https://youtube.com/live/0997NMqwf6E
Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên các kênh YouTube, Facebook và Zoom. Giờ tu đã tới, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền Chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Chúng con cũng đồng nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật chứng minh.
Mời các bạn ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm Mật Thiền quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Từng hơi thở vào ra thật nhẹ nhàng, chậm rãi, vừa sức, hít vào ta phình bụng, thở ra ta hóp bụng, tổng trì mật ngôn với một lòng thành kính, tâm chân thành và tiếp nhận năng lượng lan tỏa đến tất cả những người ta yêu thương.
Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Các bạn đồng tu thân mến! Đức Thế Tôn dạy thế này: Nếu như cái cây nó nghiêng về bên phải, nhất định khi nó đổ nó sẽ đổ về bên phải, còn nếu như cái cây nó nghiêng về bên trái thì nhất định khi đổ sẽ đổ về trái. Không thể nói cây nghiêng về bên phải mà lại đổ về bên trái. Mà cũng chẳng thể có cây nghiêng về bên trái mà lại đổ về bên phải. Điều này đúng, đúng trên con đường tâm linh, đúng với sự tu luyện của tinh thần, đúng với sự huân tập của thể chất. Và rất đúng và phù hợp bởi khoa học đã chứng minh điều đó là tất yếu, là một định lý, không thể chối cãi được. Chúng ta đồng tu là bắt đầu chọn lựa cho mình để nghiêng về bên phải hay nghiêng về bên trái giữa cuộc đời vần xoay cám dỗ, thử thách, yếu đuối và dễ phạm tội. Ta tu là sách tấn, lắng nghe và bắt đầu nghiêng cứu, vận hành sự hiểu biết vào đời sống. Ta chọn lựa con đường tu của Mật Thiền, đây là mật pháp Chánh niệm hơi thở nghiêng về bên phải, nghiêng về lẽ phải, nghiêng về chân lý thường hằng bất biến, đó là nghiêng về phía của Từ Bi, Trí Tuệ, của sự Tỉnh Giác. Dù cho bão tố của cuộc đời đã xô đẩy, biết bao nhiêu lần ta đã nghiêng về bên trái của tà pháp, của ác pháp, của bất thiện, của những điều sai trái, lầm lỗi. Nhưng kể từ khi ta đồng tu, kể từ khi ta nghe được pháp âm vi diệu của Phật, kể từ khi nhân duyên hội đủ, ta cùng với nhau tiếp cận chân lý, học hỏi cùng với những bậc tôn túc đáng kính, các vị hoà thượng, thượng toạ tăng ni, các bậc tri thức, hoặc học hỏi được trên mạng, trên Youtube, Facebook, trên Zoom, trên kinh điển, sách vở ta có cơ may đọc, nghe, nhìn thấy. Phương tiện nào, hoàn cảnh nào đưa chúng ta tiếp cận với chân lý để huấn luyện cuộc đời mình nghiêng về phía lẽ phải, chân lý của sự giải thoát đều là cao cả, tốt đẹp. Thử thách có nhiều đấy, nghịch cảnh có nhiều đấy, nhưng với một lòng quyết tâm, thử thách kia, nghịch cảnh kia ta vẫn có thể vận hành được chúng theo ý muốn của mình. Bởi tâm được huấn luyện và làm chủ có cái sức mạnh thay đổi toàn bộ định mệnh, số mệnh, thói quen, nhân cách, phẩm cách không phù hợp trở thành tốt đẹp hơn.
Mật thiền Chánh pháp lấy nước Từ Bi cam lồ của mẹ Quan Âm tình thương bao trùm cả vũ trụ tưới tẩm vào thân tâm của chúng ta mỗi một ngày. Mật thiền Chánh pháp Phật lấy ánh sáng Trí Tuệ của nhận rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã để phá đi mọi chấp trược, tham dục tham ái, lìa xa các pháp ác. Mật thiền Chánh pháp Phật chọn con đường Tỉnh Giác để thực tu, để mỗi một ngày trôi qua hay mỗi giây phút hiện tại chúng ta luôn sống trong sự tỉnh thức.
Giác: là Phật, Mê: là chúng sanh. Tỉnh Giác là người có Trí Tuệ, u mê là vô minh. Sống trọn vẹn với sự tỉnh thức là đang bước ra khỏi vùng tối tiếp cận với ánh sáng. Khi tiếp cận được với ánh sáng của Trí Tuệ, mỗi người chúng ta luôn luôn tiếp nhận được năng lượng tình thương và lan tỏa năng lượng đó tới muôn loài. Chúng ta nhất định không cần biết cái nghiệp dày cỡ nào, bao nhiêu kiếp qua hoặc kiếp này trong bao nhiêu năm qua đã giày vùi, xô đẩy chúng ta bầm dập té vào bên trái của các pháp ác, các pháp bất thiện. Những điều tội lỗi và yếu mềm đã xua đuổi chúng ta cứ lấn sâu vào đó, cũng không sao. Vì hôm nay khi nghe được những cái lời này, thì nhất định ta phải dùng toàn lực toàn tâm, dồn toàn bộ cái dũng khí của mình giữ mình thật vững và phải luôn luôn nghiêng về bên phải, bên chân lý của sự giải thoát.
Mật thiền Chánh pháp Phật là một phương tiện vi diệu thực tập để uốn nắn cuộc đời của mình trở lại. Người cao hơn, Thiện – Ác chẳng màng cứ đứng giữa mà đi. Nhưng phàm phu, Phật tử tại gia, và như Bảo Thành cùng các bạn chẳng thể đứng ở giữa Thiện – Ác mà đi, bởi rất dễ nghiêng về điều ác. Do vậy mà ta phải nhất định nghiêng về bên cái pháp thiện lành trước để có cái sức mạnh sau này mà giữa hai bờ Thiện – Ác vẫn tự tại mà đi. Phải từ từ từng bước, phải huân tu tập luyện và phải mỗi một ngày dành cho mình thời gian rõ ràng thực tế với cái mật hạnh tu tập hành Mật Thiền Chánh pháp. Nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ lại một lần nữa sau bao nhiêu kiếp, sau bao nhiêu năm trời sa ngã, tội lỗi bất thiện có cơ hội đứng vững trở lại, hướng theo cái thiện, nghiêng về chân lý của Phật tự giải thoát mình.
Các bạn thân mến! Một bạn đồng tu hỏi Bảo Thành rằng: “Trong tâm rất muốn ăn chay nhưng thật khó cưỡng chế những đồ ăn mặn, làm cách nào để giữ được chay?”
Y như cái đầu ta nói: “Ta muốn thiện hay muốn ác?”. Thông thường cái điều ác ta chẳng muốn mà chúng ta dễ nhào vào bởi mê. Còn điều thiện ta thật muốn, nhưng đứng ở bờ tối tăm thấy đường đâu mà đi? Lòng thật sự muốn ăn chay nhưng thấy mặn cám dỗ chịu không nổi, sụp đổ hoàn toàn, thế là một ngày chay, hai ngày chay, một tuần chay, một tháng chay, một năm chay phải bỏ để ăn mặn. Nếu bạn đã nói bạn muốn thì bạn phải nuôi dưỡng cái ý muốn đó từ cái điều chỉ muốn mà thôi thành một cái lời nguyện để có cái nguyện lực. Trong nhà Phật: Tín, Nguyện, Hạnh. Nguyện, nếu bạn không phát nguyện ăn chay mà chỉ muốn ăn chay thôi thì đây cũng tốt rồi, nhưng mới ở cái điểm đầu khởi lên sự muốn mà thôi. Khi ta khởi lên mong muốn một cái điều tốt như ăn chay, hành các pháp thiện, tu tập dưỡng tánh, hành thiện, từ thiện, san sẻ yêu thương, phóng sanh. Muốn là điểm khởi đầu, nhưng để thực hiện được bạn phải phát nguyện. Chữ “phát nguyện” đó có thể nói rất đơn giản là phải thề hứa với lòng mình, dù có thử thách cỡ nào, dù các đồ mặn có đưa tới mũi, ngửi thấy nồng nặc, thơm, muốn té xỉu thì cũng phải giữ cho vững. Khi có lời thề, khi có lời nguyện nó có cái lực. Nhà Phật gọi là “Nguyện lực”. Còn muốn, mới còn sơ sơ thôi, làm sao chịu được cái sự cám dỗ của đồ mặn.
Các bạn có biết giá trị của ăn chay không? Ăn chay khỏe cho thể chất của chúng ta, không chất chứa quá nhiều các chất đạm, dư giả thịt cá. Khi chúng ta ăn mặn nhất định dư các chất ấy, tạo ra nhiều cái sự biến chứng mà cơ thể bệnh hoạn nhiều. Ngày xưa khi ăn mặn, các thứ ăn mặn còn rất thiên nhiên, cũng bệnh hoạn nhưng ít hơn. Ngày nay các đồ mặn thường là để phục vụ cho đời sống con người cho kịp với cái chiều hướng kinh tế phát triển kiếm tiền. Các loài thú được nuôi dưỡng tẩm bổ bằng các chất độc, bằng các chất hóa học để kích thích sự phát triển nhanh, mạnh, to béo để bán kiếm lời trong thời gian nhanh. Và như vậy khi chúng ta ăn quá nhiều các chất mặn như thế không sạch, các chất hóa học tồn đọng dư ở trong thú vật sẽ bắt đầu chuyển vào tàng chứa trong cơ thể, làm đột biến các hoóc môn bình thường của con người. Thế là ngày nay ta thấy biết bao nhiêu những cái chứng bệnh lạ xảy ra như ung thư, đột quỵ, mỡ trong máu… đủ mọi thứ hết. Mà hầu hết khi tới bác sĩ, khoa học ngày nay đều khẳng định: Chúng ta đã nhồi nhét đồ mặn quá nhiều bởi những loài thú vật.
Trong cái nền kinh tế 4.0 phát triển để có tiền, được nhồi nhét các loại hoóc môn quá cỡ, từ đó thức ăn thấm vào trong người đột biến hoóc môn của chúng ta, mất đi sự thăng bằng tạo ra bệnh. Hiện tượng này thấy rõ ở các nước mới phát triển giàu có thuở xưa ăn rau cỏ, ăn cây trái, hoa quả và các loại mình nuôi bằng thực phẩm sạch, sạch sẽ, tinh sạch. Nhiều khi Bảo Thành còn nhớ: Các cụ mình hồi xưa một tháng may ra mới có đồ mặn, còn không hầu hết là ăn rau, củ, quả. Nếu có nuôi được thú vật thì cũng một tháng, hoặc nhà nào khá khá thì tuần một lần. Có ăn mặn nhưng không nhiều không dư, rau, củ, quả là chính. Còn thời bây giờ phát triển nền kinh tế phục vụ cái túi tiền của những người làm kinh doanh. Và sự mở rộng chúng ta cũng có tiền, đồng tiền ấy phải bồi dưỡng cho cơ thể và chúng ta nghĩ như vậy nên thường ăn mặn nhiều. Ăn đồ ăn từ những loại súc vật nhiều hơn là thực vật rau, củ, quả. Hồi của Bảo Thành ở Việt Nam không ai béo phì được đâu, nhưng ngày nay những người béo phì đầy. Hồi Bảo Thành ở Việt Nam tới nhà thương hoang vắng dữ lắm. Bảo Thành còn nhớ lúc ấy có một người anh ruột bị bệnh, Bảo Thành tới chăm sóc một năm trời, mà đi vòng ở trong nhà thương có mấy người đâu. Nhưng ngày nay nếu bạn tới nhà thương nó còn hơn chợ nữa, rầm rầm rộ rộ, kẻ trên người dưới, nằm ngang nằm ngửa, đủ mọi loại bệnh. Hồi xưa bác sĩ ít, nhà thương ít, ít người. Ngày nay bác sĩ nhiều, y tá nhiều, nhà thương nhiều, bệnh hoạn còn nhiều. Vì đâu nên nỗi? Vì chúng ta ăn xả dàn, xả kho, chẳng tiếc đồng tiền để ăn, cũng chẳng thương tiếc những cái thân này phải lâm bệnh. Cho nên nếu ăn chay được rau, củ, quả nhiều đầu tiên là tốt cho sức khỏe.
Mà cái phong trào nhận thức khoa học này đã lan rộng cả thế giới. Ngày nay chẳng cần phải theo đạo Phật, họ đã bắt đầu ăn chay bằng cách ăn rau, củ, quả thật nhiều. Đó chính là lời khuyên chân thành của các bác sĩ sức khỏe dinh dưỡng ngày nay. Mà Đức Phật ngày xưa Ngài Giác ngộ, Ngài cũng trở thành bác sĩ dinh dưỡng đầu tiên hướng dẫn cho người ta cố gắng ăn chay. Cộng thêm, cái ăn chay nó còn khỏe cho tinh thần nữa các bạn ạ. Những người ăn mặn thường hay cáu gắt, sân giận, bực bội. Cái tính nóng như loài thú. Bởi đúng mà! Ta sẽ là gì đối với những gì ta ăn uống. Ta ăn uống gì ta biến thành điều đó, cái thứ đó. Ăn thú vật nhiều cái tánh thú của chúng ta tiếp thu cái năng lượng của thú, ta sẽ trở thành thú, có tánh thú sân giận, tham dục, tham ái, nóng nảy, khó chịu, khó kiềm chế bản thân. Và kiểm định lại khoa học cũng chứng minh thật rõ khi chúng ta ăn thịt súc vật thật nhiều, tánh tình nóng nảy và dễ cáu gắt, mau già, yếu đuối, tinh thần dễ bị sụp đổ. Nói theo tinh thần của nhà Phật thì nếu như chúng ta ăn súc vật nhiều thì phạm giới sát sanh, tạo nghiệp. Nghiệp sát đó có cái năng lượng sẽ tạo ra những cái quả tai họa về thân, về tâm bệnh và rất nhiều những chuyện ngang trái, nghịch cảnh xui xẻo sẽ xảy ra. Nhân quả là thế. Ăn chay, khoa học chứng minh được tốt cho sức khỏe là thể chất, thể xác, tốt cho tinh thần, và tốt cho tâm linh. Đức Phật đã khuyên cái điều ấy và đặc biệt đối với các Phật tử tại gia. Ăn chay là một mục đích trên con đường tu luyện và là bước đầu cũng như chính là cái nền tảng vững chắc để không tạo nghiệp sát, giữ cái tâm linh sáng suốt để tinh thần được sáng, được lành mạnh để thân xác được khỏe mạnh mà bảo vệ cái phương tiện thân người ứng dụng Phật pháp tu tập hằng ngày, giải thoát tự thân của chúng ta.
