Search

3171. Làm ăn chung, Cha giành phần nhiều, cãi nhau, Cha nguyền rủa con, con từ Cha, Cha mất không về…

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh Youtube, Facebook và các phòng Zoom.

Giờ tu tới rồi, kính mời các bạn chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn tự lực đứng dậy, miên mật tu luyện mật thiền chánh pháp hơi thở, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi trong trạng thái buông thư với tư thế phù hợp với cơ địa của mình. Tay phải đặt vào lòng bàn tay trái, nhẹ nhàng, thong thả, tự tại, khoan dung. Lưng, cổ và đầu giữ cho thẳng nhưng buông thư, ngồi mềm mại nhưng vững chãi. Chúng ta hãy nhớ Đức Phật nhắc rằng, hãy lấy Trí Tuệ để làm sự nghiệp tầm cầu sự giải thoát, lấy tình thương để nuôi dưỡng và lan tỏa sự ấm áp tới cho muôn loài. Trong mật thiền hơi thở vào ra chậm rãi buông thư, chậm như rùa, khi hít vào chúng ta hít vào bằng mũi và phình bụng một cách rất chậm tùy sức của mình, khi thở ra ta hóp bụng vào cũng rất từ từ theo sức của mình, thở bằng miệng đồng thanh trong mật ngôn. Ba mật ngôn ta trì khi thở ra là mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, chữ quán có thể dịch đơn giản là kích hoạt tâm Từ Bi, mật ngôn số 2 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là thắp sáng Trí Tuệ, mật ngôn số 3 Ma Sa Ốp Uê có nghĩa sống đời Tỉnh Giác. Ba mật ngôn này giúp cho chúng ta kích hoạt được năng lượng từ bi yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ và sống trong sự tỉnh giác, rất hữu ích cho thân tâm và cho sự sống của tâm linh. Hãy bắt đầu để tiếp nhận năng lượng gắn kết với Phật, chư Bồ Tát.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác tiếp nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn thân mến! Từ khi chúng ta sinh ra cho tới hơi thở cuối cùng của cuộc đời, 100 năm, 90 năm, 80 hay số năm ta hưởng dương trên cuộc đời này có ngắn có dài. Nhưng có nhiều sự việc ta phải lặp đi, lặp lại mỗi một ngày, để bảo tồn sự sống của mình cho tới phút cuối, có chuyện bỏ, chuyện quên, chuyện không cần, chuyện không muốn làm. Nhưng có những chuyện không thể bỏ, không thể quên và phải làm, đó chính là sự ăn uống. Đây là định luật và là chân lý bảo tồn sự sống. Nếu ăn và uống phải lặp đi lặp lại mỗi một ngày trong suốt đời để nuôi thân, thì sự học hỏi, tăng trưởng kiến thức để nuôi tâm không thể thiếu sự tu luyện để dưỡng phần tâm linh của mình. Thật rõ, đầu tư cho thân mà quên tâm, quên đời sống tâm linh, để có thân hoặc tinh thần mà không có tâm, tâm linh thiếu sót.

Chúng ta, các bạn tu có những nhân duyên vi diệu, hiểu thấu được điều ấy nên mình cùng nhau mỗi một ngày đồng tu. Chúng ta đồng tu thật sự mỗi một ngày trên các trang mạng thông tin như YouTube, livestream của Facebook, nay đến phòng zoom, để có thể nhìn thấy nhau, san sẻ và tiếp hiện đuốc tuệ, năng lượng tình thương, giữ sự tỉnh giác trong mỗi một ngày. Dù chúng ta sống ở một phương trời khác biệt, không gặp nhau trực diện mặt đối mặt bằng thân tướng bình thường, nhưng trực tiếp mặt đối mặt, tâm nhìn tâm qua tâm ảnh của các phương tiện truyền thông. Gần ba năm rồi khi mùa dịch bắt đầu cho tới nay, Bảo Thành và các bạn có nhân duyên đã mang tâm huyết, gắn kết với nhau qua sự đồng tu mỗi một ngày trong sự phát nguyện. Có nhiều sự bận rộn ta bỏ một vài ngày, nhưng chẳng bỏ nguyên tuần, vẫn tiếp tục tu. Trên zoom hiện tại các bạn tới với tâm thái thong dong, Bảo Thành nhìn được các bạn, thấy được các bạn đó là diễm phúc của đời người, bởi Bảo Thành còn có cơ hội để san sẻ khi tiếp nhận năng lượng vi diệu, yêu thương, trí tuệ, tỉnh giác của Phật, Bồ Tát tới các bạn và chúng ta đều san sẻ cho nhau như một vòng tròn khép kín, tận mãi trong không gian mênh mông không bờ không bến. Sự tu tập miên mật như vậy để thấy rằng dù rất ít, nửa tiếng, một tiếng, 5 phút hay chỉ một thoáng qua để gặp gỡ trên không gian mạng có lợi ích vô cùng.

Đừng bao giờ để cho cuộc đời chỉ lo cơm ăn áo mặc và sự thỏa mãn cảm xúc của tinh thần, bào mòn, chôn vùi, lấp ta vào lòng đất, chẳng có một giây phút cho đời sống tâm linh. Nhắc nhở để mỗi người chúng ta thấy giá trị của đời sống tâm linh, sống trong yêu thương, trong sự sáng suốt, trong sự tỉnh thức là nền tảng của muôn sự sống. Chẳng phải cần phải theo và tin một tôn giáo nào, chỉ cần nhìn rõ đời sống này mong manh dễ vỡ, tới đi vô thường, để chăm sóc cho đời sống tâm linh, có lợi lạc cho thể chất và tinh thần, đồng bộ 3 trong 1. Để hưởng nguồn suối an vui hạnh phúc, tắm gội những dơ bẩn của ác nghiệp, tạo ra năng lượng tiêu cực bất tịnh nhiều đời nay còn vướng mắc trong ta. Các bạn, nên như thế và hãy tự sách tấn mình, lan tỏa sự tinh tấn, nỗ lực này tới các người thân trong gia đình, tới những người bạn có nhân duyên, tới cộng đồng và xã hội. Hãy mở và trải lòng ra, lan tỏa hương thơm của đức hạnh, của giới hạnh, của sự tu tập. Ai đó trong vòm trời này nếu như một thoáng qua nhìn thấy phát tâm tu hoặc tiếp hiện năng lượng vi diệu được dù một giây, một khắc, cũng là những chủng tử, những cái nhân, những mầm tốt cho cuộc đời của họ, đừng ngừng nghỉ lan tỏa.

Bạn đồng tu hỏi rằng có làm ăn chung với người cha của mình, nhưng cha lại dành phần nhiều tức là lấy tiền nhiều hơn, phần lời nhiều hơn. Cha con cãi vã nhau trong sự tranh giành đó, rồi cha nguyền rủa con là bất hiếu, con cũng chẳng vừa từ luôn cha của mình, từ bỏ. Đến khi cha mất sự giận dữ cũng chưa nguôi nên chẳng về, chẳng về viếng thăm cha trong ngày cha mất và chôn cất. Nay cảm thấy hối hận, buồn nhưng không biết rằng sự hối hận, buồn đó có làm cha tái sanh cảnh làm người hay không? Đó là trọn vẹn câu hỏi

Các bạn! Mở đầu buổi tu tập ngày hôm nay, Bảo Thành mở một bài hát trong khi chờ đợi các bạn vào do ca nhạc sĩ Bảo Nghy sáng tác. Nội dung là khi cha mất rồi trở về ngôi nhà thuở xưa mình sinh ra và được nuôi nấng, giáo dưỡng, dạy dỗ, ngôi nhà đó đã hoang vắng bởi cha đã đi. Các bạn, ông bà, ca dao của người Việt mình nói về đạo nhân, công cha như núi thái sơn. Chỉ câu này, phận làm con cả đời dù mang thân mạng này báo đáp hết cho cha, dù mang hết của cải, tiền tài dâng hiến hết cho cha cũng chẳng thể đền bù được công sinh thành của cha như núi lớn lắm, đó là ca dao. Đức Phật dạy về đạo hiếu phải hiếu kính cha mẹ, thực hiện được phước báu vô cùng, công đức cũng lớn như núi. Nói tới vấn đề ngang trái trong đời giữa tình cha con, mẹ con, xã hội nữa, ở trong những tình huống đó nếu không có công hạnh tu tập một cách sáng suốt và điềm tĩnh, vững chãi, mang sở học tu luyện đức hạnh của mình, chuyển hóa để đương đầu. Thì nhất định Bảo Thành và các bạn là con người sẽ bị lôi cuốn vào vòng xoáy của lợi nhuận, của hơn thua, của tranh giành vì đã để cho tâm tham bao trùm tư tưởng, quyết định sự suy nghĩ, phán quyết hành động, không phù hợp trong sự chia sẻ phần lời của doanh thu, của làm ăn, của chung chạ, của tất cả. Không nói đến cha con, nói đến mọi hoàn cảnh thì nhất định tâm sân trỗi dậy, cãi nhau, nguyền rủa nhau và từ bỏ nhau là chuyện thường xảy ra trong xã hội của loài người và xã hội của mọi loài sinh sống trên hành tinh này.

Các bạn, ta đồng tu trong giáo pháp của Đức Phật, nhưng hãy nhớ giáo pháp của Đức Phật là con đường chân lý, không phải chỉ cho những người theo học tôn giáo gọi là Phật giáo. Dù bạn định nghĩa Phật giáo như thế nào không quan trọng, nhưng con đường chân lý để hướng dẫn cho ta từ bậc giác ngộ, là con đường chung của tất cả nhân loại, của tất cả mọi loại chúng sanh, tất cả là của cha, là của mẹ, là của con cái, cháu chắt, là của người này đối xử với người kia, là của bạn bè, là của xã hội, của văn phòng, của công xưởng. Cái chữ gọi là nhân loại đối xử với nhau nếu biết ứng dụng lời Phật vào, tình cha con, tình mẹ con, tình bạn bè, tình loài người nhân loại, nghĩa thâm sâu, biết tri ân, biết san sẻ, biết bàn thảo, biết nói và đối xử với nhau đúng như lời Phật dạy, hạnh phúc, hạnh phúc. Chẳng bao giờ từ nhau đâu, ta mất quân bằng trong tư tưởng, ta mất đi sự thăng bằng trong suy nghĩ, hành động, nên đời nhiều nỗi đắng cay. Bảo Thành và các bạn đời này hoặc đời trước và trong tương lai cũng sẽ phạm vào những điều như vậy, nếu không cẩn trọng suy nghĩ mà ứng dụng.

Các bạn, đầu tiên chúng ta nói tới Đức Phật dạy phải bình đẳng, chữ bình đẳng ở đây là bình đẳng giữa Phật, Bồ Tát và mọi chúng sanh, trong đó có loài người. Phật chẳng cao hơn ta, chẳng thấp hơn ta, Bồ Tát cũng vậy, rất bình đẳng. Một bậc giác ngộ lại khai thị, truyền dạy và nhắc nhở chúng sanh, mọi người phải sống bình đẳng. Chỉ hai chữ bình đẳng là chân lý, vượt ngoài biên giới của những tôn giáo được đặt là cao siêu. Bình đẳng suy ngẫm ta thấy cao siêu vô cùng, Phật đối với chúng ta, các bạn đồng tu đây bình đẳng, Bồ Tát cũng vậy. Huống hồ gì cha lại không thể đối xử với con bình đẳng, trong khi những người làm con luôn kính ngưỡng tới cha. Công đức sinh thành như núi, hy sinh cả đời, nỡ lòng nào những người cha hiểu thấu lý này lại quên lời Phật, đối xử không công bằng với con. Công bằng là mấu chốt để sống an lạc, nếu cha không công bằng trong sự phân chia lợi nhuận, sao con lại không thể nhớ công cha như núi, để ít nhất cũng công bằng với cha trong cách đối xử, mà lại cãi vã, tranh đấu, đi tới chỗ tuyệt tình, từ bỏ nhau.

Có bốn chữ ghép vào trong sự công bằng rất hay Bảo Thành rất thích, gọi là nhân đức công bằng, sự công bằng là nhân để tạo phúc đức. Nếu cha đối với con trong sự công bằng thì đó chính là nhân tốt để vun trồng, để phát triển, để hưởng được phúc đức đời đời. Nếu như con biết đối xử với cha trong sự công bằng, đối xử trong sự công bằng nhìn thấu thì đó tạo được nhân đức, tạo được nhân để có đức. Cha có đức đối xử công bằng với con, con có đức đối xử công bằng với cha trong ngôn ngữ, trong xử tế, để không từ bỏ giữa tình cha, tình con thì tạo được nhân đức. Mà người xưa nói có đức mặc sức mà ăn, có chi đâu một phần nho nhỏ cha dành cho cha, mà dù cha có dành cho cha đi nữa thì điều ấy cũng là cội đức nếu ta biết nhường. Công cha như núi, giành phần nhiều hơn một chút thì công đức mà cha nuôi mình đó, lớn như núi kia trả sao hết được, trả sao hết được, không thể trả hết được. Do vậy mà sự thêm một chút, bớt một chút là rất bình thường. Lùi một bước trời cao đất rộng, nhường một chút cho con là công đức vô lượng, nhường 10 bước cho cha là nhân đức vô tận, công cha mà.

Bảo Thành cứ suy ngẫm hoài trong cuộc đời về chữ công bằng qua thuật ngữ Phật Pháp, là bình đẳng và thích chữ nhân đức công bằng, rất công bằng. Chúng ta có thể thực tập sự công bằng này và sẽ thực tập được sự công bằng này, không cần biết ngôi vị của mình là cha hay con, là giám đốc hay là công nhân, là tổng thống hay dân đen. Chỉ cần ở nơi phẩm vị, danh vị, phẩm trạch, quyền được hưởng hay không không quan trọng, thấu được chữ nhân đức công bằng thì ta sẽ gia công đối xử với nhau bằng sự bình đẳng, công bằng bởi đó là nhân đức của cuộc sống. Có đức mặc sức mà ăn, thiếu một chút, dư một chút, nhưng thiếu đức thì thiếu cả đời, dư cũng chẳng có. Nhưng có đức, thiếu nhiều phần thì mặc sức ăn, đức rất quan trọng, nhân đức trong sự công bằng.

Bạn ơi! Thôi chuyện đã rồi, mình đã giận cha, mình đã từ cha, nhưng rất tiếc ngày cha mất sự giận dữ và sự từ bỏ cha chẳng nguôi trong lòng, bạn không về thăm viếng cha đó là lỗi lầm lớn nhất trong đời người. Người ta nói giận gì đi nữa phút cuối cuộc đời của những người yêu thương ta phải bỏ qua hết để về. Nếu ở trên đời này ta tới chùa cúng kiến tiền tài vô số, của cải đầy hết, tu ngày này qua ngày kia, đi lễ, đi chùa, tụng kinh, bái xám, sám hối… nhưng không thể tha thứ và hòa giải, thì những điều kia chẳng qua chỉ là khua chuông gõ mõ, trống rỗng kêu to, không là gì hết. Hòa giải, tha thứ cho nhau là phẩm vật cao quý nhất để cúng lên Phật, Bồ Tát, để dâng lên trời đất, đấng mình tôn thờ, lễ vật hòa giải cao quý vô cùng. Hòa giải khi còn sống cao quý tột cùng, hòa giải sau khi cãi vã, từ bỏ nhau còn cao quý hơn, hòa giải ngay chỗ sự tranh giành, cáu giận nó xảy ra, hòa giải khi bắt đầu mất công bằng khởi lên trong tâm, tuyệt vời lắm. Và sự hòa giải khi người thân đã mất rất cần, không phải cho người mất được tái sanh làm người hay tái sanh cảnh lành, mà cho chính chúng ta được sống trở lại trong cái quyền đối xử bình đẳng để có công đức, có nhân đức công bằng cho chính mình và cho người đã mất.

Các bạn, sự hòa giải rất cao trọng, nếu bạn sám hối hãy nhớ đến Phật giáo có Kinh Dược Sư, có Đức Phật Dược Sư là Lưu Ly Quang Vương Phật, tức là vị Phật có ánh sáng như lưu ly để soi dẫn người lầm lạc trong bóng tối, nơi sự chết luân hồi đau khổ hay còn sống trong kiếp người thấy rõ để hòa giải. Cho nên chúng ta muốn giải mọi oan khiết trong cuộc đời thường tới với Đức Phật Dược Sư, bởi Ngài là thân lưu ly trí tuệ sáng và trong kinh dược sư tóm gọn mọi lời dạy của Phật là phải biết hòa giải, phải biết giải mọi oan khiết qua sự sám hối, sự ăn năn và hành những pháp thiện, hồi hướng cho người đã mất và tích đức cho bản thân. Cải hóa cách sống để nhận định công đức công bằng luôn được đối xử bình đẳng dưới mọi dạng, hoàn cảnh đối với mọi người trong xã hội, trong gia đình. Nếu bạn làm được điều ấy rồi, nếu bạn biết sám hối và hành các pháp thiện, thật sự giải mọi oan khiết trong lời nguyện ước của mình hoặc lời tâm sự với Phật, với Bồ Tát “Thưa Phật, thưa Bồ Tát, xin hãy chứng minh, xin hãy làm chứng cho con, con xin sám hối, con xin ăn năn, bởi khi xưa còn sống con và cha có sự tranh giành để từ bỏ nhau, khi cha mất con không về thăm, nay hối hận con xin sám hối và nguyện tu luyện theo Ngài Dược Sư để tâm được sáng. Nguyện phóng sanh, nguyện làm các pháp thiện và hồi hướng tất cả mọi công đức cho cha”.

Quyết tâm như thế, lời tâm sự nhẹ nhàng vậy, không cần phải sáng tác văn tự sám hối, không cần phải chiết xuất những bài kinh hay đọc những điều mình sám hối mình đọc, không phải tụng đọc cho Phật hay, cho Phật nghe, Bồ Tát hay, Bồ Tát nghe, để rồi Bồ Tát giúp ta giải tỏa, giải khiết, không. Hãy giản dị trong ngôn ngữ, mộc mạc trong đối xử, trung thực trong mọi hành động và tới với nhau chân tình. Bảo Thành không có văn tự nhiều trong khi tới với Phật và Bồ Tát, vì các đấng đó là Thầy, mọi bế tắc thường tới và nói đơn giản “Phật ơi! Bồ Tát ơi! Con như vậy, con như kia, con muốn thay đổi cuộc đời, xin hỗ trợ con qua lời dạy của Ngài để con hiểu thấu và thực hành”. Đơn giản vậy, nếu bạn có thể nói những lời tâm sự thẳng với Phật, với Bồ Tát để các Ngài chứng minh như Bảo Thành vừa gợi ý, theo những ngôn từ bình dị nhất khởi lên từ trái tim biết thống hối, biết ăn năn, biết nhận ra cái sai và hiểu thấu nhân đức công bằng, lại hiểu thêm công cha như núi thái sơn, thì bạn thật sự đã tạo được vô vàn phước báu hồi hướng cho cha.

Sự hòa giải trong tâm nguyện như vậy, dù cha đã sinh vào bất cứ một cảnh giới nào trong lục đạo luân hồi, thì cha đều tiếp hiện được năng lượng vi diệu của bạn, do công hạnh tu sám hối. Để cuộc hành trình đi vào kiếp sau trong sự tái sinh đã rồi, đều được an lành và có sự trợ duyên trong sự hòa giải ấy, và gia trì của Ngài Dược Sư, của chư Phật, Bồ Tát mười phương, cha của mình, người thân của mình sẽ gặp được Phật – Pháp – Tăng, sẽ sanh vào cảnh thiện lành. Chỉ cần sanh vào cảnh giới thiện lành và gặp được Phật – Pháp – Tăng thì dù là người, là thú, là trời, là thần, là địa ngục, là ngạ quỷ, là súc sanh. Thì trong sáu nẻo luân hồi đó nếu có nhân duyên gặp được Phật – Pháp – Tăng và trong cảnh giới thiện lành đó các bạn sẽ được an lạc mà thôi. Hãy nhớ trong địa ngục cũng có Bồ Tát Địa Tạng, mọi cảnh giới đều có Phật và chư vị Bồ Tát, chỉ cần khi tái sanh đón nhận được năng lượng hòa giải của nhau, chúc phúc cho nhau, hồi hướng cho nhau thì tái sanh vào cảnh giới nào cũng sẽ hưởng được sự lành thiện, gặp Phật – Pháp – Tăng. Căn cứ vào câu mọi loài chúng sanh đều bình đẳng tính trí, tánh Phật, trí Phật, thì sinh ra trong ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh hay loài nào đi nữa cũng đều bình đẳng bởi trí Phật và tánh Phật. Chỉ cần ở trong mọi cảnh giới đó có lành thiện nơi tâm và được gặp Phật – Pháp – Tăng là gặp được cơ hội truyền đăng, tiếp hiện năng lượng để tái sanh trong mọi nẻo luân hồi với tâm an lạc, rồi đi đến sự tấn tu mà giải thoát cho bản thân.

Đó là sự chia sẻ và mong rằng bạn nắm thật rõ điều này, chúng ta và mọi người hãy nhớ, hiểu được chữ nhân đức công bằng, công bằng đối xử với nhau không phân biệt phận người. Chư Phật còn đối xử với mọi loài công bằng trong suốt bình đẳng, nên nếu có làm ăn chung chạ giữa tình cha con, vợ chồng, người thân trong gia đình hay người ngoài, mọi người làm ăn chung hãy nhớ phải đối xử công bằng với nhau một cách rành mạch, rõ ràng để tránh tâm sân giận trỗi dậy quá mạnh mà từ bỏ nhau. Để khi người thân hoặc người làm ăn chung đã mất, mà không thể về tha thứ cho nhau sẽ là hối hận ngàn đời và trở thành tội nhân đối với tình yêu thương. Công bằng tạo được nhân đức, có đức mặc sức mà ăn, bon chen chi một chén cơm, chén cháo, tính toán chi một vài xu, vài cắc để dành phần hơn. Có đức mặc sức mà ăn, công bằng được đối xử thì nhân đức là nhân tạo ra phúc đức đời đời kiếp kiếp, ăn hoài không hết. Lỡ đã lầm thì sám hối, lỡ lầm lỡ thì giải, hòa giải đi, đừng đợi đến phút chót như bạn mình đây cha chết không về, cha mất không tiễn đưa, thật đau lòng, nhưng đã xong. Hãy sám hối, hãy thống hối và sự hồi hướng công đức nơi pháp thiện lành của sự sám hối, thống hối rõ ràng. Bạn hãy nhớ cha của bạn sẽ đón nhận được công đức ấy mà tái sanh vào cảnh thiện lành, gặp được Phật – Pháp – Tăng và nhất định nói theo câu người xưa nơi chính suối cha sẽ mỉm cười hoan hỷ vô cùng, bởi đã hòa giải được với con cái của chính mình. Các bạn ơi, chúng ta trở về với hơi thở của chánh niệm nha.

Thưa Phật! Sống giữa cuộc đời bon chen, tranh đua, hơn thua dù chỉ một chút, làm mất đi tình cha mẹ con cái, thân bằng quyến thuộc, huynh đệ tỷ muội, anh chị em, bạn bè. Xin gia trì cho chúng con hiểu thấu được nhân đức công bằng, để đối xử với nhau trong muôn mặt của cuộc đời, để luôn luôn biết hòa giải kịp thời, để giữ vững sự thăng bằng của tâm sáng. Mang yêu thương vào nơi tối tăm khó nghèo, mang ánh sáng trí tuệ soi vào nơi cùng uẩn và mang sự tỉnh giác tới với muôn hoàn cảnh, để chúng con luôn biết đối xử với nhau trong nhân đức công bằng.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, quán chiếu thân tâm, tổng Trì mật ngôn Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, tiếp nhận năng lượng, thành tâm sám hối, thống hối và hồi hướng cho tất cả những người yêu thương đã mất. Nguyện xin giải kiết và hòa giải mọi sự đã xảy ra ở trong đời.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn