinh cứu khổ. Nếu thay đổi ngôn ngữ đứng vào cái thế của người Phật tử, ta lấy đề mục của thân bệnh ung thư giai đoạn 3 này, đừng oán trách ai và nghĩ như vậy ta đã được Mẹ Quán Thế Âm, ta đã được bậc Thiên Thủ Thiên Nhãn, Đức đại từ đại bi, ta đã được trung thiên giáo chủ Bổn Sư Thích Ca, chư Phật mười phương, chư Bồ Tát khắp nơi mời gọi chúng ta. Mời gọi chúng ta quán chiếu cái bệnh, cái tử, Sinh – Lão – Bệnh – Tử trong Tứ Thánh Đế như lời Phật dạy. Quán chiếu ngay hiện tượng đó đang xảy ra nơi thân, tâm của ta. Để từ đó ta có thể giải cứu sự đau khổ, phiền não nơi chính mình. Ta được Phật, ta được Bồ Tát mời gọi, gửi một thông điệp dự phần vào chính công cuộc cứu chuộc bản thân, qua hiện tượng rất thực là tâm và thân đang bị bệnh, dù dưới bất cứ một căn bệnh nào, một hoàn cảnh ngặt nghèo nào, tất cả chỉ là đề mục để tu luyện.
Ông trời chẳng trừng phạt bởi ông trời luôn luôn có lòng thương chúng sanh. Chúa chẳng trừng phạt, Phật, Bồ Tát chẳng trừng phạt. Người học Phật phải quán chiếu, phải tu mới có đủ nội công và sức mạnh đứng vững khi sự việc đó xảy ra với chính mình, đặc biệt với căn bệnh ung thư. Nếu bạn không tu tập quán chiếu thì bạn thật khó đứng vững. Lý vô thường nói thế nào đi nữa dưới bất cứ một sự lập luận theo tất cả mọi giải pháp tâm lý, tâm linh, ngôn ngữ dù có khác biệt nhưng đồng quy về chỗ là phải tu, phải tập, phải luyện. Bạn than trách như vậy chắc chắn bạn ít tu tập, điều này thông cảm được. Bạn nên tiếp cận với các bậc tôn túc hoặc những bậc lãnh đạo tâm linh, tinh thần trong tôn giáo bạn theo, để được trợ giúp, an ủi, san sẻ, hướng dẫn từng bước một để tháo gỡ sự đau đớn, phiền não nơi tâm. Mà dõng mãnh trực diện nhìn thẳng vào căn bệnh mình đang mắc vào, đang có. Bạn cần sự giúp đỡ và mọi người khi nghe sẽ luôn luôn hồi hướng cho bạn, thông cảm với bạn, hiểu được bạn.
Đối với chúng ta hãy lấy đây như một bài học để nhìn vào lời của Đức Phật một lần nữa cho sáng tỏ. Phật dạy sinh lão bệnh, chữ bệnh ở đây là hằng hà sa những thứ bệnh, rồi đi đến sự chết, là vô thường, là chân lý, là sự thật không ai có thể trốn được. Vậy nên ai trong chúng ta cũng phải bước qua bốn chặng đường đó, trong suốt vòng tròn sanh tử luân hồi. Quán chiếu vô thường qua sự thực tập mỗi một ngày ngồi xuống tọa thiền chánh niệm hơi thở, quán chiếu thật sâu, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, nhìn thấu vô thường, khổ, vô ngã. Chỉ có công phu và chỉ có sự thực tập mới giúp cho chúng ta đủ mạnh, để vượt qua đau khổ của thân khi lâm bệnh và khi nghe bác sĩ nói ta bị bệnh ung thư thời kỳ 3, hay thời kỳ cuối, hoặc là ung thư đang ngồi chờ chết. Dù không ung thư thì mỗi một người trong chúng ta đang ngồi, đang nằm, đang đi, đang nói, đang cười để chờ chết, bởi kết quả của mỗi người là sự chết, đó là điểm cuối trong vòng sanh tử, rồi lại sanh lão bệnh tử, cứ thế mà vần xoay.
Đừng nghĩ rằng người ung thư kia là sắp chết, mà chúng ta nào ai có biết mình sẽ chết lúc nào và cũng có thể ứng vào câu chúng ta sắp chết. Cái sắp của người ung thư có thể là ba đến sáu, đến một năm. Cái sắp chết của chúng ta có thể là chỉ một giây, một khắc, một ngày, một năm tùy vào thọ mạng do phước báu và công đức của chúng ta. Vậy nên các bạn cẩn thận, đừng cười người hôm trước hôm sau người cười, đừng vội trách, đừng vội mang những chân lý ảo diệu trên mặt ngôn ngữ để phang vào mặt những người mới khám phá ra họ bị bệnh ung thư thời kỳ 3 hay thời kỳ cuối. Chúng ta phải biết đồng hành, đồng sự, chúng ta phải biết thông cảm và tri ân, chúng ta phải biết san sẻ và an ủi nhau, hồi hướng cho nhau sức mạnh.
Qua đây nhắc nhở mọi người thấy rằng dù ở bất cứ một tôn giáo nào đi nữa đều có chân lý, đều có một điểm ưu tú cho người đang bị bệnh quán chiếu. Đối với người Thiên Chúa thì họ quán chiếu rằng căn bệnh đó là thánh giá chúa trao, là ơn kêu gọi thông phần của sự cứu chuộc, họ vui vẻ, hoan hỷ đón nhận căn bệnh trong niềm an lạc. Còn đối với người Phật tử chúng ta phải hiểu rằng đây đúng rồi, Phật đã nói về sinh lão bệnh tử không ai tránh được, đây là sự thật, chân lý của sự thật. Và cũng phải lấy đề mục rằng Phật và Bồ Tát đang dẫn dắt chúng ta vào một sự trải nghiệm thực tế nơi bản thân, để thấy rõ bệnh và chết. Mượn ngay cái bệnh cái chết này, đau đớn của thân xác này, phiền não, đau khổ của tâm và tinh thần này, trở về với chánh niệm hơi thở. Dù nước mắt có chảy, dù tâm rất đau khổ cũng phải bình tĩnh quán chiếu, hít vào thở ra, gần gũi các bậc thiện tri thức, các Sư Cô, các Thầy, các bậc thượng tọa đại đức Tăng Ni, các bậc hòa thượng, tất cả. Để được san sẻ, được thông cảm, được an ủi và được trợ lực về mặt tinh thần, cũng như hướng dẫn về sự quán chiếu để có thể vượt qua, rất cần.
Và cũng nhắc cho mỗi người chúng ta hãy cố gắng tu và đồng tu, tu luyện mỗi một ngày quán chiếu về lời Đức Phật dạy sinh lão bệnh tử. Trong chánh niệm của hơi thở phát triển tình thương và thắp sáng đuốc tuệ để nhìn thấu vô thường, khổ và vô ngã. Để sống tỉnh thức khi khỏe, khi yếu, khi bệnh, khi vui, khi buồn, khi nghịch cảnh, khi thuận cảnh, khi thành công hay thất bại, khi khen, khi chê, khi được, khi mất. Ta phải thực tập để có nội công thâm hậu mà đương đầu, để dù dưới bất cứ một hoàn cảnh, một tình cảnh nào xảy ra cho chúng ta, nhờ công phu tu tập ấy mà ta được tự tại an vui. Hãy nghĩ đến những người bệnh, hãy thăm viếng những người bệnh, bởi vì phúc cho những ai biết an ủi người bệnh hoạn và phước cho những ai biết hồi hướng công đức cho những người bệnh hoạn. Các bạn xin hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Nếu không công phu tu tập khi chúng con trực diện với những nghịch cảnh, những đau khổ của thân bệnh, của thất bại, của tất cả, chúng con sẽ đau khổ lắm. Chúng con phát tâm miên mật tu tập hàng ngày để tăng trưởng Chánh Định và nỗ lực vượt qua mọi thử thách để có Chánh Kiến nhìn thấu lý vô thường, để thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc bất cứ trong hoàn cảnh nào, thời gian nào. Xin Phật gia trì cho chúng con. Chúng ta cũng hồi hướng công đức cho người chị dâu của cô Eileen vừa qua đời, nguyện xin chư Phật phóng quang tiếp dẫn hương linh của chị dâu cô Eileen
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho tất cả những người bệnh và những người vừa quá vãng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)