Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên các kênh YouTube, Facebook và phòng Zoom. Giờ đồng tu đã tới rồi, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
https://youtube.com/live/7G1q4psuDRY
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền Chánh niệm hơi thở, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho tất cả những người thân của chúng con luôn luôn hoan hỷ, bình an và hạnh phúc. Nguyện cho thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật Từ Bi chứng minh.
Mời các bạn ngồi xuống với tư thế phù hợp với cơ thể của mình. Giữ lưng cho ngay thẳng, cổ, đầu cho ngay, ở trạng thái buông thư, buông lỏng toàn thân. Trở về với hơi thở của Chánh niệm, hít vào ta phình bụng, hít bằng mũi chậm rãi, thở ra ta hóp bụng chậm rãi và tổng trì mật ngôn:
Mu A Mu Sa – Có nghĩa gắn kết và quán tâm Từ Bi,
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Có nghĩa quán tâm Trí Tuệ,
Ma Sa Ốp Uê – Quán tâm Tỉnh Giác.
Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán – mật hạnh cao siêu của mẹ hiền Quan Âm, sự thực tập trong Chánh niệm hơi thở quán chiếu, mỗi người chúng ta sẽ tiếp nhận được thật nhiều năng lượng thanh tịnh để gội rửa, chuyển hóa ác nghiệp nhiều đời, mang lại sức khỏe tinh thần sáng suốt và đời sống tâm linh thăng tiến.
Hãy nghĩ về tất cả và bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Các bạn đồng tu thân mến!
Cuộc sống này không thể như người làm vườn trồng cây, ươm mầm, gieo giống rồi bỏ đi không tưới tẩm, bón phân, chăm sóc. Chẳng bao lâu khi trở về, khu vườn kia sẽ trở thành nơi hoang địa để cỏ dại bao trùm lấn át. Ta đồng tu mỗi ngày là học cách làm vườn chân tâm theo lời dạy dỗ của Phật, phải bỏ công phải bỏ sức, phải hiểu được nắng mưa, phải thấu được những cái mầm, hạt, cây, thể loại ta gieo trồng để bón phân tưới nước, để lượm lặt rác rưởi, để nhổ cỏ nhổ gai. Không thể bỏ hoang phế vườn chân tâm mà lần mò tìm bới phước báu công đức, để rồi nắng hạn của ác nghiệp xui xẻo, bất thiện trổ quả, ta than trời trách đất, ta nói hình như ai đó hại mình. Lời Đức Phật dạy thật rõ: “Gieo nhân nào, gặt quả đó”,
ai tu chuyển hóa được ác nghiệp tận hưởng phước báu và công đức, ai bỏ phế nơi chân tâm thì nghiệp ác nhiều đời sẽ trổ quả thật nhanh. Rất công bằng! Rất phù hợp với mọi lý lẽ của cuộc sống. Không làm sao có ăn? Không ăn sao mà no? Không uống sao hết khát ? Rõ quá! Không thể nhờ người khác ăn để cho mình no, không thể nhờ người khác uống để cho mình hết khát. Chuyện đó là phi lý. Lời Phật dạy dễ hiểu, dễ áp dụng: “Tay làm thì hàm nhai”. Rõ quá! Cái chân lý này tỏ lộ được, hiểu thấu được, không cần nghĩ bàn sâu xa, chẳng cần tìm tòi những điều huyền bí huyễn giả. Chẳng phải chế tác ra những rườm rà để đánh lừa bản thân rơi vào cảnh ảo giác, đắm chìm trong mộng mơ, chết đuối trong si mê.
Rõ, thật rõ! Có cầu kỳ nữa đâu? Có phải như những anh họa sĩ pha trộn nhiều màu sắc của tư tưởng, suy nghĩ ảo diệu ngôn ngữ làm cho rối rắm cái đầu của mình không? Chẳng cần! Đức Phật dạy phải lột bỏ tất cả, trở về cái bản nguyên của tâm, trở về cái tâm rất trắng, rất trong, rất tịnh, rất sáng, rất chân thật, rất linh diệu. Vậy là đủ. Trở về! Làm sao để trở về? Nương vào hơi thở của Chánh niệm, quán chiếu tình yêu thương, kích hoạt năng lượng đó để lan tỏa, gắn kết, hòa nhập với muôn loài muôn vật trong cái thế giới ta đang sống. Mang sự hiểu biết thật đúng gọi là Trí Tuệ để thắp sáng trong tâm, thấy cho rõ, không mù mờ để đoán như những người mù sờ voi mà phải quán chiếu để thấy cho rõ. Không bơ bơ, không ngơ ngơ nữa, tỉnh thôi, tỉnh giác thôi!
Một sự hướng dẫn rõ: Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác là ba liều thuốc bổ cần phải uống vào trong từng giây. Đây là bổ, vì có dư giả chất dinh dưỡng cho thân được khỏe, tinh thần được thoải mái, tâm linh được trong sáng. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán là những chất protein rất cần để nuôi dưỡng chúng ta. Từng khoảnh khắc trong cuộc đời thấm nhuần năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác thì chẳng khác gì năng lượng đó đã được chúng ta chân thật đón nhận, thẩm thấu vào từng tế bào, luân lưu trong dòng máu đi khắp cả châu thân nuôi dưỡng thân và tâm. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác sáng như tinh tú ở trên trời, sáng như Mặt Trăng, Mặt Trời, để chúng ta dù có té ngã vào vùng tối của ác nghiệp vẫn thấy đường mà đi ra, dù có lọt vào hầm sâu núi thẳm, gai góc và chông gai vẫn đủ sức đứng dậy, vươn mình đứng dậy ngoi lên khỏi hầm hố ấy. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán trong Chánh niệm hơi thở giúp cho mỗi người chúng ta khai sáng Trí Tuệ của tự tánh, kích hoạt những cái năng lượng thanh cao nhiệm màu, để chúng ta không còn lần mò trong tăm tối, trong hư vô.
Các bạn phải học để trở thành một người làm vườn, đừng chê, nghề nông cao quý vô cùng. Bởi nghề nông tâm linh này giúp ta dọn dẹp rác rưởi trong những ngày cuối năm để vườn tược chân tâm sạch, đẹp để những mầm tươi của hạnh phúc an lạc của sức khỏe, của thong dong và tự tại được gieo trồng nơi ấy, để cho nụ cười thật tươi, ánh mắt thật sáng, để cho cuộc sống của chúng ta bước đi và bước đi thoát khỏi miền u mê. Đừng lười biếng, giải đãi. Biết bao nhiêu chuyện ta lặp đi lặp lại cả cuộc đời rồi, sao chẳng lặp đi lặp lại sự tu luyện để được hưởng phước sung sướng ngay ở đời này? Để chuyển hóa nghiệp ác, trở nên an vui hơn? Cái tặng phẩm cao quý nhất mà ta có thể tự tặng cho bản thân của mình là trở về với cội nguồn chân tâm Từ Bi yêu thương, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Và cũng là cái tặng phẩm vô giá để trao tặng cho người mình yêu thương. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác cao quý, chẳng gì có thể so sánh cho bằng. Thiếu Từ Bi tình thương, Trí Tuệ sự sáng, Tỉnh Giác thì chẳng thức tỉnh được trong cuộc đời. Dĩ nhiên, ta không nhìn thấu để rồi oán trách những điều ta không thấu, mà không phải vì oán trách bản thân ta không thấu. Vì ta không thấu mà oán trách những người xung quanh, và sống trong sự bực bội khó chịu.
Sao Bảo Thành và các bạn khờ khạo quá không nhận ra giá trị đặc biệt kia, không thể chạm vào cái tiềm năng cao cả đó để khai thác, để kích hoạt, để ứng dụng vào đời thường? Mà cứ chờ, chờ mãi, chờ mãi cho đến kiếp sau, kiếp sau, kiếp sau để về một cái cảnh giới, một cái cõi nào đó để thoát ra cái cõi trần gian này? Lạ kỳ, lạ kỳ! Ta có cái vườn, mà thoát ra khỏi vườn còn có cái gì mà trồng trọt chăm sóc nữa? Ta có cái kiếp này, cái thân này là vườn chân tâm của chúng ta nơi kiếp người nhỏ bé, mong manh dễ vỡ trong sự Vô Thường này, nếu không chăm sóc, nếu không chăm bón, nếu không trồng trọt, nếu không để tâm để ý tới mà chờ đến kiếp sau thì thật là khờ quá. Có của trong tay mà chẳng biết xài, có viên Dạ minh châu nơi cạp quần mà suốt cuộc đời ăn xin, chẳng thể thoát ra cái cảnh nghèo đói. Trong Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, phẩm “Dạ minh châu” có nói thật rõ: Anh ấy có viên dạ minh châu nơi cạp quần nhưng chẳng thể nhận thức được điều ấy, nên cả cuộc đời cứ ăn xin ăn mày, để thỉnh, để xin, để bò, để lạy có chút cơm cặn canh thừa. Lạ thật! Trong cuộc đời nơi đây, tâm linh cũng như thế, Phật tới, khẳng định ta có viên Dạ minh châu đó. Người nói như vầy: “Ta là Phật, các con là Phật sẽ thành”, có nghĩa là Phật đã tìm ra cái viên dạ minh châu nâng lên đỉnh đầu tỏa sáng. Còn ta có mà còn giấu trong cạp quần u tối. Rõ quá! Chính vì ta không chạm vào được viên Dạ minh châu của Trí Tuệ, của tình thương và sự tỉnh thức nên chúng ta vẫn là những kẻ, những gã ăn mày đầu đường xó chợ của cuộc đời, van xin cơm thừa canh cặn, tỉ tê, quỳ lạy.
Ôi cuộc đời kỳ quá! Theo Phật không nghe theo Phật, học Phật chẳng thực hành, rốt cuộc chúng ta trở thành kẻ cuồng tín mê lầm. Hãy nhớ, luôn phải ghi nhớ ở trong lòng, Phật là Bậc thầy của Trời, người. Ngài đã dạy cho chúng ta và chỉ thật rõ: Chúng ta có viên Dạ minh châu, có phẩm tánh thanh cao, đó là chân tâm Phật tánh “Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm”. Chỉ cần trở về khi nương vào Chánh niệm hơi thở quán chiếu Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, Bảo Thành và các bạn sẽ thoát khỏi kiếp ăn mày. Không cần phải van xin cầu lụy cơm thừa canh cặn nữa, hẩm hiu hôi thối nữa, mà chúng ta sẽ được ngồi xuống dự vào bàn tiệc cùng với Phật và Bồ tát, tận hưởng những món ăn của sự an lạc, hạnh phúc qua hương vị của Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Pháp vị thắng mọi vị.
Quay về với chính mình trong những ngày cuối năm là quay về với kho tàng vốn có để thoát khỏi kiếp vô minh ăn mày, ăn xin. Ăn mày tâm linh là cái khổ vô lượng kiếp. Ăn mày vật chất chỉ đau khổ có một thời. Các bạn! Bạn đồng tu nói như vầy: “Làm sao chúng ta có thể tha thứ cho người có hành động sai trái với mình, làm khổ mình, dù người ấy không công nhận và chấp nhận họ đã làm điều ấy?” Người ta không công nhận, không chấp nhận, người ta không thấy rằng họ làm ta khổ, mà ta khổ đó là bởi vì ta khờ. Đâu cần phải tha thứ cho người ấy mà phải tự tha thứ cho chính mình. Đây là cái mê dại dột nhất của Bảo Thành và của các bạn. Cứ ngơ ngơ, nghi nghi ngờ ngờ, gặp ai cũng đoán mò như kẻ điếc, kẻ câm, kẻ mù, nghĩ rằng họ đang hành hạ làm cho mình khổ, nghĩ rằng họ nói xấu mình, họ đang chỉ trỏ săm soi mình, nghĩ rằng họ đang hại mình. Rồi mình khổ, khổ, khổ quá trời, mình tìm tới họ, mình muốn nói cho họ. Và thực sự trong cuộc đời, ta đã nói với những người ta nghĩ như vậy: Anh hoặc chị đã làm tôi khổ, đã xăm soi chuyện của tôi, đã thị phi này thị phi kia, tôi khổ khổ dữ lắm, anh chị có biết không? Sao không xin lỗi tôi đi? Bảo Thành đã phạm vào điều này. Cầu người ta xin lỗi, mong muốn người ta nhận ra những điều sai, điều người ta làm khổ với mình, chắc chắn các bạn đã có những trường hợp như vậy. Nghĩ rằng người ta làm khổ mình, người ta nói xấu mình, người ta xăm soi mình, người ta chơi khăm mình, người ta chê bai mình, người ta thị phi, đố kỵ. Người ta đủ, đủ hết…. rồi trong tâm biến thành họa sĩ thêu dệt nên những cái chuyện hồi xửa hồi xưa, hoặc ngày đó, lúc đó, giờ đó. Ta cứ chế tác ra theo cái ảo tượng sức mạnh của cái tâm vô minh thêu dệt lên, tự làm khổ mình. Rồi tỏ ra mình là người hùng phải tha thứ cho người ta. Khổ quá, tha thứ không được, bây giờ hỏi làm sao tha thứ cho người làm mình khổ, mà họ không nhận ra họ làm mình khổ. Phải tha thứ cho mình vì mình chấp. Họ có biết họ làm khổ mình đâu? Họ có thấy họ làm khổ mình đâu? Họ có hiểu họ làm khổ mình đâu? Cái điều họ không biết, không thấy, không hiểu, ta chấp và ta chấp nên ta khổ. Họ chẳng cần ta tha thứ, nhưng mình, bản thân cần phải tự tha thứ cho mình, phá đi cái chấp thì mình mới thong dong tự tại, như cánh buồm gặp được gió đi băng băng lướt sóng mà tới bờ bên kia vậy thôi. Bạn ơi, không cần tha thứ cho họ. Họ không hiểu, không thấy, và không biết họ làm khổ mình, nhưng chỉ vì mình nghĩ, mình thấy, mình hiểu, mình biết do cái tâm chấp, cái tâm nghi của mình mà thôi. Tha thứ cho mình là chìa khóa duy nhất trong tình trạng này để phục hồi lại cái sức mạnh và thong dong tự tại và tìm về với hạnh phúc an lạc trong cuộc sống.
Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:“Đừng thấy lỗi người, hãy thấy lỗi mình”. Đây là lỗi của mình nghĩ người ta, thấy người ta, hiểu người ta làm khổ mình. Các bạn có biết không? Ngược lại, chúng ta cũng đã thật nhiều lần làm một hành động nào đó, đối xử như thế nào đó đã làm cho người khác khổ, hoặc nói một câu nào đó đã làm cho người ta khổ. Khổ đến mức mà mòn mỏi cái tâm, yếu dần sức khỏe, tinh thần suy sụp. Có đó! Nhưng ta chẳng biết ta đã làm điều đó, ta nói điều đó, bởi ta vô tình hoặc ta cố tình không biết. Nhưng mà có lẽ vì chúng ta chưa nhận thức ra được những cái hành động, lời nói của chúng ta, nếu không khéo sẽ tạo ra đau khổ cho người khác. Hoặc chúng ta tôn vinh cái quyền tự do muốn nói, muốn làm gì cũng được trong tương tác hằng ngày với vợ với chồng, với người thân, với cha mẹ ông bà để rồi những cái tạo tác lời nói của chúng ta bắt nguồn từ những suy nghĩ sai, không đúng, làm cho người ta khổ đau mà mình không biết, không nhận ra. Ta cũng làm như họ. Vậy thì thúc thủ thân tâm, thúc liễm thân tâm của mình, tức là trở về nhìn thật rõ, ta cũng như họ, cũng nói cũng làm, và biết bao nhiêu những người thật gần cũng đau khổ vì lời nói của chúng ta, vì hành vi của chúng ta. Bạn nhìn lại đi, nếu bạn tới gặp những người thân bạn hỏi họ: “Tôi có nói một lời gì, làm một hành động gì từ xưa tới giờ lúc quen biết cho tới nay làm cho bạn buồn bạn khổ không?” Nếu hỏi chân thật và cho phép họ tỏ ra nói ra, thì chắc chắn Bảo Thành và các bạn sẽ hứng hoài không hết. Bởi trong đời này Bảo Thành và các bạn đã nói và làm những chuyện tạo ra đau khổ cho người khác nhiều lắm. Vậy nên Đức Phật mới dạy chúng ta phải cố gắng quán tâm Từ Bi để từng cái lời, từng cái hành vi của chúng ta luôn luôn có cái chất liệu Từ Bi yêu thương: Lời dễ thương, hành động dễ thương. Đừng có những cái lời khó thương, hành động không thương được. Ta có sự lựa chọn.
Ta quên rằng khi mình đi mua hàng trong ngày lễ Noel, tết Tây, tết âm, đi mua bông mua, trái cây, ta lựa chọn hoa, bông, trái phải đẹp, phải tốt, nhưng kỳ quá, ta không bao giờ lựa chọn cái cách nói, cách xử thế cho đẹp. Cái gì mua cũng muốn đẹp, cái gì mang về nhà cũng muốn đẹp, từ đôi giày, đôi dép, quần áo, cái gì gì cũng muốn đẹp thật đẹp. Nhưng lời ta sử dụng hằng ngày không chọn lựa những cái ngôn từ cho đẹp, hành vi hằng ngày ta tương tác với người thân trong gia đình, bạn bè, xã hội, chúng ta không bao giờ lựa chọn cái đẹp. Lạ kỳ! Thật là lạ kỳ! Rồi khi người ta cũng không biết lựa chọn những ngôn từ, những hành vi, thì ta đổi thừa cho họ là gây cho ta đau khổ mà họ không biết, họ không chấp nhận. Ta tìm đủ mọi cách như ông toà ghép tội họ phải nhận, phải nhận và phải nhận anh đã làm tôi đau khổ, chị đã làm tôi đau khổ. Khờ quá! Khờ quá! Sao ta khờ quá vậy? Mình đi tới tòa án mà ông toà ghép tội, mình bực mình cỡ nào? Nay ta nằng nặc ghép tội cho người ta làm cho ta khổ, mà họ nói rõ ràng “họ không có làm cho ta khổ” và không công nhận cái chuyện mà ta chứng minh đầy đủ nhân chứng, đầy đủ chứng cớ. Nhưng họ nhìn cái nhân chứng đó, họ nhìn chứng cớ đó, cách nhìn của họ nhận ra: Không! Điều đó không làm cho anh khổ, không làm cho chị khổ. Chị và anh khổ là bởi vì anh cho nó gây ra khổ cho anh. Chúng ta vô minh nên chuyện gì cũng ôm bụng và rồi chuyện gì cũng nghĩ người ta tạo khổ cho mình. Chứ có mấy thời ta nghĩ ta tự tạo khổ cho ta? Theo nhân quả, đi theo lời Phật: Mọi sự khổ đau, phiền não đều do chính ta tạo ra cho ta. Hạnh phúc và an lạc cũng do chính ta xây dựng mà có. Vậy trên đời này chẳng ai tạo khổ cho ta đâu. Anh ấy không nói, không làm chuyện gì để mình khổ mà chính vì ta chấp.
Vậy câu hỏi: “Làm sao để tha thứ cho họ?”. Thẳng thừng mà nói: “Họ chẳng cần sự tha thứ của ta”. Suy nghĩ làm chi, tìm tòi làm chi là làm sao phải tha thứ cho người làm cho ta khổ, nhưng họ không công nhận họ làm cho ta khổ. Hãy tự tha thứ cho mình. Và nhìn vào những lỗi lầm trong từng giây, từng ngày, từng tháng, từng năm của chúng ta, sửa những lỗi lầm đó đi, sám hối đi, thay đổi cách nói, cách hành vi của chúng ta, quán chiếu thật rõ tình thương, có cái nhìn sáng suốt để mọi ngôn từ ta ứng dụng phải là những ngôn từ dễ thương, ái ngữ, dịu dàng, mọi hành vi là phải bác ái yêu thương thì trời ơi ta sẽ vui, không khổ. Đây là cách mà Đức Phật dạy: Hãy nhìn lỗi mình, đừng nhìn lỗi người để chuốc khổ vào thân, mà nhìn lỗi mình để sửa và hãy mạnh dạn tha thứ. Tha thứ cho ai? Cho chính mình trong những ngày tháng, năm tháng qua, những kiếp qua ta đắm chìm trong cái sự ích kỷ của bản thân, để tôn vinh tự cao quá đáng, để luôn nghĩ người ta tạo khổ cho mình, mà chẳng thấu được nhân quả Phật dạy: chính ta đã, đang và sẽ tạo khổ cho bản thân. Mọi khổ đau phiền não do ta tạo, mọi an lạc hạnh phúc cho ta kiến lập, thành lập và xây dựng. Rõ, thông được điều này “Dù ai nói ngả nói nghiêng. Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.“Vững” là bởi hiểu thấu nhân quả. Nhân do ta tạo ra, quả đó do ta gặt hái. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, không phải lỗi của người. Tôi gây khổ cho tôi, không phải người gây khổ cho tôi. Phải có một cái nhìn thấu đáo, sáng suốt như vậy để trở về mà nhìn chính mình. Phật dạy: Hãy nương vào hơi thở Chánh niệm để nhìn chính mình, những điều mình suy nghĩ, những tạo tác, những lời nói đã, đang và sẽ đều phải có cái tánh thấy nhìn rõ và chọn lựa cho đúng theo chiều hướng thượng thiện lành, chẳng ai làm bạn khổ được.
Một cái nữa, cứ cho là họ sai đi, cứ cho là họ có lỗi với mình mà họ không nhận đi, không sao, cứ cho như vậy. Thì một cái phương pháp nữa để bạn có thể tự tha thứ cho họ và tha thứ cho mình là hãy quán chiếu “Vô Thường sanh diệt”. Chuyện gì tới rồi sẽ đi, có sanh có diệt, có tới có đi, Vô Thường từng giây phút. Cái sai của họ đã chấm dứt hết rồi, có chi mà bám víu ăn mày quá khứ để sầu não khổ đau. Sự quán chiếu Vô Thường, Vô Thường nơi cái thân này, Vô Thường nơi lời nói, hành vi, Vô Thường của tất cả mọi hiện tượng mọi vật ta có thể sờ, nhìn và cảm nhận được. Quán chiếu Vô Thường như thế, ta sẽ chẳng còn dính mắc, bám víu, ăn mày quá khứ của những chuyện đã qua để tự làm khổ mình. Sự quán chiếu đó, ta sẽ tăng trưởng được năng lượng yêu thương. Sự quán chiếu đó, ta sẽ có một cái nhìn sáng suốt hơn trong sự tỉnh thức và như vậy ta sẽ la thật to: “À hóa ra là như thế”!
Vạn pháp Phật đã dạy đều Vô Thường sanh diệt. Chuyện đó đã qua rồi, xưa lắm rồi, chẳng còn nữa. Sao ta cứ vậy ôm ấp mà tạo khổ cho bản thân? Bằng hít vào thở ra thật nhẹ, sáng suốt nhận ra muôn sự ở đời đều Vô Thường sanh diệt. Khổ do ta tạo, sướng cũng do ta tạo ra. Vạn pháp do tâm tạo. Muôn sự đời đều do tâm. Đừng chuốc khổ vào thân nữa, thấy rõ Vô Thường đi. Bằng sự tập luyện của Chánh niệm hơi thở, thấy rõ nhân ta tạo khổ cho ta, chẳng phải người, khuôn mặt sẽ tươi, ánh mắt sẽ sáng long lanh vô cùng và bạn ơi như vậy bạn sẽ khỏe. Còn không bạn sẽ giận hoài, bạn cáu kỉnh hoài, bạn bực tức hoài. Và cái kết là bạn mau già, bạn bệnh hoạn, rồi bạn gặp họ bạn ức chế có thể bị đột quỵ té xuống. Còn không, về nhà thao thức ngủ không được, rồi nhìn chồng mắng chồng, nhìn vợ thì chửi vợ, nhìn con cái mình đánh đập bởi vì sao mình cáu giận. Chẳng khác gì nắm chặt cái cục than ở trong tay, không chịu buông mà cứ đòi cho hết bệnh, hết đau trong lòng.
Các bạn! Ngày cuối năm, hôm nay thứ sáu ngày mai thứ bẩy, còn hai ngày trong năm 2022, hãy nhìn thấu được nhân quả đều do ta tạo, khổ hay vui, sướng, hạnh phúc, an lạc, phiền não, đau khổ đều do ta, chẳng do ai. Và muôn sự ở đời đều Vô Thường, chẳng tồn tại mãi mãi. Vậy hãy buông đi, đừng chấp nữa, sống rộng lòng yêu thương, biết tha thứ cho mình thì tự nhiên sẽ tha thứ được cho người. Bằng cách hít thở nhẹ nhàng, quán chiếu tâm Từ Bi, nhìn muôn sự nhẹ mỉm cười, mở ánh mắt yêu thương nhìn cuộc đời, rộng vòng tay nhân ái và ôm ấp, thì chẳng có chuyện gì là chuyện khó, khổ cho chúng ta ở đời.
Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Ngài dạy: “Nhân nào quả đó”, và tất cả muôn sự ở đời xảy ra đều do chính mỗi người tạo ra. Xin gia trì cho chúng con biết rộng lòng yêu thương, có cái nhìn sáng suốt trong sự tỉnh thức để không còn ích kỷ, chấp trược, biết xả bỏ những cái tánh xấu, buông bỏ những hành vi sai, và nhìn thấu chính mình, lỗi lầm của mình để sửa. Nguyện cho muôn người biết nói và biết nhìn rõ những hành vi của mình để đừng bao giờ làm cho người khác khổ hoặc tự làm cho mình khổ nữa.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng tự tha thứ cho mình, sống với lòng bao dung và tha thứ:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)