Làm sao ăn chay, ăn chay được khi muốn nhưng gặp mặn cứ thích hoài? Rất dễ! Bước đầu tiên phải chuyển hóa cái sự muốn ăn chay thành cái hạnh nguyện ăn chay, thề nguyện ăn chay. Thề nguyện ăn chay, nguyện hạnh ăn chay này với mục đích là sẽ không tạo nghiệp sát. Không tạo nghiệp sát không phạm giới thứ nhất: “Không sát sanh”. Ta phải hiểu thấu được cái nghiệp sát và ăn chay giúp cho chúng ta giữ được cái giới thứ nhất “không sát sanh”. Hiểu thấu sát sanh tạo nghiệp nhiều, tổn phước báu công đức, thân bệnh, tâm bệnh. Tâm linh tạo nghiệp dữ lắm! Ta phát nguyện giữ giới thứ nhất nâng tầm của sự muốn hành cái giữ giới thứ nhất phát nguyện. Sau đó phải gần gũi với các Bậc ăn chay. Ăn chay không dễ mà không khó, nhưng chỉ vì chúng ta đã quen ăn mặn lâu rồi. Bỏ một ngày, hai ngày, cơ thể nó đã quen thuộc rồi nay thay đổi đột ngột, nó thúc giục, nó làm khó chịu. Đầu tiên phát nguyện rồi, bước thứ hai là phải chuyển hóa từ từ, đừng ăn chay gấp rút ngay mà bỏ rụp một cái, mà phát nguyện ăn chay có thể vào ngày đầu tháng, ngày rằm, hai ngày một tháng. Mà cho rõ và dễ kiểm tra hơn, không cần theo ngày rằm, ngày mùng một, ngày này, ngày kia, nó rắc rối lắm. Ngày xưa mình tính theo lịch như vậy nhưng bây giờ hiện đại hóa rồi, chúng ta rất là dễ nhớ. Bạn ăn chay vào ngày chủ nhật, cứ mỗi ngày chủ nhật bạn ăn bữa trưa ăn chay, tối bạn cứ để tự nhiên đi, mình tập từ từ, dục tốc bất đạt. Mỗi một chủ nhật bạn ăn chay thật dễ nhớ: Ngày đó ngày nghỉ, buổi trưa ăn chay, buổi tối hòa nhập với mọi người. Cứ như vậy một thời gian, có thể một tháng hoặc hai tháng bạn bắt đầu tăng lên, ăn chay cả ngày chủ nhật. Bữa sáng điểm tâm, bữa trưa, bữa tối ăn chay toàn diện. Như vậy một tháng bạn ăn được bốn ngày. Cứ tập như vậy, đừng vội vàng. Họ ăn chay được một tuần, một tháng, một năm, mười năm, bạn bè họ cứ rần rần ăn chay cỡ nào hoặc các thầy, các cô ăn chay cỡ nào mình cũng đừng để bị dẫn dắt, để khởi lên cái tâm ham muốn như họ để rồi bỏ cuộc giữa đường.
Một thời gian ăn chay trọn vẹn ngày chủ nhật rồi, bạn đã thấy ngon rồi đó nha. Có nội công rồi đó, có nội lực rồi đó, bạn tăng thêm nửa ngày thứ bẩy. Ăn vào cuối tuần cho dễ. Bởi bạn có thể là công nhân, là những người đi làm ở văn phòng, hoặc những người làm việc nặng, ngày cuối tuần hầu hết ta được nghỉ, ta ăn chay nó dễ. Tăng thêm nửa ngày thứ bảy rồi tăng thêm trọn vẹn ngày thứ bẩy, như vậy ta đã có tám ngày trong tháng, vào cuối tuần chủ nhật và thứ bẩy ta ăn chay như vậy. Cứ thế ăn khoảng chừng năm, sáu tháng hoặc một năm, quen dần rồi ta tăng lên, ta tăng lên, ta tăng lên. Nhất định sẽ được. Ngoại trừ những ai đó bất chợt có hạnh xuất gia phải ngừng hẳn, ăn chay nếu theo Đại thừa. Còn Nguyên thủy thì các sư bên ấy vẫn được ăn mặn nhưng ăn một bữa. Đặc biệt với Đại thừa phải ăn chay thì điều đó rất khó cho những ai mới phát nguyện. Nhưng chỉ cần cái tâm nguyện của bạn mạnh, và bạn sống trong một môi trường được dìu dắt bởi các bậc Tôn Túc, các bạn đạo, các bạn đồng tu, không có cái khó khăn nào bạn không vượt qua, nhất là trên cái vấn đề ăn chay. Câu hỏi của bạn là một Phật tử tại gia, theo như Bảo Thành đầu tiên phải suy nghĩ cái lợi hại của ăn chay và mặn như đã nói ở trên. Sau đó nâng tầm ý muốn thành nguyện, thành lời nguyện và chỉ ăn một ngày trong tuần, có thể sẽ là một buổi trong tuần vào ngày chủ nhật. Rồi tăng lên hai buổi, ba buổi. Rồi giữ vững một ngày ăn chay thứ bảy, rồi tăng lên một buổi, rồi một buổi. Cứ như thế ta tăng từ chủ nhật đến thứ bẩy, những ngày cuối tuần tăng dần, bạn sẽ thành công. Nhớ câu: “Dục tốc bất đạt”, muốn nhanh mà không tu tập thì dễ bỏ cuộc giữa đường, chậm chậm như con rùa đi tới đâu chắc tới đó. Y như hơi thở Mật Thiền: Chậm như rùa, nhẹ nhàng phình bụng, chậm như rùa nhẹ nhàng thở ra.
Ông bà xưa, tất cả những bậc cao nhân xưa cũng như Đức Phật xưa đã dạy cho chúng ta, phải rất từ từ, đặc biệt với các những Phật tử tại gia. Ăn chay có đại phước, giữ được giới thứ nhất: “Không sát sanh”. Ăn hay tốt cho tinh thần, khỏe mạnh, trong sáng. Ăn chay tốt cho sức khỏe ít bệnh hoạn. Nhất là trong cái thời đại này, hiểu thấu được như vậy, hiểu thấu được sự tai hại của ăn mặn thật nhiều, ta sẽ ngừng lại được. Và hiểu thấu được lợi ích của ăn chay, ta sẽ ra công tu luyện để vượt qua chướng ngại. Đó là lời khuyên rất chân thành và đây là sự thực tập của Bảo Thành đã từng giới thiệu với thật nhiều các bạn đồng tu cũng như các bạn khác. Họ đã trở về sự thực tập như vậy và họ đã ăn chay được. Có một số bạn ăn chay trường tức là suốt cuộc đời, điều đó đáng khích lệ. Có một số bạn ăn chay vào ngày chủ nhật, hoặc ăn chay vào ngày thứ bẩy thôi, hoặc ăn chay chỉ một bữa trong một tháng cũng là đủ, cũng là tốt. Nhưng bạn đã có ước nguyện muốn ăn chay toàn diện để không bỏ chùa mà ra đời ăn mặn nữa, hoặc không hạ sơn xuống núi mà ăn tào lao nữa thì bạn nhất định phải có một cái lịch trình huân tu thực tế rõ ràng mới đưa đến sự thành công. Còn nếu bạn chỉ hứng thú theo cái phong trào của bạn bè, của ai đó khởi lên nhào đầu vào ăn chay một ngày, hai ngày, ba ngày, một tuần luôn hứa hứa, muốn muốn, một tuần, một tháng, một năm, nhưng chỉ trọn vẹn một bữa rồi chạy trốn khỏi chùa. Bất cứ việc gì ở trên đời cũng cần có một cái lịch trình tập luyện rõ ràng. Ngày nay cái phong chào tập thể dục thể thao, người ta cần phải có huấn luyện viên riêng để đào tạo. Chúng ta tu tập cái tâm ăn chay trên cái con đường tu luyện để chuyển tâm cần phải có huấn luyện viên riêng. Huấn luyện viên riêng là ai? Là bạn đồng tu, các bậc thiện trí thức, các bậc thầy phù hợp nhân duyên. Huấn luyện viên riêng trong các môn tập luyện thể thao ta phải trả tiền nhiều, bởi đó là sự huấn luyện đặc biệt. Nhưng huấn luyện viên riêng của con đường tâm linh ta không phải trả tiền nhưng phải ra công ra sức, phải có cái đức tin, có cái lời nguyện, nhất định sẽ thành công.
Các bạn! Chúng ta trở về với hơi thở Chánh niệm.
Thưa Phật! Chánh tinh tấn là phải có từng bước, có kế sách, có lịch trình tu tập vừa đúng để tăng trưởng đều đặn. Nguyện xin Ngài luôn gia trì cho chúng con có một cái lịch trình tu luyện đúng, vừa sức để giữ được sự Chánh tinh tấn.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)