Bảo Thiện đánh máy
Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh Youtube, Facebook và Zoom.
Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Vào những ngày cuối năm này, tất cả hàng đệ tử chúng con cùng ngưỡng cầu lên chư Phật, chư Bồ Tát và nguyện chư Phật, chư vị Bồ Tát ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân của chúng con đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn ngồi xuống theo tư thế phù hợp với cơ thể của mình, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Lưng, cổ và đầu cho ngay thẳng ở trạng thái buông thư, buông lỏng, toàn thân phía trên có thể di chuyển nhẹ nhàng qua phải, qua trái, phía trước, phía sau khoảng chừng 5 độ. Chúng ta nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trở về với hơi thở chánh niệm khi chúng ta hít vào, hơi thở hít vào bằng mũi đưa sâu xuống bụng dưới, phình bụng ra, khi thở ra chúng ta hóp bụng vào và tổng trì mật ngôn qua sự quan sát nơi tâm, tánh biết từ ấn đường, ở giữa hai chân mày, nhìn xuống dưới bụng dưới thở ra và đi từ từ lên tim, lên ấn đường, lên bách hội. Cả ba mật ngôn ta quán chiếu trong những buổi tập là mật ngôn của Từ Bi – Mu A Mu Sa, mật ngôn Trí Tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và mật ngôn Tỉnh Giác – Ma Sa Ốp Uê. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác quán là mật hạnh của Ngài Quan Thế Âm, tiếp nhận được thật nhiều năng lượng thanh tịnh, để ta có một đời sống an bình, có một cái nhìn thông suốt và sự hiểu biết rõ ràng trong sự tỉnh thức. Chúng ta hãy bắt đầu tiếp nhận năng lượng.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm và tổng trì mật ngôn, hít thở đều đặn tùy sức của mình đừng có cố gắng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Các bạn thân mến! Tất cả mọi người chúng ta đang sống trong sự rộn ràng, khí thế tưng bừng của những cảnh giới được trang trí nơi các giáo đường, nơi mỗi một ngôi nhà hoặc dọc trên suốt con đường ta đi thế giới như bừng tỉnh, hân hoan, vui mừng. Những ngày cuối năm tính từ Noel, tết tây, tết ta, trong vòng khoảng một tháng hơn người Việt chúng ta có cơ hội tận hưởng những hương vị đậm đà truyền thống của tôn giáo, của gia đình, của nếp sống tổ tiên ông bà, rất ấm áp ai cũng vui. Chắc chắn ngày hôm qua chủ nhật nơi đâu đó dưới gốc cây thông hoặc không, mỗi người cũng mở gói quà của Noel để muốn nhìn vào trong đó người yêu thương nhất tặng cho chúng ta là món quà gì? Các bạn biết không, khi mở ra rồi chúng ta sẽ vui sướng vô cùng nếu như món quà của người yêu thương ta hợp với điều ta mong muốn. Còn nếu như món quà đó cũng có giá trị nhưng chẳng hợp với điều ta trông đợi, ta buồn, ta cũng cầm món quà, cũng nhận món quà nhưng trong lòng hình như không được vui. Mùa lễ đúng ra là hân hoan vui vẻ, là hạnh phúc an lạc, là hy vọng. Nhưng sự hy vọng đó vẫn đặt ở chỗ mong cầu của mỗi cá nhân và sự mang tới sự hy vọng đó đáp ứng không đúng, buồn. Đời có thể buồn ngay trong mùa vui hoặc vui ngay nơi chỗ rất buồn, rất nghịch lý.
Chúng ta tu mật thiền là nhận rõ các pháp là vô thường sanh diệt, có tới, có đi, có sanh, có tử, nó vô thường dữ lắm. Không ai có thể làm chủ được vô thường bởi đó là định luật, nhưng chúng ta có thể làm chủ tâm để sống trong sự vô thường, lấy hơi thở làm gốc để chánh niệm, lấy sự quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác làm nhiên liệu để nhìn cho thấu, cho thông, để sửa và để điều chỉnh lại cuộc đời, góp phần vào sự hạnh phúc an lạc cho mình và cho thế giới nhỏ bé trong gia đình, hoặc ở bên ngoài. Thế là đã đủ, đủ lắm rồi, nếu bước đi xa hơn nữa ta tu để giải thoát khỏi sanh tử, nhưng trở về gọn nhỏ trong thế giới nội tại hoặc nơi gia đình của quý vị tại gia, sự thoát ra khỏi sanh tử có thể là bước kế tiếp. Nhưng sự thoát ra khỏi u mê, khỏi phiền não, khỏi đau khổ để hưởng niềm sung sướng, vui vẻ, hạnh phúc, an lạc trong gia đình đối với chồng vợ, con cái, đối với ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, người thân, đó là hạnh phúc.
Chúng mình phải ghi nhớ và thấu rằng Đức Phật luôn chú ý đến hàng Phật tử tại gia và mọi chúng sanh, Ngài quan tâm đến đời sống của muôn loài, muôn vật. Ngài là bậc giác ngộ, nhìn thấu rõ và hiểu biết chính xác, nên Ngài luôn luôn thương đến mọi người và chăm sóc cho chúng ta bằng một nền giáo dục truyền lại cho mình, cho những ai có tâm thành đón nhận, học hỏi. Qua nền giáo dục của Phật ta thay đổi, ta chuyển hóa, ta sẽ bớt phiền não đau khổ và thêm an lạc hạnh phúc, đây là kết quả của sự học hỏi sự tu luyện. Tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác mang chúng ta trở về với nguồn cội năng lượng vi diệu để chữa lành, để chuyển nghiệp, để có được hương vị hạnh phúc an lạc trong đời, để chạm vào thềm chân tâm vững chãi, không có lung lay do nghịch cảnh và thử thách của cuộc đời, để đứng vững trong mọi xô xát, bão táp, giông tố. Tu tập hàng ngày giúp cho chúng ta trưởng thành qua sự trải nghiệm nhìn thấu bản thân của mình, qua các sai phạm, lầm lỗi, qua các nghiệp chướng hoặc những nhân xấu bất tịnh, tiêu cực ta tạo ra. Ta chuyển hóa chúng, chuyển hóa tự thân, nhìn rõ tự thân, hiểu thấu tự thân, thay đổi tự thân của mình, đó là tất cả những gì Phật dạy cho chúng ta qua thật nhiều các pháp phương tiện.
Mật thiền chánh niệm hơi thở là chánh pháp của Như Lai, đưa sự bận rộn mỗi ngày của hàng Phật tử tại gia tới một sự dấn thân thật nhỏ, 5, 10 phút mỗi ngày để thay đổi cách sống, để làm chủ và để cho cuộc đời trổ hoa trái tốt đẹp. Công hạnh này mang lại hiệu quả và kết quả cao. Ta chia sẻ về những thắc mắc trong cuộc đời trong những buổi tập, buổi tu, để nhìn rõ được lời Đức Phật dạy, pháp của Phật Bảo Thành và các bạn đều có thể ứng dụng được trong mọi góc cạnh của cuộc đời, trong mọi hiện tượng sự việc xảy ra trong cuộc đời một cách đúng. Cho nên tu tập sẽ có khả năng thay đổi được tất cả mọi hiện tượng xảy ra cho chúng ta, để vươn lên thành tựu được những kết quả cao hơn, tỏa sáng trong cuộc đời.
Một bạn tu hỏi có một người bạn đi coi bói, lại chuyện coi bói các bạn ơi, thầy bói nói số của anh đa thê có nghĩa là nhiều vợ và thật sự người bạn ấy đã cưới người vợ thứ ba rồi, và câu hỏi là phải chăng cuộc đời của mỗi người đều có số mệnh, đều có định mệnh và phải sống theo số mệnh, định mệnh ấy. Ông thầy bói hình như được trả tiền và người đi coi bói hình như sung sướng bởi lời phán của thầy bói, nên làm theo lấy nhiều vợ. Các bạn có biết không? Hai chữ số mệnh hay định mệnh, lâu lắm rồi khi hình thành sống tập thể có xã hội, có sự tương tác đối với nhau, tất cả những gì chúng ta chưa hiểu thấu, nhìn rõ, đều được mường tượng và xây dựng trên nền tảng của một đấng quyền năng tạo dựng nên chúng ta.
Người cổ xưa lấy thượng đế, dựng lên hình ảnh của thượng đế. Người Ấn Độ xưa thời Đức Phật và trước đó bao nhiêu ngàn năm cũng tạo dựng nên Phạm Thiên tức là thượng đế đó, tạo dựng lên tất cả định mệnh. Cho nên họ đã tạo ra một xã hội có định mệnh ràng buộc 5 tầng lớp loài người của Ấn Độ thời đó. Ai sinh ra thuộc định mệnh nào là không thể thay đổi, làm vua là cứ làm vua mãi thôi, đời này, đời sau sinh ra như vậy, làm nô tì, nô bọc thì cứ nô tì, nô bọc mãi. Và chẳng thể học hỏi, thay đổi định mệnh mà ông trời ấn định, thần linh ấn định, số mệnh, định mệnh đã an bài phải chấp nhận. Do vậy mà những tầng lớp cao họ đọa đày, họ cai trị và họ áp bức những tầng lớp ở dưới, có thể dùng từ nô lệ, người ta đã sống như vậy. Ngày nay những chữ định mệnh, số mệnh, trời đất đặt để rồi vẫn thích ứng đối với thật nhiều người và còn tỏ ra khoái chí, bởi vì hình như ta được chiều chuộng bởi định mệnh. Nếu cứ định mệnh được cho là được hưởng phước, như anh bạn kia được lấy đến ba cô vợ, số nhiều vợ chắc là sẽ có cô vợ thứ tư, thứ năm, thứ sáu. Nếu như anh ấy sống theo quan niệm đó thì thay đổi vợ chẳng khác gì thay đổi áo, bởi thầy bói đã nói số nhiều vợ. Nhưng mấy ai là phụ nữ vui được với người chồng có số nhiều vợ mà thầy bói phán quyết như thế đâu.
Các bạn, định mệnh, số mệnh, hay còn có thể gọi là nghiệp. Ngày nay người ta gọi là nghiệp, nhưng chữ nghiệp, nghiệp quả, nghiệp chướng, nghiệp lực nó không còn thuần túy theo hiểu biết của trí tuệ mà Phật dạy, bởi chúng ta cứ bị lập lờ ở bên ngoài, cho nên biến tướng chữ nghiệp thành định mệnh và số mệnh, để thỏa mãn những điều ta làm theo ý riêng của chúng ta. Không có chuẩn mực, không có đạo đức, không có nề nếp, không có sự cố gắng vươn lên sửa đổi để mang lại hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người yêu thương. Ta buông thả, sai ta cứ làm bởi đã có bảo hiểm của định mệnh, của số mệnh, đã có công ty bảo hiểm của nghiệp. Cứ nói sinh nghiệp, sinh ra là như vậy, cách hiểu như vậy hoàn toàn sai và nếu để cho thầy bói hoặc những ý tưởng định mệnh, số mệnh hoặc nghiệp hiểu theo số mệnh, định mệnh, thì chúng ta đã để cho tâm tham dục, tham ái dẫn dắt, ba con đường khổ mà gọi là tam đồ khổ sẽ là nơi mà ta tới.
Đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ hoặc Kinh A Hàm, nói về đời sống của vợ chồng thật rõ và nghiệp của con người thật rõ. Định mệnh, số mệnh thượng đế an bài hoặc thần linh theo cách nói hồi xưa, mà ngày nay nhiều người vẫn ứng dụng là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, có nghĩa là chúng ta suy nghĩ và hành động là do ta, còn có thành công hay không là do ông trời. Đó cũng là một sự tàng hình của định mệnh, của số mệnh vào câu nói đó để chấp nhận. Và ai đó phạm tội vẫn thỏa mãn cảm xúc tội lỗi, không biết sám hối ăn năn, bởi cho đó là định mệnh ông trời khiến, ta làm sai, ta đổ thừa cho trời, ta làm không đúng kết quả không được ta đổ thừa cho trời.
Đức Phật tới đưa chúng ta về sự suy nghĩ chuẩn mực hơn, rõ hơn, bởi Ngài là đấng giác ngộ, nhìn thấu và nhìn thấy, hiểu được sự thật. Do vậy lời của Ngài dạy cho chúng ta nghiệp không thể hiểu như định mệnh, số mệnh. Nghiệp lực do chúng ta tạo bởi sự suy nghĩ, lời nói và hành động, nghiệp lực đó có hai thể dạng, nghiệp lực thanh tịnh và bất tịnh. Bất tịnh do những lời ác, hành động ác, suy nghĩ ác. Thanh tịnh do những lời, hành động, suy nghĩ thiện. Đơn giản vậy và nghiệp lực là sản phẩm của thân ngữ ý.
Cho nên nếu nói định mệnh, số mệnh thì phải nhớ Đức Phật dạy, hoặc nói nếu nghiệp lực dẫn và nghiệp số phải như vậy phải chịu thì hãy nhớ lời Phật dạy là nghiệp đó do thân ngữ ý tạo, nó là sản phẩm của chúng ta. Cứ cho nó là sản phẩm như một cái máy và cái máy đó đã đưa chúng ta chứ không tạo ra chúng ta, đã đưa chúng ta vào những cảnh giới hiện thời và những môi trường sống hiện thời, đưa chúng ta. Cũng như ta tạo ra xe, xe đưa chúng ta tới chỗ này chỗ kia. Rõ hơn thì nghiệp là sản phẩm phương tiện để đưa chúng ta đi từ cảnh giới này đến cảnh giới kia và nghiệp lực là sản phẩm của ta. Nếu đó là một sản phẩm lỗi, lỗi là một vợ, hai vợ, ba vợ, lỗi là có sự hấp dẫn để lôi kéo những người khác theo cảm xúc đam mê của mình, thì thân ngữ ý của chúng ta nếu được đào tạo, học hỏi có nề nếp, có đức hạnh, suy nghĩ cho đúng, ta nhìn vào sản phẩm lỗi đó ta sẽ sửa chữa. Còn nếu không được học hỏi, không được tu luyện có nề nếp, có đạo đức, có phẩm hạnh hiểu đúng, thì nhìn sản phẩm lỗi cũng chẳng biết mà lại thích thú, ôm ấp. Nhớ rằng nghiệp hay định mệnh, số mệnh đều là sản phẩm của thân ngữ ý do ta tạo ra, ta sản xuất ra, chúng ta làm chủ được, ta có quyền thay đổi.
Bảo Thành có một số Phật tử làm trong các hãng xưởng, hỏi thì các bạn Phật tử đó làm ở trong khâu thẩm định sản phẩm. Khi sản phẩm sản xuất ra, ban thẩm định đó sẽ kiểm tra, thẩm định coi có đạt chuẩn, nếu không thì loại trừ và nhắc nhở khâu sản xuất điều chỉnh lại, để cho thành phẩm đó phải là thành phẩm ưu tú. Đức Phật nhìn thấu được chúng ta có khả năng điều chỉnh những sản phẩm lỗi, để sản xuất ra những sản phẩm ưu tú. Sản phẩm lỗi mang lại phiền não đau khổ cho tự thân và cho tất cả những người sống chung với chúng ta. Sản phẩm chuẩn là sản phẩm mang lại hạnh phúc, an lạc cho mình và cho tất cả mọi người. Thấy được điều đó để biết rằng dù là ẩn tàng trong hai chữ định mệnh, số mệnh hay nghiệp, được hiểu theo số mệnh, định mệnh mà không hiểu thấu, ta phải biết chúng vẫn là sản phẩm của ta, của thân ngữ ý. Và ta nếu được học hỏi có đạo đức, có nề nếp, có sự huân tu để làm chủ và thẩm định được sản phẩm mà ta đang nhìn thấy trong cuộc sống qua quán chiếu, ta điều chỉnh lại. Điều chỉnh lại để cho vợ, cho con được hạnh phúc, điều chỉnh lại để cho ta bớt phiền não.
Cho nên ông nào đó, bạn trai nào đó, đấng mày râu nào đó biến tướng, ẩn hình trong hai chữ định mệnh, số mệnh hoặc là nghiệp chướng để thỏa thích cảm xúc, đi từ cửa này qua cửa kia, nhà này qua nhà kia, phụ nữ này qua phụ nữ kia. Chỉ cần chiêm nghiệm rằng nếu cách sống như vậy là hạnh phúc, là an lạc, không đâu. Nó đâu có hạnh phúc an lạc đâu, phiền não dữ lắm. Có thể thỏa mãn được cảm xúc trong tham dục, ái dục, nhưng sẽ phiền não vô số. Vợ con cũng phiền não đau khổ, người chung quanh cũng phiền não đau khổ. Cô vợ nhất, cô vợ nhì, cô vợ ba, cô vợ bốn, cô vợ đến số mười mấy, tất cả các cô vợ đó đều phiền não đau khổ hết, bởi chẳng ai chấp nhận một người chồng có nhiều vợ.
Đức Phật nhìn thấu điều đó nên có giới thứ ba là không xâm hại, không xâm phạm và có những chuyện hôn phối ngoài luồng. Bởi Ngài nhìn thấy không phải đó là điều phải ngăn cấm, mà Ngài thấy đó là hành vi tạo ra phiền não đau khổ cho mình và cho mọi người. Ngài khuyên chúng ta đừng làm vậy, để chấm dứt tạo ra phiền não đau khổ cho mình và cho những người yêu thương. Đây là cái nhìn thấu chân lý thật rõ, thật đơn giản, là một nhận thức cao để ta có những hành vi, suy nghĩ, lời nói chuẩn mực, để làm chủ bản thân của mình, để hạnh phúc bình an thôi. Còn nếu bạn muốn đau khổ phiền não thì đó là quyền tự do của bạn Phật không ép, bởi đây là chân lý nhìn thấu của một bậc giác ngộ, khuyên và dạy cho chúng ta. Trả lời cho rõ thì đó không phải là định mệnh, số mệnh hoặc là nghiệp, khi một người được thầy bói cho là đa thê nhiều vợ, sống theo cách đó là sai.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy, người có nề nếp đạo đức, tu tập, có phẩm hạnh, sống trân quý mạng đời mong manh ngắn ngủi và luôn luôn mong cầu hạnh phúc. Thì chẳng bao giờ làm những chuyện đau lòng người khác, tạo phiền não cho chính mình. Những người học hỏi tu như vậy dù tạo ra những lầm lỗi nhỏ, không có nghiệp và chẳng trổ quả đau khổ cho kiếp sau. Còn những ai không sống có nề nếp, không tu tập, chẳng hiểu được đạo đức, sống buông tuồng thả cửa, thì những người ấy dù tạo ra những lỗi lầm thật nhỏ cũng gây ra quả của nghiệp chướng vô số của đời sau. Người ta hỏi tại sao? Đức Phật dạy nếu người lấy một muỗng muối đổ vào chén nước, bát nước, thì nhất định khi ngoáy lên uống, cái bát, chén đó, ly nước đó sẽ mặn dữ lắm. Tại sao nó mặn? Mặn là bởi vì những ai có lòng không được huân tu, có tâm không nề nếp, đạo đức, cố gắng vươn lên sống chuẩn mực, thì lòng của họ, tâm của họ nhỏ như cái bát, cái chén, ly nước. Một lầm lỗi nhỏ, một chút muối rất mặn, mặn chát. Nhưng người sống nề nếp, có chuẩn mực, đạo hạnh tu tập, hiểu thấu thì như muỗng muối kia thả xuống sông Hằng, tức là dòng sông, muỗng muối đó không làm cho dòng sông mặn.
Y như thế, người được tu, được hiểu, sống có phẩm hạnh, đạo đức, nề nếp, chuẩn mực, hiểu thấu. Thì dù lầm lỗi thật nhỏ họ biết dừng, biết sám hối, biết chuyển hóa thì chẳng trổ ra quả phiền não đau khổ ngay kiếp này và kiếp sau, đúng! Bạn đã lầm lỗi một lần, nếu bạn có nề nếp, có đạo đức, có sự tu tập, sự hiểu thấu lời Phật dạy, thì không dựa dẫm trên hai chữ định mệnh, số mệnh, nghiệp của tôi để thỏa mãn cảm xúc, đùa giỡn hết cô này đến cô kia, đau lòng tất cả các phụ nữ đó và đau đớn khôn cùng cho người vợ ở nhà. Đặc biệt hơn bạn đang tổn phước báu, phạm giới thứ ba, có nghĩa là bạn đang làm sai đối với bạn, chứ không phải phạm luật đối với Phật để Phật trừng phạt, thần linh trừng phạt. Nhưng bạn đang làm sai, tổn hại và làm mất đi hạnh phúc an lạc cho chính mình.
Bạn hãy suy nghĩ và dừng lại, nên sống có nề nếp, sống có chuẩn mực, đừng để thầy bói dẫn dắt mà hãy để trí tuệ sáng suốt, nhìn thấu, hiểu được và nhận diện ra cô vợ hai, cô vợ ba, cô vợ bốn, cô vợ nhiều nhiều số mà do số mệnh, định mệnh hay nghiệp mà thầy bói nói, là sản phẩm lỗi của thiếu trí tuệ, là sản phẩm lỗi của không nhìn thấu và hiểu rõ và đó là sản phẩm của ta. Ta sản xuất ra chúng, thẩm định sai, có lỗi phải sửa. Người thấy lỗi, nhận ra lỗi mà sửa thì người ấy sống thoát khỏi hai chữ định mệnh, số mệnh, nghiệp chướng như cách hiểu lầm. Và thoát khỏi sự dẫn dắt của thầy bói, của những sách giáo điều, lời truyền lại sai trái của những vị chưa phải là bậc giác ngộ như Phật, khuyên tất cả những tư tưởng, suy nghĩ, dẫn dắt theo kiểu thầy bói mà các bạn đang lạm dụng từ đó để thỏa mãn cảm xúc của mình và đày đọa người yêu thương của mình. Phải dừng ngay và nhớ rằng tấm lòng nhỏ bé của bạn sẽ mặn chát, phiền não và đau khổ như muỗng muối đổ vào ly nước, hoặc chén nước, hoặc bát nước.
Hãy tu tập có nề nếp, đạo đức, phẩm hạnh rõ ràng như Phật dạy, để lòng của bạn rộng lớn thênh thang, để lỡ một lầm lỗi xảy ra trong cuộc đời cũng như một muỗng muối đổ xuống sông. Ai ở trên đời này hoàn hảo đâu, cũng có lầm lỗi mà, nhưng ít nhất ta phải sống rộng, có nề nếp, đạo đức, có trí tuệ hiểu thấu, tôn trọng trong sự công bằng, đối xử với tình nghĩa mà đã kết thân nên vợ nên chồng. Đừng để sự dẫn dắt sai trái ở bên ngoài mà mình vùi đầu vào trong vô minh đen tối, tạo phiền não đau khổ cho mình và những người khác. Cho nên trả lời gọn đó chẳng phải là định mệnh, số mệnh hay nghiệp chướng, mà đó là sản phẩm lỗi của người thiếu trí tuệ. Hãy thêm một chút cho nó nặng hơn, tức là đó là sản phẩm lỗi của người đắm chìm trong tham dục, không làm chủ được bản thân, nên mượn danh định mệnh, số mệnh và nghiệp chướng, nghiệp quả của mình để tiếp tục làm sai mà không biết sám hối, hối cãi. Những bạn như vậy phiền não, đau khổ chồng chất và kết quả của đời sống là gì các bạn đều thấu rõ hết.
Những ngày cuối năm này sự lầm lỗi, sự sai phạm chỉ có thể không trổ quả trong những ngày tháng tới hoặc kiếp tới, nếu như các bạn mà Bảo Thành biết sống có nề nếp, đạo đức chuẩn mực, tu tập để tâm của mình, để lòng của mình rộng như dòng sông, để một chút lỗi lầm lỡ xảy ra không trổ quả xấu. Và nếu tâm rộng, lòng rộng bởi nề nếp, đạo đức với sự tu tập, thì nhất định dần dần ta sẽ biết dừng và ngừng hẳn những lỗi lầm dù rất nhỏ. Sẽ tăng trưởng những việc rất bé, nhưng là thiện lành để mang lại hạnh phúc cho nhau. Chúc tất cả mọi người biết dừng lại những điều sai, nhận thức thật rõ, đừng lập lờ giữa số mệnh định, mệnh và biến tướng nghiệp phải chịu đồng nghĩa với định mệnh, số mệnh. Nếu như vậy là đã sai và hiểu không đúng lời của Phật, tạo nghiệp, khổ và phiền não. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Ngài là bậc Tỉnh giác, là bậc Trí tuệ và đầy lòng yêu thương muôn loài. Chúng con nhận Ngài là Thầy, xin khai trí và đánh thức chúng con. Xin ban rải tình yêu thương xuống với chúng con, để chúng con biết trân quý vợ, con, gia đình, trân quý những điều chúng con đang có, sống có nề nếp căn bản trong đạo đức, sống có tu tập để chuyển hóa những sai lầm. Ngõ hầu mang lại sự an lạc hạnh phúc cho nhau trong những ngày cuối năm này, để khi năm mới tới trổ những quả xinh tươi, hạnh phúc cho gia đình.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ chậm như con rùa, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)