Search

3180. Chị dâu thường nói xấu con với mẹ chồng, con bực tức ghét chị ấy, nghiệp của con phải không?

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật, Bảo Thành kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên các kênh YouTube, Facebook và zoom.

Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy miên mật tu luyện mật thiền chánh niệm hơi thở, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống đặt bàn tay phải và lòng bàn tay trái, toàn thân buông lỏng nhẹ nhàng. Lưng, cổ, đầu ngay ngắn, trở về với hơi thở chánh niệm, hít vào thở ra chậm rãi, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng tổng trì mật ngôn. Quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Với tâm chân thật, một lòng thành kính, sự khiêm cung chúng ta hãy bắt đầu tiếp nhận năng lượng từ Đức Phật.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tiếp nhận năng lượng, tổng trì mật ngôn.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Con người và vạn vật sống ở tất cả mọi nơi đều cần năng lượng. Năng lượng bất tịnh, ở đó sự sống nói chung và đời sống của con người nói riêng sẽ rất khó khăn. Nếu như tiếp được năng lượng thanh tịnh, mỗi người chúng ta sẽ an và vui, dù cho bao nhiêu nghịch cảnh, những sự bất như ý xảy ra, trong ta vẫn tràn đầy năng lượng thanh tịnh yêu thương để tâm luôn sáng và tỉnh thức. Sự tỉnh thức nơi tâm trong sáng và có được tình thương là điều mọi người đều mong ước. Ở đời không phải chuyện gì mong ước cũng tự động ở trên trời rơi rụng xuống, cần phải tinh tấn, nỗ lực đúng mức mới thành tựu, mới có, mới đạt được.

Đức Phật đã nhìn thấu được điều ấy trong bài pháp đầu tiên Tứ Thánh Đế, nói về đạo đế, tám con đường đi tới sự chứng đắc, sự thành tựu có được kết quả an vui hạnh phúc, hết khổ, sầu não, bi ai. Một trong tám con đường đó là Tinh Tấn – Chánh tinh tấn, nỗ lực đúng pháp, nỗ lực đúng. Còn như chúng ta không có nỗ lực, không có phấn đấu, không có cố gắng, chẳng có gì ở trên đời này mà ta có được đâu. Hãy nhìn một cách rất thực tế vào cảnh sống của mỗi người trong đời, ta dù là ai, như thế nào cũng đều có một sự nhận xét đúng rằng, à thì ra như vậy không nỗ lực, không tinh tấn, không phấn đấu, không cố gắng, không vươn lên thì ở trên đời này chẳng có gì sẽ tới với ta.

Đồng tu mật thiền đúng với chánh tinh tấn. Một sự nỗ lực ưu ái dành riêng khung thời gian cho chính mỗi người chúng ta để chăm sóc cho đời sống tâm linh. Là Phật tử tại gia có biết bao nhiêu điều chúng ta phải lăn xả vào để làm. Vì cuộc đời, vì cuộc sống, mọi lo toan và làm tròn trách nhiệm của mình trong hoàn cảnh hiện thời khó khăn, ai cũng phải lao tâm, lao trí. Tuy nhiên nếu ta không tu tập thì chẳng thể có sức khỏe đâu. Các bạn đồng tu và Bảo Thành, cũng như các bạn có nhân duyên phù hợp, chúng ta thấu hiểu được điều ấy nên trong những năm qua chúng ta đã phát nguyện giữ thời khóa tu rõ ràng mỗi một ngày, để cùng nhau san sẻ năng lượng tiếp nhận được từ Phật Trời, Vũ Trụ. Cùng với nhau vượt khó, vượt khổ, vượt qua phiền não nghịch cảnh của cuộc đời và chúng ta là một tập thể cùng đón nhận những niềm vui trong sự thành tựu. Chúng ta thường nhắc nhở nhau phải suy nghĩ cho thật kỹ những lời Phật dạy, nhưng không ôm đồm kiến thức Phật học để biến chúng thành những món trang trí, se sua, khoe khoang với cuộc đời. Mà chúng ta học từng chút từng chút, mang vào sự tu tập nỗ lực tinh tấn để ứng dụng lời Đức Phật dạy vào cuộc sống hiện thời để chuyển hóa, để thay đổi.

