Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên YouTube, Facebook và zoom.
Mời các bạn chúng ta đồng quy ngưỡng về ba ngồi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác để thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con trong những ngày cuối năm cũng nguyện cầu chư Phật tiếp dẫn hương linh của Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, tất cả những người thân đã quá vãng. Đặc biệt nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống trong tư thế vững chãi, buông thư toàn thân, lưng, cổ, đầu buông lõng nhẹ nhàng. Trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào bằng mũi phình bụng thật nhẹ, chậm rãi tùy sức, thở ra thì hóp bụng cũng y như vậy, quán chiếu thân tâm của mình tiếp nhận năng lượng. Năng lượng Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, năng lượng của Trí Tuệ thấy rõ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, năng lượng của sự Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Hơi thở của chánh niệm tổng trì các mật ngôn, mỗi người chúng ta sẽ tiếp nhận được tha lực của chư Phật, năng lượng vi diệu để chuyển hóa thân tâm. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Các bạn thân mến! Chỉ có ít phút thôi trở về với chánh niệm của hơi thở, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, trì mật ngôn quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Vậy mà Bảo Thành tiếp nhận được quá nhiều năng lượng từ chư Phật, nhiều lắm. Thấy thân tâm thư thái, thấy trong lòng nhẹ nhàng, thấy hoan hỷ, hình như thấy tươi ra và gắn kết được với cuộc sống rất chân thật chung quanh mình, với môi trường, với mọi người và với ngôi chùa tổ đình Xá Lợi thân thương. Mỗi một ngày diễm phúc nhất của Bảo Thành là được ngồi cùng với các bạn, trở về với hơi thở của chánh niệm, phương pháp phương tiện vi diệu Đức Phật truyền dạy, lắng đọng tâm tư, lắng nghe thân tâm của mình, gạt bỏ những chấp trược, buông thư toàn diện để mang năng lượng nguyên thủy tự tánh Phật sưởi ấm tình thương bao la, khai thông cái nhìn cho rõ, hòa nhập vào với vũ trụ, với Phật, với Bồ Tát.
Thật là tuyệt vời, để từ đó có được sức mạnh nội tại, đứng vững trước biết bao nhiêu nghịch cảnh thử thách, dù cho bão tố có tới lòng vẫn luôn luôn hoan hỷ, vui tiếp nhận. Chính vì thế bão tố của cuộc đời dần tan, nghịch cảnh của cuộc đời dần xuôi. Cứ như vậy từng ngày qua tháng lại, nhọc nhằn, đau khổ, phiền não, ưu tư của cuộc đời tìm hoài hiếm mà thấy được hiện diện trong đời sống hàng ngày. Nhiều người gặp Bảo Thành và nhiều bạn, nhiều Sư Cô, nhiều Thầy làm việc với Bảo Thành cứ nghĩ Bảo Thành là vô lo. Nhưng thực ra trên đời này có gì để lo nếu như chúng ta đã nhìn thấu. Mật thiền chánh pháp Phật nương vào phương tiện của hơi thở chánh niệm Thất Bảo, bảy thứ quý nhất ở trên đời, một trong bảy thứ đó mà hiện thời ba thứ ta đang soi sáng tâm của mình, mài dùi đánh bóng để ứng dụng vào đời thường của muôn người. Chẳng phân chia là tu sĩ xuất gia, hay cư sĩ tại gia, Phật tử của chúng ta.
Đó chính là ba viên ngọc cao quý, viên ngọc của Từ bi, viên ngọc của Trí tuệ, viên ngọc của sự Tỉnh giác. Tam Bảo ngọc này ngậm vào trong miệng, gắn lên trên mắt, đặt lên trên đỉnh đầu thì đời ta coi là sung sướng tuyệt vời rồi. Tại sao ngọc mà ngậm ở trong miệng, ngọc đó là ngọc Lưu Ly Từ bi. Người có ngọc Lưu Ly Từ bi biết ngậm vào trong miệng, thì miệng ấy tuôn ra châu ngọc, biến thành những ngôn ngữ trong sáng, thiện lành, dễ thương, từ ái, để cho ai đó ở đời này hay cho chính mình đang đau khổ phiền não, thì ngọc lưu ly từ bi kia ngậm trong miệng đó sẽ phun ra, sẽ nhả ngọc ngôn ngữ tuyệt vời, đau khổ phiền u nào còn nữa. Cho nên người tu mật thiền của chúng ta nhất định thâu đêm suốt sáng, cả ngày trong mọi tương tác nghĩ, ngủ hoặc làm việc đều phải ngậm viên ngọc lưu ly từ bi Mu A Mu Sa nơi miệng.
Bạn cứ chiêm nghiệm đi sẽ thấy kỳ diệu. Bạn cứ chiêm nghiệm đi bạn sẽ thấy được sự mầu nhiệm. Bạn cứ chiêm nghiệm đi bạn sẽ thấy được phép lạ xảy ra thực sự trong cuộc đời. Nếu như trong miệng của bạn ngậm viên ngọc lưu ly từ bi Mu A Mu Sa. Sẽ có thêm bạn bớt thù, sẽ có lợi lạc cho cuộc sống, sẽ chữa lành hằng hà những vết thương trong trái tim, sẽ ngăn chặn sự rỉ máu của quằn quại đau đớn và sẽ làm cho thân bằng quyến thuộc trong gia đình, cũng như bạn bè hoặc những người tương tác trong xã hội lúc nào cũng vui mừng, hạnh phúc. Ngọc lưu ly từ bi Mu A Mu Sa là món quà vô giá để mỗi người chúng ta nhận được ngậm vào trong miệng. Khi ngậm miệng trong tinh thần của ngôn ngữ tình thương, dễ thương, quán chiếu tâm từ bi Mu A Mu Sa mà Bảo Thành vừa gọi đó là ngọc lưu ly từ bi, ta sẽ không tạo ra khẩu nghiệp nữa mà tạo được thật nhiều phước báu công đức. Bởi ngôi lời của chúng ta là ngôi lời tình thương. Tại sao gọi là ngôi lời, nó lên ngôi rồi, lên ngôi lời của tình thương và ngôi lời ấy tuôn ra châu ngọc rất hay.
Rồi tại sao ta có một viên ngọc nữa phải gắn lên trên mắt. Thực ra ở đời vô lượng kiếp qua đôi mắt của ta đã bị mù lòa bởi tham ái tham dục. Đôi mắt của ta đã mù lòa bởi chấp trược, bởi si mê. Đôi mắt của chúng ta đã mù lòa bởi ghen tị, bởi ích kỷ, bởi sân si, giận hờn, bởi oán thù, bởi bon chen, bởi hơn thua. Mù hết rồi, chúng mình bị mù rồi cho nên không thấy đường để đi. Do vậy thấy núi cao của đau khổ phiền não, đâm đầu đào hố chui vào núp kín ở trong, phong tỏa tất cả mọi con đường, chẳng sao mà thoát được. Do vậy mật thiền chánh niệm hơi thở Phật pháp vi diệu đưa chúng ta trở về, phải có được viên ngọc thứ hai gắn vào trong mắt để được sáng đó là ngọc Lưu Ly Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Viên ngọc Lưu Ly Trí tuệ này giúp cho chúng ta có cái nhìn đúng, có sự suy nghĩ sáng suốt, thẩm thấu tất cả mọi hiện tượng trong cuộc đời, phân rõ chánh tà, đúng sai, gạt bỏ những rắc rối phiền não, sàng lọc sự tinh túy trong cái nhìn rõ, thấu và biết.
Ngọc Lưu Ly Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, người tu mật thiền nếu gắn vào trong con mắt người ấy sẽ không bao giờ vấp té và giả sử như nghiệp chướng nhiều đời tạo thành những hầm hố, gai góc, gạt chân ta té xuống thì ta cũng đứng dậy, đứng dậy thẳng người hiên ngang đi vào đời bởi có ngọc Lưu Ly Từ bi ngậm trong miệng, bởi có ngọc Lưu Ly Trí tuệ gắn vào mắt. Và viên ngọc thứ ba là viên ngọc vô giá, đó là ngọc Tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê đặt lên trên đỉnh đầu để thong dung với trời đất, gắn kết với Phật, Bồ Tát, hòa mình vào với vũ trụ. Chẳng tách biệt bởi những ý phàm, ái nhiễm trong đời, rất hay. Người có ba viên ngọc lưu ly này là ba bảo bối đi vào đời, ngọc lưu ly Từ bi ngậm nơi miệng. Ngọc lưu ly Trí tuệ gắn vào mắt. Ngọc lưu ly Tỉnh giác đặt lên trên đầu. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác là ngọc Lưu Ly tuyệt vời mà chúng ta cần phải ý thức nhận diện ra. Mật thiền đưa chúng ta hiểu được giá trị như vậy và bắt đầu đi vào sự mật hạnh tu tập, ứng dụng làm cho đời tươi sáng, lành mạnh, làm cho ta trở thành người hùng của chính mình. Bạt sông, bạt núi, di sơn dời hải, đặt chân vào cõi Niết Bàn tại thế, nơi gia đình, nơi cuộc sống, nơi kiếp phận làm người hiện tại.
Bạn tu hỏi “Bạn rất dễ chán nản, vẫn biết kiên trì là rất tốt nhưng làm sao để kiên trì?”.
Câu hỏi này là câu hỏi thực tế được khảo sát trong cuộc đời của mỗi người, chẳng cần nói đến tôn giáo. Đã là người ai ai cũng cần phải tu luyện sự kiên trì. Bởi cuộc đời không đẹp như một bài thơ có vần, có ngữ để ta ngâm nga trong đời. Bởi cuộc đời không phải là một con đường đẹp trải hoa, trải thảm để ta đi. Mà cuộc đời là những khúc khuỷu đau thương, là những hầm hố chông gai, là những nghịch cảnh thử thách, là những thất bại ê chề. Và như thế sự kiên trì cần phải được rèn luyện. Trong cuộc đời này mỗi một ước mơ, mỗi một điều ta mong muốn sẽ thành công, còn không sẽ không bao giờ nếu thiếu sự kiên trì. Chúng ta có cái kiểu là thích những bậc giáo sư, những nhà diễn thuyết, những người làm kinh tế hoặc những ai đó có tiếng tăm hoặc thâu lượm, gắn kết những ngôn ngữ của người này, những triết lý, triết học của người kia tạo riêng cho mình một thế đứng và thế là thao thao bất tuyệt nói hoài không ngừng về sự kiên trì.
Bạn cứ lên Google bấm vào sự rèn luyện kiên trì, biết bao nhiêu người như là những bậc thầy, bậc giáo sư hoặc bạn này, bạn kia thâu góp khuyên bảo kiên trì phải như vậy, kiên trì phải như kia. Bạn tìm được thế giới ngày nay trên không gian mạng, kiến thức nào mà không có. Bạn học trên đó đủ rồi, nhưng học ở trên mạng đó là cái học của phàm phu, học nơi cái thấy của con người lắp ráp như nhạc rap vậy. Của những kiến thức thâu lượm, cắt xén làm riêng cho mình để tô điểm cho cái gọi là một nhà minh triết trong thế gian. Nhất định các bạn đã tìm biết bao nhiêu sách vở để đọc rèn luyện sự kiên trì rồi, nhất định các bạn sẽ hỏi han rồi, đã hỏi han, đã thực hành rồi. Nhất định các bạn đã nghiên cứu để tìm coi làm sao rèn luyện sự kiên trì. Vì sao? Vì trong đời của các bạn đã từng thất bại, trong đời của các bạn đã từng chán nản như người bạn tu. Vẫn thấu rõ kiên trì là tánh tốt mà chán nản, làm việc gì cũng không có giữ vững tâm. Và hỏi làm sao để kiên trì từ đó thôi thúc bạn tìm hiểu thật nhiều rồi.
Nhưng mấy ai trong đồng tu của chúng ta mới, mấy ai là các bạn theo Phật giáo tin tưởng vào Phật. “Con quy y theo Phật, con nhận Phật làm Thầy, con nhận giáo pháp của Phật làm kim chỉ nam để tu học”.
Thế nhưng có khi nào bạn tìm tới Phật để học cách tu luyện tánh kiên trì chưa? Và bạn có khi nào hỏi Phật có dạy ta tánh kiên trì hay không, cách rèn luyện nó hay không? Ít khi nào bạn hỏi Phật có dạy hay không? Mặc dù khi quy y ta nói con quy y Phật, con nhận Phật làm Thầy. Phật được chúng ta nhận làm Thầy thì bậc Thầy đó phải là vì chúng ta luôn chạy tới để xin sự khai thông, hướng dẫn. Nhưng không rèn luyện kiên trì kia và tất cả mọi đức tánh làm người, những kế sách thành công trong cuộc đời, chúng ta chỉ rượt đuổi theo những nhà minh triết, thương gia, bán lời bán chữ, kiếm tiền nuôi thân.
Thế là theo phong trào của những giáo sư, của những thầy giáo, của những bậc này bậc kia, chạy ngược chạy xuôi, đi đây đi đó xây dựng hình ảnh, tên tuổi, tốn tiền mệt sức. Nhưng mà nào bạn có thể thay đổi đời sống đâu, dù bạn có tiền chất thành núi. Nhưng trong ngôi nhà nhỏ của bạn vẫn thiếu ấm tình thương, bởi cả cuộc đời lăn xả vào chỉ tìm cho miếng cơm, miếng áo, miếng nước để sống, chứ mấy ai đầu tư vào một tài khoản chứng khoán vi diệu là tài khoản của Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác mà Đức Phật đã ưu ái dạy cho chúng ta.
Nói sơ qua một chút xíu về người mẹ trong ngày cuối năm. Rồi chúng ta sẽ nhận thức trở lại lời Đức Phật dạy có sự kiên trì. Hãy nhớ một cô thiếu nữ độ mười tám tuổi xuân, hai mươi, hai mươi hai hoặc hơn nữa, chỉ là một thiếu nữ mỏng manh có thể mới ra trường đại học hoặc chưa, hoặc có thể mới đi làm. Nhưng khi đã lập gia đình với một người bạn đời rồi, người thiếu nữ ấy nào có bươn chãi trên đời nhiều đâu, kinh nghiệm gì nhiều đâu, rất thơ. Một thiếu nữ đẹp và hồn nhiên bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ, lập một mái ấm gia đình với người bạn đời, rồi có một người con sinh ra trong tình yêu của vợ chồng. Làm sao đây, người mẹ là thiếu nữ đột biến qua một thời nay trở thành người mẹ ấy, mặc dù mang tiếng là người mẹ được nâng cấp có chức danh là mẹ, nhưng thực ra vẫn chỉ là một người thiếu nữ mỏng manh yếu đuối.
Thế mà người thiếu nữ đó vượt qua muôn trùng thử thách, cạm bẫy của cuộc đời, nghịch cảnh của cuộc sống, hầm hố, còn biết bao nhiêu những trái ngang, đứng vững để nuôi con, dồn hết tâm lực để nuôi con, dạy dỗ con. Từ những công việc chẳng bao giờ học, lăn xả vào đó để rồi bàn tay năm ngón xanh xao thơ mộng của người thiếu nữ trở thành sần sùi, chai sạn, để rồi bàn chân mỏng đẹp của thiếu nữ ấy trở thành chân cứng đá mềm vượt qua tất cả. Để vòng tay nhỏ bé kia có thể bao trùm cả biển trời, mang yêu thương cho con và trước mắt người phụ nữ là mẹ ấy là biết bao nhiêu điều chưa bao giờ được thực hiện, chưa bao giờ được học nhưng vẫn dũng cảm bước vào.
Vì đâu? Vì tình yêu vô thượng của mẹ, phải dùng chữ vô thượng, tình yêu vô thượng của mẹ dành cho con, thế nên người con gái, người thiếu nữ nay trở thành mẹ đã có đầy đủ hành trang tư lương vào đời, như một thiên thần hùng dũng xua tan mây mù trên trời, lộ ánh tình thương dẫn đường con đi, vượt qua thử thách để thành nhân, thành tài. Tình thương của mẹ đã giúp cho người phụ nữ, tình thương của người mẹ lại giúp cho người con gái khi rời xa cha mẹ ruột của mình có đủ tánh kiên nhẫn, kiên trì, kiên định, vén màn thử thách của cuộc đời xông pha bước vào để lót đường cho con đi. Tình yêu vô thượng của mẹ thể hiện sự kiên trì, kiên định. Mẹ là thiên thần hộ mệnh của cuộc đời, là thiện thần hộ pháp cho những đứa con. Mẹ là thể hiện sự kiên trì can đảm.
Nếu những người còn khéo một chút nhìn vào mẹ, đời sống của mẹ sẽ nhận ra mẹ có tánh kiên trì, để rồi mẹ có những tư duy đột phá, dẹp hết mọi chướng ngại vươn lên, để rồi mẹ làm chủ được mọi cảm xúc của thất bại, của vấp té, của trầy trụa, của thương tích đứng dậy thẳng đầu tiếp tục đi. Để mẹ từ đó có một cái nhìn thấu suốt hơn, nghiên cứu hơn, dấn thân hơn. Bởi nơi mẹ có tình yêu vô thượng, hình thành nên tánh kiên trì của sự trải nghiệm thực tế. Đôi khi chúng ta không nhìn rõ nhưng mẹ có cả và đôi khi chúng ta đã dùng ngôn ngữ phủ lấp những lời dạy của Phật. Hãy nhớ chặng đường nuôi con đã cần sự kiên trì như thế nào để người thiếu nữ trở thành một người mẹ, một vị thiên thần hộ pháp có tình yêu vô thượng.
Thì chính Đức Phật dẫn dắt chúng ta đi trên một con đường còn dài hơn con đường nuôi con nữa, là con đường đi tới sự giải thoát của sanh tử luân hồi. Nuôi con vất vả biết bao rồi, nuôi con có biết bao nhiêu thử thách rồi. Con đường ấy, con đường làm mẹ với thiên chức là thiện thần hộ pháp, là bậc, là đấng có tình yêu vô thượng. Luôn luôn phải tự mình rèn luyện tánh kiên trì còn không sẽ bị gục ngã và đứa con yêu của mình sẽ chơ vơ giữa đời đau đớn lắm. Đức Phật, Đức Phật là mẹ của chúng sanh, là Thầy của muôn loài, là bậc toàn giác giác ngộ, không bao giờ Ngài để cho chúng sanh bơ vơ như đứa con lạc lõng, Ngài luôn quan tâm và con đường của Ngài thấy, Ngài thấy thật rõ con đường Ngài đã can qua cần phải có sự kiên nhẫn mới có thể thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Và bài học đầu tiên Đức Phật dạy cho nhân loại, cho chúng sanh, cũng là bài học rèn luyện tính kiên trì, kiên nhẫn, kiên định. Nhưng có ai để ý đâu, các bạn đi rèn luyện tánh kiên trì của mình lục lọi sách vở, tìm tòi những giáo sư, những người nói hay, những người vẽ vời, lượm lặt những ngôn ngữ phù hợp trong thời đại như một phong trào cho bạn đắm đuối hay quá, hay quá. Nhưng nào bạn áp dụng trọn vẹn cả đôi bên, kiên trì trong cuộc sống và kiên trì trên con đường tu thoát khỏi luân hồi sanh tử đâu. Có chăng chỉ là một sự dốc lòng, dốc tâm hi sinh cuộc đời, tìm kiếm miếng ăn miếng uống, chết rồi thì lại vào trong luân hồi sanh tử. Con đường rèn luyện tính kiên trì của Phật không những lợi lạc cho đời sống vật chất, tinh thần của kiếp người đầy đủ phước báu và công đức, có vật chất để nuôi thân với phận kiếp làm người và có đầy đủ sự tích phước để thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Sự rèn luyện kiên nhẫn đó, kiên trì đó được Đức Thế Tôn dạy đầu tiên tại vườn nai cho năm anh em Kiều Trần Như. Trong Tứ Thánh Đế phần 4 gọi là Đạo Đế – Bát Chánh Đạo, con đường thoát khỏi sanh tử dài dăng dẵng và vô lượng kiếp qua ta đã thất bại, rơi xuống đau vô cùng, để thoát khỏi con đường đó cần phải có sự kiên trì. Sự kiên trì đó phải được rèn luyện và để rèn luyện tánh kiên trì đó, để có được tánh kiên trì chúng ta phải thực hành qua tám bước, tám con đường gọi là bát chánh đạo hoặc tám bước. Bước thứ nhất là chánh kiến có nghĩa là một cái nhìn đúng. Làm sao chúng ta có một cái nhìn đúng, có một suy nghĩ đúng? Nhìn đúng, suy nghĩ đúng tức là chánh kiến và chánh tư duy. Không ai mà có thể nhìn đúng nếu không có trí tuệ, không ai mà có thể tư duy đúng, chánh tư duy tức là suy nghĩ đúng mà không có trí tuệ. Bạn thấy chưa có trí tuệ mới có thể có cái nhìn đúng, mới có thể có suy nghĩ đúng. Chánh ngữ mới có thể có những ngôn từ đúng.
Ở đâu ra? Ở ngay trong Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê. Rèn luyện sự tỉnh giác để có trí tuệ nhìn thấu, ứng dụng ngôn ngữ từ bi thì người ấy có cái nhìn đúng, suy nghĩ đúng, ngôn ngữ đúng. Có được sự kiên trì giải thoát luân hồi sanh tử phải kiên trì. Những việc vụn vặt trong đời này nương vào tám con đường Bát Chánh Đạo mà có được sự kiên trì đều thành công hết. Từ cái nhìn đúng, suy nghĩ đúng, ngôn ngữ ứng dụng đúng đó, ta trở thành người nỗ lực đúng, phấn đấu đúng mức để chọn cho mình một cách sống, một nghề nghiệp đúng. Một cách sống đúng, một nghề nghiệp đúng để bây giờ đi đến sự kiên định đúng tức là Chánh Định đây.
Kiên định, kiên trì và tận hưởng cuộc sống thật đúng, tốt đẹp trong từng phút giây như người mẹ vượt qua muôn trùng thử thách. Mẹ phải suy nghĩ sáng suốt, mẹ phải có cái nhìn đúng, mẹ phải dùng những ngôn ngữ thật đẹp để mớm cho con, mẹ phải chọn cho mẹ một sự nỗ lực vượt qua, bởi từ một người thiếu nữ thành mẹ có gánh nặng trách nhiệm nuôi con và gia đình. Mẹ nỗ lực đúng lắm và mẹ chọn một cách sống đúng hơn, rời bỏ tất cả những cách sống khác để trở thành cách sống thanh cao của người mẹ và mẹ phải chọn một nghề nghiệp phù hợp để nuôi dưỡng con cái. Từ đó mẹ đã có sự kiên định là Chánh Định, mà hạnh phúc trong từng phút giây chánh niệm để ôm ấp con qua vòng tay như thế. Người mẹ đã có đủ Bát Chánh Đạo, người mẹ đã thực hiện đúng tám phương pháp Đức Phật dạy nhưng không gọi những danh từ Phật pháp cao siêu của Bát Chánh Đạo – Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh tinh tấn, Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh định, Chánh niệm.
Nếu nói theo kiểu của Bảo Thành bây giờ các bạn nghe chướng tai, gọi là rườm rà quá đối với thế nhân, đối Phật tử tại gia, đối với con người không theo Phật Giáo, ba cái thứ đạo đó nghe cộm tai, cái gì mà chánh, chánh, chánh, chánh hoài. Nơi người mẹ chưa bao giờ sử dụng chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định, chánh niệm, nhưng chắc chắn người mẹ đã ứng dụng suy nghĩ đúng, cái nhìn đúng, sử dụng ngôn ngữ đúng, chọn nghề nghiệp đúng và cách sống nuôi thân đúng, có một sự kiên trì chánh định tức là kiên trì đúng và biết sống chân thật qua từng phút giây chánh niệm. Có nghe mẹ nói đến Bát Chánh Đạo đâu, nhưng mà đời của mẹ đã đủ Bát Chánh Đạo và trong đời của mẹ đã có chữ kiên trì là Chánh Định.
Các bạn thân mến! Nuôi dưỡng tâm từ bi vì sinh con ra mẹ có sự gắn kết với con bằng tình thương gọi là từ bi, để rồi mẹ sáng trí tuệ suy nghĩ đúng, nhìn đúng, ứng dụng đúng ngôn ngữ, chọn nghề nuôi thân, kiên trì tận hưởng từng phút giây của cuộc đời khi có con. Bát Chánh Đạo là thế, nếu chúng ta hiểu thấu như vậy thì Đức Phật là bậc Thầy vô thượng rồi. Ngài đã dạy rèn luyện sự kiên trì qua Chánh Định tuần tự qua tám bước tu của đạo đế Bát Chánh Đạo. Hiểu thấu được điều này trở về với sự công phu mật thiền chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ bi Mu A Mu Sa, tâm Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh giác qua Ma Sa Ốp Uê từng ngày chỉ 5 phút đến 10 phút hoặc vào phòng zoom này với Bảo Thành có mật mã 9999 và ID 323 888 9999 chúng ta đồng tu với nhau, sách tấn nhau. Đi buôn có bạn đi bán có phường, đi tu có những bạn đồng tu sách tấn. Mỗi một ngày chúng ta đều tu bởi mỗi một ngày thức dậy đều cà phê cà pháo, đều ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Thì sự ăn uống cho đời sống tâm linh qua rèn luyện tâm linh, tu luyện không thể bữa có bữa không. Mỗi ngày đều phải có, phải miên mật như vậy. Và đồng tu với nhau cũng là sự rèn luyện tính kiên trì, bởi nơi ấy ta nuôi dưỡng tâm Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác.
Ta thực hiện tám bước của Đức Phật dạy của Bát Chánh Đạo, nhìn đúng, suy nghĩ đúng, một cái nhìn sáng suốt, một sự suy nghĩ sáng suốt và ứng dụng ngôn ngữ dễ thương để nỗ lực đúng mức, vượt qua những thử thách, chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp với năng khiếu, với tư chất, với kiến thức và chọn cho mình một cách sống thong dong và tự tại để kiên trì vượt qua tất cả mà sống hiện hữu trong từng phút giây của cuộc đời. Đó chính là sự chuyển dịch ngôn ngữ của Bát Chánh Đạo vốn có nơi người mẹ, biến một cái từ một thanh nữ, một thiếu nữ mỏng manh, biết bao nhiêu ước mơ, biết bao nhiêu cái đẹp hiện hình trong một chút tình yêu, biến thành người mẹ có tình yêu vô thượng. Chẳng nói, chẳng tô điểm nhưng nơi người mẹ đó đã có Bát Chánh Đạo, đã có đầy đủ những phương thức rèn luyện tánh kiên trì.
Những ngày cuối năm này nương vào câu hỏi này chúng ta lại trở về với mẹ để yêu mẹ hơn, bởi nơi mẹ có Bát Chánh Đạo, bởi nơi mẹ có tánh kiên trì, bởi mẹ là tình yêu vô thượng cho con nương vào để vượt qua mọi thử thách và lời dặn của mẹ như bài hát hôm nay ta nghe lúc đầu. Bạn nghe lại đi hay vô cùng do nhạc sĩ Bảo Nghy và cô Khánh Ly hát hãy đứng lên, hãy đứng dậy làm người, hãy đứng dậy. Phật đã dạy cho chúng ta hãy đứng dậy trong Bát Chánh Đạo để làm người, vượt qua hằng hà vô lượng kiếp sanh tử để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Bát Chánh Đạo – tám con đường thánh, tám bước thực hiện. Đức Phật là bậc thầy đã dạy thực hiện đúng ta sẽ có tánh kiên trì vô thượng. Các bạn hãy trở về với Phật và học nơi Phật để có sự kiên trì đúng mức qua tám bước của Bát Chánh Đạo. Và người đã học đã thực hiện được và đã thành công chính là những người mẹ, tri ân mẹ. Chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Chúng con đã nương vào Ngài, nhận Ngài làm Thầy và Ngài đã nhìn thấu làm gì để chúng sanh có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tám bước trong Bát Chánh Đạo rèn luyện sự kiên trì đã có sẵn, phẩm hạnh đó hiển lộ thật rõ nơi người mẹ yêu thương của chúng con. Xin Phật gia trì cho chúng còn biết quay trở về nhìn rõ phẩm hạnh cao cả của mẹ và nhìn thấu những lời dạy của Phật để miên mật tu tập, để có tánh kiên trì không chán nản, thành tựu được pháp an lạc và hạnh phúc cho mình để lan tỏa tới muôn người.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa yêu thương.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)