Các bạn, đây là điều rất tuyệt vời, Bảo Thành và các bạn không phải là những người nghiên cứu Phật học cao siêu, nhưng là những người cần mẫn, chuyên tu miên mật, dù rất ít cũng có sự thành tựu. Y như lời Đức Phật đã dạy, một lời, một câu, một chữ của Phật dạy ai đó nghe, tư duy kỹ, tìm hiểu cho rõ, ứng dụng cho đúng thì đều có lợi lạc và kết quả là chứng đắc. Đâu cần phải ôm đồm, vơ vét biến mình thành một nơi Tàng Kinh Các, thư viện chất chứa cho nhiều kinh nhưng để lâu cho mối mọt nó ăn. Mối mọt của thời gian sẽ ăn mòn tất cả mọi kiến thức. Trong những lời Đức Phật dạy Ngài thường nhắc chúng ta, cái gì chúng ta thường tương tác sử dụng mỗi ngày nhiều nhất các bạn. Đó chính là cái miệng của mình, ứng dụng ngôn ngữ dù chưa nói một câu, khi thức dậy miệng cũng đã bắt đầu phát âm. Ngôn ngữ được sử dụng mọi nơi, mọi lúc, trên khắp hành tinh, có người hay không có người, một mình người ta cũng có thể tư lự một mình, thì thầm nói với chính mình.

Có những ngôn ngữ nói ra hoặc chưa nói cỏ cây đã khoe màu, khoe sắc, vươn mình hoan hỷ, có những câu nói vừa tuôn ra núi rừng cũng phải nghiêng ngả sụp đổ, cây cối cũng phải chết héo, con người cũng phải rụng rời đau ốm. Giới thứ tư Đức Phật dạy không nói dối trong đó gồm có: không nói dối, không nói thêu dệt, thêm bớt, thô ác, tựu chung gọi là không có thị phi. Chữ thị phi tức là nói dối, nói thêm bớt, thị phi có nghĩa là nói thô ác, nói thêu dệt, thị phi có nghĩa là đâm bị thóc thọc bị gạo, đâm chỗ này thọc chỗ kia, biến tướng câu chuyện theo sự tưởng tượng, ảo tưởng của riêng mình để tô điểm cho cái hay của mình, nâng mình lên hạ người xuống. Thị phi Đức Phật dạy tạo ra nghiệp vô số. Thế nhưng trong cuộc sống của người tu tập, tu luyện như chúng ta ít có khi nào để ý cái miệng này như cửa khẩu, gọi là khẩu mà, như cửa khẩu xả kho để tuôn ra những món hàng ứ động nhiều đời chẳng ai cần, để tuôn ra những món hàng ngôn ngữ độc ác, gây biết bao nhiêu chướng nghiệp cho tự thân.

Các bạn và Bảo Thành hãy nghĩ đi, một ngày chúng ta nói biết bao nhiêu câu. Có khi nào khi chúng ta nói ta chánh niệm, suy nghĩ, nhận biết và thấy rõ lời nói của chúng ta có chân thật hay không, có ái ngữ, nhẹ nhàng, dễ thương hay không, có mang lại sự lan tỏa và san sẻ hạnh phúc hay không, có gỡ đi những tơ rối ở trong lòng, tháo gỡ những phiền não, đau khổ, trắc trở của mình và mọi người hay không? Câu trả lời, có! Nhưng mà nó nhỏ nhìn không thấy, có nhưng nó bé tí. Còn những lời thêu dệt, thị phi, thô ác, đâm thọc, hơn thua, chảnh chọe thì nhiều vô số, đếm và nhìn kể hoài không hết. Ngay cửa khẩu cái miệng, ngay chỗ nói ngôn ngữ mỗi ngày chính ở ruộng phước điền hay vũng sình lầy hôi thối đày ải chúng ta. Trở thành kho báu để nơi miệng ta ngôn ngữ thơm như châu ngọc tuôn ra giúp đời, giúp bản thân hay trở thành hầm hố, xú uế hôi thối, ngột ngạt đều do sự lựa chọn của mỗi người và sự ý thức trong nhân quả, thấu được nhân quả đó.

Chỉ có vậy gọi là tu, ngay chỗ đó nhận biết thật rõ chánh niệm, chánh niệm Từ bi, chánh niệm Trí tuệ và Tỉnh giác để miệng của ta không trở thành hầm hố, xú uế hôi thối. Chánh niệm Từ bi, chánh niệm Trí tuệ, chánh niệm Tỉnh giác, tỉnh giác như vậy để miệng của ta tuôn ra châu ngọc, để miệng của chúng ta tuôn ra ngọc ngà châu báu, để miệng của chúng ta tỏa hương thơm đức hạnh, để miệng của chúng ta mỗi một chữ, mỗi một ngôn ngữ tròn trịa sáng như kim cương, đẹp như minh châu, thơm như hương sen. Điều này nằm trong tầm tay của mỗi người và chúng ta đủ khả năng để làm chuyện ấy. Phật đã nói như vậy và biết bao nhiêu người ứng dụng đã thấy điều đó đúng, Phật đã nói đúng. Chẳng cầu kỳ mượn những pháp ảo diệu, cao siêu mà hãy ứng dụng những cái rất bình thường có nơi mỗi người rất thường như chúng ta, thì một mai nhất định cái bình thường ta ứng dụng, con người thường như chúng ta thực tập sẽ trở thành phi thường.

Bạn đồng tu chia sẻ rằng “Bạn ấy có một người chị dâu, tức là chị chồng cứ thị phi, cứ đâm thọc, cứ nói những lời không phải với mẹ chồng dù bạn ấy không có làm chuyện đó, nhưng người chị dâu thì thỏ thẻ, thì thầm, thị phi, thêm bớt, mắm muối đủ thứ, thọc ngang thọc dọc làm cho người mẹ chồng hiểu lầm gây ra chướng ngại. Bạn ấy càng nghĩ càng bực tức khó chịu ở trong lòng đối với người chị dâu, hỏi đó có phải là nghiệp của bạn ấy hay không?”

Chúng ta đừng bàn về nghiệp để chấp nhận hoặc chịu đựng. Con người có giới hạn, nếu cứ cho là nghiệp của mình để chấp nhận và chịu đựng thì sức con người có giới hạn một ngày sẽ bùng nổ. Đừng chấp nhận và cho là nghiệp, nhưng phải tư duy để thấu được nghiệp. Mấu chốt chỗ này đây không phải chuyện gì xảy ra với ta, với người, ta đều mang chữ nghiệp ra để áp lên trên trán như áp vong. “Ôi nghiệp của ta chấp nhận chịu thôi”.

Cách nói đó là cách không sáng suốt, không chấp nhận đó là nghiệp, nhưng phải tư duy, suy nghĩ để thấu được nghiệp, từ đó đón nhận bằng tâm thái trong sáng, tỉnh giác và yêu thương. Đấy, đơn giản vậy thôi nhưng không dễ các bạn. Chúng ta cứ lầm lẫn thôi, chuyện gì xảy ra cho người, cho ta, đổ thừa cho nghiệp, nghiệp đó mà, hỏi ai người ta cũng chỉ thẳng mặt cái rụp nghiệp của cô chịu đi, chấp nhận đi. Các bạn có nghe câu đó bao giờ chưa từ những bậc tôn túc hoặc các bạn đạo khi tới chùa, tới nơi các khóa tu tịnh thất hoặc tới nhập thất chỗ này, chỗ kia, hỏi sơ sơ nghiệp của ông, nghiệp của cô, của bà, của chú, của em đó chịu đi, chấp nhận đi.

Chúng ta đón nhận, chúng ta tiếp nhận bằng tư duy, hiểu thấu được nghiệp chứ không chấp nhận. Đón nhận và tiếp nhận qua sự tư duy trong sáng, hiểu thấu được nghiệp quả, nhân quả. Thì chuyện người ta thị phi với mình không cần biết là chị dâu hay người ở ngoài, trong gia đình, chính khi vợ và chồng cũng thị phi nữa, tất cả mọi chuyện trên đời xảy ra đều vì nhân quả của nghiệp duyên. Hiểu thấu khi xảy ra dưới mọi trường hợp, ta đều tiếp nhận hoan hỷ trong sự tĩnh lặng của tư duy để chuyển hóa. Còn sự chấp nhận ta không chuyển hóa và ta như người phải chịu nghiệp quả đó. Nói về thị phi người chị dâu, hay mỗi người trong chúng ta thường thị phi, đâm thọc, nói thêm, nói bớt, nói thô ác, nói dối, nói gian. Hãy nhớ chị dâu hay chúng ta nếu phạm vào điều ấy, thì phải nhớ ta đang tạo nghiệp cho ta. Chẳng phải nói như vậy là để trang điểm phấn son cho ta đẹp hơn được đâu. Khi nói dối, thêm bớt, thêu dệt, thô ác, thị phi đó các bạn, là chúng ta chẳng khác gì như người ngu mang bùn nhơ trét lên trên mặt, mang xú uế đổ lên trên đầu, mang độc dược uống vào để tự hại mình.

Phải thấu được điều này bạn mới sợ hãi những gì bạn từng tuôn ra từ miệng mình để làm hại người khác khi chưa biết chính xác. Hại người ta chưa biết chính xác nguy hiểm, dù có biết chính xác cũng không thể hại mà phải giúp đỡ. Các bạn thấy chưa, thấu được những điều như vậy ta mới thấy sự nguy hại của thị phi, đâm thọc, của thêm bớt, của giả dối, của thô ác, của những thể loại ngôn ngữ bất tịnh ta đã từng tuôn ra không thương tiếc, một cách không thương tiếc đối với người. Nếu bạn không thương tiếc đối với người, tuôn ra những ngôn ngữ như thế chính bạn đang giết chết mình, đang mang toàn bộ phước báu và công đức đổ xuống sông, trôi mất chẳng còn đâu. Có còn chăng trong cuộc đời của bạn những nhân quả ác khẩu, không hay, ngừng ngay. Đặc biệt trong những ngày cuối năm ta phải ngừng, để miệng của ta là hương hoa của sự thanh tịnh, nơi những ngôn ngữ thanh cao trao tặng cho nhau. Đừng biến cái miệng của mình thành hầm phân hố xí,  tội lỗi, hôi thối. Người học Phật, Phật tử tại gia và tất cả mọi người chúng ta nói chung, nên biết chọn lựa cho mình cách ứng xử bằng ngôn ngữ thanh cao, nhẹ nhàng, dễ thương. Thấy được nghiệp nguy hiểm mà Đức Phật gọi là từ thân, ngữ và ý, từ ngôn ngữ.

Thân phận là chị dâu, là mẹ chồng, là chồng, là vợ, con cái, bạn bè. Thân phận là con người chúng ta không thể cứ tuôn ra ngôn ngữ như thế. Cẩn thận, cẩn thận, tạo nghiệp vô số, phước báu chẳng còn, công đức sẽ bị thiêu rụi hết. Khi nó trổ quả thì không biết sao mà tránh được. Thực ra ở trên đời này chẳng cần nói đến tôn giáo, người hay nói thêm bớt, thêu dệt, người hay nói thô ác, người hay nói dối, người hay nói đâm thọc, dìm hàng người khác nâng cấp mình lên mà không đúng, sự thật. Người ấy sẽ là mất niềm tin của những người thân cận gần xa. Người ấy sẽ tự tổn hại bản thân chẳng còn ai tin, mất uy tín. Để khi gặp chuyện nói một lời chẳng ai giúp đỡ, chẳng ai gần gũi, chẳng ai tin tưởng. Và đời sống của người ấy sẽ trở thành trơ trọi, cô đơn, bởi dần dần không ai muốn chơi với mình. Dĩ nhiên nếu là người buôn bán làm ăn, doanh nhân sử dụng những xảo ngôn để kiếm quyền, kiếm lợi cho mình, thì nhất định người ấy chẳng bao giờ thành đạt cao, sự thất bại đang chờ ở cửa ngõ.

Nếu là người bình dân như Bảo Thành và các bạn mà cứ dùng những ngôn ngữ không đúng như thế, thì chúng ta thực sự đang làm tàn phế cuộc đời của mình. Địa vị, nhân vị như thế nào không cần biết, sử dụng ngôn ngữ bất tịnh, thô ác đâm thọc, thêu dệt, thị phi, luôn luôn lỗ chẳng có lời, luôn luôn tự hại mình, chẳng thêm được phước báu. Bạn cứ nghĩ người ta không biết, thiên hạ đều biết bởi thiên hạ đều có trí tuệ và có cái nhìn của sự kinh nghiệm, từng trải trong cuộc sống, nghe một cái là biết ngay. Họ không nói thôi, chứ người tu của chúng ta là người phải nhận thức ra điều ấy để tự dừng. Riêng đối với người bạn tu có người chị dâu như vậy, cũng đừng mặc định là nghiệp của mình, vẫn biết đó là nghiệp nhưng hãy nhìn theo một cảm nhận nhẹ nhàng hơn, để ứng dụng vào sự tu mà tăng trưởng phước báu.

Ví dụ chúng ta đi tới một mảnh đất, sình lầy hôi thối, xú uế, toàn phân nồng nặc, ta khó chịu bỏ đi ngay. Đó là cái nhìn tiêu cực, không thấy được tác dụng của phân, của sình lầy hôi thối. Người có kinh nghiệm họ thấy vũng sình lầy hôi thối, họ có thể thấy ứng dụng của những thứ đó là chất liệu để bón cho cây, cho rau. Người nông dân là như vậy. Nhiều người thấy đất sình lầy, rồi nước ngập hôi thối bỏ đi, nhưng các bạn có biết chung quanh Sài Gòn, thành phố nơi thôn quê ta ở hồi xưa những đầm đìa rau muống chẳng ai cần. Nhưng những nhà xây dựng, phát triển nông thôn, thành thị hoặc những người có kinh nghiệm buôn bán, dưới con mắt kinh doanh tài ba của họ, những thứ đất đó rẻ rún chẳng ai đụng họ mua hết, mua rẻ rồi làm sao? Họ đổ nền đổ đất. Và ngày nay những nền đất nơi đó đụng vào là cháy tay, thành mặt tiền hoặc ở trong những khu dân cư thành phố đông đúc đổ nền cho kín.

Các bạn, trong trường hợp này người chị dâu đang thả ra những ngôn ngữ bất tịnh, thị phi là sình lầy hôi thối, còn ta phải là nhà kinh doanh đại tài, thấu được cái ứng đó mà đổ nền cho vững chắc, bạn đổ vào nơi ấy đất mới thật cứng, thì biến những lời nói của người chị dâu thành nền tảng vững chắc, thành đất mặt tiền để xây dựng ngôi nhà tình thương giữa mình và chị dâu như thế nào? Bằng tình thương, quán chiếu tình thương, bằng trí tuệ thấu rõ, bằng sự tỉnh giác không u mê. Thì nhất định ta nhìn xuyên suốt cái dụng của người chị dâu đang bày ra trước mặt, để ta biến thành mảnh đất trù phú, đầy đủ phước báu cho đời. Mượn cái đó để tu dưỡng đạo nhẫn, mượn cái đó để tu dưỡng sự tha thứ và bao dung. Mượn ngay chỗ đó để làm gì? Để san sẻ yêu thương, thắp sáng trí tuệ để sống tỉnh giác. Mượn chỗ đó để nhìn sáng suốt và nghiệp quả mà Đức Phật dạy gọi là khẩu nghiệp, để ta sẽ không phạm vào điều ấy như người chị dâu. Phải chăng nhờ người chị dâu ta đổ nền móng đức hạnh, nâng cấp mặt tiền của đời sống tâm linh cho sáng sủa hơn không. Kinh nghiệm của người làm ăn họ mua đất sình lầy, đầm đìa rau muống để có lời. Kinh nghiệm của người tu chúng ta tiếp nhận bằng tình thương, bằng sự suy nghĩ, hiểu biết, sáng suốt trong sự tỉnh thức, thì tất cả những gì tới với chúng ta chúng ta đều đổ đất mới, để tạo nền trên con đường tu.

Chỉ có vậy thôi! Tu là như thế, tỉnh thức là như thế, trí tuệ là như thế, yêu thương là như thế. Thấy những hiện tượng xảy ra đừng vội vàng trách móc, đừng vội vàng mang cái mũ của nghiệp nhân quả chụp vào đầu, nặng nề quá. Hãy là một nhà thương gia có tầm nhìn để kiếm lời. Hãy là một nhà tu luyện tâm linh, có trí tuệ sáng suốt để nhìn thấu mà kiếm lời phước báu, công đức ngay nơi những điều chẳng như ý đang xảy ra đối với cuộc đời. Bỏ qua là bỏ qua cơ hội để làm giàu phước báu và công đức.

Bảo Thành vẫn thường bị thị phi, bây giờ, quá khứ và tương lai vẫn vậy. Thiếu gì người đâm thọc, nói thêm nói bớt, chửi thẳng mặt, xỉa xói, dùng những ngôn ngữ sặc mùi đau đớn. Nhưng Bảo Thành cũng đã quen và ngẫm nghĩ tư duy lời của Phật, thấy rằng những cơ hội như vậy thật hiếm. Nhưng nếu bình tĩnh một chút trong chánh niệm của hơi thở và hơi thở chánh niệm mang đầy đủ oxy giúp cho chúng ta không bị tức giận, không bị sân giận bởi hít sâu thở chậm. Giúp cho sự bình tĩnh bởi máu huyết có đầy đủ oxy, não bộ không bị căng thẳng uất ức. Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng hít vào thở ra, chậm rãi nhẹ nhàng. Cứ như vậy chiêm nghiệm điều đang xảy ra nghịch ý trái chiều và mang cái tâm của sự tu luyện, tâm được huấn luyện kia chuyển hóa ngay những cảm xúc, cảm giác của mình bằng Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, bằng yêu thương sáng suốt và thức tỉnh, phước báu vô cùng.

Đức Phật còn bị thị phi, người anh em họ là Đề Bà Đạt Đa thị phi liên tục, nói xấu, đâm thọc Phật với vua chúa, quan quyền, với đủ loại người. Chúng ta cuộc sống này đã thấy rồi, coi các phim tuồng trên xã hội ngày nay ta thấy, chị em dâu rể, cột chèo ngang dọc, xã hội ngoài kia dọc ngang đủ thứ thị phi là chuyện thường. Nếu không quán chiếu ta sẽ bị đau khổ, tủi phận và chụp mũ cho bản thân là nghiệp phải chấp nhận. Không chấp nhận, ta không chấp nhận theo kiểu chấp nhận khi nó tới, ta tiếp nhận và đón nhận theo sự suy nghĩ hiểu thấu về nhân quả, để ứng nhân quả nó trổ ngày hôm nay, chuyển hóa chúng thành tốt đẹp có lợi. Bất cứ cái gì tới với chúng ta nếu khéo hiểu, khéo sử dụng, nếu khéo đón nhận bằng tâm thái hoan hỷ, bằng trí tuệ, bằng yêu thương, bằng tỉnh giác. Nhất định mọi chuyện tới với ta đều có cơ hội được chuyển hóa, đổ nền móng mới xây dựng tòa nhà phúc đức cho mình, cho người, cho xã hội. Các bạn đừng tự ti mặc cảm, chụp mũ mình bằng nghiệp. Mà hãy sáng suốt tư duy để thấu được nhân quả nghiệp chướng, hoan hỷ đón nhận tất cả, tiếp nhận tất cả bằng tâm thái dõng mãnh tu tập, để chuyển hóa biến xấu thành tốt, biến xui thành hên, biến thất bại thành thành công. Các bạn mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con, những người Phật tử tại gia bận rộn quá, thường bị lôi kéo vào những vòng xoáy của thị phi, của thêm bớt, của thêu dệt, của thô ác, của giả dối, của đâm thọc. Nay tư duy về những gì Phật đã dạy chúng con nhất định sẽ đổ đất mới, đất yêu thương Từ bi, Trí tuệ, để tạo một nền móng mới vững chắc hơn, biến cuộc đời thành mặt tiền tâm linh để có giá trị sống lan tỏa tới với muôn người.

Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng quán chiếu thân tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, tiếp nhận năng lượng, chuyển hóa tự thân.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn